BỘ BA DUYÊN NỢ TRẦN ĐỘ, NGUYÊN NGỌC, NGUYỄN HUY THIỆP
Tôi vừa viết về Bảo Ninh do tin nhắn của một số bạn đọc bất bình trước những sự ca ngợi Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp. Viết về Bảo Ninh thì không thể không nhớ Nguyên Ngọc, mà nhớ Nguyên Ngọc thì lại phải nhớ Trần Độ và Nguyễn Huy Thiệp. Vậy hôm nay tôi đăng lại mấy ý đã viết về bộ ba đầy duyên nợ này.
Nguyên Ngọc từng được giao làm Bí thư Đảng Đoàn Hội Nhà Văn VN, một trọng trách lãnh đạo văn chương. Đó chính là đỉnh cao trên quan lộ của ông. Chắc là dấu ấn đậm nhất nên trong bài “Hy vọng gì”, ông ta kể:
“… đầu năm 1979, tôi được điều về làm việc ở Hội Nhà Văn Việt Nam. Anh Độ (Trần Độ) bấy giờ là Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương. Một hôm anh bảo tôi sang chỗ anh chơi …Anh Độ ngồi im một lúc, rồi nói, chậm rãi: “… trong nghệ thuật thường vẫn vậy, muốn có đỉnh cao mới thì bao giờ cũng phải có trường phái mới …, cậu nghĩ coi, có đúng không?”… Ý kiến của anh khiến tôi giật mình, kinh ngạc. Không ngờ anh tinh tế, sâu sắc, thậm chí cũng có thể nói uyên bác đến thế… Cho đến nay tôi vẫn nghĩ chúng ta đã bỏ mất một người lãnh đạo văn nghệ giỏi nhất, hay nhất, tốt nhất mà ta đã từng có thể có. Bao giờ mới tìm lại được một người như vậy?”
Cái ý Trần Độ “muốn có đỉnh cao mới thì bao giờ cũng phải có trường phái mới”, theo tôi (Đông La), thực ra không đúng so với thực tế. Những nhà văn vĩ đại như Dostoyevsky, Márquez, v.v… họ chỉ sáng tác theo “trường phái” của chính họ chứ không phải chạy theo các trường phái hình thức đã tự tôn lên thành các chủ nghĩa như Tượng trưng, Siêu thực, Hậu hiện đại; Tân hình thức; v.v… Vậy mà Nguyên Ngọc lại “giật mình, kinh ngạc…” chứng tỏ Nguyên Ngọc có tính bốc đồng, nhận thức đầy cảm tính, phi thực tế.
Trần Độ, vị tướng xông pha trận mạc, khi được giao lãnh đạo lĩnh vực văn hóa văn nghệ, ông đã cho ra “Nghị quyết 05”:
“… Nền văn hóa mới Việt Nam xây dựng trên cơ sở những nguyên tắc của chủ nghĩa Mác-Lênin là một nền văn hóa xã hội chủ nghĩa đậm đà bản sắc dân tộc … do Đảng lãnh đạo … Làm thất bại âm mưu và hoạt động của các thế lực thù địch …”
Về lý thuyết, rõ ràng Trần Độ đã làm quá tốt. Chính vì thế TBT Nguyễn Văn Linh mới ủng hộ ông hết mình. Còn Nguyên Ngọc, dưới trướng của Trần Độ, khi được giao trọng trách cũng đã đưa “Bản đề dẫn” cũng lại quá hay! Trong cuộc gặp nổi tiếng với TBT Nguyễn Văn Linh để “cởi trói” văn nghệ, Nguyên Ngọc nói: “nghệ thuật giữ cho con người không sa xuống thành con vật” và “Cái cốt lõi của văn nghệ là tính nhân đạo”. Tiếc là khi triển khai vào thực tế thì giữa “lời nói” và “việc làm” lại ngược nhau.
***
Tôi bước vào làng văn khi gặp Nhà Thơ Anh Thơ vào 9-1982, đã làm bài thơ “chính quy” đầu tiên rồi được đăng báo Văn nghệ chính trong giai đoạn Nguyên Ngọc phất cờ đổi mới văn chương. Lang thang trên mạng thế nào lại gặp cái ảnh chụp bà đứng sát bên ĐT Võ Nguyên Giáp (xem ảnh).
Nguyên Ngọc đã cho đăng bài của Nguyễn Minh Châu “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh hoạ”, tạo nên cái không khí Hồng vệ binh “lật đổ các thần tượng đã rữa nát” hồi ấy. Không ngờ mấy chục năm sau ở Ukraina lại có phong trào “lật đổ” y như theo tinh thần của Nguyên Ngọc. Họ đã đập phá tượng đài Lenin, tượng đài các chiến sĩ Xô viết, tượng đài Oxtoropxky, tác giả Thép đã tôi thế đấy, đốt sách tiếng Nga. Đỉnh cao của sự phản trắc tàn bạo là sự kiện Maidam, tại thành phố cảng Odetxa, bọn phát xít mới đã dồn những người Nga vào một nơi rồi phun ga thiêu cho chết cháy hết.
