GIẢI TRÍ VĂN CHƯƠNG CUỐI TUẦN
TRÍCH “NHỮNG DẤU VẾT KHÔNG PHAI”
Hôm tôi đi HN để về SG, cả đoàn đưa tiễn đã rẽ vào nhà Ngọc, cô cháu út lấy chồng ở Hưng Yên, gần Ocean Park 2, để “du lịch”, và nghỉ tại nhà cô cháu 1 đêm. Sáng sau, Ngọc đi mua cháo cho con bảo: “Cháu chở bác đi chợ chơi”. Đi một lúc, Ngọc bảo: “Hồi mới cưới, cháu bảo Tân nhà cháu: “Bác em giỏi lắm!” Lúc đầu có vẻ không tin đâu. Cứ nghĩ bác đọc nhiều sách vở, lý thuyết thôi, còn văn chương của bác thì có đọc đâu mà biết. Nhưng Tân thích trồng cây cối, tìm hiểu thế nào lại biết cái thuốc của bác chế ra, mới bảo cháu, bác Hùng chế ra được cái thuốc ấy thì đúng là giỏi thật Ngọc ạ!” Tôi bảo: “Hồi nhỏ tao đi học ở cấp I, cấp II thì đúng là giỏi nhất. Lên cấp III học gần Neo 8 cây số phải đi bộ, tao lại bị ghẻ lên chỉ muốn bỏ học, lớp 8 tí bị đúp đấy. Sau đó quen dần thì học cũng được, nhưng bị hổng kiến thức lớp 8 nên không còn giỏi nhất nữa. Quả thật, hồi cấp I, II, đúng là tôi giỏi nhất trường, thầy chủ nhiệm là ông giáo Kẻ còn đến tận nhà báo cho ông nội tôi biết, ông nội mổ gà chiêu đãi thầy, rồi bảo: “Nó sinh năm mùi, tháng mùi, niên cốt nguyệt bì, da dê lại bọc xương dê là vừa khít, sau này nó sẽ giỏi hơn người”. Bây giờ tôi đã gần 70, không biết tôi có giỏi hơn người như ông nội tiên tri không, nhưng thực tế tôi từng được nhận tới 5 lần giải thưởng, tặng thưởng, 2 về thơ, 2 về lý luận phê bình, và 1 về sáng tạo Khoa học Kỹ thuật. Còn về quan hệ, tôi thân thiết được với cả cỡ Chế Lan Viên, được coi là hàng tổ sư của Văn chương hiện đại VN, v.v…
Hôm ở quê, cô em gái cũng bảo: “Cái Nhàn con ông Bất nó bảo anh Hùng viết văn hay lắm”. Nhàn cùng làng, con ông Bất chính là thầy giáo dạy tôi cấp II; khi tôi đăng câu chuyện thằng em họ bị rắn cắn chết, Nhàn đã đọc và kết bạn facebook và có trao đổi, tâm sự với tôi. Mấy hôm ở quê, tôi không ngồi yên một chỗ được, cứ lấy cái xe máy của cô cháu con cô em chạy lòng vòng trong làng, như tìm lại những dấu chân tuổi thơ in dấu khắp nơi, rồi chạy sang xã qua cổng trường cấp II, lên huyện qua cổng trường cấp III, như đi tìm những kỷ niệm của mình, những kỷ niệm mà phần nào tôi đã viết thành cuốn sách “Những dấu vết không phai”. Cuốn sách được Nhà thơ Thái Thăng Long giúp in ở NXB Trẻ, từng được tờ báo Tiếp thị điểm là bestseller; rồi tôi được mời lên tivi cùng Nguyễn Nhật Ánh nói chuyện; khi tặng sách cho Nhà Văn Nguyễn Khải, ông bảo: “Đọc đi rồi lại phải đọc lại”; anh Long cho một băng video ghi lại cuộc giao lưu của NXB Trẻ với độc giả nhí ở HN, một cô bé phát biểu: “Tại sao người ta lại có thể viết được những chuyện hay như thế”; v.v…
