Thứ Tư, 9 tháng 8, 2023

VỀ MỘT THỰC TRẠNG ĐÁNG BUỒN

 VỀ MỘT THỰC TRẠNG ĐÁNG BUỒN

Khi được báo tin mẹ bạn Trịnh Lê Hoài Nam mất, theo địa chỉ tôi đến nhà viếng, gặp Nam chia buồn, thăm hỏi mấy câu xong, Nam bận chưa tiếp tôi được nên dẫn tôi ra bàn có mấy “chiến hữu” trong nhóm “Chống diễn biến hoà bình”, người thì ở Tây Ninh, người thì ở Long Khánh đến. Trước đó một hôm đã có đến một đoàn đông, do anh Nguyễn Khắc Nhu, người từng có mặt sáng 30-4-1975 trong nhóm Đại uý Phạm Xuân Thệ bắt Nội các Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện, dẫn đầu, trong đó có cả những người từ Miền Tây lên. Như vậy, từ chuyện cùng chí hướng, nhóm “Chống diễn biến hoà bình” đã đối xử với nhau thân tình như anh em trong nhà. Lát sau Nam ra, chuyện trò thăm hỏi mấy câu thông thường xong, mấy người lại quay lại chuyện “chuyên môn”. Họ đều bất bình và chán nản về tình trạng lộn xộn của truyền thông hiện tại về chính trị, tư tưởng; về lịch sử; về văn chương, văn hoá, nghệ thuật, v.v… Cái thực trạng khiến ngay cả những người tích cực nhất chống sự chống phá chế độ cũng phải nản chí.
Riêng về lĩnh vực văn chương, tôi là một nhà văn nên hiểu sâu sắc thực trạng hỗn loạn của nền văn chương. Nó khởi phát từ đầu thập kỷ 80 thế kỷ trước khi Trần Độ được giao lãnh đạo Văn Hoá Tư tưởng đã chọn Nguyên Ngọc là người phất cờ đổi mới văn chương. Hồi đó còn Tố Hữu nên ông nhận ra ngay những sai trái, nên cả Trần Độ và Nguyên Ngọc đều mất chức. Nhưng rồi Tố Hữu không còn, riêng Hội Nhà văn VN sau thời lãnh đạo là Nguyễn Đình Thi, những người kế tiếp đều không đủ tầm và tâm nên đã để Hội Nhà Văn VN thành như cái đống rác hiện nay.
Tôi còn nhớ khoảng năm 1989, Chế Lan Viên sau khi mổ ung thư phổi, có khoảng thời gian ngắn sức khoẻ ông hồi phục, tôi thường đến thăm ông ở tầng 10 BV Chợ Rẫy. Một hôm, Nhà Văn Anh Đức đến thăm Chế Lan Viên. Hồi ấy tôi đã trên 30 nhưng với hai ông thì vẫn chỉ là một “cậu bé”, ngồi nghe hai người trò chuyện. Sôi nổi nhất là chuyện họ nói ai sẽ thay Nguyễn Đình Thi làm Tổng Thư ký (như chủ tịch) Hội Nhà Văn. Người thì chọn Nguyễn Khải, người thì chọn Nguyễn Khoa Điềm. Nhưng rồi thực tế, người được chọn là Vũ Tú Nam, riêng tôi thì không biết ông viết gì. Sau đó có người độc mồm nói “Kỳ này ngan, vịt lãnh đạo Hội Nhà Văn” thì tôi mới biết ông là tác giả tác phẩm viết cho thiếu nhi “Văn Ngan tướng quân”. Chỉ sau một thời gian, Vũ Tú Nam đã chứng tỏ mình không đủ tầm khi Hội Nhà Văn VN đã trao giải thưởng của Hội cho cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh. Khi dư luận phản đối dữ dội, Ban Lãnh đạo Hội Nhà Văn phải họp kiểm điểm, Vũ Tú Nam nhận trách nhiệm chính, còn phải viết báo cáo đọc trước đại hội và đăng báo.
Sau Vũ Tú Nam, tưởng không ai có thể xứng đáng hơn để thay thế, đó là Nguyễn Khoa Điềm. Nguyễn Khoa Điềm thuộc lớp đầu Nhà thơ Chiến sĩ trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ như Phạm Tiến Duật, nên được ca ngợi hết cỡ để tuyên truyền như Trần Đăng Khoa. Nhưng thực tế, Nguyễn Khoa Điềm có những chuyện khiến người ta té ngửa. Nguyễn Khoa Điềm từng “bảo kê” cho Trần Mạnh Hảo viết phê bình lăng nhăng. Khi làm đến Trưởng ban Văn hoá Tư tưởng thì theo Nhà văn Nhật Tuấn:
“… xảy ra một việc động trời chưa từng thấy… Một nhà “phê bình lý luận ở TP Hồ Chí Minh, là Giáo sư Trần Thanh Đạm, đã viết một bài nảy lửa đả phá một số quan điểm mới mẻ của ông Nguyễn Khoa Điềm” trước “hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp”; “Không kể chuyện trả lời phỏng vấn “ói mửa vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”, Thiệp gọi đám nhà văn trong nước là bọn “giặc già” vừa bất tài, vừa tham lam vừa thất học… Bị chửi ông chửi cha vậy mà Hội nhà văn Việt Nam vẫn im thin thít, ngay cả Tổng thư ký Hội Hữu Thỉnh vào những dịp đăng đàn diễn thuyết cũng…“ngó lơ”. Vậy mà có ai ngờ, đồng chí Trưởng ban Văn hoá Tư tưởng Nguyễn Khoa Điềm chẳng những không phát lệnh “giết chết thằng Thiệp” lại còn khen ngợi Thiệp thì còn trời đất nào nữa hở … Trung ương Đảng?”
GS TRẦN THANH ĐẠM đã viết về chuyện đó:
“Trong khi một số nhà văn, nhà phê bình lên án những ngôn luận xằng bậy của anh Thiệp đối với các văn hữu trong Hội nhà văn… thậm chí xúc phạm đến cuộc kháng chiến dân tộc thì đồng chí Nguyễn Khoa Điềm có ý muốn che chắn cho Nguyễn Huy Thiệp”.
Đỗ Hoàng đã viết về chuyện về hưu của Nguyễn Khoa Điềm:
“Ông quan to, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm không giấu sự nuối tiếc, bực bội, cả căm tức khi mình bị buộc về hưu giữa chừng” như “một sự đi đày”. Còn tôi (Đông La) thì thấy trong bài “Nói với nhà văn quá cố”, Nguyễn Khoa Điềm viết thế này: “Chắc các anh sẽ nheo mắt cười/ Tha thứ cho chúng tôi đã sống dai đến vậy/ Xả rác ở các nhà xuất bản nhiều đến vậy…”. Như vậy, không lẽ để giữ được “trọng trách” về Tư tưởng Văn hóa, Nguyễn Khoa Điềm buộc phải cho “xả rác” ở các nhà xuất bản? Nguyễn Khoa Điềm cho biết “có người chê trách tôi “đổi giọng”, nhưng tôi không quan tâm”, trong đó có bài thơ ông làm để bênh vực Cù Huy Hà Vũ phạm pháp. Không ai có thể ngờ Nguyễn Khoa Điềm từng viết những câu thơ ca ngợi đất nước thì khi về hưu ông ta lại viết “đất cát thì có giá” còn “đất nước thì mất giá”! Và trong “Nói với nhà văn quá cố”, Nguyễn Khoa Điềm cũng viết mấy câu đầy tính xôi thịt: “Và yên lòng mình chưa thua thiệt/ Ngày cuối năm buồn tẻ/ Tôi may mắn hơn các anh/ Còn gặm được khúc xương chớm mùi hóa thạch…”
Sau Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh lên thay. Hữu Thỉnh có thể là điển hình của tip người “hay cười, đúng sai cũng gật là người phiếu cao”. Ông làm tất cả để có thể có tới 20 năm giữ ghế lãnh đạo HNV và giành được rất nhiều giải thưởng, trong đó có giải cao nhất là Giải HCM. Nhưng với HNV hầu như ông không làm được điều gì tốt, trái lại đã để xảy ra cái tình trạng như GS Trần Thanh Đạm viết là: “trắng đen lẫn lộn, thiện ác bất minh”, và điều tệ hại cuối cùng là ông đã để Hội Nhà Văn rơi vào tay lãnh đạo của đám Nguyễn Quang Thiều và Trần Đăng Khoa mà tôi đã viết nhiều.

9-8-2023
ĐÔNG LA