NHƯNG KẺ ĐÒI THAY HIẾN PHÁP, LẬT ĐỔ CHẾ ĐỘ
Giờ đây, những người có tinh thần chống diễn biến hoà bình, chống lật sử hay nhắc đến cái danh sách 72 người từng đưa bản “Kiến nghị” nguy hiểm đòi thay đổi Hiến pháp, thay chế độ ngày nào. Họ bất bình tại sao những kẻ có trong danh sách đó vẫn được trọng dụng, đặc biệt như Nguyễn Minh Thuyết, lại được chọn làm Tổng Chủ biên Sách Giáo khoa đổi mới?
Nội dung bản “Kiến nghị” như thế nào, danh sách 72 người cụ thể là ai thì ít người biết tường tận. Hồi đó, tôi được cơ quan chức năng yêu cầu lên tiếng. Còn nhớ, tôi đã viết, gần tết tính nghỉ, vậy mà vẫn có điện thoại. Tôi bảo: “Tết rồi, nghỉ không viết nữa”/ “Đề nghị bác có ý kiến tiếp”. Tôi hiểu, vấn đề quả là nguy cấp, nên viết tiếp cả một loạt bài.
Hôm nay, nhân vụ ồn ào về sách giáo khoa đổi mới của ông Thuyết soạn theo yêu cầu của World Bank muốn thay đổi ý thức hệ của học sinh VN, tôi đăng lại mấy ý đã viết hồi đó.
8-9-2023
ĐÔNG LA
KIẾN NGHỊ VỀ SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP 1992 đang phát tán trên mạng là một văn bản lật đổ chế độ quyết liệt nhất. Trong khi nhà nước kêu gọi mọi người góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 do Quốc hội đưa ra thì họ “góp ý” bằng cách phủ nhận bản Dự thảo đó và đưa ra một bản Dự thảo của mình đề nghị thay thế!
Ý chính của họ trong “Kiến nghị” chủ yếu là muốn xóa bỏ sự lãnh đạo của ĐCS VN, xóa bỏ chế độ VN hiện thời.
Như vậy, cả hệ giá trị phải xét lại. Lịch sử giải phóng, giành lại nền độc lập của dân tộc gắn với sự lãnh đạo của Đảng sẽ bị xóa bỏ. Mọi chuyện liên quan đến đạo lý như chính tà, đúng sai, tốt xấu, tất tần tật sẽ bị đảo lộn.
Thật kỳ quái và khó hiểu là, sự tan vỡ LX là một đại thảm hoạ, khiến dân chúng khốn khổ khốn nạn, vậy mà có nhiều người có trình độ chuyên môn rất cao, nhưng trong bản “Kiến nghị” trên, họ lại muốn nước ta đi theo vết bánh xe đổ của LX đó?
Họ viết: “Nếu hiến pháp thực sự do nhân dân quyết định thì việc định trước vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội thuộc về một tổ chức chính trị hay một tầng lớp là trái với quyền làm chủ của nhân dân, quyền con người, quyền công dân và ngược với bản chất của một nhà nước pháp quyền”; “Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân không thừa nhận bất kỳ thứ chủ nghĩa nào”; “Mọi công cụ chuyên chính của nhà nước như quân đội, công an, những công cụ chuyên chính khác không phải là công cụ của bất kỳ đảng phái chính trị nào”; “Chúng tôi yêu cầu sửa Dự thảo theo đúng tinh thần của Tuyên ngôn về Quyền Con người năm 1948 và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia”. Rồi họ đã dựa vào bản Hiến pháp của Mỹ để đưa ra Dự thảo của họ.
Vậy trước hết, chúng ta xem thực chất nền dân chủ Mỹ là như thế nào?
***
Chúng ta hãy xem chính những chính trị gia, những trí thức hàng đầu của Mỹ nói về nền dân chủ tại đất nước họ.
Noam Chomsky, người mà tờ tạp chí Anh Prospect đã cho là nhà trí thức hàng đầu trên thế giới, đã trả lời Tạp chí SPIEGEL của Đức:
“ Thực chất Mỹ là một chế độ độc đảng, và cái đảng cầm quyền là Đảng Kinh doanh (Die USA sind im Kern ein Einparteiensystem, und diese eine regierende Partei ist die Business-Partei).
