NGÔ
BẢO CHÂU, LỀ TRÁI HAY LỀ PHẢI?
Tôi rất vui mừng như bao
người Việt Nam
khi GS. Ngô Bảo Châu đoạt giải toán học Field. Trước đây không lâu tôi cũng vui
mừng tương tự khi được biết GS. Đàm Thanh Sơn cùng cộng sự công bố một công
trình trên tạp chí vật lý Physical Review Letters về lỗ đen trong không - thời
gian 10 chiều, với những tính toán gần khớp với kết quả của phòng thí nghiệm
Brookhaven của Mỹ, gây tiếng vang trên thế
giới.
Hôm nay chúng ta tự hào trước thành
công của Ngô Bảo Châu, chúng ta không thể không nhớ đến những thế hệ các nhà
khoa học Việt Nam xuất chúng đi trước, tài năng của họ không chỉ mang vinh
quang về cho tổ quốc mà còn đạt được những thành quả như những chiến công hiển
hách trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. GS. VS. Trần Đại Nghĩa đã chế
ra những vũ khí làm quân thù kinh hồn bạt vía góp
phần làm nên chiến thắng vĩ đại. GS. VS. Tôn Thất Tùng với
phương pháp "cắt gan có kế hoạch" nổi danh thế giới. GS. VS. Nguyễn
Văn Hiệu với phát minh: Định luật bất biến kích thước của quá trình sinh hạt.
Và GS. Hoàng Tụy với "lát cắt Tụy" (Tuy's cut), một
phát minh đánh dấu sự ra đời của một chuyên ngành toán học mới: Lý thuyết tối ưu toàn
cục (global optimization), được thừa nhận là "người cha của tối ưu
toàn cục", đã làm cho
Việt Nam thành một "địa danh nổi tiếng thế giới về tối ưu hoá" (world
famous place in optimization).
Sự
tôn vinh Ngô Bảo Châu là đích đáng, để kích thích tinh thần hiếu học, nêu gương
cho các bạn trẻ ấp ủ những ước mơ. Nhưng mọi bữa tiệc đều tàn, sự dâng trào của
niềm tự hào cũng lắng xuống, chúng ta cần tỉnh táo nhận thấy trong khoa học, từ
kết quả lý thuyết đi đến hiệu quả luôn đầy khó khăn. Với các nước phát triển, mỗi
phát minh cơ bản lập tức được ứng dụng, mang lại lợi ích cụ thể. Như khi phát
minh ra Transistor, nó được sử dụng ngay làm thiết bị khuếch đại, khóa điện tử,
làm khối đơn vị cơ bản cho cấu trúc mạch ở máy tính và tất cả các thiết bị điện
tử khác. Khi Einstein phát minh ra công thức E=mc2, tưởng như chuyện trên Trời,
nhưng nó cũng được ứng dụng làm bom nguyên tử và sản xuất điện.
Qua
hiện tượng Ngô Bảo Châu, chúng ta nhận thấy trí tuệ Việt Nam hoàn toàn
có thể chinh phục được những đỉnh cao khoa học. Nhưng với một mình Ngô Bảo Châu
thì sẽ làm được gì? Thậm chí cả ngành toán phát triển mạnh đi chăng nữa cũng
vẫn không làm được gì bởi toán chỉ là công cụ, dù rất cần, nhưng toán không
phải là quy trình sản xuất ra của cải vật chất. Vì vậy cần phải có một cơ chế
xã hội sao đó để nền giáo dục Việt Nam đào tạo ra các Ngô Bảo Châu trên tất cả
các lĩnh vực, từ khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng đến kỹ thuật... mới có thể
thúc đẩy được sự phát triển.
Tự hào về chiến thắng của Ngô Bảo
Châu là đúng nhưng không nên có những so sánh thái quá, như có người ví chiến
thắng của anh như chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ.
Cũng từng làm nghiên cứu ở các Viện
và Trung tâm, từng giải được một bài toán công nghệ mà hơn 20 năm, cả ngành
Nông dược ở ta làm không được, rồi cũng được trao giải sáng tạo Khoa học kỹ
thuật, tôi nghĩ thiên tài là tài năng của những nhà bác học lớn, có khả năng mở
ra cả một chân trời khoa học mới. Còn người tài theo tôi cũng là những người
xuất chúng nhưng ở cấp độ thấp hơn, họ giải những bài toán có sẵn bằng tri thức
có sẵn. Với Ngô Bảo Châu, có lẽ anh thuộc lớp này, anh đã giải quyết được phần
tồn đọng, dù là rất quan trọng, nhưng vẫn nằm trong phát minh lớn của
Langlands. Vậy chính Langlands mới là thiên tài. Thiên tài ở chỗ ông đã mở ra
cả một chân trời toán học mới, dù rằng ông chưa chứng minh hết những giả thuyết
ấy, để đến hôm nay Ngô Bảo Châu mới có cơ hội làm nên kỳ tích. Xin nhớ ngay
chính Einsten trong quá trình đưa ra phát minh đôi lúc cũng đã phải nhờ vợ mình
“tính hộ”. Còn Planck, ông cũng không tự chứng thực được phát minh của mình mà
phải sau một phần tư thế kỷ, ông mới yên lòng khi Compton đã chứng tỏ ánh sáng đã thể hiện tính
chất như một hạt (lượng tử) khi va chạm đàn hồi với điện tử. Chính Ngô Bảo Châu
cũng đánh giá Langlands rất đúng: “Ông ấy là một trong những người có ảnh hưởng
mạnh nhất tới toán học thế kỷ 20-21”.
