VIẾT THÊM CHUYỆN NGUYÊN NGỌC KHÔNG BIẾT GÌ
Đại tá BS Bùi Quốc Trị, đọc bài trước lại ưu ái cho tôi là “Nhà Tư tưởng”. Mấy lần tôi có tâm sự, vốn là một cán bộ nghiên cứu bị cướp công, chịu nhiều bất công, nhưng tôi lại không đi đấu tranh như bọn dân chủ cuội mà lại viết bảo vệ chế độ “như điên”, vì tôi viết vì cái chung, với tầm nhìn giống như một nhà tư tưởng. Thực ra ý tôi viết mình suy nghĩ giống, hoặc têu tếu một chút, chứ không dám nhận mình là một nhà tư tưởng. Với bài sau, anh Bùi Quốc Trị lại cho tôi “thạo ngoại ngữ” khi tôi viết về chuyện ông Nguyên Ngọc dịch tiếng Pháp. Tôi hơi ngượng vì thực tế tôi không biết tiếng Pháp, tôi đã viết bằng trí thông minh và nền tảng tri thức của tôi chứ không phải bằng khả năng tiếng Pháp.
Thực ra tôi đã viết kỹ hơn rất nhiều chuyện ông Nguyên Ngọc dịch sai tiếng Pháp, khi nhắc lại chỉ viết sơ lược, vì độc giả trên mạng phần nhiều đọc thông tin phổ thông, ngại và khó đọc tri thức. Có điều về tri thức, viết kỹ còn chưa chắc diễn đạt được ý thì viết sơ lược nói được cái gì?
Vậy hôm nay tôi đăng lại mấy chuyện để chứng tỏ rõ hơn chuyện Nguyên Ngọc “không biết gì”.
13-8-2024
ĐÔNG LA
Phạm Xuân Nguyên trong dịp Nguyên Ngọc tròn 80 xuân đã viết bài Chính ủy Nguyên Ngọc để chúc mừng trên Tuanvietnam.net (20/09/2012), cho Nguyên Ngọc là “một nhà tư tưởng”! Nguyên viết:
“Nguyên Ngọc ngày càng nhận thức sâu hơn, khác hơn về thực tại …từ đó "Chính ủy" Nguyên Ngọc trở thành nhà tư tưởng Nguyên Ngọc, hơn thế, nhà tư tưởng hành động”.
Huệ Chi từng gọi Cao Xuân Huy là “người hiền”. Nguyên Ngọc cũng gọi Lê Đạt là “người hiền”. Còn ở đây Phạm Xuân Nguyên cũng lại cho Nguyên Ngọc là một “nhà tư tưởng”! Các nhà nghiên cứu lý luận khi viết về các lãnh tụ thiên tài của Việt Nam còn e ngại khi dùng chữ “nhà tư tưởng”. Bởi Việt Nam ta vốn không phải là cái nôi của lý luận và những phát minh khoa học. Nếu Việt Nam ta có nhiều bậc kỳ tài như thế thì đã không còn là một nước đang phát triển như hiện nay.
Tư tưởng nói chung là những suy nghĩ về những vấn đề lớn, có ý nghĩa lớn, sâu sắc. Nếu có tính quy luật thì nói tư tưởng có tính triết lý, có thể hệ thống hóa thành học thuyết nữa thì thành triết học. Vậy Phạm Xuân Nguyên cho Nguyên Ngọc là “nhà tư tưởng” thì Nguyên Ngọc có tư tưởng gì?
Nếu không có tư tưởng thì việc học hỏi tư tưởng bên ngoài để truyền bá cũng là việc đáng quý. Phạm Xuân Nguyên viết về điều này của Nguyên Ngọc:
“…khác với những người làm tư tưởng từ chính trị. Ông đã từ văn hóa nghệ thuật đến văn hóa tư tưởng… khi đất nước mở cửa hội nhập đòi hỏi phải có những trang bị hiểu biết về nhân loại, của nhân loại… Ông có một cơ bản tiếng Pháp vững, và trên hết là một lòng say mê đọc và truyền bá tri thức nhân loại cho đồng bào mình”.
