CHANH NGUYỄN LẠI TIẾP BƯỚC LÊ KIÊN THÀNH XẢ RÁC VÀO LỊCH SỬ?
Một lần, tôi nhận một tin nhắn viết là Chanh Nguyễn, một facebooker, bảo tôi là viết sai về ông Bùi Tùng trong ngày 30-4-1975, Chanh Nguyễn cũng sẽ huỷ kết bạn với Trịnh Lê Hoài Nam vì không đồng tình. Tôi không quan tâm lắm, vì viết tranh luận đã gần 30 năm, tôi nhận thấy nếu mình có trí tuệ và lương tâm để viết đúng và công tâm thì những thằng dốt và bất lương tất sẽ không đồng tình. Cách đây mấy hôm, ông Đại tá Trịnh Lê Hoài Nam lại gởi cho tôi link bài của Chanh Nguyễn đăng lại lời kể của Thiếu tướng Nguyễn Văn Khiêm ( tức Sáu Tri )- nguyên trưởng phòng tình báo Miền B2, trong đó có đoạn lại kể công bắt Nội các DVM sáng 30-4-1975 là của ông Bùi Tùng và hoàn toàn không có tên nhóm anh Phạm Xuân Thệ.
Vậy là tôi phải viết mấy chữ.
2-5-2024
ĐÔNG LA
Chanh Nguyễn cho biết: “Câu chuyện kể của ông Sáu Trí được ghi trong sách mới xuất bản "Cuộc đời tướng tình báo Sáu Trí"”. Về chuyện bắt Nội các DVM sáng 30-4-1975, có 2 ý chính: “Vào phòng, đồng chí chỉ huy thiết giáp (ông Bùi Tùng) bắt tay tướng Dương Văn Minh và nói: nhân danh Quân đội nhân dân Việt Nam, tôi xin tiếp thu dinh Độc Lập”; “Anh Cang (Tô Văn Cang) cố gắng thuyết phục tướng Minh nói lại lời tuyên bố đầu hàng… Dương Văn Minh đồng ý”. Như vậy, theo ông Sáu Trí, công bắt DVM, “tiếp thu Dinh ĐL” là của Bùi Tùng, công “DVM đồng ý sang Đài PTSG” thuộc về Tô Văn Cang.
Sự thật, vì vào sau, không chứng kiến toàn cục, lời kể của ông Sáu Trí chỉ là những mẩu sự thật ngoài rìa chứ không phải là những sự kiện chính xảy ra sáng 30-4-1975.
***
“Vụ 30-4-1975” sau những tranh cãi, kể cả phỉ báng nhau, cơ quan lãnh đạo đã chỉ đạo các cơ quan có chức trách tổ chức điều tra, nghiên cứu, hội thảo ba mặt một lời, và cuối cùng, ngày 14/3/2022, Thường vụ Quân ủy Trung ương, gồm sáu vị: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư QUTƯ; Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư QUTƯ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã có Kết luận số 974-KL/QUTW:
"Vào thời điểm trưa ngày 30/4/1975, sau khi trực tiếp chỉ huy việc áp giải Dương Văn Minh đến Đài phát thanh Sài Gòn, tại đây, đồng chí Đại úy Phạm Xuân Thệ, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66 cùng các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tổ chức soạn thảo lời Tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh. Văn bản đang được soạn thảo thì đồng chi Trung tá Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 có mặt. Từ đó đồng chí Bùi Văn Tùng cùng bộ phận cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 tiếp tục soạn thảo và hoàn chỉnh lời Tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh đọc vào máy ghi âm để phát trên Đài phát thanh".
Như vậy, chỉ có nhóm anh Phạm Xuận Thệ bắt DVM thì mới có chuyện “áp giải”. Sang tận đài, khi nhóm anh Thệ đang soạn lời đầu hàng cho DVM, Bùi Tùng mới đến, hai bên mới biết nhau thì hoàn toàn không có chuyện Bùi Tùng chỉ huy Phạm Xuân Thệ bắt DVM.
Nay Chanh Nguyễn mượn lời ông Sáu Trí, vậy là giống Lê Kiên Thành từng mượn lời “chú Vũ Khoan”, rồi mượn lời Pierre Asslin, một người Canada, Giáo sư Lịch sử tại trường Đại học San diego, Mỹ, ngầm kể công cha mình đồng thời “hạ bệ” Bác Hồ và ĐT Võ Nguyên Giáp, cả Chanh Nguyễn và Lê Kiên Thành chỉ xả rác vào lịch sử mà thôi!
