Thứ Hai, 13 tháng 2, 2023

GIÁM SÁT QUYỀN LỰC?

 GIÁM SÁT QUYỀN LỰC?


Những ý kiến có tầm tư tưởng đúng là vô giá cả hai nghĩa; với những cái “đầu gối” hoặc “tai trâu” thì vô gía trị; còn với những người hiểu biết lại là quý giá, không giá nào mua được. Có lần tôi được mời đến cuộc “gặp gỡ Nhà Văn Đông La”, đến nơi tôi thấy một vị nguyên là Uỷ viên TW Đảng đang chăm chú đọc, thấy tôi ông bảo: “Tôi đang đọc và gạch chân từng câu trong bài anh viết. Tiếc quá, được gặp anh muộn quá!” Về sau người tiếc lại chính là tôi vì ông đã về hưu, mà đã hưu thì ông hết quyền, có muốn làm điều tốt cũng không được. Là người nghiên cứu tôi luôn ủng hộ sự đổi mới; là nhà văn, tôi luôn cho những tác phẩm, những ý kiến phản biện có lương tâm, có trách nhiệm, có tầm tư tưởng có thể cảnh tỉnh xã hội luôn quan trọng hơn loại văn chương ca ngợi chung chung. Giống như thuốc của bác sĩ chữa bệnh vậy, Vtamin, nước đường cũng cần cho người bệnh nhưng sao bằng những thuốc đặc trị, có thể tiêu diệt bệnh tật, giúp bệnh nhân khỏi bệnh. Với đám như Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Quang Thiều chúng không có cả tri thức lẫn lương tri để mà phản biện, chúng cũng viết về những cái xấu của chế độ, của xã hội nhưng phóng đại, xuyên tạc, nguy hiểm hơn là vì cơ hội, đón gió, trở cờ, chúng chống lại bản chất, nền tảng tư tưởng của chế độ, chống lại tính chính nghĩa của các cuộc kháng chiến, bôi xấu cả anh hùng dân tộc, anh hùng liệt sĩ, các nhà cách mạng, kể cả Bác Hồ. Ví dụ như Nguyễn Huy Thiệp ca ngợi Nguyễn Ánh, bôi bẩn Nguyễn Huệ, còn phỉ nhổ vào cuộc kháng chiến; còn Thiều thì ngoài những sáng tác quái dị, sai sự thật, đã ca ngợi Nguyễn Huy Thiệp và Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh; “bất Hảo” thì bôi bẩn Bác Hồ, còn Nguyễn Duy diễu cợt Võ Thị Sáu, v.v…
Còn tôi thì bên cạnh những bài “bảo vệ chế độ” mà bọn mất dạy cho là “bưng bô”, tôi cũng viết khá nhiều, cả sáng tác lẫn chính luận, mang tính phản biện.
10 năm trước tôi đã viết bài “Giám sát quyền lực”, mà những ngày hôm nay, khi một loạt cán bộ đảng viên từ chủ tịch nước trở xuống lũ lượt bị “thôi chức”, kỷ luật, kể cả bị tù, tôi thấy dường như những điều tôi viết đang được thực hiện. Tôi sửa lại chút cho gọn và đăng lại bài này.
13-2-2023
ĐÔNG LA
GIÁM SÁT QUYỀN LỰC?
Trên VietNamNet có bài về kiểm soát quyền lực viết rằng “Đảng cũng đang đứng trước “nguy cơ tồn vong” bởi “một bộ phận không nhỏ” đảng viên suy thoái, biến chất” vì vậy cần giám sát quyền lực của Đảng, hoạt động của đảng viên tránh được nguy cơ Đảng “lấn sân” chính quyền, tránh được tình trạng cá nhân hoặc nhóm lợi ích lợi dụng quyền lực của Đảng hoặc nhân danh Đảng để lộng quyền, lạm quyền để trục lợi và can thiệp vô nguyên tắc vào hoạt động của bộ máy Nhà nước.
Ông Nguyễn Trung cũng cho rằng: “Điều đặc biệt nguy hiểm là quá trình “đảng hóa” đang được coi là phương thức lãnh đạo toàn diện và tối ưu”; “Đảng đang từng giờ từng ngày đẩy lùi Đảng từ vị trí đảng lãnh đạo xuống vị trí đảng cai trị”.
