Thứ Hai, 4 tháng 3, 2024

CHUYỆN VỀ ĐT VÕ NGUYÊN GIÁP XUẤT PHÁT TỪ CUỐN HỒI KÝ CỦA “TRẦN QUỲNH”

 CHUYỆN VỀ ĐT VÕ NGUYÊN GIÁP XUẤT PHÁT TỪ CUỐN HỒI KÝ CỦA “TRẦN QUỲNH”



Đại tá Trịnh Lê Hoài Nam đã nhắn tin fb cho tôi: “Hôm trước sau khi anh đăng bài về Lê Kiên Thành, hắn ta đã phải gỡ bài viết đó khỏi fb”. Tôi trả lời: “vậy là biết sợ sai rồi”. Nhân chuyện Lê Kiên Thành mượn lời Pierre Asslin kể công cha mình, phủ nhận công lao của Bác Hồ và ĐT Võ Nguyên Giáp, tôi đăng lại bài về cuốn “Hồi ký Trần Quỳnh”, một sự bịa đặt, xuyên tạc, vu khống nguy hiểm. Giống như bọn lừa đảo cao tay lừa được nhiều người, sự bịa đặt, xuyên tạc cũng có những ngón nghề dắt mũi được nhiều người, và đặc biệt nguy hiểm là, chúng lại là chứng cứ cho bọn bất lương thất đức lợi dụng, hại người. Xin đăng lại bài này.
4-3-2024
ĐÔNG LA
Cái cội nguồn mà người ta đã dựa vào đó, và còn nhai đi nhai lại cho đến tận hôm nay, để bôi đen, thậm chí kết những tội tày trời cho ĐT Võ Nguyên Giáp, đó chính là cuốn Hồi ký mà tác giả chưa được thông tin chính thống xác thực, ghi là Trần Quỳnh, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Trần Quỳnh từng đi vào ca dao đương đại Việt Nam: “Trần Phương, Trọng Truyến, Trần Quỳnh / Ba thằng đồng tình làm hại dân ta”.
Cuốn sách từng phát tán trên mạng, với tôi đúng là một thứ rác rưởi. Nguy hiểm ở chỗ những rác rưởi, cặn bã trong sinh hoạt thì ai cũng nhận ra, nhưng rác rưởi liên quan đến các lĩnh vực như văn học, sử học, khoa học xã hội… thì không phải ai cũng nhận ra. Cũng như loài kền kền thích xú uế, những người có nhân cách kền kền cũng thích bu vào, hít hà những thứ rác rưởi đó, thậm chí có người còn coi là đồ thờ cúng, đã dâng cho người thân đã khuất của mình.
***
Chuyện ĐT Võ Nguyên Giáp làm “gián điệp cho Pháp”, rồi qua Đại sứ Sherbacov, “làm gián điệp cho LX” mà Đơn tố cáo của tác giả cũng chưa được xác thực, xưng là “vợ của Cố TBT ĐCSVN Lê Duẩn”, chính là copy từ cuốn “Hồi ký Trần Quỳnh” trên. Như tôi đã chỉ ra, chỉ cần một chứng cứ hoàn toàn khách quan trong bộ phim tài liệu của Stanley Karnow “Việt Nam, thiên lịch sử truyền hình”, lời từ chính miệng viên tướng Pháp Jean Julien Fonde kể chuyện thuyết phục Đại tướng Võ Nguyên Giáp đầu hàng, Đại tướng đã trả lời “Anh hãy nghe đây, quân Pháp rồi sẽ bị tiêu diệt”, cũng đủ chứng tỏ những chuyện đó là bịa đặt.
***
Tôi đã đọc cuốn “Hồi ký Trần Quỳnh” từ lâu nhưng không bươi ra sợ ô nhiễm môi trường, nhưng rồi thấy nhiều chuyện cứ phát sinh từ đống rác đó, từ chuyện San vẩu Huy Đức nhắc đến trong “Bên thắng cuộc”, người tự xưng là bà “Bảy Vân” viết đơn tố cáo, rồi có cả một băng nhóm trên mạng đồng thanh chửi rủa Đại tướng, đến hôm nay thì KT Le (Lê Kiên Thành), nhân ngày giỗ cha, cũng nhắc lại những chuyện xuất phát từ cuốn hồi ký đó. KT Le làm vậy đã gián tiếp xác thực những tác giả chưa được xác thực.