Chuyện ví
chiến thắng của Ngô Bảo Châu so với Chiến thắng Vĩ đại Điện Biên Phủ thật khập
khễnh và không nên. Điện Biên Phủ là chiến thắng của toàn dân tộc, không chỉ do
tài năng quân sự tuyệt vời mà còn phải hy sinh biết bao xương máu; nó còn là
chiến thắng của chính nghĩa, của lòng yêu nước, nên dù nhỏ yếu và lạc hậu,
chúng ta đã chiến thắng được sự xâm lược và liên minh của các cường quốc có
tiềm lực hơn ta về kinh tế, quân sự và khoa học kỹ thuật, trong đó có cả trình
độ toán học. Còn chiến thắng của Ngô Bảo Châu mang tính cá nhân, đường đời anh
được trải thảm, anh đi học, đi làm kiếm sống và phấn đấu như bao người bình
thường khác, rồi do anh có tài nên đã đạt được thành quả; như bao người từng
mang vinh quang về cho Tổ quốc, anh cũng vậy, chỉ khác chăng thành quả của anh
lớn hơn thì vinh quang lớn hơn. Theo giáo lý đạo Phật, phẩm hạnh để mọi người
tôn thờ, sẽ nhận được “quả” quý nhất, chính là sự bố thí, mà sự bố thí cao nhất
chính là sự hy sinh mạng sống của mình vì mọi người. Theo con mắt của
người mẹ xót con khi thấy anh học khuya thì Ngô Bảo Châu cũng có “hy sinh” lớn
lao, nhưng tự anh thì lại cho rằng “tôi học toán không cực khổ gì”.
Cái cần nói tới chính là việc
tương lai Ngô Bảo Châu sẽ đóng góp tài năng công sức như thế nào cho đất nước,
qua việc trực tiếp giảng dạy, quản lý hoặc là đầu mối liên kết học hỏi với bên
ngoài như thế nào để có thể giúp nền toán học Việt Nam phát triển, thì thành
công của anh hôm nay mới có ý nghĩa, còn không anh sẽ chỉ làm lợi cho người
ngoài; và cái niềm vui dâng trào của đa phần mọi người hôm nay, mà thực chất
không hiểu công trình Ngô Bảo Châu là gì, sẽ chỉ như niềm vui trong bóng đá mà
thôi.
Còn câu trả lời của Ngô Bảo
Châu cái câu hỏi anh theo lề trái hay lề phải cũng được dư luận quan tâm. Thâm
ý của câu hỏi là họ muốn biết Ngô Bảo Châu theo “lề trái” như “các chiến sĩ dân
chủ” (dạng như Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung...) hay như số đông vẫn đi theo
chế độ. Có lẽ câu này với Ngô Bảo Châu còn khó hơn cả chứng minh bổ đề cơ bản.
Cái ý anh trả lời theo lề là việc của đàn cừu chứ không phải người tự do có thể
rất “khôn” nhưng rõ ràng chưa thỏa đáng vì chỉ nói chung chung. Nếu anh không
theo “lề phải”, trong đó có môi trường khoa học của người cha, GS. Ngô Huy Cẩn,
và những ngôi trường chuyên ươm mầm tài năng của anh, anh sẽ không có được
thành quả hôm nay.
Gần
đây, Ngô Bảo Châu, theo tôi là dại dột, khi viết trong blog về Cù Huy Hà Vũ: “với
những gì xảy ra gần đây, ông thể hiện mình như một con người không tầm thường. Như
Hector người thành Troy,
như Turnus người Rutuli hay như Kinh Kha người nước Vệ... Những nhân vật huyền
thoại này đã làm mọi thứ... để hoàn thành sứ mệnh của mình trong cuộc đời này”.
Quý Thanh trên Cand.com.vn, 11:32:00 10/05/2011 đã phê phán: “Ngô Bảo Châu đã
quá tùy tiện khi đặt Cù Huy Hà Vũ ngang với những biểu tượng anh hùng”. Bởi Quý
Thanh lo ngại Ngô Bảo Châu “là biểu tượng về mặt trí thông minh” nên “ý kiến
của GS. Ngô Bảo Châu đã vô tình trở thành một luận cứ tâm lý có lợi cho những
kẻ ngu dốt hoặc cơ hội”. Ngay cả “phe” ủng hộ Cù Huy Hà Vũ cũng cho Ngô Bảo
Châu “nói mơ hồ, tròng tréo, nước đôi”; “khéo léo, lòng vòng, lấp la lấp lửng”.
Còn ông Nhà văn Đào Hiếu, chắc vì “cay” khi Ngô Bảo Châu cho mình là “cừu” khi
thuộc loại người sống bầy đàn theo “lề”, viết: “lập lờ, không sòng phẳng,
thiếu minh bạch” và “thái độ đứng giữa, thái độ phi chính trị” là
“ảo tưởng”; và ông nhà văn “ngửi” thấy những cái đó chính là “cái mùi cơ
hội” (bbc.co.uk/ vietnamese,11:02 GMT - 11 tháng 4, 2011).
Thật
tiếc, có lẽ đó sẽ là bài học nhớ đời cho Ngô Bảo Châu, giúp Ngô Bảo Châu hiểu rằng,
sự phức tạp ngoài đời còn hơn cả toán học và không phải ai giỏi chuyên môn cũng
là nhà tư tưởng thông thái.
TP Hồ Chí Minh,
23-12-2011.