Tôi cho rằng cái ý cho rằng do “Đảng “lấn sân” chính quyền” nên “một bộ phận không nhỏ” cán bộ đảng viên suy thoái dẫn tới “nguy cơ tồn vong” xem chừng là nói ngược, không đúng với thực tế. Vì trong thực tế vừa qua không phải có tình trạng “Đảng hóa” như ông Nguyễn Trung viết mà thực tế đang có một sự phân hóa trong Đảng. Những đảng viên có chức, có quyền ở những lĩnh vực liên quan đến tiền bạc, đã móc ngoặc, liên minh liên kết, co cụm, tạo lập những vương quốc riêng, thoát khỏi sự lãnh đạo chung của Đảng; đã tham ô, tham nhũng, hình thành nên “một bộ phận không nhỏ” nói trên. Như chính TBT Nguyễn Phú Trọng nói đã có phân hoá người giàu người nghèo trong Đảng”. Trong quá trình phân hóa đó đã tạo ra những nhóm tha hóa, nhất là những người trong các lĩnh vực liên quan đến vật chất, tiền bạc, đã tạo nên tầng lớp mà dư luận gọi là “tư bản đỏ”.
Về danh nghĩa đúng là Đảng “lấn sân”, trùm lấp, ở đâu cũng có “Đảng”, có bí thư, có đảng viên. Lẽ ra sự phạm pháp phải bị kiểm soát tốt, nhưng thực tế đã diễn ra ngược lại.
Có tình trạng như vậy bởi đúng là Đảng lãnh đạo toàn diện, nói theo “lề trái” là “toàn trị” nhưng thực tế trong suốt thời gian dài Đảng lại không “trị” được ai. Bởi Đảng có quyền lãnh đạo nhưng không có quyền chỉ đạo. Đảng chỉ ra đường lối, chủ trương bằng nghị quyết, rồi mọi chuyện diễn ra ngoài tầm kiểm soát của Đảng.
Vì tất cả các lẽ đó, cần phải có một cơ chế để sự lãnh đạo của Đảng không chỉ “lấn sân chính quyền” mà còn cần phải làm cho sự lãnh đạo của Đảng đúng là toàn diện. Có vậy mới giám sát được mọi hoạt động của chính quyền, của các cơ quan, các đơn vị. Đảng không làm cụ thể nhưng Đảng có quyền giám sát, mà quyền giám sát là quyền đặt cao hơn. Và càng những lĩnh vực liên quan đến kinh tế, đến tiền, thì càng cần phải giám sát chặt chẽ hơn.
Còn chuyện sợ Đảng “lấn sân” trở thành độc tài thì có lẽ không có cơ sở. Đơn giản là vì Đảng không phải là một cá nhân, một nhóm người mà là cả một tập thể lớn. Mọi cán bộ các cấp của Đảng, kể cả Tổng Bí thư, song song với chuyện có quyền theo hiến định đồng thời cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hành vi của mình. Bên cạnh việc có những Đảng viên chuyên trách “lãnh đạo”, cũng có rất nhiều đảng viên là đại biểu Quốc hội, là những cán bộ hành pháp, tư pháp, hoàn toàn có quyền chất vấn mọi chuyện công khai.
Dự thảo Hiếp pháp cũng đã ghi:
“Điều 4 (sửa đổi, bổ sung Điều 4)
1. Đảng Cộng sản Việt Nam… là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
2. Đảng … chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.
Điều 31 (sửa đổi, bổ sung Điều 74)
1. Mọi người có quyền khiếu nại, quyền tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.
Như vậy bất cứ ai nếu phạm pháp cũng có thể bị tố cáo. Rắc rối ở ta không phải là ta không có luật mà chính là sự cả nể, tàn dư của lối ứng xử trong xã hội phong kiến, thông thường thì ai cũng ngại tố cáo cấp trên. Có điều, có người tố cáo thì ai sẽ luận tội và xử lý người ở cấp cao nhất?
Như Mỹ, Hiến pháp Hoa Kỳ cho phép Hạ viện luận tội các viên chức cao cấp liên bang trong đó có tổng thống, cho phép Thượng viện có quyền truất phế các viên chức bị luận tội.
Bên cạnh tăng hiệu lực sự lãnh đạo của Đảng cần tăng đồng bộ quyền lực của Quốc hội sẽ đảm bảo thể chế thực hiện đúng Nguyên lý Tập trung Dân chủ.
