Chủ Nhật, 21 tháng 5, 2023

KHI TA ĐI ĐẤT ĐÃ HOÁ TÂM HỒN

 KHI TA ĐI ĐẤT ĐÃ HOÁ TÂM HỒN



Gần đây tôi có đôi lần giao lưu với anh Nguyễn Cảnh Toàn, một GSTS quý hiếm, quý hiếm vì thấy anh khác nhiều GSTS lừng danh nhưng như tôi đã chỉ ra, họ chỉ là những “GS củ chuối” mà thôi. Tôi cũng mới kết bạn với bạn Phan Việt Hùng, cả anh Toàn và Hùng đều từng học và ở LX, ở Nga rất lâu.

Những ngày hôm nay, thật lạ lùng và cảm động là, đúng 12 giờ ngày 19/5/2023, khẩu đội pháo trên pháo đài Petropavlovsk của cố đô Saint Petersburg đã bắn chào mừng 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thế là trong tôi bao kỷ niệm lại ùa về, bởi tôi cũng đã từng ở Leningrat (Saint Petersburg), đã chụp ảnh bên bờ sông Nhe-va hướng về phía pháo đài Petropavlovsk, và đã đặt chân tận nơi pháo đài lịch sử đó.



Vậy hôm nay kể lại chút kỷ niệm, nhoáng cái đã hơn 30 năm trôi qua rồi/
21-5-2023
ĐÔNG LA
Tôi ở Leningrat (tên cũ), LX, cuối năm 1989, trong một chuyến đi đúng là để chữa cháy cho tình trạng tôi bị bọn lãnh đạo mới ở viện nghiên cứu nơi tôi làm việc (Viện Công nghiệp Dược, Bộ Y tế) giật khỏi tay công trình, chiết xuất thuốc chống ung thư Vinblastin từ cây dừa cạn, của mình. Lẽ ra tôi phải ở đó 5-6 năm, nhưng mới ở được khoảng 7 tháng, tôi đã nhờ anh bạn tên là Kế (nhà ở Nha Trang) giúp tôi gần như “trốn chạy” khỏi nước Nga.
Nhưng chính hơn nửa năm ở Lêningrat đó cũng như hơn một năm ở chiến trường, dù chỉ là những khoảng thời gian rất ngắn so với cuộc đời dài, chúng lại để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc và những kỷ niệm không bao giờ quên. Đúng như Nhà thơ Chế Lan Viên, người tôi luôn coi như cha mình, đã viết: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn”, những ngày tháng gian khổ và khốc liệt thời chiến tranh ở rừng Miền Đông và những ngày tháng lạnh giá ở Leningrat đúng là đã “hóa tâm hồn” tôi.
Như người ta thường nói, ông Trời không lấy hết của ai bao giờ, chính trong cái khúc quanh bị cướp công của cuộc đời tôi đó, tôi lại có một chuyến xuất ngoại như là du lịch, đã không mất tiền còn được trả lương, còn có cả quân lính sai phái nữa, lại được đến một trong những thành phố đẹp nhất thế giới.
Trong truyện ngắn Bài toán tôi đã viết sau khi ở LX về mấy năm có đoạn:
“Chiều ấy, anh không về ngay nhà mà ra cảng, chọn một chỗ yên tĩnh, nơi có mấy khẩu súng thần công bên phía phà Thủ Thiêm ngồi. Những lúc đầu óc căng thẳng, anh hay ra chỗ gần với thiên nhiên này mà trầm tư mặc tưởng, muốn quên đi thực tại để tìm lại sự thăng bằng trong tâm hồn. Anh thích ngắm dòng sông cuộn chảy. Nó như một hình ảnh tượng trưng của cuộc đời. Dòng sông, dòng đời luôn miên man trôi, đầy sôi động và đầy bí ẩn. Sài Gòn đã lên đèn, thật rực rỡ! Đã sống ở đây hai mươi năm nhưng nhiều lúc anh vẫn ngỡ ngàng vì nó. Anh bỗng nhớ đến một thành phố khác cũng tuyệt đẹp, nơi anh từng có hơn nửa năm sinh sống, nơi mà vừa đặt chân tới, người ta đã bảo bọn anh có một vinh dự là được đến một trong những thành phố đẹp nhất thế giới: Leningrat-Saint Perterburg. Lẽ ra anh còn ở nơi ấy nhiều năm. Phải từ biệt nó trong những ngày hè ấm áp rực rỡ của phương Bắc, với những đêm trắng trong vắt, tuyệt vời, anh rất tiếc. Giờ đây, khi ngồi trước dòng sông đầy lăn tăn sóng này, đầy ánh sáng được hắt xuống từ những bảng quảng cáo khổng lồ, đủ sắc mầu rực rỡ kia, anh vẫn còn nhớ như in những lúc đi qua những khoảnh rừng phong, dưới bóng chiều tà, mà thời gian cứ mãi chiều tà như vậy, ngước nhìn những chiếc lá non mỏng manh như làm bằng thủy tinh mầu xanh vàng, ướt đẫm ánh nắng; triệu triệu những chấm sáng nhấp nhánh như những hạt kim cương thêu trên dòng Nhê-va, rải trên Cung điện Mùa Đông, trên vòm vàng Đại Giáo đường Ixaakievxki... Nhưng anh không phải ở đó để mà được thanh thản ngợp vào cái mơ mộng thần tiên ấy. Có một cuộc sống khác luôn vây quanh anh. Đó là cái thế giới của những thau nhôm, nồi áp suất, bàn là và tủ lạnh..., một thế giới nhộn nhạo và xô bồ mà anh không tài nào hòa nhập vào được. Và anh đành bỏ về…”


Hồi ấy “Việt cộng” ta quan tâm chủ yếu là đi lùng mua hàng để đóng thùng gởi về VN. Tôi rảnh hơn vì có người để sai phái, có máu văn chương nghệ thuật nên tôi bảo anh bạn Kế dẫn tôi tham quan danh lam thắng cảnh của thành phố. Kế là thổ công vì đã từng học ở “Len” 5-6 năm. Tôi “bắt” Kế dẫn đi xem Viện bảo tàng Hermitagiơ (chính là Cung điện Mùa Đông xưa) bên bờ sông Nhê-va.


