GIẢI TRÍ VĂN CHƯƠNG CUỐI TUÀN: THẰNG BẠN THÂN
Sau hai đêm nhạc Blackpink ở HN, báo chí viết về quá trình chinh phục thế giới của văn hoá Hàn Quốc. Khi viết về phim ảnh có nhắc đến những bộ phim khởi đầu, trong đó có “Trái tim mùa thu” mà tôi đã từng coi trên tivi nhưng hồi ấy không chú ý lắm. Giờ coi kỹ lại xem sao thì quả là hay và thấy “sự xâm lăng” của văn hoá Hàn Quốc không chỉ ở VN mà cả thế giới có lý của nó.
Mấy tập đầu “Trái tim mùa thu” chiếu cảnh học hành của mấy cô, cậu nhỏ khiến tôi nhớ về những kỷ niệm của chính mình mà tôi đã viết thành cuốn sách “Những dấu vết không phai”, đã đôi lần tôi có trích đăng.
Hôm nay chủ nhật, tôi đăng câu chuyện về một người bạn thân nhất hồi cấp III, tên thật là Hưng, mà vừa rồi và lần nào về quê tôi cũng gặp. Cuộc đời Hưng có nhiều trắc trở, nhưng rất có chí, học dở cấp III đi bộ đội, về quê làm chủ nhiệm hợp tác xã nhưng giỏi quá, không hề con ông cháu cha, đã được đưa lên huyện làm chủ tịch luôn. Khi tôi viết chuyện này thì anh bạn mới làm chủ tịch xã.
Chỉ chuyện thực thôi thì không thể thành văn chương nên tôi có hư cấu thêm thắt chút để tác phẩm có ý nghĩa hơn, nên mấy bạn fb cùng học cấp III nếu có đọc đừng cho tôi là bịa đặt nhé! Mới đó mà đã hơn nửa thế kỷ trôi qua rồi!
6-8-2023
ĐÔNG LA
Những năm học cấp III, khi những thằng bạn thân hồi cấp II rớt hết, tôi chỉ có duy nhất một thằng bạn thân. Nó tên là Hân, hơn tôi hai tuổi, là một thằng rất dễ mến và hay giúp đỡ mọi người. Người nó săn chắc như một khúc tre đực. Nó vừa thông minh vừa khịu khó, nên học giỏi tất cả các môn. Chúng tôi học cùng lớp, nhưng thân nhau thì phải tính từ ngày hôm ấy.
Chiều ấy, lớp tôi tan học rất muộn. Trời đã sậm màu. Mưa xuân lay phay đính triệu triệu hạt kim cương lên tán những cây phi lao, xà cừ trên con đường ngoài cổng trường. Trường chúng tôi ở thị trấn cách làng tôi 8 km. Tôi đi học bằng chiếc xe “trâu” của ba tôi. Xe cao quá, ngồi trên yên thì đạp không tới peđan, nên tôi phải buộc một miếng bao tải lên khung xe để ngồi đạp. Trông buồn cười lắm, lũ bạn chê cười luôn, nhưng tôi biết làm sao được! Con đường đá, mà nhiều chỗ máy cầy xích làm bật lên lổng chổng, lại xâm xấp nước, trơn tuồn tuột. Vì tay lái chưa được vững nên tôi đã bị ngã, văng xuống mặt đường nhớp nháp. Lũ bạn thấy vậy reo hò ầm ĩ:
- A! Thằng Huy “vồ ếch”! Chúng bay ơi, thằng Huy “vồ ếch”!
Tôi đang nhăn mặt đau điếng, bỗng có một bàn tay rắn chắc kéo tôi đứng dậy. Tôi nhận ra được thằng Hân, lớp trưởng. Nó nói:
- Thôi, mày đi xe tao, để tao đi xe mày cho.
