Thứ Hai, 6 tháng 2, 2023

VÀI LỜI NHÂN NGÀY THƠ VIỆT NAM

 VÀI LỜI NHÂN NGÀY THƠ VIỆT NAM



Tính bắt chước thiền không chấp những sinh hoạt của giới văn chương vì cái tổ chức của Hội Nhà Văn VN nhố nhăng quá. Trước “Ngày thơ Việt Nam” (rằm tháng giêng) 2 ngày, 3-2-2023 (13-1 Quý Mão), một bạn chuyển qua tin nhắn facebook hình Nguyễn Quang Thiều và viết: “Chủ tịch hội nhà văn đó hả anh? Nhìn giống lưu manh hơn”.



Nhưng rồi một ngày sau, anh Đậu Thanh Sơn, sinh hoạt ở Hội Nhà Văn TPHCM, cũng lại gởi qua tin nhắn lời mời: “Bắt đầu từ ngày mai, mong người yêu thơ, nhà thơ, nhà văn... sẽ đến cùng Ngày thơ Việt Nam tại TP.HCM. Hân hạnh đón tiếp!”
Tất nhiên là tôi không đi, nhưng vốn là người làm khá nhiều thơ, từng được tặng thưởng và giải thưởng (giải thưởng trong một cuộc thi thơ do chính giám khảo Chế Lan Viên đề nghị), từng được gặp rất nhiều nhà thơ danh tiếng của Việt Nam: Chế Lan Viên, Anh Thơ, Viễn Phương, Chim Trắng, Hoài Anh, Thái Thăng Long, Văn Lê, Anh Ngọc, Hữu Thỉnh, v.v…, và cả Trần Đăng Khoa và Nguyễn Quang Thiều; vì vậy tôi không thể không có chút vẩn vơ vơ vẩn.
Nhớ lại những ngày đầu trước đền đài văn chương, tôi cũng như các bạn trẻ bây giờ loá mắt trước những siêu sao văn chương do truyền thông thêu dệt. Tôi cũng say sưa tìm hiểu, tìm kiếm những câu thơ được cho là tuyệt diệu và chính bản thân mình cũng đồng cảm, như hai câu của Nguyễn Du viết về sự chia ly: “Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường”. Khi gặp Nhà thơ Anh Thơ, bà rất chăm lo cho tài thơ của tôi nên đã tặng cho tôi một tuyển tập. Tôi không ngờ Chế Lan Viên không chỉ có những bài thơ hoành tráng về Đảng, Bác, về Tổ quốc, nhân dân mà còn có những bài thơ tình làm tôi rất ấn tượng như “Tình ca ban mai” và “Rét đầu mùa nhớ người đi phía bể”: “Cái rét đầu mùa, anh rét xa em/ Đêm dài lạnh chăn chia làm hai nửa/ Một đắp cho em ở vùng sóng bể/ Một đắp cho mình ở phía không em”.
Đến lượt tôi, năm 1990 tôi ở Leningrat (LX) cũng “xa em”, nếu Chế Lan Viên dùng sự chia đôi tấm chăn trong tưởng tượng để thể hiện sự nhớ nhung thì tôi đã viết về cái “nỗi nhớ cong” do xa “em” “gần nửa vòng Trái Đất” và sự đuổi bắt nhau của cái nỗi nhớ do lệch múi giờ: “Anh xa em gần nửa vòng trái đất/ Nỗi nhớ cũng cong theo dáng Địa cầu/ Lúc anh thức là khi em ngủ/ Có bao giờ nhớ và nhớ cùng nhau?” Tôi có thể tự tin nói là mình đã tạo ra được một tứ thơ độc đáo, không giống ai, tức đã có một sự sáng tạo mà chỉ có tài năng đích thực mới có thể làm ra được.