Riêng chuyện ơn nghĩa của TBT Lê Duẩn đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người mang danh Trần Quỳnh (tôi sẽ viết trong ngoặc kép “Trần Quỳnh” cho gọn) viết: “Giáp … có nói "tôi rất biết ơn anh Ba đã cứu tôi nhiều lần" thì đích danh Lê Kiên Thành trên báo chính thống An ninh Thế Giới Giữa & Cuối tháng đã trả lời phỏng vấn: “Nhà báo Lương Bích Ngọc … trên Vietnamnet… hỏi tôi về mối quan hệ của cha tôi và ông Giáp. Nguyên văn câu trả lời của tôi là như thế này: Ông Võ Nguyên Giáp đã từng đến gặp riêng cha tôi và nói “Cuộc đời cách mạng của tôi có được một phần lớn là nhờ anh Ba”. Cộng đồng mạng đã nổi giận và chửi KT Le ghê gớm.
Ai hiểu lịch sử cũng đều biết, sau Cuộc Cách mạng tháng Tám, Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập vào ngày 28 tháng 8 năm 1945, ra mắt quốc dân ngày 2 tháng 9, ngày tuyên bố độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chính phủ đầu tiên đó đã có tên Võ Nguyên Giáp, với chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ, nghĩa là Võ Nguyên Giáp thuộc vào bậc Khai quốc Công thần.
Về Đảng, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám (1945) cũng có tên Võ Nguyên Giáp, chỉ sau Bác Hồ và TBT Trường Chinh.
Còn Lê Duẩn, phải đến Đại hội II (1951) mới có tên trong danh sách Bộ Chính trị, với chức danh Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, sau là Bí thư Trung ương cục miền Nam.
Như vậy, cả Đảng và Chính quyền, tuy nhiều hơn 4 tuổi nhưng Lê Duẩn đúng chỉ là bậc “đàn em” của Võ Nguyên Giáp.
Ở thuở trứng nước của một nước VN mới, khi các nước lớn thắng trận trong Đại chiến II đã coi VN chỉ là chiến lợi phẩm của họ như nước Đức, bán đảo Triều Tiên, Võ Nguyên Giáp đã giúp Bác Hồ bảo tồn được nhà nước non trẻ trong cảnh thù trong, giặc ngoài, chưa nước nào công nhận VN. Đến thời ông được Bác Hồ và Bộ CT giao trọng trách chỉ huy Chiến dịch ĐBP, rồi đánh thắng Pháp, cả thế giới đã biết đến Võ Nguyên Giáp bởi vì ông là vị tướng đầu tiên đã chỉ huy quân đội của một nước thuộc địa đánh thắng một nước thực dân, đế quốc. Lúc này thì thế giới chưa biết Lê Duẩn là ai. Về sau, Võ Nguyên Giáp còn được xếp vào danh sách những tướng lĩnh kiệt xuất của nhân loại: “Võ Nguyên Giáp là một trong 21 vị danh tướng của thế giới trong 25 thế kỷ qua, từ thời Alexandre Đại đế đến Hannibal rồi đến thời cận hiện đại với Kutuzov, Zhukov..., những người đã có chiến công tạo nên bước ngoặt của nghệ thuật chiến tranh.”(Duncan Townson, sách Những vị tướng lừng danh); “Tài năng chiến lược của Tướng Giáp đã đặt ông vào ngôi đền của những nhà lãnh đạo quân sự vĩ đại. Sau Hồ Chí Minh, ông là nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam thế kỷ XX... Ông ấy giống như một vị thánh. Không có gì khiến ông phải chấp nhận thất bại”. (Nhà báo kiêm sử gia người Mỹ Stanley Karnow).