Ở chỗ khác ông nói: “năm 1787 tại hội nghị hiến pháp, James Madison, một trong những “khai quốc công thần” của nước Mỹ, đã tán thành quan niệm rằng chính quyền nhà nước có nhiệm vụ "bảo vệ nhóm thiểu số giàu có trước nhóm đa số"… Walter Lippmann, một trong những trí thức hàng đầu của thế kỉ 20, đã có ý kiến rằng trong một chế độ dân chủ hoạt động tốt thì nhóm thiểu số thông minh, đó là những người lên nắm quyền, phải được bảo vệ trước sự "giày xéo và la hét của một bầy đàn bối rối". (Spiegel số 41/20 ngày 06.10.2008).
Cựu Thống đốc, Thượng nghị sĩ Mỹ Huey Long thú nhận bản chất chính quyền của mình:
"Bị hư hỏng bởi sự giàu sang và quyền lực, chính quyền của bạn giống như một cái nhà hàng với một món ăn. Họ cho một đám hầu bàn Cộng hòa đứng một bên và một đám hầu bàn Dân chủ đứng một bên. Không cần biết đám hầu bàn nào bưng dĩa thức ăn ra cho bạn, món ăn lập pháp đều được chuẩn bị trong nhà bếp của phố Wall". ("Corrupted by wealth and power, your government is like a restaurant with only one dish. They’ve got a set of Republican waiters on one side and a set of Democratic waiters on the other side. But no matter which set of waiters brings you the dish, the legislative grub is all prepared in the same Wall Street kitchen").
Paul Craig Roberts là một kinh tế gia, từng giữ chức vụ Phụ tá Thư ký Bộ Ngân khố trong chính phủ Reagan, người đồng sáng lập Reaganomics, viết:
“Washington bị điều khiển bằng những nhóm lợi ích có quyền lực lớn, chứ không phải bằng bầu cử. Cái mà hai đảng tranh giành không phải là cái nhìn chính trị khác nhau hoặc chương trình lập pháp khác nhau, mà là đảng nào sẽ được làm con đĩ cho Wall Street, nhóm phức hợp quân sự, nhóm vận động của Do thái, nhóm nông nghiệp, năng lượng, khai thác mỏ, và khai thác gỗ”.
Vậy mà những người đòi thay đổi hiến pháp ở ta vẫn dựa vào “nền dân chủ Mỹ” viết:
“Việc nhấn mạnh trong Dự thảo các lý do về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, ổn định chính trị, việc đưa cụm từ “theo quy định của pháp luật”, … nhằm hạn chế những quyền đó sẽ mở đường cho việc nhân danh hiến pháp để vi phạm quyền con người, đàn áp các công dân thực thi quyền tự do như đã diễn ra trong thực tế những năm qua ở nước ta”.
Như vậy, “tự do dân chủ” mà không “theo quy định của pháp luật” thì phải chăng họ muốn một xã hội làm loạn?
***
Về ĐCSVN, trong bản “Kiến nghị”, họ viết: “Lời nói đầu không phải là chỗ để tuyên dương công trạng của bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào” mục đích là để chống lại đoạn này của Dự thảo Hiến pháp của Quốc hội:
“Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh, làm Cách mạng tháng Tám thành công. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời”.
Điều này rõ ràng là sự thực, đã trở thành những sự kiện lịch sử. Thời dân ta mất nước, biết bao cuộc kháng chiến của triều đình cũng như của nghĩa quân đều bị thất bại, chỉ đến khi có ĐCS lãnh đạo, dân ta mới làm cách mạng, kháng chiến thành công, giành lại được nền độc lập. Thể chế chính trị nước ta đã hình thành từ thực tiễn đó. Trong hai cuộc kháng chiến, dường như khí thiêng sông núi đã sinh ra những con người vĩ đại, những nhà cách mạng, và trao cho họ sứ mệnh. Nếu nhân dân không ủng hộ, không tin theo, làm sao các cuộc cách mạng do họ lãnh đạo lại có thể thành công? Sau Giải phóng 30-4-1975, cũng dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta tiếp tục vượt qua những thử thách tưởng như không thể: thù trong giặc ngoài, lạc hậu, ấu trĩ. Giờ đây đã có chút cơm no áo ấm; nếu có những khiếm khuyết, sai sót, tệ nạn thì tìm cách sửa chữa; có lẽ nào bỗng chốc sổ toẹt tất cả!
Những người soạn thảo bản “Kiến nghị” trên khi viết: “Lời nói đầu không phải là chỗ để tuyên dương công trạng của bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào” phải chăng họ là những kẻ "ăn cháo đá bát", những kẻ vô ơn?
