Thứ Năm, 17 tháng 8, 2023

TÌNH NGHĨA THÀNH VÔ NGHĨA

 TÌNH NGHĨA THÀNH VÔ NGHĨA

Cái chuyện tình bạn, tình nghĩa, tình đất nước tưởng không xung khắc nhau, nhưng với riêng tôi thì nó lại như vậy. Tôi có những người bạn, về tình riêng đúng là rất tốt, nhưng về tình chung (với đất nước, quan điểm về thể chế, về chính trị tư tưởng) lại đối nghịch nhau.
Vừa rồi tôi có viết mấy chữ sau khi gặp người bạn cùng quê, cùng học cấp III, cùng nhập ngũ, cùng vào chiến trường. GSTS Nguyễn Cảnh Toàn, một cựu chiến binh hơn chúng tôi dăm tuổi nên vào chiến trường trước, tất phải trải qua những năm tháng máu lửa của cuộc chiến khốc liệt nhiều hơn, bình luận: “Nguyen Canh Toan, Đồng đội cũ gặp nhau rất vui và tình nghĩa”. Tôi trả lời anh: “Nguyen Canh Toan, tiếc là tình nghĩa với nhiều người trước quyền, lợi, danh lại thành vô nghĩa, như người đồng đội của anh đó”. “Người đồng đội” ở đây chính là Bảo Ninh, từng cùng đơn vị với anh Toàn, từng viết cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” bôi đen đồng đội và cuộc kháng chiến giành lại nền độc lập, và đúng là “văn là người”, anh Toàn cho biết Bảo Ninh còn từng hại đồng nghiệp, đã bị kỷ luật, khi bỏ thuốc độc vào thí nghiệm của bạn ở Viện Sinh học. Vậy với những kẻ xấu, vì quyền, lợi, danh, tình nghĩa sẽ chỉ là một thứ vô nghĩa.
Còn tôi, vốn là người trọng tình nghĩa bởi được sinh ra trong một gia đình trọng tình người. Xóm tôi có ông Vãng bị mù, dù ít nhiều vẫn bị kỳ thị, nhưng nhà tôi từ cha mẹ đến anh em chúng tôi lại quý ông hơn người thường, nên nơi ông đến chơi nhiều nhất chính là nhà tôi. Lần lượt từ hai anh, rồi tôi, đến thằng em đều chơi thân với ông. Hồi tôi còn nhỏ, thỉnh thoảng ông ngủ luôn với anh em chúng tôi, khi nhà tôi mời ông ăn cơm, tôi thường gắp thức ăn cho ông.
Tôi đã mang cái tình người đó vào đời, cùng với nó là cái khả năng biết nhiều thứ nên tôi đã gặp và thân với nhiều người ở đủ các lĩnh vực, trong đó có những người thuộc hàng tài năng nhất, nổi tiếng nhất, kỳ lạ nhất. Với ai, khi thân thiết, tôi đều chơi hết mình luôn. Nhưng rắc rối ở chỗ tôi lại có cá tính mạnh, khó chấp nhận cái mình không thích, không thể chấp nhận sự sai trái, nên vì vậy mà nhiều bạn bè từng rất thân thiết cứ từng người, từng người rời xa.
***
Đến nay, với những người có danh tiếng và địa vị, người tôi luôn giữ trong lòng tình cảm tốt đẹp nhất chính là nhà thơ Chế Lan Viên. Ban đầu, mục đích tôi gặp ông chỉ là xem ông nhận xét chùm thơ đầu tay của tôi như thế nào thôi, không ngờ ông lại đề nghị tôi được giải trong một kỳ thi; chưa hết, ông còn giúp tôi cái điều mà mình không dám nghĩ đến, 1986, ông chủ động đứng tên giới thiệu tôi vào Hội Nhà Văn TPHCM. Vì vậy, tôi rất quý trọng ông, thường xuyên đến nhà ông, và đã chứng kiến trọn vẹn cuộc ra đi về cõi vĩnh hằng của ông.
Trước Chế Lan Viên, do một người bạn rủ, tôi đã đến nhà Nhà thơ Anh Thơ. Không ngờ, chính bà là người đã mở cánh cửa văn chương cho tôi, và cũng chính bà đã giới thiệu tôi đến với CLV. Bà bằng tuổi mẹ tôi, và đã coi tôi đúng như một đứa con. Rồi đến một ngày, bà bảo sẽ cho tôi tất, cả nhà cửa, xe máy, tivi mầu, tủ lạnh… nếu tôi nghe một lời của bà. Nhưng tôi đã làm bà bất ngờ là không nghe lời bà, đơn giản là vì “cháu không thích”. Thế là bà giận tôi. Cuối đời, bà trở lại Bắc, khi bà mất tôi đã không biết.
***
Một tối, tôi theo Chế Lan Viên dự đêm thơ của chính ông được tổ chức ở Nhà Văn hoá Phú Nhuận, có ba chàng sinh viên khoa Văn (Trường KHXH&NV) gặp tôi là Nguyễn Quốc Chánh, Trương Nam Hương, Lê Minh Quốc. Tôi đã chọn chơi thân với Nguyễn Quốc Chánh vì là thằng cá tính nhất và hơi… đẹp trai. Đã có khoảng cả chục năm tôi và Chánh thân nhau. Chánh đọc thơ tôi bảo: “Trong dòng chính thống thì thơ ông là đổi mới”; Chánh còn hay khen tôi một cách rất tự nhiên “Thơ ông hay hơn đám Nguyễn Duy rồi”. Nhưng rồi tôi không ngờ đến ngày Chánh đã thể hiện thái độ “chống Cộng” ghê gớm. Lúc này tôi mới để ý Chánh nhắc đến “chính thống” vì Chánh theo khuynh hướng Hậu Hiện đại, một khuynh hướng chống “chính thống”, Chánh có thể còn là “sư huynh” của nhóm Mở Miệng. Vậy là, không một lời từ biệt, tôi và Chánh đã xa nhau, dù về tình cảm cá nhân tôi và Chánh không hề có chuyện gì.
Với Nguyễn Quang Thiều thì tôi còn thân hơn Nguyễn Quốc Chánh. Trước đây, chỉ với văn chương của Thiều thì tôi rất khó kết luận bạn thân nhất của mình là kẻ xấu, vì xuất thân của Thiều, và vì xã hội VN thực tế có rất nhiều chuyện rất xấu, nên rất cần văn chương phản biện như người bệnh cần bác sĩ. Chỉ những năm gần đây khi Thiều dần có quyền lực, quan điểm chính trị dần thể hiện rõ qua lời nói, việc làm, và cả những quan điểm về văn chương, tôi mới coi kỹ lại thơ của Thiều thì mới thấy rõ con người Thiều là như thế nào. Vậy là, mỗi lần viết những điều không hay về Thiều tôi đều có phần đau đớn, vì đúng như một người quen nói với tôi Thiều đã nói với ông ấy là: “Giữa tôi với ông Đông La không có chuyện gì cả”!
***
Hồi mới thân, Nguyễn Quang Thiều bảo tôi: “Ông GS Trần Đình Sử khen ông viết về Chủ nghĩa Siêu thực đấy”. Thế là tôi với ông GS Trần Đình Sử cũng có một mối quan hệ rất thân tình. Lúc đầu ông bảo ông có mấy chục học trò là TS Văn nhưng “không đứa nào bằng anh”; rồi dần đến ngày ông viết thư nói toạc móng lợn ra là “tôi rất khâm phục anh”. Vậy mà đến một ngày, tôi không ngờ ông GS quý mến lại trở thành một chiến sĩ chống thể chế quyết liệt thế. Trần Đình Sử viết: “Chế độ ta đạt đến độ thối nát nhất trong các chế độ đã có và hiện có… Thật khủng khiếp”. Xã hội ta có nhiều chuyện xấu thì đúng rồi, nhưng xấu hơn cả thời trong các tác phẩm “Bước đường cùng” của Nguyễn Công Hoan, “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, v.v… thì chưa chắc. Có điều, nếu Trần Đình Sử nhìn xã hội rộng hơn, toàn diện hơn sẽ thấy hiện tại xã hội ta cũng có những điều tốt đẹp nhất, như mức sống của người dân chẳng hạn, so với toàn bộ lịch sử. Về chuyên môn, TĐS đã bênh vực Nhã Thuyên khi Nhã Thuyên không chỉ sai lầm về học thuật mà còn liên quan đến lịch sử, đến lãnh tụ, đến chính trị tư tưởng, đến văn hóa nghệ thuật, đến đạo đức và thuần phong mỹ tục. Như vậy, là một công dân, TĐS đã bênh vực một kẻ phạm pháp, và là một GS, ông đã bảo vệ một công trình phản giáo dục! Đặc biệt, đến khi ông viết trên facebook: “Gia Long là vị vua vĩ đại bậc nhất phong kiến Việt Nam. Tên ông cần được đặt cho con đường đẹp nhất Hà Nội” thì tôi thấy ông đúng là bị tâm thần rồi. Ông không còn lương tri, vì ai có lương tri cũng đều thấy Gia Long “Cõng rắn cắn gà nhà, rước voi về giày mả Tổ”, mà rắn và voi chính là nước Pháp mà sau đó đã bắt con, cháu, chắt, chít của chính Gia Long đi đày, gây ra thảm hoạ núi xương, sông máu sau 100 năm đô hộ VN.