Hôm nay thứ 7, lại vừa ở quê về nhà, để giải trí văn chương, tôi đăng ba mẩu chuyện trong cuốn sách trên. Văn chương có chuyện thật hoàn toàn, có chuyện hư cấu hoàn toàn (bịa), có chuyện vừa thật vừa bịa, và cần điển hình hóa tạo ấn tượng. Vì vậy, rất mong những bạn từng cùng tôi trải qua những chuyện nào đó hiểu cho, đừng cho tôi là thằng ba xạo. Đời học sinh của tôi đúng là có 2 lần được điểm văn tối đa, nhưng hồi đó là 5 chứ không phải 10; chuyện thi “kiện tướng nhớ từ” thực ra là ở lớp 9, cấp III, tiếng Trung chứ không phải Nga, mà cô giáo là cô Đức. Mấy bạn cấp III không biết có nhớ cô nói tên cô là: “ 德, Chim chích mà đậu cành tre. Thập trên tứ dưới nhất đè chữ tâm”, v.v…
8-7-2023
ĐÔNG LA
Điểm bài thi cuối năm
Vào một buổi sáng học kỳ hai, năm học lớp sáu, cô giáo dạy văn lớp tôi – một cô có mái tóc óng mượt như lụa và đôi mắt hiền như đôi mắt thỏ - đã trả bài thi cuối học kỳ. Đề thi cô ra cho chúng tôi làm tuần trước là: “Người ta thường nói: “Dân tộc ta là dân tộc anh hùng”, bằng văn, thơ, em hãy chứng minh câu nói ấy”. Cả lớp im phắng phắc, hồi hộp chờ đợi kết quả. Tôi cũng vậy. Nhưng có lẽ tôi là đứa hồi hộp hơn cả, bởi vì, tôi còn có một lý do rất khó nói, mà đến tận bây giờ vẫn chưa có một ai biết đến.
Cầm một bài thi trên tay, cô giáo bắt đầu nói:
- Tôi rất vui mừng khi cho em Huy điểm mười lần thứ hai. Lần trước tôi đã cho em điểm mười vì em đã kể lại rất hay, rất xúc động một câu chuyện có thực. Còn lần này, tôi cho em điểm mười vì em đã tỏ ra rất chững chạc…
Tôi vô cùng sung sướng trước kết quả bài thi và lời khen ngợi của cô giáo. Tôi đã được điểm mười môn văn lần thứ hai, mà toàn là điểm thi học kỳ mới ghê chứ! Cả trường này đã có đứa nào đạt được như thế đâu. Thế nhưng tôi vẫn cảm thấy ngượng ngượng thế nào ấy. Thú thực, lần này tôi không xứng đáng được điểm mười như lần trước.
Lần ấy, vào cuối học kỳ một, cô giáo đã cho chúng tôi một đề thi: “Em hãy kể lại một kỷ niệm sâu sắc nhất của em”. Bằng tất cả tình cảm của mình, tôi đã làm bài bằng cách kể lại một kỷ niệm vô cùng đau xót của tôi. Đó là cái buổi chiều mà chú xã đội trưởng đã trao cho mẹ tôi một tờ giấy. Tờ giấy mỏng mảnh thôi nhưng vẫn đủ nặng làm cho mẹ loạng choạng khụyu xuống. Nó chính là tờ giấy báo tử anh Sơn tôi. Rồi, tôi đã kể lại cái đêm mà cả làng đốt đuốc đầy cả sân kho, làm lễ truy điệu anh. Trong rừng ánh lửa trập trùng, tôi đã thấy hình anh tôi lồng lộng, đặt trang trọng trên chiếc quan tài tượng trưng có phủ quốc kỳ đỏ thắm, tôi cũng thấy trong ánh đuốc, đôi mắt đau buồn của mẹ đã ánh lên niềm xúc động trước tình cảm của bà con hàng xóm giành cho con trai mình.
Cô giáo đã cho điểm mười bài văn ấy. Đó chính là điểm mười đầu tiên về môn văn của tôi. Tôi đã vừa khóc vừa đọc bài làm của mình cho cả lớp nghe. Còn lần này? Thú thực, vốn là một thằng rất lười đọc sách, nên tôi không đủ dẫn chứng để làm bài văn chứng minh “Dân tộc ta là dân tộc anh hùng”. Rất may, trước khi đi thi anh Thái học ở lớp trên đã…
- Bây giờ, mời em Huy lại lên đọc bài của mình cho các bạn cùng học tập.
