“NHÀ TƯ TƯỞNG” NGUYÊN NGỌC
Viết về cái sai tiếng Việt trong thơ của bậc “hiền minh” theo Nguyễn Quang Thiều là Nguyễn Khoa Điềm, lại nhớ đến Nguyên Ngọc, người cũng được Phạm Xuân Nguyên cho là “nhà tư tưởng”. Nhưng “nhà tư tưởng" này viết văn cũng có chỗ “sai tiếng Việt”, tệ hơn, khi truyền bá “tư tưởng” văn chương, ông ta dịch một chữ cũng không xong. Vậy để cho có “Cặp đôi hoàn hảo” “hiền minh” và “tư tưởng”, nay tôi đăng lại bài này.
Trần Đăng Khoa từng cho Nguyên Ngọc thành danh với những tác phẩm “người tốt việc tốt”, như một Tố Hữu, một Phạm Tuyên trong văn xuôi. Theo Khoa: “tập truyện ngắn Rẻo cao… thật sự là kiệt tác… Phải nói đó là những trang văn hay… là thứ văn trong, sánh như mật ong, lại đượm ướp một làn hương rất đặc biệt. Đọc cứ bàng hoàng váng vất mãi”.
Tôi tìm đọc để tìm xem TĐK “bàng hoàng váng vất” vì cái gì thì thấy cái câu “làm văn” này của Nguyên Ngọc: “Cùng với khí lạnh của đêm mùa xuân trên núi cao, bỗng tỏa vào nhà một thứ hương hoa tím nhạt, xa vắng và gần gũi”. Câu này theo cách nói của Trần Mạnh Hảo cũng lại “sai tiếng Việt”! Bởi không ai có thể ngửi thấy một thứ mùi hương "có màu tím” cả. Cũng chỉ có thể viết xa xôi mà gần gũi chỉ cảm giác lúc gần lúc xa của tâm trạng, chứ không thể viết "xa vắng và gần gũi", vì đã xa vắng sao còn gần gũi được?
Sau giải phóng (1975) mấy năm, với tài năng ấy, Nguyên Ngọc đã được giao trọng trách làm Bí thư Đảng Đoàn lãnh đạo Hội Nhà Văn. Trong bài Hy vọng gì ông kể:
“… đầu năm 1979, tôi được điều về làm việc ở Hội Nhà Văn Việt Nam. Anh Độ bấy giờ là Trưởng ban Văn hóa văn nghệ trung ương. Một hôm anh bảo tôi sang chỗ anh chơi …Anh Độ ngồi im một lúc, rồi nói, chậm rãi: “… trong nghệ thuật thường vẫn vậy, muốn có đỉnh cao mới thì bao giờ cũng phải có trường phái mới …, cậu nghĩ coi, có đúng không?”… Ý kiến của anh khiến tôi giật mình, kinh ngạc. Không ngờ anh tinh tế, sâu sắc, thậm chí cũng có thể nói uyên bác đến thế… Cho đến nay tôi vẫn nghĩ chúng ta đã bỏ mất một người lãnh đạo văn nghệ giỏi nhất, hay nhất, tốt nhất mà ta đã từng có thể có. Bao giờ mới tìm lại được một người như vậy?”
Cái ý Trần Độ “muốn có đỉnh cao mới thì bao giờ cũng phải có trường phái mới”, theo tôi (Đông La), thực ra không đúng so với thực tế. Những nhà văn vĩ đại như Dostoyevsky, Márquez và nhiều nhà văn đoạt giải Nobel cũ và mới, họ chỉ sáng tác theo “trường phái” của chính họ chứ không phải chạy theo các trường phái hình thức đã tự tôn lên thành các chủ nghĩa như Tượng trưng, Siêu thực, Hậu hiện đại; Tân hình thức; v.v… Vậy mà Nguyên Ngọc lại “giật mình, kinh ngạc…”.
