HIỀN MINH NGUYỄN KHOA ĐIỀM
Bài trước có phần tôi viết về bản chất của ông “quan to”, nhà thơ lừng lẫy Nguyễn Khoa Điềm, nay đăng lại bài viết về tài thơ của ông ta mà ông Chủ tịch HNV VN Nguyễn Quang Thiều từng viết là “Chất hiền minh của trí tuệ dân gian thấm đẫm trong từng từ”.
Để xảy ra tình trạng nền văn chương hỗn loạn lỗi chủ yếu là do chuyện thẩm định không đúng tài năng của tác giả và giá trị của tác phẩm. Do ý đồ chính trị, do móc ngoặc luồn lách, và do trình độ kém của người viết phê bình và của cả nền Lý luận Phê bình.
Với Nguyễn Quang Thiều thì cái tôi rất cao nhưng nền tảng tri thức lại rất thấp nên thường chỉ tài véo von, rỗng tuếch. Như câu thơ của Đinh Thị Như Thuý: “Người đàn bà chăm chú dõi tìm trái đỏ trong cây” là ngôn ngữ đời thường, không phải là thơ, vậy mà Thiều hót thế này: “Nhưng ánh sáng của câu thơ đã rời khỏi thân xác của một hiện thực đen tối như ánh lửa rời thân xác của một khúc gỗ”. Tôi đã viết: “Đúng là thằng huyên thuyên, viết vậy, giống như chuyện Thiều tán gái chứ không phải tán thơ”.
Tôi đã phải xem kỹ lại bài “Đất nước”, bài thơ tiêu biểu nhất của Nguyễn Khoa Điềm để xem cái “hiền minh” nó như thế nào, không ngờ một tên tuổi cỡ Nguyễn Khoa Điềm lại hành văn sai be bét thế, nói kiểu TMH là “viết sai tiếng Việt”.
***
Mở đầu Trường ca “Đất nước”, Nguyễn Khoa Điềm đã viết sai về quan điểm chính trị, quan điểm lịch sử, khi viết: “Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi”. Bởi vì ông sinh năm 1943 thì 2 năm ông “lớn lên” dân ta còn bị “mất nước” vào tay Thực dân Pháp.
Tôi cũng làm một bài thơ dài về Đất Nước với câu mở đầu thế này: “Tổ Quốc! Có phải bão giông của thời gian hay của đất trời đã thổi cong cả dáng hình của mẹ?” Thực tế, hình dáng đất nước chúng ta đúng là “cong” thật. Nó “cong” do bão giông từ Biển Đông (bão giông của đất trời) giội vào hàng tỷ tỷ năm từ thuở Tạo hoá khai Thiên lập Địa; và với con mắt thơ thì nó cũng có thể bị cong bởi bão giông của vô vàn các cuộc chiến tranh (bão giông của thời gian) trong suốt mấy ngàn năm? Một độc giả là Bác sĩ Hoa Huynguyen đã cho bài thơ của tôi là : “Bài thơ tiếng Việt lớn nhất thế kỉ 20”. Tôi rất thích và tin những nhận xét của những độc giả chưa quen có tâm hồn văn chương và có trình độ cao vì ý họ đúng và khách quan; họ không chủ quan lấy mình làm chuẩn như những nhà thơ tài thì thấp, tâm thì tối, tầm tri thức cũng thấp luôn. Ở chỗ khác, bác sĩ Hoa Huynguyen viết: “Tôi mà được làm sách giáo khoa thì hẳn nó lệch chúi về phía tên anh”. Tôi đã trả lời là: “VN có nhiều cái tuyệt vời nhưng riêng cái công bằng đó thì không có đâu. Tôi cũng tiếc, không phải cho tôi mà tiếc cho nền tri thức của đất nước ta”. Qua đây chứng tỏ khả năng thẩm thơ của Thiều thua xa Bác sĩ Hoa Huynguyen, càng không thể có được sự “hiền minh” là có thể thấy được cái sai của nhân vật vĩ đại, thấy được cái vĩ đại của người bình thường.
***
Bài “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm có điều đáng quý là ông viết trong thời chiến tranh, cái thời mà chú bé Trần Đăng Khoa cũng thành “thần đồng” để góp sức cho cuộc kháng chiến, thơ của Nguyễn Khoa Điềm cũng như thơ của nhiều tác giả trong giai đoạn đó rất được chú ý để tuyên truyền, cổ động, góp phần tạo nên sức mạnh tinh thần. Các tác phẩm hồi đó đều có nội dung rất tốt phản ánh sống động cuộc kháng chiến, nhưng về mặt nghệ thuật, với trình độ của thời hiện tại mà xem xét, chúng ta sẽ thấy có những hạn chế.
Bài “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm là bài kể lể, liệt kê rất nhiều chuyện, tất cả đều cho là “đất nước” hết, không có sự chắt lọc, cô đọng, ít có sự sáng tạo ngôn ngữ, ít có hình ảnh độc đáo, nên thơ như lời nói thường, ai có tài liệu cũng viết ra được. Đặc biệt, Nguyễn Khoa Điềm thường viết tắt ý, nên không diễn tả được rõ nghĩa, nói như Trần Mạnh Hảo là “chưa sõi tiếng Việt”! Vì viết sai nên không ai có thể dịch chính xác sang tiếng Anh được, còn dịch phứa đi, hiểu phứa đi thì tất nhiên là được.
