Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2022

CHẾ LAN VIÊN: “BÂY GIỜ TÔI CHÁN GẶP CON NGƯỜI RỒI, CHỈ MUỐN GẦN CÂY CỐI THÔI"

 ĐÔNG LA

CHẾ LAN VIÊN: “BÂY GIỜ TÔI CHÁN GẶP CON NGƯỜI RỒI, CHỈ MUỐN GẦN CÂY CỐI THÔI"


Đó là câu nói của Nhà thơ lớn Chế Lan Viên đã tâm sự với tôi ở khoảng thời gian ông mới “phát hiện” ra tôi, tức cách nay đã gần 40 năm rồi.
Hôm nay lại cuối tuần, không giải trí cái gì nữa mà lại tâm sự chút về cuộc đời, muốn viết thêm và viết lại chút về mối quan hệ với Chế Lan Viên, điều tôi đã viết nhiều lần, nhưng bạn đọc tôi cứ liên tục có người mới, có những bài tôi viết đã rất lâu giờ đăng lại, nhiều người cứ tiếc là giờ mới biết.
Tôi vốn thích khoa học tự nhiên, sau giải phóng đã chọn ngành học, trường học để có thể trở thành một nhà nghiên cứu, không có chút mảy may nào tơ tưởng đến chuyện trở thành nhà văn. Nhưng số phận oái oăm ở chỗ cứ đưa đẩy tôi đến chỗ văn chương. Hồi sinh viên, khi Trường Tổng hợp có đủ cả các khoa tự nhiên, xã hội, chúng tôi ở chung Ký túc xá Ngô Gia Tự, phòng tôi ở gần phòng anh Nguyễn Ngọc Thu, học khoa Chính trị, một người cùng làng Đông La, hơn tôi đến 9 tuổi. Anh và bạn bè thi khối C tất có môn văn nên ai cũng có ít nhiều mơ mộng văn chương. Tôi sang chơi thấy họ hay nói chuyện thời sự văn chương, Phạm Tiến Duật mới có bài này, Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy, Trần Mạnh Hảo, v.v… mới có bài kia. Tôi mới “chõ mõm” vào: “Các ông toàn thích những cái đéo hay!” Anh Thu bảo: “Mày thì biết cái gì!” Chính từ những chuyện đó đã kích thích sự nảy mầm sáng tác văn chương trong tôi để chứng tỏ mình, và thấy trong đám sinh viên cùng chung nhà ăn có ai đó có tác phẩm được đăng, thấy họ có vẻ gì đó “cũng hay hay”. Thế là tôi đã đặt bút viết những dòng thơ đầu tiên về một tình yêu mà mình chưa hề có. Ra trường, về Viện Công nghiệp Dược, tôi lại ở cùng khu tập thể với Nhà thơ Thái Thăng Long, tôi sang chơi căn hộ nhà anh hàng ngày nên đã gặp rất nhiều bạn văn, toàn những người đã thành danh, của anh. Thế là tôi đã làm thơ nhiều hơn, toàn thơ dạng “tán gái”. Một lần tôi đưa thơ cho cô bạn cùng học, làm cùng phòng, không ngờ hôm sau cô bạn nói: “Ông làm thơ cách chi mà đọc xong tôi muốn sút đi mấy ký!”
Rồi đến một ngày hoàn toàn tình cờ, nhưng ngẫm lại thì đúng là do cơ duyên huyền bí xếp đặt, anh bạn cùng lớp đã rủ tôi sang nhà một bà nhà thơ đồng hương của anh chơi, chính là cô Anh Thơ. Và rồi cô chính là người đã khơi nguồn văn chương tuôn chảy trong tôi đúng như câu: “Thiên kinh vạn quyển không bằng một điểm của Bồ Tát”. Chỉ sau mấy ngày quen nhau, cô anh Thơ nói: “Cô đã góp ý cho những đứa bây giờ chúng nó còn nổi tiếng hơn cả cô, nhưng cô thấy chưa có đứa nào thông minh bằng cháu”. Chưa hết, một hôm cô nói: “Bây giờ chỉ có Chế Lan Viên làm thầy mày được thôi. Cô cho cháu một chai rượu thuốc mang lên biếu ông ấy, rồi đưa thơ cho ông ấy đọc, nhưng ông này tự kiêu lắm, cháu phải đi đường vòng. Cháu mang cái truyện ngắn mới đăng của cháu đưa cho bà Thường (Nhà Văn Vũ Thị Thường, vợ CLV) đọc trước, có dịp thì đưa thơ cháu cho ông ấy đọc”. Tôi rất mừng nhưng cũng quá ngạc nhiên vì gặp được Chế Lan Viên như một điều không tưởng. Chế Lan Viên thuộc hàng tổ sư của văn chương hiện đại VN, như một giáo chủ bởi tài năng và sự thông minh của ông.