***
Đã từ lâu, khi biết Nguyên Ngọc dịch cuốn “Độ không của lối viết” của Roland Barthes tôi đã băn khoăn. “Lối viết” theo nghĩa thường là “cách viết” sao lại có “độ”, sao có chỉ số “0”, có thể đo đạc được như nhiệt độ vậy? Dịch ngược lại: “Lối viết” theo tiếng Pháp là style d'écriture, theo tiếng Anh là style of writing. Nguyên bản nhan đề cuốn sách của Roland Barthes là Le Degré zéro de l'écriture suivi de Nouveaux essais critiques. Như vậy Nguyên Ngọc đã dịch “l'écriture” là “lối viết”. Theo từ điển: écriture (danh từ giống cái) có nghĩa: chữ viết; lối viết (văn học). Tiếng Anh tương ứng là writing: sự viết; văn phong; kiểu viết, lối viết.Như vậy dịch theo kiểu “word by word” thì Nguyên Ngọc dịch “l'écriture” là “lối viết” quả là không sai. Có điều “lối viết” ở đây đồng nghĩa với văn phong; kiểu viết, tức một style.
Trong khi đó, Roland Barthes định nghĩa “l'écriture” trong tác phẩm của mình, theo chính Nguyên Ngọc dịch, là “một thực tại hình thức độc lập với ngôn ngữ và văn phong (lối viết)”, là “chiều thứ ba của Hình thức ràng buộc nhà văn với xã hội”. Vậy hai chiều kia theo Barthes là gì?
Thứ nhất là “ngôn ngữ”, Barthes cho “là một tập hợp những chỉ định và những tập tục, chung cho tất cả các nhà văn trong một thời đại”, “là tài sản chung của mọi người chứ không phải của riêng các nhà văn”.
Thứ hai là “văn phong” (lối viết), theo Barthes, là “một hành ngôn … riêng biệt và bí ẩn của tác giả”, “một Tính khí”. Nhưng nó “không có chủ đích”, “Dửng dưng đối với xã hội, nó không hề là một suy nghiệm về văn học”.
Từ đó, Barthes cho: “chiều nằm ngang của ngôn ngữ” và “chiều thẳng đứng của văn phong” (lối viết) tạo cho nhà văn một “bản tính”, nhưng chỉ là “một ứng xử quen thuộc”, “không bao giờ nhằm phán xét, cũng không bao giờ hàm ý một lựa chọn”. Trong khi đó Barthes cho l'écriture là một “một Ðạo Lý của hành ngôn”, “nhà văn … dấn thân”, “là một hành động liên kết lịch sử”, là “một chức trách”, là “mối quan hệ giữa sáng tạo và xã hội”, nó là “hành ngôn văn học được biến đổi vì mục đích xã hội”.
Như vậy, Barthes cho “ngôn ngữ” là ngôn ngữ chung, “văn phong” (lối viết) là kiểu viết riêng của cá nhân, thuộc style, còn l'écriture thuộc về thái độ viết, là ý thức, tư tưởng, sứ mệnh của nhà văn đối với xã hội.
Vậy "Độ không" ở Le Degré zéro de l'écriture là thái độ vô cảm, vô trách nhiệm của nhà văn khi viết. Vì vậy Nguyên Ngọc dịch Le Degré zéro de l'écriture là “độ không của lối viết” là sai ý của Barthes.
Vậy Le Degré zéro de l'écriture suivi de Nouveaux essais critiques dịch là gì? Theo tôi, dù không biết tiếng Pháp nhưng trên cơ sở tri thức, tôi vẫn có thể thấy nên dịch nhan đề đó là “Độ không của chữ nghĩa (hoặc ngữ nghĩa) theo phê bình tiểu luận mới” sẽ là đúng hơn. Tôi dịch l'écriture là “chữ nghĩa” bởi bản thân l'écriture cũng có nghĩa là “chữ viết”, còn thêm chữ “nghĩa” là “nghĩa lý” vào thành “nghĩa lý của câu chữ”, sẽ nói lên được ý thức, trách nhiệm của nhà văn, đúng như sự định nghĩa l'écriture của Barthes.