Tôi đã làm đủ kiểu thơ dài ngắn, đủ đề tài to nhỏ, từ tình cảm cá nhân đến tình yêu quê hương đất nước, từ tình yêu đôi lứa đến chính luận. Ngoài những bài yêu nước “bưng bô” như bọn mất dạy xuyên tạc, tôi cũng làm những bài thơ mang tính phản biện. Trước thực trạng cán bộ, đảng viên cả chùm, từ chủ tịch nước, phó thủ tướng, bộ trưởng… bị “thôi chức”, bị kỷ luật, bị tù… thì bài thơ cảnh báo mà tôi đã làm trước đây giờ đã trở thành như lời tiên tri:
NGÔI NHÀ
Có một ngôi nhà xây nên bởi những con mọt
Kèo, cột, dui, mè toàn những gỗ thơm
Năm tháng trôi lũ mọt tròn béo mập
Căn nhà vẫn còn nguyên vẹn lớp sơn
Và khi gặp cô Vũ Thị Hoà, vào trang facebook của cô viết về Đạo, về Đời, tôi đã thường vào comment bằng những bài thơ 4 câu, mà giờ coi lại, tôi ngạc nhiên thấy mình đã dấn thêm một bước là đã làm thơ về Đạo. Nếu Chế Lan Viên có sống lại, chắc ông cũng ngạc nhiên vì ông chưa làm thế. Có điều, để hiểu sâu sắc những bài có tính Đạo, phải hiểu những khái niệm của Phật Giáo về nhân quả, về vô thường, vô ngã và khổ. Đạo Phật coi Đời là bể khổ, tất cả là giả tạm, kể cả cái tôi, như các cụ nói: “Sinh ký tử quy”. Xin giới thiệu mấy bài:
VÔ MINH
Đường Đời, đường Đạo lệch nhau
Vô minh trùng điệp biết đâu mà lần
Thương thay mắt sáng, mù tâm
Tưởng êm nhung lụa hóa hầm chông gai!
LỰA CHỌN
Mấy ai chọn phúc bỏ tiền?
Mấy ai chọn Đức bỏ quyền lợi cao?
Biết đâu xiềng xích đeo vào?
Trăm ngàn vạn kiếp khi nào thoát ra!
VÌ THÂN
Quyền cao chức trọng cao vời
Biết đâu có lúc đất dời dưới chân
Vì thân không phải vì dân
Địa ngục tăm tối ngàn năm đón chào!
Đức Phật sau khi đắc Đạo thấy điều mình giác ngộ lại ngược với Đời, người đời khó hiểu, nên tính không truyền Đạo. Rồi sau lời thỉnh cầu của một vị Phạm Thiên và suy tư khi ngồi bên hồ sen ngài mới thay đổi ý định. Vì nhớ vậy, dưới một bài của cô Hoà viết, tôi đã comment bằng mấy câu về hồ sen. Giờ quên mất tiêu, chỉ nhớ cái tứ, ai đến hồ cũng thấy hương sắc của hoa mà ít người thấy, để có hương hoa thì có biết bao rễ phải lần mò trong bùn sâu. Tôi đã phải viết lại:
NGẮM SEN
Cùng nhau đến một hồ sen
Hương thơm ngào ngạt dâng lên mặt hồ
Sắc hoa rạo rực hồn thơ
Mấy ai biết rễ lần mò tháng năm
Vậy mà thật tiếc, những giá trị đích thực của văn chương sẽ trở thành vô nghĩa trước một nền văn chương mù điếc khi rơi vào tay Nguyễn Quang Thiều, người cho Nguyễn Huy Thiệp “nôn mửa vào cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc” là “nhà văn tìm đạo cho dân”; và cho cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh là “chạm vào mẫu số chung nhân loại”, một cuốn sách cho chiến thắng của cuộc chiến giành lại chủ quyền đất nước của nhân dân ta là một “nỗi buồn”!
Tôi đã trả lời tin nhắn bạn gởi hình Nguyễn Quang Thiều: “Chủ tịch hội nhà văn đó hả anh? Nhìn giống lưu manh hơn”/ “Còn phá hoại, hơn cả lưu manh”/ “Anh gửi tố cáo ra văn Phòng TW Đảng đi anh”/ “gởi ô Trọng rồi đó!”
***
Thay vì phấn đấu và công nhận những giá trị đích thực, thực tế, chúng ta thấy nền văn hoá VN hiện tại không chỉ mê cuồng bắt chước mà còn bắt chước cái cũ kỹ, cái mốc meo của nước ngoài, nhất là Mỹ. Lớp trẻ hết mê cuồng Hip Hop thì nay đang tràn ngập Rap. Trong lĩnh vực văn chương sự bắt chước mê cuồng còn sớm hơn, đa dạng hơn, cực đoan hơn lĩnh vực âm nhạc rất nhiều, kéo dài tận hôm nay, từ Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Hưng, nhóm Mở Miệng, Inrasara, đến Nguyễn Quang Thiều.
