BÀN THÊM CHÚT VỀ NGÔN NGỮ THƠ
Là người viết tất nhiên tôi rất thích những độc giả thấu hiểu, đồng cảm, nhất là về những điều tinh tế, cao sâu; nhưng tôi còn thích hơn những người phê phán được tôi. Bởi người thích ta là bạn ta, người phê phán được ta là thầy ta giúp ta tiến bộ. Có điều sự phê phán phải đúng, mà phê phán được Nhà Văn Đông La thì hơi bị khó bởi rất khó có thể tìm thấy tôi viết sai. Chỉ có lần, một bản thảo của tôi được một cơ quan trung ương tài trợ xuất bản, tôi ra HN gặp người duyệt sách, một cán bộ ở cơ quan cao nhất về tư tưởng, văn hoá. Gặp tôi anh bạn nói chuyện rất tự nhiên và cởi mở, vừa khen tôi vừa thể hiện sự tự tin: “Tôi tin là mình có trong số vài người ở nước ta hiểu hết được cuốn sách của anh”. Quả thật, cuốn sách của tôi về lý luận phê bình văn chương nhưng lại có những điều liên quan đến những tri thức cao nhất về triết học và khoa học tự nhiên, nên không dễ hiểu. Anh bạn khoe mình từng giành giải thi học sinh giỏi toán quốc gia, sau học triết thành TS Triết học, đang dạy đại học thì được xin về cơ quan trung ương này, và: “ông ấy giao toàn quyền cho tôi”. Với tôi thì như vậy vẫn bình thường, chỉ khi thấy anh bạn phê phán được mình thì mới thấy nể. Anh bạn nói: “Cuốn sách của anh có một câu cần phải sửa: Thực tiễn là tiêu chuẩn kiểm tra chân lý chứ không phải là chân lý”. Tôi nghe mà giật mình, quả đúng như vậy, và với một người như tôi thì anh bạn không cần giải thích. Chuyện thứ hai là về tiếng Anh. Trong cuốn sách của tôi có chỗ tôi bàn về cách dịch tên tác phẩm The Thorn Birds của nhà văn Colleen McCullough ở Úc. Tôi cho rằng dịch là “Con chim ẩn mình chờ chết” không chính xác về từ ngữ nhưng ý lại đúng và hay hơn dịch là “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”. Anh bạn bảo là: “Dịch chính xác nhất là “Con chim bị đâm” nhưng không văn vẻ lắm, vì chữ thorn là gai nhọn, nhưng khi làm động tính từ bị động nghĩa là bị đâm”. Tôi lại giật mình vì cứ nghĩ chỉ tiếng Nga mới có động tính từ bị động.
***
Đến nay, sau mấy chục năm viết lách, đó là lần duy nhất tôi thấy người ta góp ý đúng. Với bạn đọc thì tất nhiên tôi rất vui khi được like; ngược lại tôi khó chịu vô cùng với những người dạng dở ông, dở thằng. Họ cũng ham hiểu biết, cũng ham bày tỏ, khổ nỗi họ không hiểu đúng, nhất là về những tri thức cao siêu. Họ cũng hâm mộ tôi, kết bạn internet, nhưng rắc rối ở chỗ họ lại muốn tôi cái điều không thể, đó là đồng ý với những nhận thức sai của họ. Như có thằng thợ xây, một khái niệm cơ bản của vật lý nó cũng chưa hiểu, vậy mà cứ say mê phê phán Thuyết Tương đối của Einstein, rồi cứ đòi tôi có ý kiến. Nhùng nhằng một hồi, tôi thấy cần phải cấm cửa để đỡ mất thì giờ.
***
Trong bài tôi vừa đăng viết về thơ Nguyễn Khoa Điềm, tôi ngạc nhiên là một người vào khen bài “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm, nghĩa là ngược với phân tích và lý lẽ của tôi. Tôi ngạc nhiên vì người này từng thổ lộ “vốn hay ngẫm nghĩ về Triết học Phương Đông” nên thích và chia sẻ bài tôi viết về Triết học Kant, một điều không dễ hiểu để mà thích. Nhưng khi bàn về Đạo Phật, người này viết: “Vậy “thức” cứ cho là có từ bộ não của con người, mà có rồi thì khi con người mất đi nó có còn tồn tại không? Nếu tồn tại thì “thức” có phải là một dạng vật chất không?” Viết vậy nghĩa là bạn này chưa phân biệt được giữa ý thức của sinh học, triết học với “thần thức” của Đạo Phật. Vậy là giữa ham biểu biết và hiểu cho đúng vẫn còn một khoảng cách.
Anh bạn khen bài “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm vì cho thơ là “ý tại ngôn ngoại”. Quả đúng vậy, ngoài nghĩa đen của ngôn từ thơ còn có hàm nghĩa, tức nghĩa bóng. Có điều muốn vậy thì ngôn từ phải chuẩn, tức phải đúng Tiếng Việt. Giống như con thuyền ngôn ngữ muốn chở được trăng nó phải không bị thủng, hoặc con chim ngôn ngữ muốn bay bổng được thì phải không bị gãy cánh. Có thời Báo Văn nghệ thỉnh thoảng đăng bài dọn vườn của Nhà thơ Xuân Diệu dạng như bài tôi vừa viết về Nguyễn Khoa Điềm. Có thể lấy một ví dụ, như hai câu: Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi. Hai câu rất thực mà cũng rất ảo, nên rất lung linh, rất hay; nhưng sẽ vô nghĩa nếu viết thế này: Hỡi cô nước tát bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi. “Nước tát” là cái gì? Cũng như Nguyễn Khoa Điềm viết: “Đất nước từ miếng trầu bà ăn” là cái gì? Nếu viết “Chuyện đất nước bắt đầu từ miếng trầu bà ăn” hoặc “Đất nước từ Mục Nam Quan (theo hướng Bắc-Nam)” thì mới có nghĩa, mới đúng Tiếng Việt. Thơ Việt, theo trường phái hiện thực mà sai Tiếng Việt, đã vô nghĩa thì còn hay cái nỗi gì?
11-8-2023
ĐÔNG LA