Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2024

NGUYÊN LÝ TẬP TRUNG DÂN CHỦ

 NGUYÊN LÝ TẬP TRUNG DÂN CHỦ




Nhân chuyện Vương Đình Huệ tiếp bước Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Hôm nay tôi viết bài này.
27-4-2024
ĐÔNG LA

Nhớ lại chuyện TBT Nguyễn Phú Trọng, Chiều 15-10-2012, đã đọc bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6, ông đã nghẹn ngào, rơi nước mắt khi đọc đến đoạn: “Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã nghiêm túc tự phê bình và thành thật nhận lỗi trước Ban Chấp hành Trung ương về những yếu kém, tồn tại trong công tác xây dựng Đảng, những suy thoái, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên như Nghị quyết Trung ương 4 đã nêu”. Đại biểu QH Lê Nam (Thanh Hóa), trong một phiên thảo luận, đã nói: "Nhiệm kỳ này chúng ta đã chứng kiến nước mắt của đồng chí Tổng bí thư rơi vào lịch sử”. Đặc biệt, trong bài phát biểu của TBT có đoạn: “Bộ Chính trị đã thống nhất 100% đề nghị Ban Chấp hành Trung ương cho được nhận một hình thức kỷ luật và xem xét kỷ luật đối với một đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị”; và kết quả: “Ban Chấp hành Trung ương… quyết định không thi hành kỷ luật đối với … một đồng chí trong Bộ Chính trị”. Như vậy, mục đích của Bộ Chính trị “kỷ luật một đồng chí” đã không thành. Có điều, một Ban Chấp hành Trung ương mà phần lớn là cấp dưới đều có tình nghĩa, ơn nghĩa với “đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị” đó thì làm sao người ta có thể bỏ phiếu kỷ luật? Hồi đó tôi đã thấy, việc thực hiện dân chủ kiểu “xin ý kiến các đồng chí” như vậy có cái gì đó “sai sai” so với Nguyên tắc Tập trung Dân chủ.
Nguyên tắc Tập trung Dân chủ nói một cách chung nhất, gọn nhất là nguyên tắc của một xã hội mà người dân sẽ làm chủ, người dân bầu ra các lãnh đạo và tổ chức các cấp để thực thi quyền lực của nhân dân, để phục vụ nhân dân. Trong loạt bài Những bài học từ sự sụp đổ của Đảng CS Liên Xô từng in trên báo Nhandan.online đã chỉ ra việc Liên Xô tan rã có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng nhất chính là sự xoá bỏ Nguyên tắc Tập trung Dân chủ. Vậy Nguyên lý Tập trung Dân chủ là gì?
***
Nguyên tắc tập trung dân chủ là một khái niệm mà Lenin là người đầu tiên nhắc tới trong Báo cáo về Đại hội đoàn kết của Đảng Lao động Dân chủ Xã hội Nga (tiếng Nga: Российская социал-демократическая рабочая партия (РСДРП). Có nhiều giải thích, văn bản hoá rất cụ thể nguyên tắc này, riêng tôi thấy ý nghĩa cơ bản nhất, quan trọng nhất, nói một cách gọn nhất, Nguyên tắc Tập trung Dân chủ là mối liên hệ biện chứng, là tiền đề của nhau, của hai yếu tố “Tập trung” và “Dân chủ”, để tạo ra sự tồn tại vững mạnh cho một tổ chức, một thể chế.
Theo tiếng Nga, Nguyên lý Tập trung dân chủ viết là Демократический централизм. Vậy Dân chủ là tính từ bổ nghĩa cho Tập trung, nếu dịch cho chính xác phải là: Nguyên lý tập trung có tính dân chủ. Nghĩa là quyền lực của người dân phải được tập trung; người dân bầu ra người đại diện cho mình thực thi quyền lực ấy vì dân, vì đất nước. Để hành động thống nhất, khi ra các nghị quyết phải được thảo luận dân chủ, khi nghị quyết được hình thành, mọi người buộc phải thực hiện; cấp dưới phải phục tùng cấp trên, số ít phải phục tùng số nhiều.
***
Trong thực tế, có hai khuynh hướng vi phạm Nguyên tắc Tập trung Dân chủ. Xã hội VN thường hô khẩu hiệu “cán bộ vì dân vì nước”, còn là “đầy tớ của dân”, nhưng trong thực tế rất nhiều cán bộ, đảng viên ở các cấp đã coi quyền lực mà dân trao cho là của mình, dùng để phục vụ lợi ích của mình, của gia đình mình, của băng nhóm mình. Chính điều này là nguyên nhân gây ra quốc nạn tham nhũng hôm nay. Ngược lại, lãnh đạo mà cái gì cũng xin ý kiến các đồng chí, cũng phải làm theo ý kiến đám đông thì lại vi phạm sự tập trung của quyền lực, vi phạm quyền lãnh đạo, quyền giám sát, tức lãnh đạo đã không làm tròn trọng trách mà người dân giao cho.
***
Trong thực tế có những chuyện dân chủ đã được thực hiện sai trái.