Hoàng Hưng có câu thơ “tai tiếng”: “Đờm dãi thịt da tinh khí phì phào”. Trước Hoàng Hưng, đi tiên phong là Trần Dần. Ông đã “đổi mới” thơ vừa tục, vừa cố ý ngọng ngịu, với những “Cởi xì líp”, “Em hông tôi bằng mông”, “1 lẹo vú 1 bú đít”, “1 híc bẹn”, “Tức là con nữ kỹ sư truồng nằm jữa xé sử ký jao cấu trên tôi”, “truồng B ngồi đùi non trên một bẹn hồ sơ- cả một xilip sách jọc nịt thịt Mưa vi ni lông múa nữ lọc vòng lòng”, v.v…
Bắt chước hay không là quyền tự do, nhưng người lấy cái phản đạo lý, phản thẩm mỹ làm chuẩn mực của giá trị văn chương lại nắm quyền lãnh đạo như Nguyễn Quang Thiều thì sẽ là đại phá hoại. Sau Trần Dần mấy chục năm, Nguyễn Quang Thiều đã hăm hở, vênh vang, theo Trần Mạnh Hảo, Thiều cho “thơ ca Việt chưa vượt qua vũng bùn tiểu nông”, và chỉ như “một dàn đồng ca tẻ hạt”, nên cần phải đổi mới. Thiều đã viết những câu thơ gặp đàn bà, con gái nào cũng nghĩ đến chuyện ngủ với người ta thế nào mà Trần Mạnh Hảo cho là “thiếu văn hoá”. Sợ còn thua “mới” người ta, Nguyễn Quang Thiều đã viết: “Ngáp ngủ đã đêm qua/ Chửi tục đã đêm qua/ Gạ gẫm làm tình đã đêm qua/ Âm hộ đã đêm qua/ Dương vật đã đêm qua...”.
Có điều kỳ quái là cả Trần Dần, cả Hoàng Hưng từng vì thơ ca mà bị bắt tù, còn Nguyễn Quang Thiều không chỉ được vinh danh trong nước, ngoài nước mà còn leo đến chức tột đỉnh trong lĩnh vực văn chương, lãnh đạo cả một nền văn chương: Chủ tịch Hội Nhà Văn VN!
Không chỉ đổi mới hình thức một cách vặt vãnh bằng cách thể hiện câu chữ ú ớ, ngọng ngịu, tục tĩu như Trần Dần, Nguyễn Quang Thiều là bậc thầy ông khi thể hiện những vấn đề lớn lao, về quan điểm chính trị, công kích thể chế chính trị.
Nguyễn Quang Thiều viết cuộc mưu sinh của làng quê Việt khốn khổ, man rợ như bầy chó kiếm ăn “Liếm cả vào lưỡi dao sắc ngọt/ Lưỡi bị cứa máu trào ra ở đó/ Con đến sau lại liếm máu bầy mình”; viết về những người phụ nữ VN “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” lại quái dị, kinh khiếp như thế này: “Những người đàn bà thụ thai suốt mùa đông cùng gió lạnh/ Rồi ngồi khóc sự hiện hình của mình trong đáy lưới/ Lấy khăn vuông bọc những ổ trứng ung không thể nở…” Nguyễn Quang Thiều còn cho “cố hương” của mình lạc đường trong “cánh rừng đầy quỷ”: “Cố hương buồn rã cánh/ Cố hương mê mẫn và lạc đường/ Trong những cánh rừng đầy quỷ”.
***
Nhắc lại chuyện Đầu năm ngoái, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Lễ phát động Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi mà Nguyễn Quang Thiều mời được cả Nguyên thủ Quốc gia, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, tham dự. Tôi đã viết “Lẽ ra ông Chủ tịch Hội Nhà Văn VN phải dựa vào tư tưởng về thiếu nhi của Bác Hồ mà phát động sáng tác cho thiếu nhi VN chứ không phải vì mình cuồng Mỹ, cuồng Nobel, đã lấy cái nhìn độc ác về con trẻ của một bà nhà văn Mỹ được Nobel là Toni Morrison làm chuẩn mực.
Với những người hiểu biết sẽ thấy ông Nguyễn Xuân Phúc chỉ như một diễn viên mà không hiểu Thiều chỉ dùng mình để che chắn cho Thiều. Ông không có tầm tri thức để mà nhận ra sự sai trái độc hại của Nguyễn Quang Thiều.
Hôm nay ông Nguyễn Xuân Phúc đã từ chức rồi, vốn coi trọng ông Phúc như thế thì Nguyễn Quang Thiều cũng nên noi gương ông Phúc mà từ chức đi, và nên biết ngượng, đừng có véo von, ba hoa mãi!
6-2-2023
ĐÔNG LA