Thứ Tư, 14 tháng 8, 2024

NGUYÊN NGỌC, TỪ HUY VÀ HIỆN TƯỢNG HỌC

 NGUYÊN NGỌC, TỪ HUY VÀ HIỆN TƯỢNG HỌC




Buồn là những điều tôi thích là những tri thức rắc rối thì số đông lại không thích vì khó hiểu. Có điều sự phát triển của nền văn minh lại phụ thuộc vào sự hiểu biết, sự đánh giá đúng về những tri thức rắc rối này. Nên hôm nay lại viết tiếp.
14-8-2024
ĐÔNG LA
Bài trước tôi đã viết Nguyên Ngọc dịch sai ý “Le Degré zéro de l'écriture” của Barthes, sự vô cảm, vô trách nhiệm của nhà văn, thành “Độ 0 của lối viết”, một điều vô nghĩa. Cũng vì không hiểu bản chất vấn đề, Nguyên Ngọc đề cao Barthes coi trọng văn chương có trách nhiệm, sự dấn thân, nhưng Nguyên Ngọc cũng lại đề cao luôn quan điểm sáng tác của Kundera, một người ngược với Barthes với triết lý sáng tác là Hiện tượng học. Vì Hiện tượng học coi trọng nhận thức chủ quan của cá nhân, không có “trách nhiệm”, “dấn thân” cái gì hết.
Một thời, tôi lang thang trên mạng tìm tài liệu để “đánh” Nguyên Ngọc thì lại gặp một cái tên lạ: Nguyễn Thị Từ Huy cũng toàn nói về những điều “ghê gớm” giống như Nguyên Ngọc: “Độ không” của Roland Barthes, Kundera, Hiện tượng học v.v… Tìm hiểu chút hóa ra lại là một cái tên đang hot, một “tiến sĩ được đại học Paris 7 xếp vào hạng "tối ưu" (très honorable avec félicitations)”, tìm nữa thì giật mình, nàng TS này cũng lại ở trên tuyến đầu mặt trận “rân trủ”…
Vì vậy tôi đã viết một loạt bài về Từ Huy. Một hôm, Lê Huy Mậu, tác giả lời ca khúc “Khúc hát sông quê” nổi tiếng của Nguyễn Trọng Tạo gọi điện thoại: “Đông La, sao mày đánh con Từ Huy cháu tao”. Tôi trả lời: “Tôi viết vậy là lịch sự đấy. Cỡ nó ngoài đời, cứ lấy roi quất cho vài nhát vào… là xong”.
Ông Mậu có quen tôi vì học Khoa Chính trị Trường ĐH Tổng hợp TpHCM khác khoa nhưng cùng khoá tôi. Khi tôi đăng bài thơ dài “Cánh đồng quê” trên Văn nghệ, ông Mậu đã làm một bài “hoạ” lại bài của tôi.
Một lần “cô cháu” Từ Huy của Lê Huy Mậu viết:
“Nhìn những hình ảnh của Hà Nội trong 5 ngày Chủ nhật liên tiếp gần đây, nhớ Hà Nội cồn cào. Những gương mặt của chú Huệ Chi, của các anh Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Quang Thạch, Nguyễn Xuân Diện… thấy mọi người ở rất gần, tưởng như nghe thấy hơi thở của mọi người phả ra từ màn hình máy tính”.
Đọc xong đoạn này tôi đâm ra cũng “nhớ” Huệ Chi vì tầm tri thức của mấy vị “dân chủ cuội” này. Ông ta từng kể:
“Một hôm… đi xe ô tô… tôi… bỗng để ý thấy một chú ruồi… hết sức kinh dị… tại sao khi chú ruồi cất cánh bay không bị chiếc xe đẩy tụt lại phía sau ngay lập tức mà thung dung như đang bay trong một nơi yên tĩnh…? Cứ giả thử như chúng ta có cách gì nhích người lên khỏi ghế lơ lửng giữa không trung thì tất nhiên ta sẽ bị vận tốc ô tô đẩy tụt ra phía sau là cái chắc”.
Tôi đã viết, hiện tượng “ruồi bay” được như trên là do xe chạy thẳng với vận tốc đều, không gian trong xe là một hệ quy chiếu quán tính. Mà theo Nguyên lý Quán tính: “Nếu một vật không chịu một lực nào thì nó sẽ đứng yên hoặc tiếp tục chuyển động không đổi”; tương tự như ta trong xe lửa hoặc trên máy bay (lúc không rung, không xóc, không tăng tốc) thì việc đi lại, rót nước vào cốc và mọi chuyển động sẽ xảy ra y như lúc xe lửa, máy bay đứng yên. Nên ông Nguyễn Huệ Chi nghĩ vậy là sai. Bởi nguyên lý quán tính là như nhau với mọi vật trong hệ quy chiếu, nó không phân biệt ông với con ruồi; không chỉ ông mà nếu có cả con bò trong xe “nhích lên lơ lửng” được thì nó cũng không bao giờ bị “vận tốc ô tô đẩy tụt ra phía sau” như ông nghĩ đâu.
