Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2024

NHỮNG KHÚC QUANH CUỘC ĐỜI

 NHỮNG KHÚC QUANH CUỘC ĐỜI


Hôm nay lại tâm sự cuộc đời tiếp.
Bài trước tôi viết có câu tôi: “đã bị cướp công khi làm chủ nhiệm đề tài chiết xuất hoạt chất chống ung thư Vinblastin từ cây dừa cạn”. Anh Lâm Tùng lại vào bình luận thế này: “MONG BÁO CHÍ VIỆT NAM XÁC NHẬN LẠI CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CHIẾT XUẤT HOẠT CHẤT CHỐNG UNG THƯ VINBLASTIN TỪ CÂY DỪA CẠN, CỦA VIỆT NAM ĐÃ CÓ CÁCH ĐÂY HƠN 35 NĂM VỀ TRƯỚC RỒI!
VIỆT NAM, ƠI VIỆT NAM ĐÂU PHẢI KHÔNG SỚM CÓ CÔNG TRÌNH KHOA HỌC HÀNG ĐẦU THẾ GIỚI!
ĐẨY MẠNH TUYÊN TRUYỀN. ĐẨY MẠNH - THÚC ĐẨY CHO RA SẢN PHẨM CHỐNG UNG THƯ THƯƠNG HIỆU VIỆT NAM, NHANH, NHIỀU, CHẤT LƯỢNG CAO, GIÁ THÀNH RẺ GÓP PHẦN CỨU SỐNG HÀNG TRĂM TRIỆU NGƯỜI TRÊN THẾ GIỚI”.
Tôi đã trả lời: “Lâm Tùng, bệnh ung thư rất phức tạp, một loại thuốc chỉ có tác dụng rất hạn chế thôi. Tôi đi khỏi cái viện ấy, rồi nó cũng tan tành luôn, chắc cái công trình đó cũng tan luôn”.
***
Anh Lâm Tùng cũng yêu quý “Nhà Văn Đông La” hết cỡ giống một số bạn khác. Có điều tinh thần của anh trong lời bình luận trên rất giống tinh thần của quân dân ta thời kháng chiến, cái quyết định làm nên chiến thắng, nhưng tiếc là trong thời bình thì không còn như vậy. Như ở cái viện nghiên cứu của tôi, đã có cả một dây những kẻ, vì quyền lợi, vì cục bộ địa phương, đã dùng cái tinh thần trong kháng chiến đó để đấu bác Viện trưởng Đoàn Hữu Sử, đồng nghĩa với việc tiêu diệt sự nghiên cứu khoa học giúp ngành Dược VN phát triển vững chắc, tiên tiến. Hiện bạn fb của tôi có vài người từng cùng tôi ở Viện đó cũng chứng kiến việc đó, trong đó có chị Dược sĩ Trần Thị Thắng Lợi, chính là phu nhân của Nhà thơ Thái Thăng Long.
***
Thực ra, cái câu trên của tôi, rất ngắn thôi, nhưng lại chứa đựng cả một câu chuyện rất dài, liên quan đến nhiều vấn đề trọng đại. Hôm nay tôi sẽ viết rõ hơn chút về cái công trình nghiên cứu chiết xuất chất chống ung thư đó, nếu không những người từng biết tôi rất dễ cho tôi là xạo, nổ, chém gió. Như anh Định cùng lớp đại học nhưng hơn tôi dăm tuổi cũng từng ngạc nhiên nhắn tin: “Tại sao hồi học đại học Hùng không “phát lộ” tài năng viết nhỉ! Phải công nhận khả năng viết của chú hơn nhiều “giáo sư, tiến sĩ đấy!” Tôi trả lời: “Thì lo bận học, có đâu thời gian mà thể hiện được cái tôi của mình”. Ông PGS Nguyễn Hữu Sơn, bạn mấy chục năm mà cũng ngạc nhiên viết bình luận: “... Trông lão này lù khà lù khù mà cái méo gì cũng biết, viết đến 3 cuốn sách vể ung thư”. Có lẽ do dường như tôi có hai con người, tôi trước trang viết và tôi ngoài đời khác hẳn nhau.
***
Rất nhiều người quen biết tôi, bạn học phổ thông, bạn bộ đội, bạn đại học, bạn cùng làm, bạn khoa học, bạn văn chương… ai đọc tôi viết cũng đều ngạc nhiên vì thấy tôi không giống với tôi khi ngoài đời. Rất dễ có người nói: “Tôi thấy thằng ấy có gì đâu mà giờ bốc phét quá”. Sự thực thì tôi không phải bốc phét mà tôi đã có đến 5 lần được các cơ quan nhà nước xác định tài năng về khoa học và văn chương bằng các giải thưởng, tặng thưởng. Vì vậy mà tôi thấy cần viết rõ đôi chút.