Có điều, từ lâu tôi đã tự hỏi Nguyên Ngọc mất công dịch tác phẩm đó làm gì? Hải Triều từ mấy chục năm trước đã quyết bảo vệ quan điểm “Nghệ thuật vị nhân sinh”; trước nữa từ ngàn xưa, các cụ cũng đã cho “Văn dĩ tải đạo”, thâm thúy, đầy đủ, đúng đắn và rõ ràng hơn quan niệm của Barthes nhiều. Nhà văn cần phải dấn thân thì đúng rồi, nhưng dấn thân theo hướng nào mới là quan trọng; dấn thân vào hũ nút, vào cái ác, vào cái băng hoại, phản đạo lý, phản lịch sử v.v… thì dấn thân làm gỉ?
***
Trong bài “TIẾNG PHÁP CỦA BÀ TIẾN SĨ PHÁP HẠNG “TỐI ƯU” NGUYỄN THỊ TỪ HUY” tôi viết về Từ Huy nhưng cũng có liên quan đến chuyện dịch tiếng Pháp của Nguyên Ngọc.
Nhan đề cuốn L'Insoutenable légèreté de l'être, Từ Huy dịch thành “Sự nhẹ tênh của đời sống”, theo Hoàng Long thì: “quả là dịch theo kiểu “word by word”, mà vẫn còn thiếu mất “insoutenable” (không chịu nổi, không kham nổi) ”; “bản dịch tiếng Nhật của Eiichi Chino dịch sát nghĩa “Sự nhẹ đến mức không thể chịu nổi của tồn tại”.
Trong cuốn Nghệ thuật tiểu thuyết của Milan Kundera (Nguyên Ngọc dịch), có đoạn:
“Gombrowicz từng có một ý tưởng kỳ cục mà thiên tài. Ông bảo trọng lượng cái tôi của chúng ta tùy thuộc vào số lượng dân số thế giới. Như vậy Démocrite là bằng một phần bốn trăm triệu nhân loại; Brahms một phần tỷ; chính Gombrowicz một phần hai tỷ. Theo quan điểm của khoa số học đó, trọng lượng cõi vô tận của Proust, trọng lượng của cái tôi, của đời sống nội tâm của một cái tôi, ngày càng nhẹ đi. Và trên đường lao tới cái nhẹ tênh đó, chúng ta đã vượt qua một ranh giới trí mạng”.
Như vậy, cái “sự nhẹ không thể chịu nổi” (L'Insoutenable légèreté) chính là sự e ngại của Kundera về sự biến mất cái tôi trong thế giới hiện đại mà con người ngày một đông đúc và sống chật chội hơn. Vì vậy dịch như Từ Huy “Sự nhẹ tênh của đời sống” gần như sai hoàn toàn, là dịch ngược, bởi nhẹ tênh tiếng Việt chỉ sự nhẹ nhàng, thanh thản chứ không phải nỗi e ngại “không chịu nổi” cái "nhẹ" của Kundera.
Với Nguyên Ngọc thì đã dịch cái nhan đề đó là Nhẹ bồng cái kiếp nhân sinh. Dịch là Nhẹ bồng (bồng trong phiêu bồng) xem ra cũng sai, bởi nó chỉ sự phiêu du nhẹ nhàng, nó cũng ngược với cái sự nhẹ không chịu nổi nói trên.
Theo tôi để dịch thoát ý và Việt hóa nên dịch là Nhẹ bẫng phận người. Bởi nó chỉ số phận con người bị coi nhẹ như không có, rất sát với ý tứ của Kundera gởi gắm trong cái nhan đề L'Insoutenable légèreté de l'être.