Vậy cụ thể những kẻ này là ai? Những người dựa vào Hiến pháp Mỹ đòi “quyền làm chủ của nhân dân”, đòi một thứ “tự do” không “theo quy định của pháp luật”, một thứ “tự do” không ràng buộc bởi “trách nhiệm”!
***
Trên RFA, Nguyễn Huệ Chi, một trong những người soạn thảo bản “Hiến pháp mới”, cho biết:
“Chúng tôi thấy cần phải đề xuất cho đến cùng. Đến cái chỗ mà dân tộc Việt Nam hiện nay đang mong muốn, quan tâm nhất. Bản kiến nghị này hình thành là như vậy”.
Trước hết, ông Chi này không nên thậm xưng “dân tộc VN” như vậy. Còn về tư cách của ông, một “chiên ra” xả rác tri thức làm loạn xã hội, từng dùng mọi cách để chống chế độ, kể cả viện dẫn tới Einstein. Nhưng ông viết: Einstein phát minh ra Thuyết Tương đối đã đưa ra một thời đại mới Thời đại giải lý tính, thì như tôi đã viết: “Nói vậy không những ông Huệ Chi dốt mà còn là quá dốt! Bởi lý tính thực chất là nhận thức của loài người nói chung. Giải lý tính thì còn gì nữa?!” Vì thế cái ý của ông, “giải lý tính” nghĩa là cần phải “giải tán ĐCS”, “giải tán chế độ” thì chẳng có cơ sở khoa học quái nào cả!
Theo ông Nguyễn Minh Thuyết: “Kiến nghị” là “tạo cơ hội để chính quyền có tính chính danh trong khi vận hành đất nước, đặc biệt là những người Đảng viên Đảng Cộng sản có cơ hội nhìn lại mình và Đảng của mình. Bản thân tôi là một Đảng viên Đảng Cộng sản tôi cũng không muốn Đảng mình đóng vai trò lãnh đạo chính quyền, lãnh đạo xã hội do áp đặt”.
Xem chừng ông cựu nghị viên giờ mới nói vậy thì e hơi muộn. Vì vào đời, nếu không có danh hiệu Đảng viên, một GS ngôn ngữ mà không phân biệt nổi giữa “nợ” với “thua lỗ”, như ông thể hiện trong vụ “đấu tay đôi” với TT Nguyễn Tấn Dũng và đã bị “đo ván”, ông khó có thể từng có những địa vị như thế. Nếu hiểu và có trách nhiệm, ông sẽ có những chất vấn đúng, có tính xây dựng, chứ không phải lợi dụng những sai phạm để kích động, làm loạn xã hội! Lời ông nói ở trên “hơi bị lạ”, vì mới hôm qua khi ông còn tại vị thì thể chế của ông còn chính danh, mà sao sau có ít ngày, khi ông hưu thì nó hết tính “chính danh” rồi sao?
Ông Nguyễn Đình Lộc, cựu Bộ trưởng tư pháp: “Vì trước mắt chưa có Chủ nghĩa xã hội cho nên trở lại với cái tên của nó là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chứ không có gì mới, chỉ là tên cũ đặt lại cho chuẩn thôi”.
Cần phải hiểu tất cả các danh xưng chính trị chỉ mang tính tương đối, chủ yếu nói đến cái lý tưởng để mà phấn đấu. Như chưa có Chủ nghĩa Cộng sản “làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu”, sao các ông cũng đã vào Đảng, giơ tay thề chết thề sống làm gì? Phải chăng vào Đảng chỉ để thăng quan tiến chức, giờ hưu rồi thì thôi!
Trong danh sách ký “Kiến nghị” có 2 ông Nguyễn Quang A và Chu Hảo, cả 2 ông đều là con cách mạng nòi. Ông A con liệt sĩ, ông Hảo con Giám đốc Sở Công an Bắc Bộ năm 1945. 2 ông này từng tích cực tham gia biểu tình chống TQ. Khi các cuộc biểu tình đã quá đà, có dấu hiệu lợi dụng việc chống TQ tiện thể chống luôn chế độ, lực lượng an ninh Thủ đô đã thi hành chức trách giải tán các cuộc biểu tình đó, ông Chu Hảo đã: “cực lực phản đối”, cho công an ta là “phản động”, là “thù địch”; ông Nguyễn Quang A cho là: “vi phạm pháp luật nghiêm trọng” như “như những tên cướp”! Tôi đã viết: “Hai vị này hồi chiến tranh khi hầu hết thanh niên lên đường chiến đấu thì đều được du học dài dài. Không hiểu các vị vì học cao quá, hay vì sung sướng quá mà xa rời những bước đi lấm bùn và máu của dân tộc, của cha anh, nên không còn hiểu được những lẽ thường thế nào là kẻ địch nữa!” Còn riêng ông Chu Hảo ca ngợi Huy Đức viết "Bên thắng cuộc" là “trong sáng” khi ca ngợi mấy tướng VNCH tự sát là “tuẫn tiết”, tức “chết vì nghĩa lớn”, phải chăng ông đã chửi chính cha mình?