Tôi đã đến nhà Chế Lan Viên khá xa, đến khu Bà Quẹo rồi còn vòng vèo chán nữa mới tới được. Hồi đó đúng là ngoại thành. Ngõ vào nhà ông còn đường đất trồng tre, trúc, hai bên vườn tược um tùm cây trái, cũng như nhà ông, đúng là một “biệt thự” lọt thỏm trong một khuôn viên cũng cây trái um tùm. Một không gian yên tĩnh đúng như tên ông đặt “Viên Tĩnh Viên”. Nhà Văn Vũ Thị Thường tiếp tôi ở bậc tam cấp đầu hè khá rộng, ngồi thoải mái, Chế Lan Viên ở bàn viết trong nhà gật đầu chào theo thói quen. Tôi đưa lá thư cô Anh Thơ viết và chai rượu thuốc cho cô Thường, cô đọc lướt rồi hỏi tôi:
-Cậu làm nghề gì?
-Cháu làm cán bộ nghiên cứu ở Viện Công nghiệp Dược.
-Vậy là tốt quá rồi, văn chương chữ nghĩa làm gì, con tôi đây này, hai đứa tôi cho học Y hết.
Tôi hơi ngạc nhiên về thái độ của một nhà văn rất nổi tiếng thời sung sức về chính nghề văn của mình. Tuy nói vậy, cô cũng cầm tờ báo Văn Nghệ TPHCM đăng truyện ngắn đầu tay của tôi: “Chuyện về hai người” đọc. Thú vị là bà bị hút vào câu chuyện, và khi đọc xong, bà nói: “Viết được đấy!” Bạn đọc cần hiểu, trong giới văn chương, viết để người đã thành danh nhận xét như vậy là rất khó. Còn những lời véo von, tâng bốc người này, người nọ lên tận mây xanh, được đăng báo, in sách hẳn hoi, phần nhiều lại là đồ giả vì đủ thứ; vì ngu dốt, vì móc ngoặc, vì nịnh bợ luồn lách, và vì đủ thứ mục đích phi văn chương khác nhau. Đọc xong truyện của tôi, thái độ của cô Thường thay đổi hẳn. Nhưng mục đích chính của tôi là muốn đưa thơ mình cho Chế Lan Viên đọc, tiếc là lần đó lại chưa được. Tính tôi vốn nóng tính, và cũng tự ái, với người khác thì tôi biến luôn, nhưng với Chế Lan Viên thì khác, tôi quyết kiên trì “phục kích”, đợi có thời cơ sẽ đưa thơ mình cho ông đọc bằng được thì thôi. Phải sau đó mấy tháng, có cuộc thi Thơ của Hội Nhà Văn TPHCM năm 1986, tôi đã dự thi, mà Chế Lan Viên lại có trong ban giám khảo. Tôi đã mang chùm thơ dự thi đến nhà nhờ ông “xem sao?” chứ không dám nghĩ đến chuyện khác, không ngờ lần đầu đọc thơ tôi ông lại cho giải ngay, ngay tại nhà ông, và có lẽ chỉ có ông mới có cái quyền uy văn chương như thế. Cũng chính từ giây phút đó đã mở ra một mối quan hệ khiến tôi không bao giờ quên giữa tôi và Chế Lan Viên. Vừa đọc xong mấy bài thơ của tôi, ông đã lon ton chạy vào trong buồng mang cả chồng bản thảo ra khoe rồi nói cách làm thơ của ông cho tôi nghe như nói với một người bạn tâm giao. Có những lần tôi đến chơi ra về, ông tiễn ra tận cổng, còn chuyện trò mấy phút nữa rồi mới để tôi đi. Tôi nhớ mãi lần chở ông bằng xe đạp từ Bà Quẹo đến trường Y ở mãi quận 5 xem điểm thi của Vàng Anh, rồi vòng đến nhà bà Mộng Tuyết ở tận quận Phú Nhuận chép thơ Hàn Mặc Tử… kể có máy quay được những cảnh đó thì giờ coi lại thú vị biết bao! Ông đã chủ động giúp tôi những điều tôi chưa nghĩ đến. Ông bảo tôi vào Hội Nhà Văn TPHCM mà chính ông sẽ là người đứng tên giới thiệu; khi biết tôi có trục trặc ở cơ quan, ông đã xin cho tôi đi làm ở một tờ báo; ông đã đến tận báo Văn Nghệ TP HCM gởi gắm tôi, v.v... Ông đã quan tâm đến tôi giống như sự quan tâm của một người cha. Ngược lại, tôi cũng hết lòng kính trọng, yêu quý ông, và vì thế, tôi chính là một trong những chứng nhân giai đoạn cuối cùng của cuộc đời ông.