Tôi biết ơn nó vô cùng, nhưng không nói ra lời. Xe của nó là chiếc xe thiếu nhi Đông Đức, rất phù hợp với chiều cao của tôi. Hồi học cấp II, nó vừa học giỏi, vừa ngoan nhất trường, nên đã được trường thưởng cho chiếc xe ấy.
Từ đó, chúng tôi thân nhau. Cả hai đứa có cùng những sở thích, nên tình bạn chúng tôi như một mầm cây khỏe mạnh trồng trên một mảnh đất phì nhiêu, mầu mỡ. Ngày ngày đi học tôi ra cổng làng ngồi đợi, khi nó đến, chúng tôi lại đổi xe cho nhau. Cuộc sống tưởng cứ mãi êm đềm trôi như thế. Nào ngờ, một câu chuyện tày trời đã bất thần giáng xuống đầu thằng bạn của tôi.
Buổi học hôm ấy, thằng Hân không đi học, mà cũng không viết giấy xin nghỉ. Nó là lớp trưởng, hơn nữa lại là một thằng luôn chấp hành kỷ luật, nên chuyện này đã làm mọi người rất ngạc nhiên. Tôi nghĩ, chắc nó bị bệnh đột ngột, hoặc gặp chuyện rắc rối gì đó, chứ không bao giờ bình thường mà nó lại nghỉ như vậy. Đám thằng Thọ, thằng Phúc thì nói: “Hôm nay thằng Hân mới lột mặt nạ. Thế mà thầy chủ nhiệm cứ “ca” nó hết lời". Chúng tôi vốn không ưa những thằng này. Thằng Thọ là con ông chủ tịch huyện, rất lười học, oắt con mà đã diện ra phết: nay quần này, mai áo nọ, miệng lúc nào cũng phì phèo điếu thuốc lá Điện Biên bao bạc. Hội chúng nó rất ghét hội chúng tôi.
Buổi tan trường hôm ấy, thầy chủ nhiệm lớp nói với tôi:
- Huy về, đến nhà Hân xem tình hình ra sao, mai báo cho thầy biết nhé!
Tôi vâng lời thầy, rồi dắt xe ra về. Đến đầu làng, tôi không rẽ về nhà, mà lại quyết định đến nhà Hân ngay. Làng nó gần làng tôi, tiện là cùng ở trên một trục đường. Từ ngày hai đứa thân nhau, tôi đã quá quen thuộc với cái làng ấy. Đầu làng có một cây đa rất lớn, buông râu rễ lòng thòng xuống mặt cái giếng làng trong vắt, có phủ những đám bèo ong. Từ cây đa đến nhà nó được nối bằng con đường lát gạch nghiêng, không biết có từ đời nào mà vẫn còn đỏ tươi, chân người, chân trâu đi đã mài bóng mặt gạch. Đến gần nhà nó, tôi vô cùng sửng sốt khi thấy tụ tập rất đông người, và có rền rĩ những tiếng khóc. Trời đã nhá nhem tối. Tới nơi, tôi thấy trong sân nhà nó người ta đã dựng lên một chiếc rạp, sáng trưng ánh đèn măng-sông. Tôi bước vào nhà thì vô cùng bàng hoàng khi thấy ở giữa nhà có kê một chiếc quan tài sơn đỏ. Trên đó, có đặt ảnh bố nó, và chiếc khay để bình hương, cốc nước, và bát cơm cúng… Tôi không tin ở mắt mình nữa. Bố nó mới hơn bốn mươi tuổi, sao đang khỏe mạnh tự dưng lại chết?! Tôi lọt thỏm giữa đám đông bi thương, ồn ào, và mãi mới gặp được thằng bạn mình. Nó không khóc, đôi má bầu bĩnh của tuổi mười bảy không thể hốc hác được, nhưng tôi thấy đôi mắt nó trũng xuống, quầng thâm. Thấy tôi, nó chỉ nó có một câu:
- Bố tao bị kẹp xe!
