MẶC AI ĐẶT ĐÓ KÊ ĐƠM
Trên mạng đang lan truyền bài thơ của Luật sư Nhà thơ Nguyễn Minh Tâm diễn tả lời tâm sự của Cố TBT Nguyễn Phú Trọng với vợ khi linh cảm mình sắp lìa xa bà, tôi nghe và xem mà không cầm được nước mắt. Đặc biệt, có hai câu “Mặc ai đặt đó kê đơm/ Lòng mình trong sáng thì cơn cớ gì” diễn tả miệng lưỡi của những kẻ xấu nói về ông. Thực tế không chỉ có những kẻ “đơm đặt” chuyện cá nhân ông, mà nhiều hơn, những kẻ được coi là trí thức đã phê phán, công kích ông trên cương vị đứng đầu thể chế như Mạc Văn Trang tôi vừa viết, họ cho ông là bảo thủ, lạc hậu, là “lú lẫn” khi kiên trì theo CN Mác-Lê Nin.
***
Một lần, khoảng 10 năm trước, bạn Võ Khánh Linh đã nhắn tin cho tôi: “Bác xem vụ này chém phát cho vui” về bài viết của ông Tô Văn Trường viết về những điều mà ông ta cho các nhà lãnh đạo VN, trong đó TBT Nguyễn Phú Trọng, là bảo thủ, lạc hậu, sai trái. Hôm nay tôi trích lại mấy ý.
Tô Văn Trường là TS, Nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, viết:
““Tôi buồn” vì sự thủ cựu, bảo thủ đến cực điểm của … không ít nhà lãnh đạo cao cấp hiện nay… “Thực tiễn là thước đo duy nhất đúng của chân lý”. Chỉ cần nhìn vào thực tế trên thế giới mấy chục năm qua thì sẽ thấy vì sao Tây Đức hơn Đông Đức, Đài Loan hơn Đại lục, Hàn Quốc hơn Bắc Triều Tiên…, vì sao Thành trì của CNXH là Liên Xô lại sụp đổ … Vì sao Việt nam tụt hậu thê thảm so với các nước".
Đây không chỉ là ý của Tô Văn Trường mà còn là ý của rất nhiều người hay ngoạc mồm chê bai chế độ, hô hào lật đổ. Trong Thư ngỏ gửi BCH Trung ương và toàn thể đảng viên Đảng CSVN của các cựu quan chức, trí thức là đảng viên ĐCSVN:
Nguyễn Trọng Vĩnh, Thiếu tướng; Trần Đức Nguyên, nguyên Trưởng ban Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ; Lê Duy Mật, Thiếu tướng, Chỉ huy trưởng Mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang 1979 – 1988; Vũ Quốc Tuấn, nguyên Trợ lý Thủ tướng Võ Văn Kiệt; Hoàng Tụy, Giáo sư Toán học; Nguyên Ngọc, Nhà văn, nguyên Bí thư Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam; Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học; Đào Công Tiến, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Việt Nam; Nguyễn Trung, nguyên Đại sứ tại Thái Lan; Tô Nhuận Vỹ, nhà văn, nguyên Bí thư Đảng Đoàn kiêm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên – Huế; Bùi Đức Lại, nguyên Vụ trưởng, Ban Tổ chức trung ương Đảng, Hà Nội; Huỳnh Tấn Mẫm, nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn trước 1975; Lê Đăng Doanh, Tiến sĩ Kinh tế học, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ; Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Hà Nội; Trần Đình Sử, Giáo sư Tiến sĩ Ngữ văn, Hà Nội; Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ; v.v…
Họ viết: “Từ nhiều năm nay, Đảng Cộng sản Việt Nam dẫn dắt dân tộc đi theo đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình xô-viết, được coi là dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin”.
***
Về cái chuyện “vì sao Thành trì của CNXH là Liên Xô lại sụp đổ cái rụp! Vì sao Việt nam tụt hậu thê thảm so với các nước”.