Tôi tự thấy khi viết mình giống nhất với thời học cấp I, cấp II, khi tôi giỏi nhất, là số 1. Năm lớp 6 cả văn, toán và hầu hết các môn tôi đều được điểm 5 (cao nhất), nhưng kiêu ngạo thế nào đó, đến nỗi cô chủ nhiệm là cô Hường đã ghi vào học bạ: “Học xuất sắc. Cần khiêm tốn giúp đỡ bạn”. Nhưng vào cấp III, phải đi bộ 8 Km, tôi lại bị ghẻ, đi lại khó khăn, đã muốn bỏ học, lớp 8 suýt bị đúp. Hai năm sau quen dần, tôi tốt nghiệp cấp III cũng dễ dàng, nhưng lỗ hổng năm lớp 8 đã làm học lực của tôi mất đà, chỉ năm lớp 9 trí thông minh mới hé lộ chút khi tôi đoạt giải “Kiện tướng nhớ từ” môn Trung Văn. Vào đại học thì bị đứt đoạn mấy năm bộ đội, lại học cùng với bọn học sinh Miền Nam học 12 năm, một nửa lớp (gọi là Hoá I) lại được học trước tôi (Hoá II) nửa năm nữa, tính tôi lại tài tử không chịu khó học, theo học được ngành khoa học cơ bản đã khó nói chi đến chuyện thành số 1. Nên thời cấp III và thời đại học tôi luôn có phần mặc cảm vì mình không còn được là số 1 như thời cấp I, cấp II nữa. Nhưng rồi chính tôi cũng ngạc nhiên khi điểm trung bình các môn ở đại học của tôi đạt trên 7 điểm, tôi lại không thi lại môn nào, cũng đủ tiêu chuẩn được chọn vào lớp đào tạo cán bộ giảng dạy đại học và cán bộ nghiên cứu.
Có điều, khi vào đời và cũng có thầy cô đã nói, học giỏi và thông minh có phần khác nhau. Tất nhiên học giỏi cũng phải có phần thông minh, nhưng chủ yếu là chịu khó, thuộc bài, làm bài thi điểm cao. Vào đời thì không cần phải thuộc bài vì đã có tài liệu, người học dốt do lười học nhưng thông minh cũng có thể biết như người giỏi do chịu khó, nhưng người thông minh còn có thể làm được những việc người khác không làm được, thậm chí nghĩ ra cách giải quyết vấn đề trong sách vở cũng không có, có những điều không cần học cũng biết. Tôi đã là người như thế, và thú vị là vào đời, có những cuộc thi cả khoa học và văn chương, tôi lại được trở thành người số 1; tôi còn trở thành Nhà Lý luận Phê bình Văn chương trong khi không học một giờ Văn nào, ngoài học Văn ở phổ thông. Vì vậy mà rất nhiều người thường nói tôi là thông minh,
***
Cái chuyện thông minh không chỉ để khoe khoang cho sướng miệng mà nó còn làm thay đổi, làm nên cuộc đời tôi. Khi bảo vệ xong luận văn tốt nghiệp đại học, tôi xin đi dạy ở một trường đại học, đã được đồng ý, nhưng rồi cô Mai là giáo viên hướng dẫn luận văn tốt nghiệp của tôi, cô học TS ở Đông Đức, đã nói với một người bạn cũng học TS ở Đức đang tìm người về thành lập một viện nghiên cứu dược: “Mình có cậu học trò là Hùng thông minh lắm về đó được đấy”. Tôi đã nghe lời cô Mai đi gặp người bạn của cô chính là cô Dau, cô Dau nói cô ở Viện Công nghiệp Dược mới thành lập, cô đồng ý nhận tôi về Viện và nhờ tôi giới thiệu thêm những bạn giỏi nhất để cô thành lập một phòng Nghiên cứu Hoá Dược bên cạnh một phòng Nghiên cứu Vi sinh ở Viện. Tôi đã giới thiệu mấy người, vài người khác biết tin tự tìm đến, còn tôi cũng bỏ chuyện về trường ĐH, cuối cùng lớp tôi có đến 7 đứa về làm cùng phòng của cô Dau. Chúng tôi gọi bà là “cô” hàm nghĩa là cô giáo.
Lúc đầu về viện thật vui, nhưng rồi có cuộc đấu đá như tôi đã viết, Bác Sử viện trưởng phải về hưu, cô Dau chạy sang Trường Tổng hợp, phòng tôi đứa sang viện khoa học, đứa về xí nghiệp, còn tôi vì là “nhà văn” nên không nơi nào nhận, vẫn ở lại viện, đúng là còn lại một mình sống với lũ “giặc”.
Phòng Nghiên cứu Vi sinh vẫn còn nguyên, đã tiến hành lên men trong hệ thống bồn như có cả rừng cái van, và đã chiết xuất thành công được kháng sinh là Oxytetracyclin và Tetracyclin. Tôi cũng góp phần chiết được Tetracyclin từ sinh khối lên men nhớt và nâu đen giống như cứt trâu. Rồi trên lại giao cho Viện cái đề tài chiết xuất chất chống ung thư, Viện còn toàn dân học vi sinh và dược sĩ học bào chế nên không ai dám nhận đề tài, vì thế nó mới rơi vào tay tôi.
***
Tôi đã chỉ huy một nhóm 3 dược sĩ, một kỹ sư Bách khoa và mấy công nhân. Đề tài quả là khó, tỷ lệ hoạt chất là 1 phần vạn, tức 10 tấn dược liệu mới chiết ra 1kg, hoạt chất lại ở trong hỗn hợp nhiều alkaloid khác nữa. Bước đầu phải chiết ra alkaloid toàn phần bằng cồn, cô đặc bằng hệ thống chưng cất thuỷ tinh Simax hình chữ U lộn ngược to như cột nhà, loại tạp, rồi phân lập hoạt chất bằng hệ thống sắc ký cột. Hồi ấy mọi người kháo nhau, thuốc này một mũi tiêm giá cả chỉ vàng, tính ra cả triệu “đô” một ký. Nhóm chúng tôi đã làm ra được mấy gam hoạt chất, hoàn thành quy trình ở quy mô phòng thí nghiệm. Tôi đã vênh vang trình bầy trước viện, nghỉ phép về Bắc, vào mừng lắm vì chuẩn bị tiến hành đề tài ở quy mô lớn hơn thì không ngờ, như tin sét đánh, mình đã bị “cướp công” theo nghĩa đen. Tôi làm bài thơ tặng cháu ngoại có câu “Đời lắm trái ngang có khi nào ông khóc”, thực ra là xạo, vì khi con mụ Đào Viện trưởng nó trắng trợn bảo tôi nghỉ làm đề tài vì “không hoà đồng với anh chị em”, tôi đã khóc, cảm thấy cái đề tài như đứa con bị giật khỏi tay mình. Con mụ Đào thế rất mạnh vì có chị là thứ trưởng, theo San “hô”, từng được mai mối cho ông Võ Văn Kiệt hồi ở trong rừng. Nó sai, nhưng tôi nghĩ kiện nó chắc tốn cả cuộc đời mất, nên chịu thua, nghĩ cách nuôi hai đứa con còn rất nhỏ quan trọng hơn. Còn cái Viện, cứ tưởng chúng đuổi được Bác Sử Viện trưởng về thì chúng sẽ làm tốt hơn, nhưng sau một thời gian tôi rời Viện, cái Viện cũng bị xoá sổ, đổi tên thành VIDIPHA, và chuyển công việc sang sản xuất kinh doanh như một công ty bình thường. (Xem ảnh giới thiệu). Những kẻ gây ra chuyện này thực ra đã gây ra tội ác đối với sự phát triển Khoa học Kỹ thuật nền tảng của ngành Dược.


