Thứ Năm, 21 tháng 3, 2024

VÀI CHUYỆN VỀ VÕ VĂN THƯỞNG

 VÀI CHUYỆN VỀ VÕ VĂN THƯỞNG

Thế là Võ Văn Thưởng đã đi theo bước chân của Nguyễn Xuân Phúc. Với tôi cảm thấy, Võ Văn Thưởng mãi như một anh học trò, bởi hầu hết các thầy dậy Võ Văn Thưởng là bạn đồng khoá ở Trường ĐH Tổng Hợp TP HCM với tôi sau giải phóng 30-4-1975. Họ học Khoa Chính trị, tôi học Khoa Hoá, đều là cựu chiến binh nên rất biết nhau. Tôi lại có ông anh cùng quê là Nhà thơ Nguyễn Ngọc Thu trong số đó nên hàng tuần tôi đến phòng làm việc của anh sát bên Quán Cà phê Văn khoa chơi và thường gặp họ. Họ học chính trị nên lúc đầu thấy tôi viết về chính trị họ nói có vẻ diễu cợt: “Hùng chịu khó nhỉ!”. Nhưng rồi dần dần họ thành độc giả và thành fan (người hâm mộ) tôi. Có một ông PGS Triết viết phê phán Sách Giáo khoa Triết bị Bộ Đại học chỉ đạo trường kỷ luật ông. Tôi thấy ông đúng đã lên tiếng và giúp ông cãi, cuối cùng họ phải bỏ kỷ luật ông. Với những người thầy như vậy, Võ Văn Thưởng vươn lên thành nguyên thủ quốc gia chắc phải có siêu tài đức, có điều thực tế tôi không biết là cái gì, chỉ thấy có những dư luận không hay, đặc biệt, từng làm Trưởng Ban Tuyên giáo nhưng Võ Văn Thưởng không làm tròn trách nhiệm để hiện tượng lật sử diễn ra. Có một bạn luôn trên tuyến đầu “chống diễn biến hoà bình” đã nản chí “buông vũ khí” khi Võ Văn Thưởng lên Chủ tịch nước. Tôi khuyên: “Chuyện đâu còn có đó. Còn cả một guồng máy cơ mà. Chuyện xã hội không hoàn toàn như ý mình được đâu. Mà nếu Đời không có mắt thì rồi Trời sẽ có mắt”.
Võ Văn Thưởng cũng có phần trách nhiệm để những nhố nhăng xảy ra trong lĩnh vực văn chương, văn hoá nghệ thuật. Nguyễn Quang Thiều cũng từng dựa hơi Võ Văn Thưởng. Có một sự lặp lại hơi buồn cười, Thiều dựa hơi hai ông nguyên thủ quốc gia thì họ đều bị “thôi chức”. Hôm qua đọc báo thấy tin về ông Võ Văn Thưởng xin đăng lại bài này.
21-3-2024
ĐÔNG LA

NHỚ TỪ NGUYỄN VĂN PHƯỚC XUYÊN TẠC GẠC MA ĐẾN NGUYỄN QUANG THIỀU TUYÊN BỐ SAU ĐẠI HỘI HNV VN

Trong lá thư viết ngày 03 tháng 12 năm 2021, Đại tá Nhà thơ Đỗ Trung Lai cho biết để chứng minh anh “nghe hơi nồi chõ”, Nguyễn Quang Thiều đã gọi điện thoại nói: “người nói “chuyển giao”, “bàn giao” là anh Võ Văn Thưởng chứ không phải Ban Chấp Hành Hội Nhà văn!”