Cái nhìn của các vị trên là một cái nhìn ấu trĩ. Nếu nước ta đã và sẽ còn yếu kém thì không phải do đi theo Chủ nghĩa Mác Lê Nin mà đơn giản là do trình độ mọi mặt của chúng ta còn yếu kém. Thời nay, cần phải coi Chủ nghĩa Mác như một học thuyết chính trị, một khoa học về sự phát triển, cần phải hiểu đúng, vận dụng đúng thì mới có được thành công cũng như mọi lý thuyết khoa học vậy. Cũng như giả sử ta không thể sản xuất được bom nguyên tử thì do trình độ của ta chứ không phải do công thức lừng danh E=mc2 của Einstein là sai! Sự tan vỡ không phải do LX đi theo Chủ nghĩa Mác-Lê Nin mà ngược lại chính là do sự phản bội Chủ nghĩa Mác-Lê Nin. Thực tế, Liên Xô chỉ có theo Chủ nghĩa - Mác Lê Nin, từ một đất nước cồng kềnh, lạc hậu hơn nhiều so với phương Tây, đã phát triển, có sức mạnh chiến thắng bọn phát-xít, trở thành siêu cường, đối trọng được với Mỹ! Stalin từng nói: “Chúng ta lạc hậu hơn các nước tiên tiến 50 năm đến 100 năm, chúng ta phải chạy hết khoảng cách này trong 10 năm, hoặc chúng ta làm được điều này, hoặc chúng ta bị người ta đánh ngã”.
***
Còn chuyện Tô Văn Trường viết: “Thực tiễn là thước đo duy nhất đúng của chân lý”. Chỉ cần nhìn vào thực tế trên thế giới mấy chục năm qua thì sẽ thấy vì sao Tây Đức hơn Đông Đức, Đài Loan hơn Đại lục, Hàn Quốc hơn Bắc Triều Tiên”. Viết vậy, Tô Văn Trường chứng tỏ mình chỉ như một con vẹt, có cái nhìn của “dân đen”, không phải do da đen mà vì vô học nên đầu óc đen tối, chỉ nhìn thấy hiện tượng mà không thấy bản chất, một cái nhìn thô thiển chứ không phải biện chứng của một nhà lý luận.
Trước hết, cần phải thấy chuyện giầu, nghèo trên thế giới vốn đã có từ lâu vì trình độ các nước khác nhau. Thêm nữa, Chủ nghĩa Thực dân lại đi xâm lược, bóc lột và nô dịch dân thuộc địa nên càng giầu hơn. Mặt trời từng không lặn trên Đế quốc Anh và Pháp cũng coi xứ Đông Dương là bãi hoang mầu mỡ cần khai thác, coi dân bản xứ chỉ là dân mọi. Khi hình thành hệ thống các nước XHCN đã trở thành đối trọng với hệ thống TBCN. Thế là trong quá trình “thích nghi để tồn tại”, các nước tư bản đã phải tự thay đổi. Wikipedia viết: “Lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản là đối trọng để chủ nghĩa tư bản trở nên tốt đẹp hơn”.
Thứ hai, sự chênh lệch giầu, nghèo giữa hai phía Tây Âu - Đông Âu cũng có nguyên nhân từ Kế hoạch Marshall của Mỹ nhằm đẩy lui Chủ nghĩa Cộng sản.
Mỹ có thực lực bởi Mỹ chính là cường quốc duy nhất mà cơ sở hạ tầng không bị thiệt hại bởi chiến tranh. Những năm chiến tranh, Mỹ sản xuất hàng hóa phục vụ cho đồng minh, đã phát triển kinh tế mạnh nhất trong lịch sử. Sau chiến tranh, Mỹ lại chuyển sang sản xuất hàng tiêu dùng. Nền kinh tế Mỹ phụ thuộc vào xuất khẩu nên viện trợ từ Kế hoạch Marshall vừa giúp châu Âu đồng thời cũng có lợi cho Mỹ.
Sau chiến tranh, với trình độ khoa học công nghệ có sẵn, sự viện trợ của Mỹ đã là động lực rất mạnh giúp cho Đức và các nước Tây Âu phục hồi nhanh chóng và phát triển, chiếm ưu thế so với Đông Âu.
***
Còn VN, một nước phong kiến nô lệ, nền sản xuất tiểu nông; sau chiến tranh 1975, cả hai miền Bắc, Nam bị cắt viện trợ; chiến tranh biên giới hai đầu đất nước; còn bị bao vây, cấm vận; chúng ta vẫn đứng vững, còn phát triển đến như hôm nay, thì dù bây giờ còn nhiều yếu kém, vẫn phải thấy như có phép mầu; chứ có đâu lại nhìn ngược một các thô thiển như Tô Văn Trường với câu hỏi “Vì sao Việt nam tụt hậu thê thảm so với các nước”?!
Tô Văn Trường cho “Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” “Cho nên, Đảng ta… là rất sai lầm”!
Trước hết, cần phải hiểu nền Kinh tế thị trường là nền kinh tế vận hành theo quy luật cung cầu, có nhược điểm vì chạy theo lợi nhuận nên sẽ sinh ra sự mất cân bằng. Vì vậy trong thực tế hiện nay, không có một nền kinh tế thị trường hoàn toàn, mà là nền Kinh tế Hỗn hợp.