Tiếng gọi của cô giáo chợt cắt đi dòng suy nghĩ của tôi. Tôi ngập ngừng giây lát. Nhưng tôi vốn không phải là một đứa yếu đuối, động một tí là sợ run lên. Tôi dõng dạc bước lên bục với sự đắc ý ngầm, trước sự khâm phục và pha lẫn ghen tị của lũ bạn. Nhưng quả tôi cũng có run tay khi nhận bài làm của mình từ tay cô. Lúc tôi chuẩn bị đọc bài, bỗng thằng bạn ngồi cạnh cửa ra vào lại đi nhanh lên bục, nói gì đó với cô giáo. Cô liền xuống bục ngay, rồi đi ra ngoài. Một lát sau, tôi vô cùng hoảng hốt khi thấy cô dẫn thầy Phú, một thầy dạy văn rất có kinh nghiệm, bước vào. Cô dẫn thầy lên trên cùng, rồi mời thầy ngồi xuống chỗ gần như đối diện với chỗ tôi đứng trên bục. Cô giáo giới thiệu:
- Tôi xin giới thiệu với các em, hôm nay thầy Phú sẽ dự giờ ở lớp chúng ta. Thầy bận chút việc nên đến hơi muộn. Bây giờ xin mời thầy cùng lớp chúng tôi nghe một bài văn xuất sắc do chính tác giả đọc.
Cả lớp vỗ tay rào rào chào đón thầy Phú, đồng thời thúc giục tôi. Còn tôi thì đứng như trời trồng trên bục. Tôi có thể đánh lừa được cô, đánh lừa được lũ bạn, nhưng làm sao có thể đánh lừa được thầy Phú. Bởi vì, các bạn biết không: bài làm của tôi chính là bài làm mẫu của thầy cho lớp anh Thái học. Tuần trước bí quá, nên tôi đã liều chép lại nguyên văn. Tôi làm sao có thể khoe khoang sự ăn cắp kiến thức của mình trước chính chủ nhân của nó. Tôi không nhớ cụ thể sau đó mình đã hành động ra sao. Chỉ nhớ, tôi đã chạy vù ra khỏi lớp, để lại tất cả sách vở ở ngăn bàn, trước sự ngạc nhiên của mọi người.
Sau đó, cô giáo vẫn ghi vào học bạ của tôi điểm mười ấy, và năm ấy là năm duy nhất trong đời, cô đã cho một học sinh điểm tổng kết tối đa. Cô vẫn không biết là tôi đã chép bài mẫu của thầy Phú. Tôi đã thanh minh với cô, việc bỏ chạy của tôi là do tôi bị đau bụng đột ngột. Cô đã cho tôi điểm mười lần trước nên cô vẫn tin là tôi đủ sức đạt được điểm mười lần thứ hai.
Bây giờ, tôi cùng các bạn trong lớp đã trưởng thành, đứa kỹ sư, đứa bác sĩ. Còn cô thì đã già. Tiếc là tôi không sao biết được hiện cô đang sống ở đâu? Tôi mong ước câu chuyện nhỏ này sẽ đến tay cô, tay các bạn. Nó như một lời nhận lỗi, dù đã quá muộn màng của tôi.
Kỳ thi tuyển
Câu chuyện trước tôi đã kể với các bạn là, đối với môn văn tôi chỉ được hai điểm mười (mà một lại do copy), nhưng với môn toán thì hầu hết các năm học phổ thông tôi đều đạt được điểm tổng kết tối đa. Thầy, cô và bạn bè đều cho tôi là có năng khiếu về toán. Đến lớp, tôi chỉ nghe qua lời thầy giảng, rồi về nhà đọc lại sách giáo khoa, thế là tôi có thể giải được nhiều bài tập hóc búa. Có khi trong lớp tôi cũng chẳng ghi chép gì hết, mà vở toán lại mang vẽ nào là xe tăng, nào là máy bay… rồi các ông tướng ngực đầy huân chương, cầu vai đầy sao nữa.
Tuy vậy, tôi vẫn không phải là thần đồng. Có lẽ, tôi có một chút thông minh gì đấy nên thường giải được những bài toán cần có sự suy luận, còn những bài đòi hỏi sự chịu khó, học thuộc các quy tắc dài dặc, thì có khi tôi lại không làm được. Chính vì vậy đã có một câu chuyện xảy ra làm tôi phải nhớ đời, nó như là một cái tát giáng thẳng vào lòng kiêu hãnh trẻ thơ của tôi.