Rất may, sự đổi mới văn chương của Nguyên Ngọc không thành công như đổi mới chính trị ở Ukraina, ông ta đã bị phê phán, bị mất chức, rồi trở thành kẻ bên lề, chống đối hung hãn.
Dù vậy, với cương vị TBT tờ Văn nghệ, Nguyên Ngọc đã khai sinh ra được một tên tuổi mới chính là Nguyễn Huy Thiệp. Thiệp đã viết một loạt truyện ngắn mà truyện "Phẩm tiết" chính là một trong những yếu tố khiến Trần Độ bị kỷ luật! Trong truyện này, NHT đã miêu tả Vua Quang Trung như một tay du côn và cho Nguyễn Ánh mới là nòi vương giả. Nhà văn Mai Ngữ đã cho NHT lăng nhục cha ông tổ tiên mình. NHT (bản gốc) cũng dùng tài văn “nhét c. vào mồm thằng Khải (ám chỉ Nguyễn Khải) tài như cái đấu” mà dám chê tiệc của vua nhạt và “xẻo d. thằng Thi (ám chỉ Nguyễn Đình Thi)” xem có còn dê được không? Nguyên Ngọc khi cho đăng những truyện của Nguyễn Huy Thiệp đã bất chấp tuyên bố của mình: “nghệ thuật giữ cho con người không sa xuống thành con vật” và “Cái cốt lõi của văn nghệ là tính nhân đạo”. Bởi trong văn Nguyễn Huy Thiệp có rất nhiều chi tiết, hình ảnh, ý tứ đã “vả vào mồm” chính Nguyên Ngọc. Thiệp viết về chân dung người nông dân VN: “Chẳng có khuôn mặt nào đáng là mặt người. Mặt nào trông cũng thú vật, đầy nhục cảm, không đểu cáng, dối trá thì cũng nhăn nhúm đau khổ”; tả mặt một người “đen và tái như da ở bìu dái”, “lông chân như lông lợn”; trong truyện “Không có vua”, hành động loạn luân bố chồng bắc ghế nhìn trộm cô con dâu tắm đã được biện minh: “Đàn ông chẳng nên xấu hổ vì có con buồi...”; ghê sợ hơn nữa, trong “Tướng về hưu”, nhân vật chính cho chuyện vợ là bác sĩ sản khoa thường lấy xác thai nhi nấu cho chó ăn là “chả quan trọng gì”; v.v…
Trong văn chương thế giới có nhiều chuyện còn ghê gớm hơn. Csáth Géza với truyện “Kẻ giết mẹ” kể chuyện hai đứa trẻ vì không được người mẹ quan tâm đã phản kháng một cách vô thức bằng cách bắt giết những con thú hoang, rồi chúng quen tay, khi đến tuổi dậy thì cần tiền thỏa mãn tính dục, chúng đã dễ dàng giết chính mẹ mình. Dư Hoa trong truyện “Sống” kể câu chuyện trong một bệnh viện người ta đã lấy sạch máu một đứa học trò 13 tuổi, con một cựu binh, làm nó chết, để tiếp máu cho bà vợ của ông chủ tịch huyện, trong chiến tranh vốn là lính của cha đứa bé. Giống như một bệnh nhân cần bác sĩ, cái cơ thể xã hội cũng cần đến những bác sĩ, đó chính là những nhà tư tưởng và những nhà văn mà tác phẩm của họ có tầm tư tưởng. Họ viết về phần tăm tối của con người để rung hồi chuông cảnh tỉnh, viết về cái ác với tấm lòng lương thiện để hướng người đọc về phía thiện. Nhưng văn của Nguyễn Huy Thiệp không như vậy, Nguyễn Huy Thiệp thường xóa nhòa ranh giới giữa đúng sai, thiện ác bằng cái nhìn vô cảm của mình (tác giả) và bằng những hành động, lời nói mất nhân tính của các nhân vật.
***
Như vậy hai người “có công” đầu làm Trần Độ thất sủng chính là Nguyên Ngọc và Nguyễn Huy Thiệp. Chính Trần Độ thừa nhận Nguyễn Huy Thiệp “có thể chưa hay, chưa giỏi trong việc xây dựng nhân vật văn học lấy nguyên mẫu từ một anh hùng dân tộc, vua Quang Trung” và “… với truyện ngắn Phẩm Tiết… anh Thiệp thực có ý định nêu tên để chửi rủa vài người nào đó, thì đó là ý định xấu, có hại”. Chính ông cũng phải thừa nhận sự yếu kém của chính mình: “Tôi tự thấy tôi là người không thiếu bản lĩnh, nhưng do tính phức tạp của môi trường mới mà chất lính trong tôi chưa hòa nhập được, nên tôi bị vấp ngã giữa đường”. Xem chừng Trần Độ bị kỷ luật đúng như lời Tướng Nguyễn Sơn từng nói về ông mà chính ông đã kể lại trong Hồi ký: "Mày ngồi đây làm gì. Mày thì biết chó gì văn nghệ”. Tiếc là Trần Độ, vị tướng có nhiều công trạng trong kháng chiến, ông quen chung vui niềm vui chiến thắng mà không biết cách chấp nhận thất bại của riêng mình, đã trở cờ, phản lại sự nghiệp cách mạng vĩ đại mà chính mình đã dấn thân. Khi đương chức ông cho Chủ nghĩa Mác Lê-nin là mặt trời chân lý sáng soi, ngược lại khi mất chức ông lại cho là “cái bánh vẽ khổng lồ”.