***
Tôi đã viết bài NHỮNG SAI TRÁI CỦA NHÓM PHẠM VIỆT TÙNG, TRẦN ĐĂNG KHOA LIÊN QUAN TỚI BỘ PHIM “CHUYỆN THẬT 30-4-1975” chỉ rõ sự tranh công sáng 30-4-1975. Mục đính chính của Phạm Việt Tùng và nhóm làm phim là muốn chứng minh ông Bùi Tùng có mặt ở Dinh ĐL, anh Phạm Xuân Thệ và ông Bùi Tùng đã biết nhau ở Dinh ĐL, nên anh Thệ phải chịu sự chỉ huy của ông Bùi Tùng ở cả Dinh ĐL lẫn ở Đài PT, nghĩa là công trạng trong ngày 30-4-1975 sẽ thuộc phần ông Bùi Tùng hết!
Nhưng bộ phim lại chiếu đoạn video quay ngay sau 30-4-1975, trong đó ông Bùi Tùng xác nhận công trạng anh Phạm Xuân Thệ cùng mình “đưa TT Dương Văn Minh sang Đài PT SG” chẳng khác gì đã tố chính ông Bùi Tùng. Vì sau 15 năm, khi viết báo cáo, ông đã cho rằng vì ông ấy quân hàm cao nhất nên đã chỉ huy mọi chuyện, công trạng thuộc về mình, và ông đã quên luôn tên anh Phạm Xuân Thệ.
***
Sự thật, theo lời anh Phạm Xuân Thệ kể, vào dinh, anh đã cùng đồng đội đi theo cầu thang lên tầng 2, người đầu tiên các anh gặp là ông Nguyễn Hữu Hạnh. Có một nhà báo Pháp đã chụp được những khoảnh khắc này và đã đăng ngay sau 30-4-1975 bên Pháp, vô tình mà lại là bằng chứng giá trị nhất xác định thực giả trong câu chuyện “Việt cộng tranh công, giữa ông Tùng ông Thệ” sau ngày giải phóng gần nửa thế kỷ, đến Chanh Nguyễn tiếp tục in sách, đăng tin trên fb vào những ngày hôm nay nữa là chẵn 49 năm.
Ông Hạnh đã nói với anh Thệ:
-Toàn bộ nội các đang trong phòng họp, xin mời cấp chỉ huy vào làm việc!
Phạm Xuân Thệ thấy bất ngờ, thoáng chút lo lắng vì chỉ nghĩ mình dẫn đồng đội vào Dinh để cắm cờ chứ đâu nghĩ đến chuyện “làm việc” với Dương Văn Minh. Anh và đồng đội theo Nguyễn Hữu Hạnh trên cái hành lang dẫn vào phòng có TT Dương Văn Minh (cũng có ảnh xác thực).
Tiếp theo Phạm Xuân Thệ cùng đồng đội theo Nguyễn Hữu Hạnh vào phòng họp, anh thấy rất rộng, có khoảng 40 - 50 người ngồi. Ông Nguyễn Hữu Hạnh giới thiệu với anh Thệ TT Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu.
Ông Dương Văn Minh bước tới, nói thận trọng:
-Chúng tôi biết Quân giải phóng tiến vào nội đô. Chúng tôi đang chờ Quân giải phóng vào để bàn giao.
Nghe tới đó, Phạm Xuân Thệ buột miệng phản ứng ngay, giọng kiên quyết:
-Các ông đã thất bại, đã bị bắt làm tù binh, các ông phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện ngay, không có bàn giao gì cả!
Thật may mắn, khoảnh khắc thiêng liêng nhất đó của cuộc chiến cũng đã được ghi hình. Theo tôi, đây mới chính là tấm ảnh lịch sử quan trọng nhất, hơn cả ảnh xe tăng húc đổ cổng Dinh ĐL, hơn cả ảnh (nếu có) anh Thận kéo cờ giải phóng lên cột cờ Dinh, hơn cả ảnh ông Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng ở Đài Phát thanh, vì trong mọi cuộc chiến, giây phút bắt sống đầu sỏ quân địch luôn là quan trọng nhất.