Trần Độ, vị tướng xông pha dọc ngang, lên Bắc vào Nam, với những công trạng lừng lẫy, khi được giao lãnh đạo lĩnh vực văn hóa văn nghệ, ông đã cho ra “Nghị quyết 05”:
“… Nền văn hóa mới Việt Nam xây dựng trên cơ sở những nguyên tắc của chủ nghĩa Mác-Lênin là một nền văn hóa xã hội chủ nghĩa đậm đà bản sắc dân tộc … nằm trong sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo … Làm thất bại âm mưu và hoạt động của các thế lực thù địch và phản động …”
Như vậy, Trần Độ đã làm quá tốt. Chính vì thế TBT Nguyễn Văn Linh mới ủng hộ ông hết mình. Còn Nguyên Ngọc, dưới trướng của Trần Độ, cũng đã đưa “Bản đề dẫn” cũng lại quá hay! Trong cuộc gặp với TBT Nguyễn Văn Linh để “cởi trói” văn nghệ, Nguyên Ngọc nói: “nghệ thuật giữ cho con người không sa xuống thành con vật” và “Cái cốt lõi của văn nghệ là tính nhân đạo”. Tiếc là khi triển khai vào thực tế thì giữa “lời nói” và “việc làm” lại ngược nhau. Với cương vị TBT tờ Văn nghệ, Nguyên Ngọc đã khai sinh ra một tên tuổi mới chính là Nguyễn Huy Thiệp, với một loạt truyện ngắn mà truyện"Phẩm tiết" chính là một trong những yếu tố khiến Trần Độ bị kỷ luật! Trong văn Nguyễn Huy Thiệp có rất nhiều chi tiết, hình ảnh, ý tứ ngược với “tuyên ngôn” của Nguyên Ngọc.
Trong văn chương thế giới có nhiều chuyện viết về cái ác còn ghê gớm hơn văn Nguyễn Huy Thiệp. Csáth Géza với truyện “Kẻ giết mẹ” kể chuyện hai đứa trẻ vì không được người mẹ quan tâm đã phản kháng một cách vô thức bằng cách bắt giết những con thú hoang, rồi chúng quen tay, khi đến tuổi dậy thì cần tiền thỏa mãn tính dục, chúng đã dễ dàng giết chính mẹ mình. Dư Hoa trong truyện “Sống” kể câu chuyện trong một bệnh viện người ta đã lấy sạch máu một đứa học trò 13 tuổi, con một cựu binh, làm nó chết, để tiếp máu cho bà vợ của ông chủ tịch huyện vốn là lính của cha đứa bé. Giống như một bệnh nhân cần bác sĩ, cái cơ thể xã hội cũng cần đến những bác sĩ, đó chính là những nhà tư tưởng và những nhà văn mà tác phẩm của họ có tầm tư tưởng. Họ viết về phần tăm tối của con người để rung hồi chuông cảnh tỉnh, viết về cái ác với tấm lòng lương thiện chính là hướng người đọc về phía thiện. Nhưng văn của Nguyễn Huy Thiệp không như vậy, thường xóa nhòa ranh giới giữa đúng sai, thiện ác bằng cái nhìn vô cảm của tác giả và bằng những hành động, lời nói mất nhân tính của các nhân vật.
Hai người “có công” đầu làm Trần Độ thất sủng chính là Nguyên Ngọc và Nguyễn Huy Thiệp. Chính Trần Độ thừa nhận Nguyễn Huy Thiệp “có thể chưa hay, chưa giỏi trong việc xây dựng nhân vật văn học lấy nguyên mẫu từ một anh hùng dân tộc, vua Quang Trung” và “… với truyện ngắn Phẩm Tiết… anh Thiệp thực có ý định nêu tên để chửi rủa vài người nào đó, thì đó là ý định xấu, có hại”. Chính ông cũng phải thừa nhận sự yếu kém của chính mình: “Tôi tự thấy tôi là người không thiếu bản lĩnh, nhưng do tính phức tạp của môi trường mới mà chất lính trong tôi chưa hòa nhập được, nên tôi bị vấp ngã giữa đường”. Tôi (Đông La) cũng đã viết: “Và xem chừng Trần Độ bị kỷ luật bởi vì ông đúng như lời Tướng Nguyễn Sơn từng nói về ông mà chính ông đã kể lại trong Hồi ký: "Mày ngồi đây làm gì. Mày thì biết chó gì văn nghệ”. Tiếc là Trần Độ, vị tướng có nhiều công trạng trong kháng chiến, ông quen chung vui niềm vui chiến thắng mà không biết cách chấp nhận thất bại của riêng mình, nên ông đã trở cờ, phản lại sự nghiệp cách mạng vĩ đại mà chính mình đã dấn thân. Khi đương chức, ông cho Chủ nghĩa Mác Lê-nin là mặt trời chân lý sáng soi, ngược lại khi mất chức ông lại cho là “cái bánh vẽ khổng lồ”.