***
Với Nguyễn Trung, nguyên là trợ lý TT Võ Văn Kiệt, đại sứ vài nước, vậy mà một hôm tôi nhận được cuộc gọi của ông: “Xin phép được làm quen với anh”. Một người có địa vị như vậy, hơn tôi đến 20 tuổi mà nói vậy khiến tôi rất xúc động. Thế là từ đó tôi với ông Nguyễn Trung cũng có một mối quan hệ rất thân thiết. Nguyễn Trung cũng viết văn, ông kỳ công viết bộ Tiểu thuyết “Dòng đời” theo tôi là có tầm vóc, nhưng nền văn chương VN vẫn còn nặng tính tiểu nông nên văn chương của nhà chính trị chứa đựng những tầm nhìn cao xa lại khó được đồng cảm. Và rồi, cũng như với GS Trần Đình Sử, đến một ngày tôi cũng bất ngờ và không ít buồn và tiếc khi thấy Nguyễn Trung cũng lại ở trên tuyến đầu của những “chiến sĩ dân chủ giả cầy”. Buồn hơn nữa, về sự tan vỡ của LX, ông đã viết bằng giọng điệu y như của Mỹ là: “Chiến thắng của nền dân chủ”. Và bất chấp sự khốn khổ khốn nạn của các nước sau LX tan vỡ, Nguyễn Trung lại muốn VN “đổi mới” theo hình mẫu khốn khổ, khốn nạn đó! Vậy là, thêm một tình nghĩa lại trở thành vô nghĩa!

17-8-2023
ĐÔNG LA