***
Nguyên Ngọc trên Vietnamnet.vn, trong bài tai-sao-van-hoc-chung-ta-khong-co-tac-pham-lon viết:
“… Kundera khi nói … đến tư duy hiện đại của tiểu thuyết, mà Kundera coi một một đặc điểm lớn là “sự hiền minh của tính nước đôi” (la sagesse de l’ambigui)… Hiền minh của tính nước đôi chính là hiền minh của sự đi tìm, của dở dang chưa đến, không bao giờ đến, hiền minh của tính tương đối của chân lý…”
Sagesse nghĩa Việt là trí tuệ, Nguyên Ngọc dịch là “sự hiền minh” kể cũng không sai, nhưng có vẻ không hợp vì “làm văn” quá. Sự hiền minh nói về khả năng nhận thức của các nhà hiền triết thì hợp hơn, đó là sự thấu suốt mang tính đạo lý, thiện đức vì trong cuộc sống có những sự thông thái mang tính ác. Sagesse tiếng Anh là wisdom, từ điển cũng dịch là sự hiểu biết, sự thông thái, uyên thâm. Như vậy nói về phẩm chất của tiểu thuyết, sagesse dịch là nhận thức, hiểu biết là phù hợp nhất.
Còn l’ambigui Nguyên Ngọc dịch là tính nước đôi là sai. L’ambigui theo từ điển là sự mơ hồ. Mà sự mơ hồ thì hoàn toàn không phải là nước đôi. Sự mơ hồ chỉ cái chưa rõ ràng. Tính nước đôi dịch ngược lại, tiếng Pháp là propriétés de double; tiếng Anh là double properties of double. Trong tiếng Việt, tính nước đôi đã quá thông dụng, như thành ngữ, nó thuộc về thái độ, cách nói không dứt khoát về một trong hai khả năng sẽ xảy ra, hoặc thế này hoặc thế kia. Trong vật lý lượng tử, bản chất nhị nguyên sóng hạt của các hạt lượng tử cũng có thể gọi là tính nước đôi.
Vì vậy la sagesse de l’ambigui theo tôi dịch là sự hiểu biết về những điều mơ hồ là phù hợp nhất. Sagesse nên dịch là hiểu biết thôi.
Như vậy, đúng ý của Kundera là, các nhà văn vốn nhạy cảm và giàu suy tư hơn người thường, thì bằng tiểu thuyết nhà văn cần phải thể hiện được sự hiểu biết về những điều còn mơ hồ trong cuộc sống mà người thường chưa hiểu biết, và ông cho: “đó là lẽ sống duy nhất của một cuốn tiểu thuyết”.
Còn hiểu sai như Nguyên Ngọc, rồi tưởng tượng ra đủ thứ như thế này: “Hiền minh của tính nước đôi chính là hiền minh của sự đi tìm, của dở dang chưa đến, không bao giờ đến, hiền minh của tính tương đối của chân lý…” thì thật nguy to, rồi sẽ dẫn người đọc đi đâu?
***
Nước ta vốn không phải là nôi của những phát minh khoa học, những hệ tư tưởng và các hệ thống lý luận. Việc học tập, nghiên cứu, rồi dịch các tác phẩm ở nước ngoài để truyền bá ở trong nước là tối cần thiết. Nhưng cần phải hiểu đúng, dịch đúng, nếu không thì thật nguy hiểm. Hơn nữa, cần học gì, cần nghiên cứu cái gì, cần dịch gì, rồi truyền bá ra sao thì lại phụ thuộc tầm tri thức của học giả. Thật tiếc thực tế ở ta, do trình độ hạn hẹp, đã có quá nhiều sự nô lệ về nhận thức, đã có những trào lưu to nhỏ khác nhau, ở các lĩnh vực khác nhau, không ít người đã mê muội, theo đuôi, bắt chước những cái “hiện đại” nhưng đã xuất hiện ở nước người ta từ đầu thế kỷ trước; rồi những cái “mới” nhưng cũng đã có từ 60-70 năm. Rồi như những con mọt sách, ngộ chữ, cuồng chữ cố công truyền bá, đã làm nhiễm bẩn, nhiễm độc môi trường văn hóa, tư tưởng; đầu độc lớp trẻ vốn non nớt, nhẹ dạ, ham thích cái lạ, cái mới.
13-8-2024
ĐÔNG LA