***
Có lẽ với danh tiếng quá lớn lao như vậy, vị Đại tướng tài đức đã làm những người đố kỵ, ganh đua tài danh với ông không chịu nổi, và ông trở thành mục tiêu để họ và tay chân bôi đen, làm hại.
“Trần Quỳnh” viết trong Kháng chiến chống Mỹ, Võ Nguyên Giáp không chỉ “làm gián điệp cho LX” mà ông còn lãnh đạo phe “chủ hoà”, theo Chủ nghĩa Xét lại của Khơ-rut-sov chủ chương “thi đua, chung sống hoà bình với Mỹ”. Vì ta phải giữ mối quan hệ với LX nên Võ Nguyên Giáp vẫn được cử làm Bí thư Quân uỷ TW, Bộ trưởng Bộ QP, Tổng tư lệnh, nhưng thực chất chỉ “Ngồi chơi xơi nước”, người lãnh đạo quân đội đánh thắng Mỹ, giải phóng MN, thống nhất đất nước chính là Lê Duẩn.
***
Về quan hệ với LX, thực ra VN ta chỉ không theo tư tưởng “chung sống hoà bình với Mỹ thời Khơ-rut-sov”, nhưng khi Khơ-rut-sov bị phế truất, Brêgiơnhép lên thay, đưa LX trở lại vị trí siêu cường, lấn át cả Mỹ, quan hệ hai nước Việt-Xô trở lại bình thường. LX lại giúp ta vũ khí, một trong những yếu tố quyết định giúp ta thắng Mỹ, và khi Trung Quốc xâm lược biên giới nước ta 1979, những tuyên bố của LX ủng hộ VN, hành động của LX điều quân về phía Biên giới Xô-Trung là những yếu tố quan trọng đã ngăn TQ leo thang chiến tranh. Chính vậy, Brêgiơnhép chính là vị đại ân nhân của Nhân dân VN. Vậy mà “Trần Quỳnh” viết về Brêgiơnhép như thế này: “Về Brêgiơnhép, S. đánh giá là một con người rất tầm thường… không có tài năng gì đặc biệt, chẳng qua là người hiền lành, được mọi người chấp thuận như là một nhân vật quá độ trong khi chưa tìm ra được người thay thế đủ tầm cỡ”. Còn hôm nay, theo chân chú “Trần Quỳnh”, KT Le đã truyền bá tư tưởng của cha “Không sợ LX”, cho “LX cản ta thống nhất đất nước”, không chỉ xuyên tạc lịch sử mà còn là một kẻ vô ơn.
***
Giai đoạn ta lên kế hoạch giải phóng MN sau khi Mỹ ký Hiệp Định Pari ngày 27 tháng 1 năm 1973, “Trần Quỳnh” viết: “Mọi việc quân sự, Lê Duẩn trực tiếp làm việc với Bộ tổng tham mưu, có khi làm việc trực tiếp với Cục tác chiến”; “Cách làm việc của Lê Duẩn có tính cách gia đình, không biên bản không ghi âm”; “Trong năm 1973 và cả 1974 Lê Duẩn mời các anh bên Bộ tổng tham mưu: Hoàng Văn Thái và các anh khác xuống làm việc tại Đồ Sơn. Sau cái buổi làm việc đầu tiên Lê Duẩn cho tôi biết: Tôi bảo các anh ấy làm cho tôi một kế hoạch giải phóng Miền Nam trong hai năm. Các anh nói là hai năm thì khó lắm, xin 4 năm, thảo luận mãi các anh xin ba năm. Tôi nói: Tôi đồng ý ba năm nhưng chỉ các anh biết thôi, đừng nói cho ai biết”.
Viết như vậy, mục đích “Trần Quỳnh” dồn công lao cho Lê Duẩn hết, Võ Nguyên Giáp là số không, có điều “Trần Quỳnh” viết vậy là đã hạ thấp Lê Duẩn thành nhà độc tài, gia đình trị như Ngô Đình Diệm, biến tổ chức Đảng CSVN như một băng nhóm mà Lê Duẩn là thủ lĩnh.