Một lần, tôi đã đi xin giấy giới thiệu cho ông đi an dưỡng tại BV Chợ Rẫy thì ở đấy người ta lại phát hiện khối u ác trong phổi ông. Tôi đã viết trong bài «Chế Lan Viên-trong hồi quang của ký ức» :
«Tôi đã được chứng kiến giây phút người ta đưa ông ra khỏi phòng mổ, sau một một cuộc đại phẫu ; ông nằm bất động, mặt sưng vù, nặng nhọc thở với phần phổi còn lại. Tôi cũng chứng kiến chứng di căn quái ác đã gặm mòn cơ thể, làm méo dần và cuối cùng làm mất hẳn tư duy ông. Rồi đến một chiều, đang ăn cơm, tôi chợt thấy hình ông trên màn hình ti-vi, bát cơm trên tay tôi rơi xuống, tôi nói với vợ cái tin hệ trọng: “Chú Chế Lan Viên mất rồi!”. Trong ngày liệm, tôi vội vàng đến phòng tang lễ Bệnh viện Thống Nhất để nhìn mặt ông lần cuối. Khi người ta mang thi thể ông ra khỏi ngăn lạnh, tôi thấy mặt ông quắt lại như già đi cả ngàn tuổi. Người ta đã trải cho ông một tấm nệm rất dầy, rất êm bằng trà và bông gòn trong chiếc quan tài tốt. Ông nằm trong quan tài mà như nằm trong mây ở tận chín tầng trời. Nhìn ông, tôi bỗng nhớ đến hai câu thơ của Hàn Mặc Tử mà ông đã trích dẫn, mở đầu cho bài tựa mà ông đã viết:
Một mai kia ở bên khe nước ngọc
Với sao sương anh nằm chết như trăng
Tôi chưa được thấy những câu thơ viết về cái chết lại đẹp đẽ sang trọng như thế bao giờ!
Lúc này tôi thấy những hạt nước đóng băng trên trán ông đã chảy ra trông như những giọt mồ hôi, những giọt mồ hôi của cả một đời lao lực. Để viết nên những câu thơ đẹp nhất, ông đã một đời tha hương, vượt qua nỗi buồn, qua máu lửa, qua gian khó, qua bệnh tật, qua những mối quan hệ lắm rắc rối của người đời. Tôi đã vĩnh biệt ông bằng cách lau đi trên trán ông những giọt lao lực ấy!
Trong lễ hỏa táng, tôi đứng trước cửa lò, bên phải là Thắm đang lom khom coi và kêu lên khi thấy lò bên cạnh rừng rực lửa. Còn bên này tôi cũng thấy ngọn lửa trùm lên quan tài ông. Tôi như thấy linh hồn ông bay lên theo ngọn lửa, vĩnh biệt cái cõi thế có lắm đam mê, lắm niềm vui, nhưng cũng nhiều đau khổ và cực nhọc này!»
***
Tôi đã đến với Chế Lan Viên vì văn chương, nhưng đã đối xử với ông bằng tình người trong sáng, tinh khiết, chân tình nhất. Ngược lại, ông cũng đối xử với tôi như vậy. Có điều kỳ lạ là, tôi đã gặp ông ở giai đoạn mà ông đã “chán gặp con người rồi”. Trong một lần trò chuyện, ông đã nói với tôi cái câu tôi đã kể ở đầu bài viết, đầy đủ hơn nó là như thế này:
-Đông La có biết tại sao tôi chuyển nhà lên ở tận chốn xa xôi này không? Vì tôi đã chán gặp con người rồi, chỉ thích gần cây cối thôi.
Bây giờ, phải sau một khoảng thời gian rất dài, khi tôi đã bằng tuổi Chế Lan Viên hồi ấy, tôi mới giật mình nhớ lại và mới hiểu sâu sắc câu nói thâm thuý của ông. Phải từng trải và thông thái cỡ CLV mới có thể nói ra được như vậy. Và những ngày hôm nay đây càng thấy ông nói chí lý biết bao, khi “tôi và chúng ta” chứng kiến những nhố nhăng đang diễn ra trong nhiều lĩnh vực của xã hội VN hiện tại, trong đó có văn chương. Và tôi không chỉ “chán” như Chế Lan Viên mà còn thật kinh tởm mỗi khi nghĩ về bọn nhà văn bất tài, thất đức lại đoạt được quyền chức, lại được tôn vinh như đám thằng Thiều, thằng Điệp… và loại văn bất nhân như Nguyễn Huy Thiệp, mới được tin, cũng đã đoạt Giải thưởng Nhà nước kỳ này!
3-12-2022
ĐÔNG LA