Thú vị ở chỗ, nếu anh Thệ không giới thiệu thì không ai có thể hiểu rõ tường tận được bức ảnh, vì trong đó ông Mẫu được chụp từ phía sau lưng, còn ông Nguyễn Hữu Hạnh đang đứng giới thiệu ông Minh, ông Mẫu với anh Thệ nhưng đã bị ông Mẫu che hết, chỉ nhô ra cái vai mà thôi. Anh Thệ cho biết trong hình còn có: một người dân mặc áo trắng, chính là người cầm cờ đã lên xe của anh ở dọc đường để dẫn đường đến Dinh ĐL; Nhà báo Đức Borries Gallasch; và ông Tô Văn Cang. Như vậy, những lời anh Thệ thường kể là đúng, vì chúng khớp với lời chứng của ông Nguyễn Hữu Hạnh, nhà báo Borries Gallasch, những người có mặt trong tấm hình lịch sử trên.
Bức ảnh đó chính là chứng cứ thuyết phục nhất chỉ ra ai chính là người bắt Nội các DVM! Anh Thệ đã nói rồi, đã bắt ông DVM rồi thì dù ông Bùi Tùng đến sau có nói ngàn câu cũng vô nghĩa!
***
Nhóm bênh vực ông Bùi Tùng hay đưa Borries Gallasch ra nhưng lại cố tình cắt xén và diễn dịch sai ý của Nhà báo Đức. Về chuyện Phạm Xuân Thệ bắt DVM, Borries Gallasch đã viết rất rõ:
“Là một người châu Âu duy nhất, là một nhà báo duy nhất, tôi chứng kiến Đại tướng Minh “lớn” - tổng thống của VN cộng hòa, đã bị bắt bởi Phạm Xuân Thệ, chỉ huy của đoàn Đông Sơn thuộc quân đội giải phóng. Tay cầm súng ngắn đã lên đạn, một khẩu K54 của Nga, Thệ rất phấn khích la lớn yêu cầu ông Minh ra đài phát thanh”.
***
Trong bài viết về nhóm làm phim Phạm Việt Tùng, Trần Đăng Khoa, tôi cũng đã viết về lời kể của ông Sáu Trí.
Lâm Thành Quý đã đưa ra chứng cớ là bản báo cáo của ông Sáu Trí, Đại tá tình báo, cấp trên của ông Tô Văn Cang. Báo cáo viết:
“Anh Tô Văn Cang vào đại sảnh lúc ấy bộ đội đang vây nhóm DVM Mẫu và Hạnh. Anh Cang đi lại đứng sát Diệp và Minh. Đ/c chỉ huy thiết giáp la lớn “không có bàn giao gì hết. Tất cả xếp hàng lại nhanh lên””.
Như vậy, bản báo cáo cũng xác nhận “bộ đội đang vây nhóm DVM Mẫu và Hạnh”, “bộ đội” ở đây là nhóm anh Phạm Xuân Thệ. Còn câu: “Đ/c chỉ huy thiết giáp la lớn “không có bàn giao gì hết” thì trong bài của Cao Minh mà Trần Đăng Khoa đăng để bênh ông Bùi Tùng đã trích chính lời của ông Tô Văn Cang, câu “Không có bàn giao gì hết. Tất cả xếp hàng lại nhanh lên” ông Cang cho biết là lời của Phạm Xuân Thệ chứ không phải của “Đ/c chỉ huy thiết giáp”.
Còn lời của ông Bùi Tùng trong bộ phim của Phạm Việt Tùng, Trần Đăng Khoa như một lời thú nhận ông không có vai trò gì trong việc chỉ huy bắt Nội các DVM sáng 30-4-1975:
“… xe đầu tiên ấy thì ông Minh, ông Mẫu, rồi sau này tôi biết là có anh Thệ đi kèm cái xe đó. Tôi đi xe sau thì có nhà báo Bô-rit Ga-lat Tây Đức và anh Hà Huy Đỉnh đi cùng”.
Câu này chính là câu quan trọng nhất để làm sáng tỏ mọi chuyện. Ông Tùng không biết anh Thệ lúc đó thì chỉ huy gì? Dù ông đúng là có nói câu như ông Sáu Trí kể “ông Minh nói với tôi là chúng tôi chờ các ông vào để bàn giao thì tôi nói các ông chả còn gì để bàn giao chỉ có đầu hàng không điều kiện” nhưng DVM đã bị bắt rồi thì câu của ông chỉ như bao câu chuyện trò bình thường mà thôi. Còn theo Chanh Nguyễn ông Sáu Trí kể, ông Bùi Tùng nói: “nhân danh Quân đội nhân dân Việt Nam, tôi xin tiếp thu dinh Độc Lập” thì, so với hình ảnh, thước phim chụp và chiếu nhóm anh Thệ bắt và áp giải DVM, câu của ông Bùi Tùng chỉ là trò hề mà thôi!
Không nên xả rác tiếp vào lịch sử!!!
2-5-2024
ĐÔNG LA