Tôi rất muốn biết ngay sự việc cụ thể ra sao, nhưng hỏi chuyện lúc đó thật không tế nhị một chút nào nên đành im lặng. Mấy hôm sau đó, tôi mới được biết: bố nó đi Hải Dương, một chiếc xe chở nứa chạy trước, đột nhiên để rơi xuống một cây ngáng đường đã làm ông ngã xuống: rồi phía sau, một chiếc xe tải Ifa, do một tay lái say rượu, đã chồm lên!...
Sau đó thằng Hân làm đơn xin nghỉ học. Nó là con cả, sau nó còn những 5 đứa em trai nữa, nên mẹ nó không thể một mình làm đủ công điểm nuôi anh em chúng nó được. Cả lớp chúng tôi sửng sốt, riêng tôi thì tiếc ngơ ngẩn. Tôi cảm thấy mình vừa để mất một cái gì đó rất gần gũi, rất thiêng liêng. Thầy chủ nhiệm đã đến tận nhà Hân vận động. Nhưng quả thực, hoàn cảnh nhà nó quá éo le, nên nó không thể tiếp tục đi học được. Cuối cùng, thầy đã tìm được một giải pháp thích hợp: thầy đã đề nghị nhà trường cấp học bổng cho Hân, đồng thời làm đơn xin địa phương trợ cấp cho nhà Hân, để một học sinh có nhiều triển vọng, được tiếp tục đi học. Mọi việc đã đạt được kết quả như ý. Hân lại tiếp tục đến lớp. Năm ấy nó đã tỏ ra đặc biệt xuất sắc. Trong kỳ thi học sinh giỏi toán và văn toàn tỉnh, nó đã đoạt được cả hai giải: giải nhất toán, và giải nhì văn. Nó đã không phụ công lao của thầy cô, bạn bè, và dân làng.
Nhưng đường học tập của thằng bạn tôi quả là khấp khểnh. Vào đầu năm lớp mười, trong một đợt khám nghĩa vụ quân sự, nó lại trúng tuyển vào bộ đội đặc công. Nó khỏe nhất lớp thì ai cũng biết, nhưng việc nó trúng tuyển bộ đội đặc công vẫn làm cho bọn con trai chúng tôi ngạc nhiên và thán phục. Một lần nữa, thầy chủ nhiệm lại lên huyện đội đề nghị hoãn nghĩa vụ quân sự cho Hân. Huyện đội cũng đã chấp nhận. Nhưng lần này thì nó cứ khăng khăng giữ ý định của mình. Tôi cũng đồng ý với nó, vì trúng tuyển vào đặc công có phải là chuyện thường đâu! Cứ xem mấy ông đặc công nện mấy thằng ma cà bông thì thật sướng mắt. Thế rồi, nó lên đường, và được chuyển đến Hà Tây tập luyện. Ở đó, nó viết thư rất nhiều cho tôi. Nó kể những buổi mặc áo trấn thủ, mang rơm rạ ra trải ở đồi cỏ để tập võ thuật; những đêm cởi trần, bôi đen người, tập rà mìn, cắt rào, chui vào căn cứ của địch; và cả những lần quại nhau với những thằng “tóc dài, quần loe” trêu gái nữa… Đọc thư nó mà tôi thấy máu trong người cứ sôi lên. Tôi nhìn không chán các bức ảnh, và thèm khát cái vẻ cương nghị, dạn dầy của nó trong bộ quân phục. Nhưng tôi biết làm thế nào được khi mình chưa đầy mười bảy tuổi và mới nặng có ba tám ký rưỡi.
Sau một năm tập luyện, nó được vào chiến trường, rồi từ đó, chúng tôi đã bặt tin nhau.