Như chuyện Hội Nhà Văn Hà Nội từng cứ họp đại hội là bỏ phiếu bầu Phạm Xuân Nguyên làm chủ tịch. Trong khi Phạm Xuân Nguyên là một người luôn lên tiếng ủng hộ những người phạm pháp và sai trái, từ Lê Công Định, Phương Uyên, Nhã Thuyên cho đến Nguyễn Quang Lập; một nhà phê bình văn học lại cho trong cuộc kháng chiến giành lại nền độc lập của ta là “những người lính là những con người bị vất vào cuộc chiến, buộc phải bắn giết nhau”. Như vậy, chuyện bầu bán của HNV HN là điển hình của việc không theo Nguyên lý tập trung dân chủ, mà là theo một thứ dân chủ phạm pháp, dân chủ vô tổ chức.
Theo Nguyên lý Tập trung dân chủ, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, cấp trên phải giám sát cấp dưới, chấn chỉnh ngay những sai trái. Người không đủ tiêu chuẩn như Phạm Xuân Nguyên lẽ ra phải bị loại ngay trong danh sách ứng cử, như vậy thì làm sao có được cái kết quả dân chủ sai trái trên?
Tôi đã viết rất nhiều về Phạm Xuân Nguyên, cuối cùng rất mừng khi Lãnh đạo Hà Nội đã thực hiện đúng nguyên tắc Tập trung Dân chủ, đã “cấm cửa” PXN ứng cử, và PXN đã phải nhanh nhảu từ chức:
“Trong cuộc họp, nhà thơ Bằng Việt công bố văn bản của Sở Nội vụ Hà Nội thông báo ông Phạm Xuân Nguyên không được tham gia Ban chấp hành Hội nhà văn Hà Nội khóa sắp tới.
Công văn viết người được giới thiệu vào Ban chấp hành Hội khóa mới phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ đồng ý cho phép tham gia dựa theo điều 9, Quyết định số 34 của UBND thành phố Hà Nội”.
***
Ở nền chính trị VN luôn có câu “Đảng lãnh đạo toàn diện”, nói theo “lề trái” là “toàn trị”, nhưng thực tế có một thời kỳ rất dài Đảng lại không “trị” được ai. Bởi Đảng có quyền lãnh đạo nhưng không có quyền chỉ đạo. Đảng chỉ ra đường lối, chủ trương bằng nghị quyết, rồi mọi chuyện diễn ra ngoài tầm kiểm soát của Đảng. Đảng lãnh đạo toàn diện, nhưng là lãnh đạo tập thể, cá nhân chỉ là người được phân công phụ trách; ai cũng là người của Đảng, đồng thời là người của Quốc hội, đồng thời làm quan chức; khi sự cố xảy ra thì chịu trách nhiệm chung, không ai bị làm sao cả. Dẫn đến thực trạng suốt một thời gian dài vừa qua có những đảng viên có chức, có quyền ở những lĩnh vực liên quan đến tiền bạc, đã móc ngoặc, liên minh liên kết, co cụm, tạo lập những vương quốc riêng, thoát khỏi sự lãnh đạo chung của Đảng; đã tham ô, tham nhũng, hình thành nên các “nhóm lợi ích”.
Vì vậy cần phải làm cho sự lãnh đạo của Đảng đúng là toàn diện. Có vậy mới giám sát được mọi hoạt động của chính quyền, của các cơ quan, các đơn vị. Đảng không làm cụ thể nhưng Đảng có quyền giám sát, mà quyền giám sát là quyền đặt cao hơn. Và càng những lĩnh vực liên quan đến kinh tế, đến tiền, thì càng cần phải giám sát chặt chẽ hơn.
Còn chuyện sợ Đảng “lấn sân” trở thành độc tài, mất dân chủ, thì không có cơ sở. Đơn giản là vì Đảng không phải là một cá nhân, một nhóm người mà là cả một tập thể lớn. Mọi cán bộ các cấp của Đảng, kể cả Tổng Bí thư, song song với chuyện có quyền theo hiến định đồng thời cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hành vi của mình. Bên cạnh việc có những Đảng viên chuyên trách “lãnh đạo”, cũng có rất nhiều đảng viên là đại biểu Quốc hội, là những cán bộ hành pháp, tư pháp, hoàn toàn có quyền chất vấn mọi chuyện công khai.
***
Rất mừng sau sự kiện “nước mắt của đồng chí Tổng bí thư rơi vào lịch sử” khi việc kỷ luật “một đồng chí Uỷ viên BCT” không thành, từ 2012 đến nay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã hoạt động tích cực trở lại, thực hiện tốt hơn trọng trách kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng, đã khiến thôi chức, đã kỷ luật, kể cả bắt tù những cán bộ đảng viên từ cấp cao nhất trở xuống: Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ, Phạm Bình Minh, Đinh La Thăng, Vũ Đức Đam, Lê Thanh Hải, Nguyễn Thanh Sơn, Chu Ngọc Anh, v.v…
Chỉ tiếc là công tác cán bộ vẫn còn nguyên những yếu kém, nên lượng cán bộ đảng viên bị kỷ luật, bị bắt cứ càng ngày càng tăng.

27-4-2024
ĐÔNG LA