***
Về Hiện tượng học, Từ Huy đã nhắc tới khi nói về Tiểu thuyết mới:
“… trong cách nhìn của Tiểu thuyết mới, cũng như trong cách nhìn của hiện tượng học, chiều sâu của sự vật nằm trong chính cái bề ngoài của nó, tương tự như bản chất của sự vật chính là ở trong hiện tượng mà nó biểu hiện. Đấy là lý do vì sao Robbe-Grillet và tiểu thuyết mới đề cao cái bề ngoài. Đây chính là một cái nhìn khác về thực tại”.
Hồi nhỏ tôi đã xem một bộ phim có cảnh hai đứa trẻ học bài trở thành rất nổi tiếng hồi ấy: “Rắn là loài bò, rắn là loài bò, sát không chân, sát không chân”. Giờ đây đọc đoạn văn trên tôi lại thấy có một cô TS cũng nói như thế.
Trong xã hội loài người, cái điều có rất nhiều hiện tượng và bản chất không trùng nhau đã là hiển nhiên. Như việc tên kẻ cướp giết người cướp của thì hành động giết người đúng là ác, nhưng hành động bắn tử tội hoặc quân xâm lược thì cũng là giết người nhưng bản chất lại là việc thiện. Trong toàn bộ hành trình vươn tới những nấc thang khác nhau của nền văn minh, công việc chủ yếu của loài người là vén bức màn hiện tượng để nhìn sâu vào bản chất, kể cả những sự việc trong xã hội lẫn những sự vật trong tự nhiên.
Nếu Từ Huy tin theo điều “chiều sâu của sự vật nằm trong chính cái bề ngoài của nó” thì hai chất cùng là muối của Natri (Na) và cùng là bột màu trắng: Clorua Natri (NaCl) và Cyanua Natri (NaCN). Chúng đều “trắng” đấy, theo “thuyết” trên thì chúng sẽ cùng “bản chất”, nhưng Từ Huy thử cho NaCN vào nồi canh thay cho NaCl mà ăn thử xem có sùi bọt mép ra ngay lập tức không?
Có điều viết như trên, cho đó là “cách nhìn của hiện tượng học”, thì Từ Huy lại “không biết” gì về Hiện tượng học cả. Hiện tượng học không có phân chia bản chất với hiện tượng theo lẽ thường, nên không có chuyện đồng nhất hai cái như trên.
***
Hiện tượng học là một trường phái triết học mà Kundera từng lấy nó làm cơ sở triết lý cho văn chương của mình. Trong cuộc trò truyện với Christian Salmon, Kundera nói: “Thi sỹ là anh chàng trẻ tuổi được mẹ dắt tay đến trưng bày trước cái thế giới mà anh ta không thể bước vào được. Anh thấy đấy, định nghĩa ấy không phải là xã hội học, không phải là mỹ học, cũng chẳng phải tâm lý học”. C. Salmon: “Nó là hiện tượng học”. M. Kundera: “Tính từ này không tồi, nhưng tôi tự cấm mình dùng. Tôi quá sợ các vị giáo sư coi nghệ thuật chỉ là một thứ phái sinh của các trào lưu triết học và lý thuyết. Tiểu thuyết biết đến cõi vô thức trước Freud, biết đến đấu tranh giai cấp trước Marx, nó thực hành hiện tượng học (cuộc tìm kiếm cảm nhận các hiện tượng của con người) trước các nhà hiện tượng luận. Tuyệt vời biết bao các “cảnh mô tả kiểu hiện tượng học” ở Proust là người chưa từng biết một nhà hiên tượng học nào!”
Vậy Hiện tượng học là gì? Có lẽ cũng cần bỏ chút thì giờ phân tích đôi nét chính của một trào lưu có ảnh hưởng mạnh đến văn hóa tư tưởng các nước phương Tây trong thế kỷ XX.