***
Thực tế hoàn toàn không phải vậy, vì nước VN mới của chúng ta theo một chế độ XHCN văn minh, tiên tiến. Một nước nhỏ, nghèo nàn, trình độ khoa học công nghệ kém, để đối đầu được với Mỹ, một nước giầu, phát triển nhất thế giới thì ngoài tinh thần, ý chí, chung sức, chung lòng, cách làm việc của Đảng, Nhà nước và quân đội ta phải rất khoa học, mưu trí, chính xác thì chúng ta mới có thể đi tới ngày chiến thắng.
Sự thực hoàn toàn không phải như “Trần Quỳnh” viết theo kiểu ghi chép những chuyện ngồi lê đôi mách, rồi suy diễn chủ quan với một tầm nhìn thiển cận, một tâm địa bất lương. Có những cuốn hồi ký của những người trong cuộc, ghi lại đầy chủ, chi tiết, chính xác diễn tiến của những bước đi lịch sử: Đại tướng Hoàng Văn Thái, từng là Tư lệnh B2 (chiến trường Nam Bộ), sau khi Mỹ rút, ông là Phó Tổng Tham mưu trưởng Thứ nhất trong giai đoạn quân ta lên kế hoạch giải phóng MN, đã viết Hồi ký “Những Năm Tháng Quyết Định” (Nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân); đặc biệt chính ĐT Võ Nguyên Giáp cũng viết cuốn Hồi ký TỔNG HÀNH DINH TRONG MÙA XUÂN TOÀN THẮNG, đúng là ông đã kể công, nhưng không phải như bọn bất lương xuyên tạc là chỉ kể công mình, ông đã kể công của tất cả mọi người, kể cả công của “anh Ba”, TBT Lê Duẩn.
***
Để có được Bản "Đề cương kế hoạch chiến lược quân sự” giải phóng MN, không phải như “Trần Quỳnh” viết bằng “Cách làm việc của Lê Duẩn có tính cách gia đình”, mà thực tế đã có cả một quá trình dự thảo công phu, và để có bản hoàn chỉnh cuối cùng đã phải chỉnh sửa đến 8 lần.
Sau cuộc họp ngày 24-5-1973 của Bộ Chính trị mở rộng bàn vấn đề Giải phóng Miền Nam, ĐT Võ Nguyên Giáp
đã bàn với ĐT Văn Tiến Dũng cùng chỉ đạo chuẩn bị Ngày 5-6-1973, Tổ trung tâm đã hoàn thành bản dự thảo “Đề cương kế hoạch chiến lược” mang số 305 TG1. Trong quá trình dự thảo, đúng là có chuyện Lê Duẩn đôi lần góp ý, chỉ đạo, nhưng hơn một năm sau, sau đến bảy lần chỉnh sửa, đến ngày 30-9-1974, bản dự thảo “Kế hoạch chiến lược cơ bản” đã được Hội nghị Bộ Chính trị nhất trí phê duyệt. Chưa hết, Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng từ ngày 18-12-1974 đã thông qua quyết tâm lần cuối cùng. Thay mặt Bộ Tổng tham mưu, Tướng Lê Ngọc Hiền đã trình bày kế hoạch hoạt động quân sự năm 1975, cũng chính là bản dự thảo đã được chỉnh sửa lần cuối cùng, lần thứ tám.
Sự thật là như vậy, cả hai hồi ký của hai vị đại tướng Võ Nguyên Giáp và Hoàng Văn Thái đều viết như vậy, có đâu chuyện giải phóng MN, thống nhất đất nước như dời non lấp biển lại giống như chuyện mua con cá, mớ rau ngoài chợ, như “Trần Quỳnh” viết: “Sau này trong một lần họp Bộ chính trị, trong giờ giải lao, Phạm Văn Đồng cười ha hả nói: "Nghĩ cũng buồn cười thật, khi bàn mở chiến dịch giải phóng Miền Nam, trong Bộ chính trị chỉ có một mình tôi tán thành ý kiến anh Ba!"