Khoảng giữa năm học lớp 7, một hôm thầy Lộc dạy toán nói với tôi:
- Huy ạ, trên huyện sắp có kỳ thi tuyển học sinh giỏi toán để đi thi cấp tỉnh. Trước mắt trường ta cũng tổ chức thi để chọn lấy hai em đi thi huyện. Các thầy cô đều thấy em rất có triển vọng, nên em hãy chịu khó ôn tập đi.
Trước mặt thầy thì tôi vâng vâng dạ dạ, nhưng trong bụng thì lại cười thầm: “Mình mà phải thi đấu với mấy con bé cùng lớp và bọn thằng Huy lớp 7B hay sao?” Thực tế, những đứa được coi là giỏi toán của lớp tôi vẫn thường phải nhờ tôi chỉ cho những bài khó.
Sau buổi đó, tôi thấy Lan, cô bạn cùng xóm, đêm nào cũng học khuya lắm. Cô bạn cũng được chọn dự thi mà. Nhiều khi bí, Lan lại chạy sang hỏi tôi. Hứng lên thì tôi chỉ, không hứng thì thôi, có khi tôi lại còn diễu nữa chứ: “Hơi một tý là đã hỏi, thế mà cũng đòi đi thi học sinh giỏi!” Mỗi lần tôi nói vậy, mặt Lan lại đỏ dừ, tự ái, thế nhưng không bao giờ Lan giận mà vẫn đi hỏi bài tôi. Công nhận cô nàng chịu khó và kiên trì thật. Chứ không như tôi, vừa lười, lại vừa động một tý là cóc cần ngay. Lan kém tôi có mấy tháng tuổi mà trông đã ra dáng người lớn lắm. Bọn con trai chúng tôi thì lạ thật, đứa nào đứa nấy cao tồng ngồng mà trông lại cứ tồ tồ thế nào ấy. Dù có kiêu căng đến mấy, tôi cũng không thể không thừa nhận một sự thật là Lan rất chi là xinh! Da cô bạn cứ trắng như trứng gà bóc, mái tóc thì đen ơi là đen, còn khuôn mặt trái xoan thì trông rất hiền dịu, duyên dáng. Không biết tôi có “để ý” đến cô nàng hay không mà đã biết đến từng cái áo của cô mặc: chiếc áo gụ may kiểu bà ba có hai cái túi bé tẹo ở hai vạt áo này, chiếc áo sơ mi màu xanh lá mạ này, rồi chiếc áo màu hồng nữa,… Lan mặc chiếc áo nào trông cũng đẹp… Mỗi lần được lũ bạn trai ngỗ ngược ghép đôi, tôi cũng thấy khoai khoái, nhưng trên nét mặt lại luôn tỏ ra là không thèm để ý tới. Mà hồi nhỏ, tôi cũng thích cái tài giỏi hơn cái đẹp thật.
Buổi tối trước hôm thi tuyển ở trường, tôi đi ngang qua nhà Lan thì thấy Lan chạy ra:
- Huy, vào chỉ cho Lan phép khai phương đi! Sao có bài Lan làm được, có bài lại không mới tức chứ!
Tôi từ chối:
- Thi học sinh giỏi không ai ra phép khai phương đâu, nó chỉ cần thuộc quy tắc là làm được, có gì mà phải thi. Chắc chắn là thầy phải ra những bài đòi hỏi sự suy luận.
Giằng co một lúc, Lan không thuyết phục được tôi, đành ấm ức vào nhà. Còn tôi thì cười hơ hớ, chạy đến nhà thằng Công. Nó đang ngồi khâu giày đá bóng. Thấy tôi, nó hỏi:
- Mai mày thi học sinh giỏi mà không học hành gì à?
Tôi mỉm cười:
- Thi với bọn con Lan, con Thu và mấy đứa lớp 7B mà mày bảo tao cũng phải học à?
Sau đó, tôi rủ thằng Công và mấy đứa bạn khác nữa ra ruộng 5% nhà tôi cấu thóc nếp về làm cốm ăn. Cả buổi tối hôm ấy chúng tôi xì xụp xay, giã. Chúng nó nói là liên hoan để tiễn tôi đi thi giành giải Trạng Nguyên. Tôi cảm thấy tự hào vì luôn thấy mình được là nhân vật trung tâm của lũ bạn.