Husserl, người sáng lập ra Hiện tượng học, cho rằng hệ thống triết học cả duy tâm lẫn duy vật đã bỏ quên con người, vì thế ông muốn sáng lập một trường phái triết học mới mang ý nghĩa nhân sinh: “nhiệm vụ của nó là làm rõ cảm giác của con người về thế giới này”. Đặc thù của Hiện tượng học là mô tả sự tự sinh của ý thức, cái ý thức luôn hướng về đối tượng nào đó (tính cố ý, ý hướng tính), rồi sẽ nhận thức đối tượng đó bằng cảm tính chủ quan của mình, ban bố cho nó ý nghĩa. Sẽ không có duy tâm hay duy vật theo lý thuyết cũ mà chỉ có trạng thái nối liền liên khách chủ thể (Relation sujet-objet), đó chính là cái trạng thái mà Husserl gọi là sự suy tư về chính chủ thể suy tư. Nếu Descartes cho sự tồn tại của con người là sự suy tư "Cogito, ergo sum" thì Hiện tượng học của Husserl còn đi xa hơn: “Cogito, ergo cogito cogitatum”. Nghĩa là suy tư về cái tôi khi nó suy tư về sự suy tư. Sự suy tư đó chính là những hiện tượng tự sinh trong ý thức. Và để nắm bắt được ý thức thuần tuý, Husserl đã đưa ra phương pháp epoché (έποχή) hoặc "bracketing" (cô lập, để trong ngoặc) đối tượng nhận thức. Theo Từ điển, “Ý thức thuần túy” theo Husserl là: “sự gột rửa của ý thức khỏi những sơ đồ, những giáo điều, những khuôn mẫu tư duy”. Đó là “tái tạo trường tư tưởng trực tiếp, trường các ý nghĩa giữa ý thức và đối tượng”. Khi ấy ý thức và đối tượng gắn chặt với nhau thành một đối tượng duy nhất và có tính lưỡng diện - đứng về phía chủ thể thì gọi là noèse, đứng về phía đối tượng thì gọi là noème. Chính Husserl đã diễn giải quá trình đó đại ý: Trong trạng thái ấy chủ tri dừng ngay mọi phán đoán có liên quan, đặt đối tượng trong ngoặc, chỉ hướng tới những gì là riêng biệt nhất của nó, như tri giác về “ngôi nhà” thì vẫn là tri giác về “ngôi nhà”, “ngôi nhà được nhận thức”, ngôi nhà được đặt trong ngoặc, tự thân nó vẫn sống động, chẳng hạn như các quang cảnh về, dáng-vẻ-ở-một-khoảng cách từ, v.v…, và chúng sản sinh ra ý thức vẫn về chính ngôi nhà đó, lưu giữ một cách chân xác mỗi loại tư duy, mỗi loại “tôi trải nghiệm”, “tôi tư duy”, “tôi cảm nhận”, “tôi mong muốn” về ngôi nhà đó, v.v…
Tóm lại, theo từ điển Triết học, Hiện tượng học là “Khuynh hướng duy tâm chủ quan” nhưng theo “kiểu” riêng của Husserl.
***
Như vậy, ta thấy Hiện tượng học có thể có ý nghĩa khi ta khuôn nó trong một phạm vi nghiên cứu riêng về phân tích tâm lý: trước cùng một sự vật hoặc sự việc, tùy theo từng người, sẽ “tự sinh” các cảm nhận khác nhau. Nó có thể rất có ích cho các nhà văn xây dựng chiều sâu tâm trạng, thế giới tinh thần phong phú của nhân vật. Còn coi Hiện tượng học là triết học cao hơn cả duy tâm, duy vật, là chân lý cuộc sống thì phải xem lại. Bởi con người luôn có tốt, xấu, giỏi, dốt khác nhau, nhận thức của một thằng kẻ cướp cũng được coi trọng như một nhà phát minh; xã hội không còn chuẩn mực về tri thức và đạo lý nữa thì sẽ như thế nào?
Chủ nghĩa Hiện sinh ra đời sau Hiện tượng học đã chịu ảnh hưởng nhiều từ nó. Đó là một chủ nghĩa đề cao tự do cá nhân, cho con người không phải chịu ràng buộc bởi tự nhiên cũng như xã hội. Khi cực đoan, một số người đã đua nhau sống theo bản năng, tự nhiên chủ nghĩa, có thời thanh niên ở một số nước phương Tây đã đua nhau để nguyên râu tóc, lũ lượt kéo nhau lên rừng sống bằng rau trái, tự nhiên khỏa thân, tự do chung chạ v.v…
Sau nữa, Chủ nghĩa Thực dụng ra đời cũng dựa trên cái Tôi “Không có cái gì gọi là chân lý khách quan mà chỉ có chân lý của cái tôi. Chỉ có cái gì có lợi cho tôi sẽ là chân lý”! Đây chính là triết lý sống của xã hội Mỹ, nó thúc đẩy sự phát triển của xã hội Mỹ đồng thời làm nảy sinh nhiều tệ nạn và làm thoái hoá đạo đức, nhân tính.
14-8-2024
ĐÔNG LA