Xôm tụ nhất khi ký vào “Kiến nghị” là đám nhà văn, nhà báo.
Bùi Tín, sau khi LX tan rã, nghĩ chế độ VN cũng sẽ tan theo, nên trong một dịp đi Pháp đã nhanh chóng chiêu hồi bên bại trận. Nhưng rồi VN vẫn vững vàng, phát triển, Bùi Tín trở thành như một con chuột cống bên Pháp, để kiếm sống, đã phải viết ngược lại tất cả những gì mình từng viết, và thật láo, xúc phạm cả Bác Hồ!
Nguyên Ngọc, người từng ủng hộ Dương Thu Hương viết những “thiên đường mù”…, “khóc như cha chết trong ngày chiến thắng”; ca ngợi Nguyễn Huy Thiệp viết truyện cho Nguyễn Huệ chỉ là giặc cỏ, Nguyễn Ánh mới là “nòi vương giả”; ủng hộ Bảo Ninh viết tiểu thuyết cho cuộc chiến tranh giải phóng đất nước của ta chỉ là một “nỗi buồn”. Rồi Trần Mạnh Hảo cho chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim do Phát-xít Nhật dựng lên là chính nghĩa. Nguyễn Quang Lập cho việc bọn cai tù “tra tấn bằng vôi bột, đóng đinh, gí điện, đánh đến tàn phế… đối phương của mình ở Phú Lợi, Côn Đảo, Phú Quốc, Chuồng cọp Sở thú …” không phải là tội ác mà chỉ là “đấu tranh để khai thác thông tin từ các tù binh trong cuộc chiến”. Rồi Huy Đức, tác giả cuốn “Bên thắng cuộc”, cho ngày 30-4 thực chất “Miền Nam đã giải phóng Miền Bắc”, một “bậc thầy của việc dùng ngòi bút làm kinh tế cá thể”, với “giai thoại Huy Đức cầm bút đi trước, nhà thơ Nguyễn Đỗ cầm hợp đồng quảng cáo dí theo sau”; v.v…
Với riêng bản thân tôi, quả thật, nếu các vị lật đổ chế độ mà nước ta thành Bắc Âu cũng tốt, hoặc như Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Ý, Nhật cũng được. Nhưng khốn nỗi, những người như Bùi Tín, Nguyên Ngọc, Trần Mạnh Hảo, Huệ Chi, Tương Lai, Minh Thuyết, Chu Hảo, Quang A, Quang Lập, Huy Đức, v.v… như trên có lẽ nào sẽ đưa đất nước ta tới được thiên đường?
***
Tóm lại, “Kiến nghị” phê phán Dự thảo Hiến pháp của Quốc hội và đề nghị thay thế bằng Dự thảo Hiến pháp mới của các vị có 3 điều:
1-Thứ nhất là phi lý và sẽ gây hậu quả nghiêm trọng khi các vị nhân danh “nhân quyền”, nhân danh “tự do dân chủ” đòi "quyền" mà không “theo quy định của pháp luật”, không ràng buộc với “nghĩa vụ”. Bởi như vậy “nói bậy”, “viết bậy”, “làm càn” cũng sẽ được tự do, tất dẫn đến một xã hội hỗn loạn!
2- Thứ hai, thể chế mỗi nước đều gắn với lịch sử. Chính truyền thống văn hóa, lịch sử của mỗi dân tộc là nền tảng vững chắc của thể chế. Việc các vị xóa trắng lịch sử là phản đạo lý. Việc lấy một hình mẫu nào đó không phù hợp với thực tiễn VN là một sự ảo tưởng, là việc xây lâu đài trên cát.
3- Thứ 3, Việt Nam ta là xứ sở coi trọng tình nghĩa, coi trọng “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, nên khi các vị viết: “Lời nói đầu không phải là chỗ để tuyên dương công trạng của bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào”, các vị là những kẻ vô ơn.
TPHCM
4-2-2013
ĐÔNG LA