***
Về Chính phủ, Điều 99 dự thảo HP viết: “Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội”.
Có thông tin:
“Tại hội thảo "Chế định Chính phủ và chính quyền địa phương trong Hiến pháp" do Bộ Nội vụ cùng Văn phòng Chính phủ (CP) tổ chức sáng 8/3, có nhiều góc quan điểm … không đồng tình quy định CP là cơ quan chấp hành của Quốc hội”.
Tôi thấy điều này thật nguy hiểm bởi nếu để Chính phủ chỉ “hành pháp”, không còn “chấp hành” Quốc hội thì dù quan chức chủ chốt của Chính phủ đều là đảng viên, đều là đại biểu Quốc hội, nhưng trong tay Chính phủ nắm Quân đội, Công an, Ngân hàng, Doanh nghiệp, v.v… nghĩa là nắm hết; thì chính phủ hoàn toàn có thể trở thành một nhà nước riêng, biến Đảng, Quốc hội thành ngồi chơi xơi nước.
Vừa rồi, một loạt các đại công ty thua lỗ, tham ô, tham nhũng, một phần do đã tăng quyền độc lập cho các đơn vị kinh tế.
Vì vậy, theo tôi, cần phải tạo ra một cơ chế sao đó để có thể giám sát được từ sự lãnh đạo của Đảng đến sự điều hành kinh tế của Chính phủ; giám sát được sự chi tiêu ngân sách của các đơn vị kinh tế. Cần phải công khai tài sản của quan chức và những người thân, minh bạch hóa những khoản thu nhập lớn, buộc phải chứng minh được nguồn gốc của các loại tài sản. Càng thực hiện kinh tế thị trường phát huy sức sản xuất càng phải giám sát, chống tham nhũng và làm giàu bất chính, bởi đó chính là sự bất công lớn nhất, cái việc một thời cả nước đổ máu để rồi cho hôm nay một số nhỏ trục lợi.
Cơ chế Kinh tế Thị trường định hướng XHCN có lý tưởng, mục đích tốt. Nhưng triển khai trong thực tế còn nhiều khiếm khuyết, nhất là về sự giám sát. Chính nó đã sinh ra tình trạng “công tư” nhập nhằng, tạo điều kiện cho các “nhóm lợi ích” lợi dụng để làm kinh tế thị trường, không phải định hướng XHCN mà là TBCN cho cá nhân mình! Dùng vốn công làm kinh tế công nhưng thu lợi là tư.
Vì vậy, “Chính phủ hành pháp” cũng chính là Chính phủ phải chịu sự giám sát của Quốc hội.
***
Tóm lại Hiến pháp chính là đạo luật gốc đưa ra nhằm bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Nhưng vì nhân dân đông quá, trình độ quá khác nhau nên mới sinh ra “dân chủ đại diện”, trên nền đó lại chọn ra “đại diện của đại diện” để thành lập Nhà nước điều hành công việc của đất nước. Để điều hành lại cần phải có quyền, nên cũng lại phải có điều luật để chống lạm quyền. Bên cạnh đó xã hội cũng phải có luật để ngăn chặn mọi người phạm tội. Tất cả những cái đó là Hiến pháp, là luật pháp.
Chúng ta có đầy đủ Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp, cạnh đó còn có sự lãnh đạo của Đảng bao trùm, lẽ ra kỷ cương phép nước phải tốt hơn. Thực tế lại ngược lại có lẽ bởi trình độ chính trị cũng như trình độ về Kinh tế, Khoa học công nghệ v.v… ở ta còn yếu. Những điều luật chung của chúng ta quá tốt nhưng không cụ thể.
Vì vậy theo tôi, ngoài sự vận dụng cơ chế kiểm soát quyền lực theo cơ chế “tam quyền phân lập” một cách phù hợp trong thể chế Đảng lãnh đạo toàn diện, cần phân chia và kiểm soát quyền lực theo nguyên lý cân bằng âm dương của triết cổ phương Đông: Cần tăng quyền cho phía ít lực, ngược lại cần tăng lực cho phía ít quyền. “Lực” ở đây là tiền. Nếu “lực” mà có quyền tuyệt đối sẽ thao túng được tất cả. Còn quyền là quyền chất vấn, quyền giám sát, quyền truy tố.
TPHCM
12-3-2013
ĐÔNG LA