Ngay nền Kinh tế Mỹ, theo Ấn phẩm của Chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tháng 2/2001: “chủ nghĩa tư bản thuần túy như Mác mô tả đã từng tồn tại thì nó cũng biến dạng từ lâu khi các chính phủ ở Mỹ và nhiều quốc gia khác can thiệp vào nền kinh tế của họ nhằm hạn chế sự tập trung quyền lực và giải quyết nhiều vấn đề xã hội liên quan đến lợi ích thương mại mang tính cá nhân không bị kiểm soát. Do vậy, nền kinh tế Mỹ có lẽ tốt hơn được mô tả như một nền kinh tế “hỗn hợp”, trong đó chính phủ đóng một vai trò quan trọng cùng với doanh nghiệp tư nhân”.
Với nền kinh tế Mỹ mà còn có những “cuộc tranh luận kéo dài nhất của lịch sử” thì với Việt Nam nền kinh tế còn non trẻ, điều hành một nền kinh tế có một sự kết hợp giữa công và tư, giữa sự điều tiết của nhà nước với tính tự do của thị trường, có lúng túng, va vấp là điều tất nhiên. Trình độ lãnh đạo một nền kinh tế chỉ có thể dần tích lũy qua sự từng trải để rút ra những kinh nghiệm và bài học bổ ích, không ai có thể nói mình giỏi ngay được.
***
Với Cố TBT Nguyễn Phú Trọng cũng cần phải khách quan. Khi ông là người đứng đầu thể chế, có những việc lớn vẫn không thực hiện tốt, nhất là công tác cán bộ. Với những quy trình bầu bán, chọn lựa công phu, tốn nhiều công sức, thời gian, tiền bạc, nhưng rồi vẫn có Chủ tịch nước, Chủ tịch QH, Uỷ viên BCT, v.v… bị thôi chức, bị tù. Tình trạng tham ô, tham nhũng, liên quan đến phạm pháp trong kinh doanh đã trở thành phổ biến, các cơ chế để ngăn ngừa, thanh tra, giám sát dường như không có tác dụng.
Tôi đã từng mạnh dạn “hiến kế”. Chúng ta đã sai khi vẫn dùng các khẩu hiệu cũ, kêu gọi mọi người quên mình vì dân vì nước. Nhưng thời chiến không có gì để tranh nhau, trước vấn đề còn mất, người ta rất dễ quên mình vì nghĩa lớn, nhiều lãnh tụ có phẩm chất thánh nhân, nhiều chiến sĩ có phẩm chất anh hùng là điều hoàn toàn có thực. Cuộc sống trong hòa bình ngược lại. Trước cái chết con người mạnh mẽ bao nhiêu thì trước sức mạnh vật chất con người lại yếu đuối bấy nhiêu! Cần phải xây dựng thiết chế xã hội dựa trên cái phần yếu kém, tham lam, xấu xa của con người để ngăn chặn. Cần một đồng lương chân chính giúp quan chức của đảng có thể thực hiện thoải mái trách nhiệm của mình mà không phải gồng mình ép xác như những ông thánh. Cần phải phân biệt đạo đức xã hội khác với đạo đức trong đạo giáo và sách luân lý. Phải có biện pháp sao đó để người ta không cần phải tham nhũng cũng sống tốt và có muốn tham nhũng cũng không được!
***
Tham ô, tham nhũng, phạm pháp trong kinh doanh là căn bệnh đã có từ lâu, trở thành mãn tính, nên rất khó trị, TBT Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ là một cá nhân, lực ông cũng có hạn, nên không thể giải quyết hết được.
VN chúng ta hiện nay đúng như ông nói “Có bao giờ được như thế này không?”, nhưng chính ông cũng nói đến “nguy cơ tồn vong” của chế độ. Để tránh giống Liên xô, mà Nhà kinh tế học nổi tiếng người Mỹ David Code đã có một câu nói chí lý: “Đảng Cộng sản Liên Xô là chính đảng duy nhất làm giàu trong tang lễ của chính mình”, cố TBT Nguyễn Phú Trọng đã thực hiện công cuộc chỉnh đốn, đã “đốt lò” với quy mô chưa từng có trong lịch sử. Chỉ là một người trong sạch, liêm khiết, ông mới có thể làm được vậy. Chính vậy, khi mất, với công lao và đức độ của ông, ông đã được người dân thương tiếc như những bậc tiền bối, Bác Hồ, Bác Giáp, v.v…
24-7-2024
ĐÔNG LA