Tôi thật hạnh phúc khi được chiêm ngưỡng trực tiếp, nguyên bản những tác phẩm nghệ thuật đã trở thành bất tử như tranh của Rê-pin, Van-gốc, Lê-vi-tan, và tượng của Ca-nô-va với bức 3 cô gái nổi tiếng, v.v…


Cùng tuyến phố bờ sông cũng có một nơi tuyệt đẹp, mà dãy phố phía sau có Đại giáo đường nổi tiếng Ixaakievxki. Tôi và Kế đã vào nhà thờ, còn leo tận lên trên, rồi đi trên đường vòng tròn dưới vòm vàng của đại giáo đường. Không gian phía trước giáo đường là một khoảng công viên cây cối sum suê, râm mát, và đặc biệt phía gần đường bờ sông có đặt bức tượng Pie Đại Đế cưỡi ngựa tuyệt đẹp, nơi du khách thường rất thích chụp hình. Tôi cũng có chụp, tiếc là đã làm mất tiêu rồi!

***
Một hôm thơ thẩn ngoài công viên bên chỗ ở, nhìn thấy một cô bé con mặc áo bông tròn như cái kẹo trượt tuyết đọng trên cầu trượt, tôi nhớ hai đứa con nhỏ đau cả tim.
Tôi nghĩ nỗi nhớ của mình muốn về đến được SG thì nó phải đi cong theo dáng trái đất, nên đã viết bài có 4 câu mà sau này có nhiều người thích:
Anh xa em gần nửa vòng Trái Đất
Nỗi nhớ cũng cong theo dáng Địa Cầu
Lúc anh thức là khi em ngủ
Có bao giờ nhớ và nhớ trùng nhau?
Được ở một thành phố tuyệt đẹp, có thể kiếm tiền, lẽ ra tôi phải ở hết 5,6 năm gì đó, nhưng tôi không quen cảnh chụp giật, xô bồ, và cả vì tiếng Nga. Tôi đã dốc sức học kiểu chộp giựt sao cho để có thể thi đậu bằng được, nhưng học ngoại ngữ là cả một quá trình phản xạ, dù thông minh đến mấy không ai có thể giỏi chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Năm 1990 cũng chính là năm tồn tại áp chót của LX, đã có nhiều dấu hiệu của sự hỗn loạn. Tôi nhớ một lần Kế dẫn đến chơi một người bạn "nghiên cứu sinh", chuyện trò chẳng thấy nghiên cứu gì mà toàn nghiên cứu đánh quả. Ít lâu sau Kế bảo "bị maphia Nga bóp cổ chết rồi!". Không còn một chút lưu luyến nào nữa, tôi đã nhờ Kế: “Ông giúp tôi về thôi!”. Kế đã đi mua ngay mấy chai “Lúa mới” đút lót thế nào đó, thế là thành công. Nhưng tôi ngạc nhiên hôm đi mua vé thấy Kế không mua một mà là 2 . Kế bảo: “Em về luôn cùng anh”.
Tôi ở “Len” chỉ hơn nửa năm. Nhưng cũng đủ hưởng hết các mùa ở đó. Lúc đến là cuối năm trước, từ phòng chờ sân bay Sheremetyevo (Шереме́тьево) nhìn ra bên ngoài tôi thấy mênh mông một bầu trời trắng đục mầu của tuyết. Có người lạnh quá đã chảy cả máu mũi. Cây cối bị giá lạnh tuốt sạch lá, trơ ra đến từng cọng nhỏ trông như cái tăm. Chỉ riêng loài tùng bách là coi cái lạnh không ra gì, vẫn cứ luôn biếc xanh. Có lẽ vì thể mà người ta đã ví người quân tử là tùng bách chăng? Còn lúc tôi về là mùa hè, sau khi đã được hưởng những đêm trắng trong vắt, nắng vàng như mật. Nắng mà vẫn mát lạnh vì mặt trời không bao giờ qua giữa đỉnh đầu mà chỉ vẽ một vòng cung phía chân trời mà thôi.
***
Thật hú hồn, khi tôi về nước (giữa năm 1990) thì cuối năm sau, LX tan vỡ, nước Nga nơi tôi ở đã hỗn loạn, đói khổ và bị maphia hoá còn hơn cả khi xuất hiện ở Ý. Nhưng nước Nga còn phúc khi có Putin, ông đã dần vực dậy vị thế siêu cường của gấu Nga, bảo vệ lịch sử, bảo vệ văn hoá Nga, và những ngày hôm nay, ông đã ra lệnh tấn công Ukraina. Truyền thông thế giới chia phe oang oang ngược nhau, dư luận tại VN cũng chia phe oang oang ngược nhau, nhưng nguyên nhân chính của cuộc chiến chính là chuyện TT Putin tất không muốn mình bị giết giống như Saddam Hussein, Muammar Gaddafi, và nước Nga cũng không tan hoang giống như I-rắc, Liby, nên ông đã ra tay trước; thực tế là đánh Ukraina, nhưng thực chất là chống lại sự bành trướng của NATO, đúng như Đức Giáo Hoàng Francis nói: "Có lẽ việc NATO sủa trước cửa Nga đã khiến nhà lãnh đạo Điện Kremlin có phản ứng tương ứng”!

21-5-2023
ĐÔNG LA