Sáng hôm sau tôi vênh vang vào phòng thi, không thèm để ý đến sự giận dỗi của cô bạn cùng xóm xinh đẹp. Chúng tôi có năm đứa dự thi là: Tôi, Lan, Thu và hai đứa lớp 7B. Trong đó chỉ được chọn hai đứa. Khi thầy Lộc chép đề thi lên bảng, tôi hoảng hốt khi thấy trong năm bài có một bài toán về phép khai phương: Khai căn một con số dài dằng dặc, thầy lại cho bài này cao điểm nhất nữa chứ! Khai phương không phải là loại toán khó đối với tôi, nhưng khổ nỗi, như các bạn biết đó, tôi lại không thuộc các quy tắc. Thế là đến tận lúc nộp bài, tôi chỉ làm hoàn thiện được có bốn bài. Tôi hỏi Lan thì được biết Lan cũng làm được bốn bài, nhưng trong đó có bài khai phương. Như vậy, chắc chắn điểm thi của Lan sẽ cao hơn tôi. Điệu này thì còn mặt mũi đâu mà gặp lại mọi người nữa cơ chứ!
Ngay sáng hôm sau thầy giáo đã công bố kết quả: Tôi và Lan đã được chọn đi thi huyện. Nhưng kết quả của tôi vẫn kém của Lan. Tôi ngượng đến chín cả mặt, khi thấy điểm cuả mình lại kém điểm một người bạn mà thường vẫn phải nhờ mình chỉ bài. Tôi chỉ muốn ẩn kín vào đâu đó để không phải gặp ai nữa. Nhưng không, ngay sau đó, thầy Lộc lại gọi tôi ra một chỗ và nói với tôi:
- Vừa rồi chính Lan đã nói với thầy về cách học tập của em, nên thầy đã ra một bài toán khai phương và tính điểm cao nhất. Thấy muốn em phải rút kinh nghiệm. Còn đối với Lan, em cũng đừng giận bạn ấy. Bạn ấy chỉ muốn em đạt kết quả tốt trong kỳ thi huyện sắp tới, nên mới hành động như thế. Để tiến cao, tiến sâu trong toán học, chỉ có sự thông minh thôi thì chưa đủ, mà còn phải chịu khó, phải kiên trì rèn luyện mới được.
Tôi ra về, trong lòng không còn một chút ngượng nghịu nào nữa mà chỉ thấy dâng lên một niềm cảm phục vô bờ đối với người bạn gái. Đúng thực, Lan không chỉ trưởng thành hơn tôi về dáng vẻ bề ngoài, mà trong suy nghĩ, Lan cũng chín chắn hơn tôi nhiều lắm.
Thầy chủ nhiệm
Thầy chủ nhiệm lớp, thầy dạy Nga Văn của chúng tôi hồi cấp III tên là Phạm Quốc Triều. Trong giờ học giảng đầu tiên thầy đã tự giới thiệu một cách rất hóm hỉnh với chúng tôi:
- Tôi tên là Phạm Quốc Triều, Triều là thuỷ triều chứ không phải chiều xuống. Nếu là chiều xuống thì buồn lắm!
Thấy nói giọng miền Nam, nhưng thanh nhẹ, là cán bộ tập kết. Người thầy cao, gầy, khuôn mặt xương xương, và có đôi mắt trông rất mơ mộng, đôi mắt của một người giàu tình cảm, dễ xúc động. Thầy nói tiếng Nga rất hay, nhanh gọn nhưng vẫn đầy đủ âm tiết, đặc biệt là thầy nhấn trọng âm rất chuẩn. Thầy thường nhắc chúng tôi, sự nhấn mạnh trọng âm là một điều rất quan trọng giúp cho sự phát âm chính xác và làm cho người nước bạn dễ dàng hiểu được. Thầy cũng luôn căn dặn chúng tôi, nắm vững một hay nhiều ngoại ngữ là một trong những chìa khoá giúp người ta mở các cánh cửa để đi tới những khoảng trời khoa học tiên tiến trên thế giới. Trong thời đại mà những sáng chế phát minh từng phút từng giây nẩy lộc đâm chồi. Nếu không biết ngoại ngữ, làm sao ta có thể tiếp thu, hiểu biết những thành tựu ấy, làm sao có thể thúc đẩy được nền khoa học của nước nhà phát triển.