***
Như vậy tại sao Nguyên Ngọc vẫn khăng khăng đề cao Trần Độ: “Cho đến nay tôi vẫn nghĩ chúng ta đã bỏ mất một người lãnh đạo văn nghệ giỏi nhất, hay nhất, tốt nhất mà ta đã từng có thể có. Bao giờ mới tìm lại được một người như vậy?” Chứng tỏ Nguyên Ngọc lại thể hiện tính bất chấp sự thực, cố chấp đề cao Trần Độ một cách băng nhóm, bè cánh. Văn Chinh viết: “Với cá tính triệt để và cực đoan, … Cái người nhân danh dân chủ này lại mất dân chủ một cách trắng trợn đến thế, …cái lý cố gì mà Tổng biên tập tờ báo của Hội lại không đăng, nhất định không đăng nghị quyết của BCH Hội nhận định và chấn chỉnh báo Văn nghệ của Hội… Vâng, như tôi biết, đó là hai trong các nguyên cớ trực tiếp người ta đã thay Tổng Biên tập Nguyên Ngọc”.
Vậy mà từ khi mất chức Nguyên Ngọc chưa bao giờ nhận ra được sai lầm và yếu kém của mình cả. Tiếc là theo quán tính dư luận bầy đàn mà chính Nguyên Ngọc tạo nên, Nguyên Ngọc vẫn luôn được một “đàn bò bị dắt mũi” cho là người có công đầu trong “đổi mới” văn chương, vẫn là người có trí cao tâm sáng. Nhưng nếu ai đủ thông thái sẽ thấy Nguyên Ngọc đúng là không biết gì. Như chuyện Nguyên Ngọc đã cố công truyền bá lý luận văn học phương Tây. Nhưng do ông không hiểu bản chất vấn đề nên vừa dịch sai vừa truyền bá những quan điểm trái ngược nhau. Tôi đã viết nhiều và chi tiết, nay chỉ nhắc lại vài ý.
***
Cuốn Le Degré zéro de l'écriture suivi de Nouveaux essais critiques của Barthes Nguyên Ngọc đã dịch là “Độ không của lối viết”. Barthes cho yếu tố “l'écriture” thể hiện trách nhiệm cũng như sự dấn thân của nhà văn với xã hội, "độ 0" ở đây là sự vô cảm, vô trách nhiệm. Nguyên Ngọc do dốt không phải tiếng Pháp mà dốt nhận thức đã dịch “l'écriture” là “lối viết”, thành ý "độ 0 của lối viết" vừa lẫn lộn, vừa vô nghĩa và sai ý của Barthes. Cũng vì dốt nhận thức, Nguyên Ngọc lại ca ngợi quan điểm sáng tác của Kundera, một người ngược với Barthes mà Nguyên Ngọc cũng đã ca ngợi. Bởi triết lý sáng tác của Kundera là Hiện tượng học, mà triết thuyết này lại đề cao nhận thức chủ quan của cá nhân, đặt “thế giới trong ngoặc”. Nghĩa là không có chuyện “dấn thân” cái gì hết.
Chính vì không hiểu bản chất vấn đề, Nguyên Ngọc đã chạy theo cái vỏ của những khái niệm lấp lánh, nên mới làm một việc mâu thuẫn như vậy. Như chữ l’ambigui của Kundera Nguyên Ngọc đã dịch sai là tính nước đôi. L’ambigui theo từ điển là sự mơ hồ. Mà sự mơ hồ thì hoàn toàn không phải là nước đôi. Mơ hồ là chưa rõ ràng, nước đôi là sự lưỡng lự giữa 2 cái. Câu la sagesse de l’ambigui nên dịch là sự hiểu biết về những điều mơ hồ là phù hợp nhất. Nguyên Ngọc lại dịch rồi huyên thuyên thế này: “Hiền minh của tính nước đôi chính là hiền minh của sự đi tìm, của dở dang chưa đến, không bao giờ đến, hiền minh của tính tương đối của chân lý…”. Vậy mà đến nay vẫn còn cả “một đàn bò” bị Nguyên Ngọc dắt mũi, tung hô Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, trong đó có cả ông Chủ tịch HNV VN .
12-8-2024
ĐÔNG LA