***
Sau đó, sau khi tốt nghiệp cấp III, tôi cũng nhập ngũ, được huấn luyện, đến tháng 1-1974, tôi cũng vào chiến trường Miền Đông Nam Bộ, ở Chiến khu Đ, và cuối cùng cũng được tham gia Chiến dịch HCM trong một đơn vị thuộc 1 trong năm cánh quân mà đơn vị chủ lực chính là Quân đoàn 4, đánh dọc theo con đường từ Định Quán tới Ngã 3 Dầu Giây, trưa 30-4-1975, tới Khu Kỹ nghệ Biên Hoà thì nhận được tin quân ta đã toàn thắng. Rồi tôi đã thi đậu, vào học đại học, và đã đi làm, trong tôi vẫn còn nguyên vẹn những kỷ niệm sâu đậm về thằng bạn thân, thế nhưng tôi vẫn không biết nó đã ra sao. Tôi đã xây dựng gia đình và trở thành người Sài Gòn. Mãi đến kỳ ra Hà Nội vừa rồi…
Trong một lần dự một buổi bảo vệ luận án tốt nghiệp của học sinh hệ chuyên tu tại giảng đường khoa hóa, đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy một người trình bày một đề tài mà chính tôi đã làm ở viện. Tôi không ngờ một sinh viên hệ chuyên tu lại có thể đạt được những kết quả kỳ diệu đến thế! Có những kết quả, người ấy đã đạt được như kết quả của tôi, một cán bộ nghiên cứu tại một viện có đầy đủ máy móc, thiết bị. Đến giờ giải lao, tôi đã tìm gặp thì anh ta lại ôm chầm lấy mình:
- Có phải Huy không!? Có phải mày không, Huy!?
- Ớ, Ớ…
Tôi kêu lên ngạc nhiên, và lục lọi nhanh trong ký ức những guong mặt, những vóc dáng. Tôi thấy đúng là thằng Hân, nhưng sao nó lại bé không như hồi cùng học nó lớn hơn tôi rất nhiều! Tôi kêu lên:
- Hân! Có phải Hân không?!
Đúng là nó, và thế là chúng tôi cứ ôm riết lấy nhau, mặc cho mọi người xung quanh rất đỗi ngạc nhiên. Sau mười ba năm trời mới gặp lại, thằng bạn cao, to gấp rưỡi tôi ngày nào, nay lại chỉ bằng tôi thậm chí còn nhỏ hơn. Chúng tôi tay bắt mặt mừng, hỏi nhau không biết bao nhiêu là chuyện.
Sau đó, hội đồng thi đã cho Hân 9 điểm, đậu thủ khoa. Tôi rất mừng cho bạn mình. Chiều ấy, chúng tôi đã rủ nhau ra hồ Gươm để trò chuyện. Tôi được biết Hân đã bị thương ở mạng sườn, hiện đang là chủ tịch xã ở quê, một xã đứng đầu huyện về nhiều mặt. Tuy đã về với cày cuốc, nhưng niềm say mê học tập vẫn không tắt trong trái tim Hân. Bởi vậy mới có ngày hôm nay. Chúng tôi mê mải nói với nhau bao nhiêu là chuyện, lục bới từng kỷ niệm… quên hết mọi thứ xung quanh. Bỗng chúng tôi chợt nghe thấy tiếng chuông đồng hồ trên nhà bưu điện vang lên. Tôi dõi nhìn một cách vô định vào mặt hồ xanh ngắt, có bóng mây trắng lững thững trôi. Thời gian cứ bình thản qua đi và đặt ra cho mỗi con người bao thử thách. Tôi nắm lấy bàn tay sần sùi, chai sạn của Hân và thấy xúc động. Trước đây, tôi đã khuôn khâm phục hân về sức khỏe, về lực học, thì giờ đây, khi tôi đã lớn lên, đã có trình độ cao hơn, trong lòng tôi vẫn còn nguyên vẹn niềm cảm phục trước cái nghị lực sắt đá của người bạn, mà cuộc đời có quá nhiều trắc trở này.
ĐÔNG LA
Viết tại TPHCM
9-1986