Hồi ấy tôi cũng rất thích ngoại ngữ. Không phải vì tôi đã đủ chín chắn để chuẩn bị cho mình trở thành một nhà nghiên cứu tương lai, mà gần như chỉ vì tính tò mò. Tại sao người ta cũng mắt mũi chân tay như mình lại nói với nhau khác nhỉ? Xem những bộ phim nước ngoài, thấy những thằng bé nói với nhau như chim hót mà không hiểu gì, tôi tức lắm. Chà, mình phải học ngoại ngữ thật nhiều mới được! Để không cần phải nghe thuyết minh mà vẫn có thể hiểu được phim. Nhưng tôi đâu biết rằng, mỗi một chặng của con đường chinh phục một ngoại ngữ: từ biết đọc, biết viết, biết nghe, đến biết nói thông thạo, đều rất gian nan. Nhưng dù sao trí não trẻ thơ cũng như một mảnh đất còn nhiều chỗ trống, nên sự tiếp thu một ngôn ngữ lạ cũng dễ dàng hơn những người lớn tuổi nhiều lắm.
Hôm thi cuối năm học lớp 8, thầy chủ nhiệm đã ra đề thi cho chúng tôi:
- Hôm nay thầy sẽ ra cho các em một đề thi. Trong một tiếng đồng hồ, nếu em nào viết được nhiều nhất và phải bằng hoặc vượt một số lượng từ vựng mà thầy quy định, sẽ được phong danh hiệu “Kiện tướng nhớ từ” và sẽ được phần thưởng.
Cả lớp xôn xao. Thực là một đề thi đặc biệt, thử thách cao độ trí nhớ của mỗi học sinh.
Đến giờ quy định, chúng tôi bắt đầu làm bài. Ban đầu tôi viết thật nhanh những từ đơn giản chỉ đồ vật ở ngay xung quanh mình: từ quyển sách, bút mực, bút chì, đến cái bàn, cái ghế…
Cứ như vậy, tôi cắm đầu viết từ gần đến xa, từ đơn giản đến phức tạp… không còn chú ý đến một điều gì khác nữa. Đến khi hết giờ, tôi cũng viết được khá nhiều từ. Tôi không còn nhớ là mình đã viết được bao nhiêu chỉ nhớ, khi nộp bài tôi chỉ kém có một thằng Sâm ngồi ở bàn trước tôi. Thằng này “ma lanh” thật! Không biết có ai đó đã mách cho nó biết trước ý định của thầy mà nó đã viết sẵn một bảng từ vựng ở nhà và đã làm bài bằng cách copy cái bảng ấy. Như vậy, dù có cố gắng hết mức tôi cũng không thể đạt được danh hiệu “Kiện tướng nhớ từ” khi có một thằng bạn làm bài kiểu ấy. Cả thằng Hân lớp trưởng học giỏi và chịu khó thế mà cũng còn kém xa nó. Tôi đã định đi báo cho thầy biết, nhưng lại nghĩ, làm như vậy thì hèn quá, lại thôi.
Khi tan học về, thằng Sâm “ma lanh” lại còn trêu tôi nữa chứ:
- Thế nào Huy! Kỳ này chắc đạt danh hiệu “Kiện tướng nhớ từ” chứ?
Nhìn vẻ mặt đắc chí của nó tôi chỉ muốn đấm cho nó một quả.
Giờ Nga văn tiếp theo lại đến. Thầy sẽ trả bài thi đây. Tôi buồn rầu bước vào lớp. Khi hình dung ra khuôn mặt dương dương tự đắc của thằng Sâm trên bục bảng nhận phần thưởng, tôi tức không chịu được. Kể nó xứng đáng thì không sao, nhưng đằng này nó lại chơi cái trò láu cá mới tức chứ. Nhưng tôi không biết làm gì khác là đành im lặng. Dù sao, tuy không thân nhưng tôi cũng có chơi với nó.