Câu “Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn”. Đất nước là khái niệm chỉ lãnh thổ thì phải “bắt đầu” từ vị trí địa lý nào đó, chứ “bắt đầu với miếng trầu” là vô nghĩa. Nếu Nguyễn Khoa Điềm viết “Chuyện đất nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn” thì sẽ có nghĩa, chỉ cần thêm chữ “chuyện” thôi thì không ai có thể bắt bẻ được.
Câu “Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc” cũng vô nghĩa. Vì “Đất nước” chỉ “lớn lên” khi cha ông ta mở mang bờ cõi, còn “dân mình biết trồng tre mà đánh giặc” thì có thể giữ nguyên được bờ cõi đất nước chứ không thể làm đất nước “lớn lên” được.
Hai câu “Trong anh và em hôm nay/Đều có một phần Đất Nước”. Mỗi người VN đều có tình cảm, suy tư về đất nước, còn viết như trên, trong cơ thể của “anh và em” cũng có đất, bùn, cát, đá sao?
Nguyễn Khoa Điềm viết: “Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu/ Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái”.
Đất nước là hiện thực khách quan, thú vị là thực tế Tạo hoá đã tạo ra đất nước có những phong cảnh thể hiện những tình cảm, điển tích của các dân tộc sống trên các vùng đất. Như vậy chỉ có Tạo hoá mới là tác giả của những “núi Vọng Phu”, “hòn Trống Mái” chứ con người thì không thể “góp” như cách viết hơi ngô nghê của Nguyễn Khoa Điềm được.
Nguyễn Khoa Điềm viết:
“Có biết bao người con gái, con trai
Trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước”
Đoạn này cũng sai như hai câu trên, người ta chỉ có thể làm ra các vật dụng, sản phẩm, công trình, tác phẩm, v.v… chứ “làm ra đất nước” thì hơi buồn cười.
Cũng hơi buồn cười khi thấy Nguyễn Khoa Điềm viết thế này:
Thằng Mỹ vào thì xác mà để đấy!
Thằng Ngụỵ vào thì xác nó đừng chôn!
Cho cháu con ta, ai sau nữa, được nhìn
Mấy câu này hay ở tinh thần căm thù giặc, nhưng thực tế mà như vậy thì sẽ rất mất vệ sinh.
Nguyễn Khoa Điềm viết:
Thế vô tận của nghìn năm giết giặc
Lửa đã cháy hồng hào mặt đất
Mùa chín tình yêu, mùa chín hận thù!
Lửa “cháy hồng hào” làm “chín tình yêu” và “chín hận thù” đọc cũng buồn cười. “Hồng hào” và “chín” là những từ đẹp, dùng để tả tình yêu là đúng, còn dùng để tả hận thù là không hợp. Yêu nhau cũng “chín”, hận thù giặc cũng “chín” luôn cũng là cách viết buồn cười!
Dù vậy, một thời tất cả cho cuộc kháng chiến vĩ đại, thơ Nguyễn Khoa Điềm được chọn, tác giả Nguyễn Khoa Điềm được ca ngợi vì người ta không quá chú trọng vào kỹ thuật viết, vào tính chính xác của ngôn từ, mà chú ý hơn vào nội dung những câu sau đây dù được viết ra như nói chuyện bình thường:
Bạn hỏi vì sao chúng tôi yêu quý Bác Hồ
Bởi vì Người là Người đầu tiên
Về với Đất Nước chúng tôi
Mang chủ nghĩa Mác-Lê nin
Chứa trong trái tim yêu nước nhất
***
Chúng ta, những thế hệ sau cần phải biết ơn những tác giả như Nguyễn Khoa Điềm đã viết những câu thơ thấm đẫm hiện thực của cuộc kháng chiến ác liệt mà hào hùng. Mọi người, trong đó có tôi, thấy Nguyễn Khoa Điềm được vinh danh, được thăng quan tiến chức là một lẽ tất nhiên. Tiếc là khi về hưu, Nguyễn Khoa Điềm lại tuyên bố mình “đổi giọng”, đã tự vạch áo cho thiên hạ xem lưng như bài trước tôi đã viết. Như vậy ông lại chứng tỏ không có gì là ngạc nhiên cả khi đương chức ông đã ủng hộ Trần Mạnh Hảo và Nguyễn Huy Thiệp.
Nếu không có sự “đổi giọng” của Nguyễn Khoa Điềm và sự véo von ca ngợi lăng nhăng Nguyễn Khoa Điềm của Nguyễn Quang Thiều thì hôm nay tôi cũng không “bóc phốt” thơ Nguyễn Khoa Điềm làm gì, vì rất nhiều giá trị của cuộc đời chỉ là tương đối thôi, không có sự công bằng, công minh tuyệt đối.
Nhưng với sứ mệnh của người cầm bút thì thấy lại cần phải viết, cần phải chỉ ra những hạn chế của những tác phẩm cũ như khoa học cũng phải nhận ra những giới hạn của những lý thuyết cũ. Văn chương cũng như khoa học, như mọi lĩnh vực cần phải khắc phục những cái dở, cái sai, phải đổi mới, phải phát triển để văn chương hay, sâu sắc, và hoàn thiện hơn.
10-11-2021
ĐÔNG LA