***
Chế độ XHCN về lý thuyết là toàn bích, nhưng trong thực tế còn để xảy ra nhiều yếu kém, tệ nạn, nhất là công tác cán bộ, mà chính tôi là một nạn nhân, và cái Viện nơi tôi công tác cũng là nạn nhân. Thật lo ngại là công tác cán bộ không chỉ yếu kém thời tôi công tác 30 năm về trước mà đến tận bây giờ vẫn để xảy ra tình trạng những Xuân Phúc, Thị Mai, Văn Thưởng, v.v…, không biết có tài gì, lập công gì, mà leo lên được tột đỉnh quyền chức, để rồi bị thôi chức nhục nhã? Đây là một điều khiến tất cả mọi người bức xúc, kể cả người chống chế độ lẫn người bảo vệ chế độ tích cực nhất, trong đó có tôi.
Nhưng sao tôi không được quyền lợi gì của chế độ mà vẫn viết “như điên” để bảo vệ chế độ? Đơn giản là vì chế độ hiện tại mà sụp đổ thì nước ta sẽ lại loạn, nước ngoài lại xâu xé, như I-rắc, Ly-bi, Apganistan, v.v…, và nay là Ukraina, chứ không phải nước ta sẽ thành Mỹ, Tây Âu, Bắc Âu như bọn trí thức lưu manh, bọn dân chủ cuội hoang tưởng.
***
Như tôi đã viết, khi rời viện nghiên cứu, tôi đi LX, về làm ở một đại công ty, giải được một bài toán khoa học công nghệ 20 năm chưa ai làm được, mang đi thi được giải A, đúng là số 1, được lên tivi, lên báo (em Hương Trà-Cô gái Đồ Lonng viết), trở thành mục tiêu “săn đầu người”, khiến tôi nghỉ công chức, và thật bất ngờ tôi đã “đổi đời”, có được những cái “trong mơ cũng không thấy”. Đúng là ngoài khả năng của tôi còn có chuyện ở hiền gặp lành, quý nhân phù trợ, mà một trong những quý nhân chính là anh Thái Thăng Long đã giúp tôi, chỉ bằng một câu nói, đúng lúc tôi gần như cùng đường.
Đúng là dù tôi không được quyền lợi gì của chế độ nhưng tôi vẫn được hưởng thành quả phát triển của đất nước, mình có thực tài thì chế độ không cấm ai tạo dựng một cuộc sống hạnh phúc cả.

20-10-2024
ĐÔNG LA