Giống như chuyện vu cho ĐT Võ Nguyên Giáp tội “làm gián điệp”, “Trần Quỳnh” còn hoàn toàn bịa đặt như thế này: “Trong quá trình bàn bạc để quyết định chiến dịch, có vấn đề Mỹ có vào lại hay không, Lê Duẩn cho rằng Mỹ sẽ không vào... Còn Võ Nguyên Giáp thì điện "coi chừng Mỹ vào" khác nào hù dọa quân ta. Lê Duẩn thấy điện cười: "Anh ta sợ Mỹ lắm!" Chính từ ý này, người ký tên “Nguyễn Thị Vân, vợ Cố TBT LD” đã viết trong đơn tố cáo Võ Nguyên Giáp: “…vào năm 1974 anh Ba và BCT bàn về kế hoạch giải phóng MN …vấn đề gay cấn nhất… là việc xác định Mỹ có can thiệp trở lại hay không … ông Giáp đưa ra thông tin Mỹ chắc chắn sẽ can thiệp … còn sử dụng cả bom nguyên tử. Sau này … đ/c Phạm Văn Đồng vẫn thường nhắc anh Ba rằng: “Khi đó chỉ có một mình tôi ủng hộ anh đánh mà thôi”… “Có thách kẹo Mỹ cũng chẳng dám quay trở lại”; còn KT Le, trong ngày giỗ cha, cũng nhắc lại chuyện Mỹ ném bom nguyên tử: “Đây là chuyện tôi nghe lại từ ba mình… khi ta chuẩn bị tấn công Đà Nẵng thì có tin tuyệt mật : “Mỹ sẽ ném bom nguyên tử”. BCT ngừng họp, ba triệu tập lãnh đạo Bộ QP , Cục Tình báo QĐ, gay gắt …: “Các anh cho tôi biết, đó là tin của tình báo ta hay là của LX, TQ”? Lãnh đạo Cục Tình báo: “Thưa anh, đó không phải tin của ta ạ”. Thế thì tin của ai, làm thế nào tới được Bộ QP, các bạn tự tìm hiểu nhé”.
***
Tôi đã kỳ công lục tìm trong hai cuốn hồi ký của Võ Nguyên Giáp và Hoàng Văn Thái thì thấy cái ý của TT Phạm Văn Đồng “Có thách kẹo Mỹ cũng chẳng dám quay trở lại” đã nói vào ngày 30-9-1974, trong Hội nghị Bộ Chính trị, khi Tướng Lê Trọng Tấn thay mặt Bộ Tổng Tham mưu báo cáo kế họạch quyết tâm hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976.
Cụ thể, ĐT Hoàng Văn Thái đã viết về Hội nghị đó khi bàn về chuyện “Mỹ can thiệp”: “Chính quyền Mỹ đang đứng trước rất nhiều khó khăn... Họ không ngờ vụ Oa-tơ-ghết đã dẫn đến Ních-xơn bị đổ, Pho lên… Đời sống nhân dân lao động vẫn bị đe doạ, khiến họ tiếp tục đấu tranh chống chính quyền trở lại dính líu vào Việt Nam… Anh Trường Chinh cho rằng… Ta cần lợi dụng thời cơ Mỹ đang khó khăn bê bối về nhiều mặt mà tranh thủ giành lấy thắng lợi quyết định, chắc chắn. Anh Phạm Văn Đồng … Kể xong chuyện gặp Kissinger, anh nói tiếp: “Nói thế thôi. Nước Mỹ đang bê bối lắm. Nó không dám dúng vào Việt Nam nữa đâu. Cho kẹo, quân Mỹ cũng không dám trở lại Nam Việt Nam...”
Còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng viết về lúc đó: “Tôi phát biểu ý kiến bổ sung… Nguỵ quyền Sài Gòn đang đứng trước những khó khăn … Đế quốc Mỹ đang lúng túng. Phong trào phản chiến từ sau Hiệp định Paris càng lên cao… Đảng Cộng hoà bị vụ bê bối Oatơghết trói chặt chân tay. Mỹ rất khó đưa quân trở lại miền Nam… Đây là hoàn cảnh khách quan hết sức thuận lợi, ta cần tận dụng, không được bỏ lỡ… Tôi đặc biệt lưu ý hội nghị về trận Thượng Đức… khi không dựa được vào sự chi viện lớn của không quân Mỹ… thì sức chiến đấu của quân nguỵ rất yếu … Các đồng chí trong Bộ Chính trị phát biểu ý kiến rất sôi nổi… anh Trường Chinh nêu rõ… Ta cần lợi dụng thời cơ Mỹ đang bê bối về nhiều mặt, tranh thủ giành thắng lợi quyết định. Anh Phạm Văn Đồng nhắc lại lần gặp Kítxinhgiơ năm ngoái. Trả lời câu hỏi: Dân tộc Việt Nam đã ba lần thắng quân Nguyên. Còn các ông, liệu các ông đánh chúng tôi mấy lần? Nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã giơ lên một ngón tay. Rồi anh khẳng định: Nước Mỹ đang bê bối lắm! Cho kẹo, quân Mỹ cũng không dám trở lại Việt Nam. Hội nghị nhất trí phê duyệt kế hoạch chiến lược cơ bản dự thảo lần thứ bảy do Bộ Tổng Tham mưu chuẩn bị. Sáng 8-10-1974, đồng chí Bí thư thứ nhất kết luận hội nghị”.
***
Như vậy, “Trần Quỳnh” đã hoàn toàn bịa đặt. Những chuyện động trời mà ông ta cứ viết tự nhiên như thằng trẻ con, lẫn lộn tùm lum. Như Chiến dịch HCM, một trận đánh vĩ đại, gồm cả 5 cánh quân, nhưng ông ta viết: “Nhiệm vụ giải phóng Sài Gòn được giao cho Quân đoàn 4”; rồi lại viết: “Lê Duẩn hỏi Lê Trọng Tấn (Quân đoàn 2) có đánh được vào Sài Gòn không? Lê Trọng Tấn trả lời được và xin cho vào Sài Gòn trước. Lê Duẩn đồng ý và dặn Lê Trọng Tấn là cứ vào dinh Độc Lập buộc Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện, nhưng dặn đừng nói Lê Duẩn ra lệnh. Thế là Quân đoàn 2 từ phía Đông tiến vào dinh Độc Lập trước”. Sự thực, Tướng Nguyễn Hữu An mới là Tư lệnh QĐ2, còn Lê Trọng Tấn là Tư lệnh cả cánh quân hướng Đông.
Giống như khi bịa đặt một người “làm gián điệp cho Pháp” lại được Bác Hồ và Bộ CT giao cho trọng trách chỉ huy Chiến dịch ĐBP đánh Pháp, rồi thắng Pháp luôn, “Trần Quỳnh” cũng ngu không kém khi bịa đặt chuyện ĐT Võ Nguyên Giáp “sợ Mỹ”, trong khi ông lại được giao những trọng trách làm Bộ trưởng Bộ QP, Tổng Tư lệnh, Bí thư Quân uỷ TW chỉ huy quân đội ta đánh Mỹ, rồi cuối cùng ta cũng thắng Mỹ. Vô lý như vậy mà vì lòng đố kỵ, nhỏ nhen, muốn cướp công, người ta đã vồ lấy những điều bịa đặt đó, còn nhai đi nhai lại cho đến tận những ngày hôm nay, để bôi đen, kết tội cho bậc Khai quốc Công thần Võ Nguyên Gíap, người luôn được không chỉ nhân dân VN mà cả nhân dân bị áp bức trên toàn thế giới tôn kính, và ngay đến kẻ thù cũng còn phải nể phục ông. Những người đã tin theo những điều bịa đặt phi lý ngu xuẩn cũng ngu xuẩn không kém!

22-7-2023
ĐÔNG LA