Như vậy tại sao Nguyên Ngọc vẫn khăng khăng đề cao Trần Độ: “Cho đến nay tôi vẫn nghĩ chúng ta đã bỏ mất một người lãnh đạo văn nghệ giỏi nhất, hay nhất, tốt nhất mà ta đã từng có thể có. Bao giờ mới tìm lại được một người như vậy?” Chứng tỏ Nguyên Ngọc lại thể hiện tính bất chấp sự thực, cố chấp đề cao Trần Độ một cách băng nhóm, bè cánh. Khi nắm trận địa “văn chương” là báo Văn Nghệ, Nguyên Ngọc còn đăng bài “Hãy đọc bài ai điếu cho nền văn chương minh họa” của Nguyễn Minh Châu, tạo nên cái không khí Hồng vệ binh “lật đổ các thần tượng đã rữa nát” thời ấy. Văn Chinh viết: “Với cá tính triệt để và cực đoan, … Cái người nhân danh dân chủ này lại mất dân chủ một cách trắng trợn đến thế, …cái lý cố gì mà Tổng biên tập tờ báo của Hội lại không đăng, nhất định không đăng nghị quyết của BCH Hội nhận định và chấn chỉnh báo Văn nghệ của Hội… Vâng, như tôi biết, đó là hai trong các nguyên cớ trực tiếp người ta đã thay Tổng Biên tập Nguyên Ngọc”.
Vậy mà từ khi mất chức Nguyên Ngọc chưa bao giờ nhận ra được sai lầm và yếu kém của mình cả, và cái dư luận bầy đàn vẫn cho Nguyên Ngọc là người có công đầu trong “đổi mới” văn chương.
***
Phạm Xuân Nguyên vì dốt đã cho Nguyên Ngọc là “nhà tư tưởng” của văn chương.
Barthes quan niệm văn chương có 3 chiều. Ngôn ngữ và lối viết tạo nên một mặt phẳng, còn chiều thứ ba l'écriture chính là sự cao sâu của tác phẩm, thể hiện trách nhiệm cũng như sự dấn thân của nhà văn với xã hội, nên “Le Degré zéro de l'écriture” trong nhan đề cuốn sách của Barthes viết chính là thái độ vô cảm, vô trách nhiệm của nhà văn, chứ không phải là “độ không của lối viết” như Nguyên Ngọc dịch. Lối viết là phong cách viết, là nét riêng văn phong của mỗi tác giả, không phải là thái độ viết thuộc về tư tưởng, về nhận thức của nhà văn. Vì không hiểu như vậy, Nguyên Ngọc lại truyền bá tiếp quan điểm sáng tác của Kundera ngược với Barthes khi dịch cuốn “Nghệ thuật tiểu thuyết”. Bởi triết lý sáng tác của Kundera là Hiện tượng học, mà triết thuyết này lại đề cao nhận thức chủ quan của cá nhân, đặt “thế giới trong ngoặc”, nghĩa là không có chuyện “dấn thân” cái gì hết. Còn chữ l’ambigui của Kundera Nguyên Ngọc cũng lại dịch sai là “tính nước đôi”. L’ambigui theo từ điển là “sự mơ hồ”. Mà sự mơ hồ thì hoàn toàn không phải là nước đôi. Mơ hồ là chưa rõ ràng, nước đôi là sự lưỡng lự giữa 2 cái.
***
Nước ta vốn không phải là nôi của những phát minh khoa học và các hệ thống lý luận. Việc học tập, nghiên cứu, rồi dịch các tác phẩm ở nước ngoài để truyền bá ở trong nước là cần thiết. Nhưng cái chuyện cần phải “gạn đục khơi trong” để “tiếp thu tinh hoa” của thế giới đã trở thành hiển nhiên, nghe quen thuộc đến nhàm tai, nhưng thực tế vẫn luôn là một vấn nạn. Trong biết bao điều tốt đẹp được du nhập vào đất nước luôn có lẫn cỏ dại và nấm độc, những cái mà không ngăn chặn có thể sẽ dần làm mục ruỗng cả nền tảng xã hội. Người ta hay ham của lạ nên hay chạy theo những khái niệm lấp lánh, kêu beng beng, nhưng thực chất chẳng hiểu gì về chúng.
16-8-2013
ĐÔNG LA