Thầy chủ nhiệm bước vào lớp. Tay thầy cầm một gói vuông vuông như một cuốn sách, có bọc giấy màu và thắt nơ rất đẹp. Cái gì trong đó nhỉ? Cái phần thưởng sẽ thuộc về thằng láu cá ấy? Chúng tôi xôn xao một chút rồi im lặng. Thầy nói với chúng tôi:
- Hôm nay thầy sẽ trả bài thi cho các em, sẽ công bố kết quả, rồi phát phần thưởng. Nói chung, các em đều làm bài tốt, nhớ được nhiều từ. Tuy vậy, các em còn viết sai dữ quá. Đặc biệt là em Sâm… (Tôi thót người khi nghe tới đây. Biết ngay mà, nó sẽ thắng!)… Tuy viết được rất nhiều từ, hơn hẳn các bạn trong lớp, nhưng em lại viết ẩu và sai nhiều! Bênh cạnh đó, có những em khác viết được ít hơn Sâm, nhung số từ chính xác lại nhiều hơn.
Nói đến đây thầy ngừng lại. Trong tôi lại bắt đầu lóe lên niềm hy vọng. Nhưng cũng vẫn chột dạ. Liệu mình viết sai có nhiều không? Thằng Hân là chúa cẩn thận, và nhất là mấy đứa con gái nữa!
Thầy nói tiếp:
- Bây giờ thầy sẽ công bố kết quả: em Huy viết được số từ chính xác nhiều nhất đạt danh hiệu “Kiện tướng nhớ từ”, kế theo là em Nguyễn Trọng Hân thứ hai, còn em Sâm thứ ba.
Cả lớp vỗ tay rầm rầm. Còn tôi thì sau bao nhiêu hồi hộp, trước niềm vui bất ngờ, trái tim như nhảy lên ca hát.
- Xin mời “Kiện tướng nhớ từ” của lớp ta lên nhận phần thưởng.
Đợi thầy ngừng lời ít giây, tôi mới đỏ mặt bước lên bục giảng.
Giơ cao phần thưởng trước mặt, thầy nói với tôi và cũng để cho cả lớp nghe:
- Thầy tặng em cuốn sách viết về cuộc đời và sự nghiệp của các nhà bác học vĩ đại trên thế giới. Thầy muốn những tấm gương vĩ đại này sẽ giúp em phấn đấu trong học tập hôm nay và trong công việc mai sau. Thầy biết em học toán rất khá, cùng với khả năng học ngoại ngữ này, thầy tin là em sẽ có trong tay những chìa khóa rất quan trọng, rất cơ bản, để mai sau đến với khoa học. Thầy cũng mong tất cả các em trong lớp sẽ học tập được như Huy.
Thầy ngừng lời và trao phần thưởng cho tôi. Cả lớp lại vỗ tay rầm rầm, có thằng nào lại hò hét nữa chứ. Tôi lí nhí cảm ơn thầy rồi về chỗ ngồi của mình.
Thực ra lúc ấy tôi chưa hiểu hết ý nghĩa sâu xa trong lời căn dặn cũng như việc phát phần thưởng của thầy, chỉ có một niềm kiêu hãnh nho nhỏ trước lũ bạn. Tuy thế, tôi cũng rất quý cuốn sách của thầy tặng và rất hứng thú khi đọc nó. Tôi đã khâm phục vô cùng những nhà bác học vĩ đại. Họ đã vượt qua bao khó khăn chấp nhận những hy sinh lớn lao, để tìm ra những quy luật được cất giấu trong lòng vật chất bí ẩn, trong tự nhiên đa dạng và đầy phức tạp này. Chính họ là những người góp phần rất lớn trong sự nghiệp đưa cuộc sống của loài người từ lạc hậu đến văn minh. Và chính niềm khâm phục này đã đốt cháy mạnh mẽ hơn lên trong tôi niềm say mê học tập, niềm say mê những vấn đề khoa học còn đơn sơ chất chứa trong đó, và làm cho tôi luôn có một niềm kính trọng mến yêu tất cả những gì thuộc về tài năng của con người. Nò cũng đã tạo ra cho tôi một thói quen bổ ích là rất thích tìm hiểu sự nghiệp và cuộc đời của những con người tài giỏi. Và có lẽ chính từ thời điểm này, sau những năm trẻ thơ vô tư, nghịch ngợm, học tập tài tử, trong tôi bắt đầu hình thành rõ nét niềm ước ao mai sau sẽ có được khả năng, sẽ được làm việc như những nhà khoa học. Đó chính là những mần mống của ước mơ đã nhú lên trong trái tim tôi – cậu học trò 14 tuổi.
ĐÔNG LA