Điều này làm tôi nhớ ngay đến chuyện Nguyễn Văn Phước từng in cuốn sách về Gạc Ma để xuyên tạc lịch sử. Thì ra bọn luồn lách để thực hiện tham vọng có cách làm giống nhau. Cả Nguyễn Văn Phước và Nguyễn Quang Thiều đều dùng hình ảnh các vị lãnh đạo làm bình phong che chắn những sai trái của mình.
Nguyễn Văn Phước từng thừa nhận sự sai phạm của mình khi in cuốn sách về Gạc Ma xuyên tạc lệnh “Không Nổ Súng Trước” của các vị lãnh đạo thành “không được nổ súng” như sau:
“Về những sai sót trong cuốn sách… chúng tôi cũng nghĩ không quan trọng nên đã để nguyên như vậy… Không bao giờ chúng tôi nghĩ đến ngày sách ra, rất nhiều người… tạo nên một làn sóng phản đối, khủng khiếp chưa từng có, đòi thu hồi, đòi huỷ diệt cuốn sách và mạt sát, đòi truy tố những người thực hiện…”
Một sự bào chữa, chạy tội dốt nát, vô lý, bởi một người làm sách có lương tri, có trách nhiệm tất phải biết cuốn sách xuyên tạc lịch sử, kết tội bán nước cho các nhà lãnh đạo VN là vô cùng độc hại và nguy hiểm. Chưa hết, Nguyễn Văn Phước còn trưng ra hình ảnh hai vị đương kim và nguyên Chủ tịch nước là Trương Tấn Sang và Nguyễn Minh Triết vui mừng nhận cuốn sách, coi như là hành động họ ủng hộ Phước.
Một người lương thiện, đàng hoàng không ai lại mang hình ảnh của các vị lãnh đạo ra che chắn cho sai trái của mình. Bởi họ không biết dã tâm và sai trái của Phước, nên khi Phước nhân danh in sách tôn vinh những anh hùng liệt sĩ bảo vệ biên cương, hải đảo tất họ phải ủng hộ Phước. Lẽ ra Phước thấy mình sai thì sửa sai không nên đẩy họ vào tình huống trớ trêu như vậy. Nhưng Phước cần phải hiểu, nước ta không còn là chế độ quân chủ, cũng không phải là chế độ độc tài như thế lực chống VN xuyên tạc, Phước không thể chỉ cần trưng ra vài hình ảnh “tiếp dân” của các vị lãnh đạo là có thể che chắn được sai trái của mình.
***
Có một sự ngẫu nhiên, cuốn sách Gạc Ma đã xuyên tạc khi cho các lãnh đạo VN ra “lệnh không nổ súng”, bán nước thì Nguyễn Quang Thiều cũng xuyên tạc khi làm bài thơ cho có cuộc xâm lược của quân TQ vào Biên giới phía Bắc nước ta cũng do nước ta có những kẻ phản bội. Đúng là Thiều và Phước “chí lớn” giống nhau nên hành động giống nhau.
Nguyễn Văn Phước từng mang hình ảnh hai vị Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang ra che chắn thì những ngày hôm nay Nguyễn Quang Thiều cũng mang hình ảnh ông Võ Văn Thưởng ra “doạ” Đại tá Nhà thơ Đỗ Trung Lai. Đỗ Trung Lai, một cựu chiến binh, 71 tuổi đời, 32 năm quân ngũ, súng đạn quân bán nước còn không sợ thì sợ gì cái “doạ” của Thiều.


Đỗ Trung Lai đã đưa ra các dẫn chứng Thiều đã nói chuyện Hội Nhà Văn VN đã “chuyển giao thế hệ”.
Báo Tiền phong ngày 26/11/2020 viết:
“Nguyễn Quang Thiều cũng nhận định, cuộc chuyển giao này cho thấy một bước đi kỳ vĩ của sự dân chủ mang tính thời đại”. Báo Hà Nội Mới ngày 03/12/2020: Anh Thiều trả lời phỏng vấn: “Điều quan trọng là Đại hội đã chuyển giao một thế hệ cũ sang thế hệ mới”.
Anh Đỗ Trung Lai “bóc phốt” Thiều, cả Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Bình Phương đều có trong BCH cũ mấy khoá, giờ lại làm tiếp thì “mới” cái gì?
Đỗ Trung Lai dẫn chứng tiếp “Báo Tiền phong ngày 26/11/2020 và Báo Văn chương Phương Nam ngày 29/11/2020 - Lời anh Thiều: “Tôi muốn nói rằng, việc đặt cược lòng tin vào chúng tôi và thế hệ mới là một cuộc đặt cược chắc chắn thành công”.
Đỗ Trung Lai viết: “Ở “Thư ngỏ” trước, tôi có nói đến cái “Sàn chứng khoán Chính trị - Xã hội”. Thực ra là tôi có nói quá đi đâu? “Đặt cược” cơ mà! Thật là giống với “cược bạc” và “cược đua ngựa”! Đúng rồi, trước các anh, chả ai “đặt cược” kiểu ấy cả, người người cứ nhiệt tâm mà làm lụng thôi!”
Khi ông Võ Văn Thưởng phát biểu trong Đại hội HNV VN, với tư cách một vị lãnh đạo tất ông phải nói theo lễ nghi thông thường. Ông nói “chuyển giao”, “cũ, mới” theo đúng cái việc vừa diễn ra trong Đại hội. Ông Hữu Thỉnh nghỉ, trao chức cho Nguyễn Quang Thiều thì tất Ông Thỉnh phải thành cựu Chủ tịch, Thiều phải thành tân Chủ tịch. Từ đó, ông Võ Văn Thưởng mới “kỳ vọng” vào “nhân tố mới”, “năng lượng mới” “thực hiện thành công các nhiệm vụ về xây dựng, phát triển văn hoá…”. Như vậy, Nguyễn Quang Thiều nói vậy là đã gán cho ông Võ Văn Thưởng ủng hộ cái tư tưởng lật đổ theo tiêu chí cũ-mới của mình.
Việc Nguyễn Quang Thiều nói các vị lãnh đạo và mọi người “đặt cược lòng tin vào chúng tôi và thế hệ mới là một cuộc đặt cược chắc chắn thành công” chỉ là một sự bẻm mép.
Bới một người như Nguyễn Quang Thiều từng có những sáng tác và những quan điểm văn chương lộn ngược, sao có thể lãnh đạo được nền văn chương VN đạt được cái “kỳ vọng” của ông Võ Văn Thưởng? Nếu ông Võ Văn Thưởng hiểu được thực chất con người Nguyễn Quang Thiều như vậy, liệu ông có ủng hộ cái “cảm hứng mới”, “năng lượng mới” của Nguyễn Quang Thiều không? Tiếc là đó là một điều không thể.

8-12-2021
ĐÔNG LA