Bài tôi vừa viết dưới đây là sự thực
100%, mọi ý tôi đều có hình ảnh “làm chứng”. Động cơ viết chính là muốn ghi
lại một chút làm kỷ niệm, có điều không cố ý, nhưng chuyện riêng nhà tôi nó lại
chứa đựng những vấn đề chung về lịch sử, về xã hội của cả đất nước. Nó như là
một chứng cớ chỉ ra còn quá nhiều sự cố chấp hận thù sai lầm trong chuyện
thắng thua của những người thuộc chế độ cũ thể hiện tràn ngập trên internet, khi
họ vẫn cho Bắc Việt xâm chiếm VNCH rồi phân chia đối xử về tôn giáo, về thành
phần, đầy đọa dân chúng; rồi một loạt những đài, báo kể cả những trang nổi
tiếng nhất như BBC chẳng hạn và các tổ chức về văn chương, nhân quyền sống
bằng nghề chống nhà nước VN cũng thi nhau “nói điêu”.
Cạnh đó, từ hoàn cảnh bản thân, tôi
muốn chỉ ra rằng có rất nhiều sự cay cú ăn thua rất tầm thường của những
người từng hưởng nhiều danh lợi của chế độ, vì lòng tham chưa thỏa, họ lợi
dụng những yếu kém hiện thời của đất nước để chống đối. Những yếu kém, những tệ nạn là có thật, có điều, họ phê phán
sự sai trái lại bằng chính sự sai trái và một động cơ xấu.
|
ĐÔNG
LA
NGUỒN
CỘI
Thằng con vừa gọi điện về báo đã trở lại
nước Mỹ bình yên, thế là hoàn mỹ một chuyến về thăm quê nội ngoại sau 7 năm xa
cách.
Nó về SG ngày 13-5, về ngôi nhà tôi mới vừa làm xong được 6 tháng.
Tính tôi cái gì cũng tự làm hết, từ việc thiết kế cái bìa sách cho đến ngôi nhà này. Việc đầu tiên là phải đến nhà ngoại thắp nhang cho
ông mới mất.
Rồi về quê ở Long An viếng mộ ông bà ngoại và dòng tộc, đặc biệt
viếng một ngôi mộ chôn ở góc sân một nhà thờ, đó là mộ ông 9, Cha Nguyễn Thái
Sanh, em ruột ông ngoại, vốn là Cha Sở Nhà Thờ Chí Hòa, SG.
Ông từng là cha
tuyên úy, mang lon sĩ quan ngụy, sau giải phóng bị đi tù 12 năm ở vùng rừng
núi biên giới phía Bắc, một lần suýt chết vì đói quá ăn phải trái cây độc.
Hôm ông được thả về, tôi là người ra mở cổng, thấy ông xơ xác, xách cái va-li
bị trộm nó rạch một nhát; còn ông thấy tôi thì quá ngạc nhiên. Sau này ông
tâm sự: “Tao tưởng Việt Cộng nó chiếm nhà tao”. Về nhà thấy cháu dâu trưởng
không đạo, còn vợ tôi, đứa cháu gái mà ông yêu quý nhất, đích thân ông nuôi
dạy cho ăn học trong trường dòng, lại đi lấy một thằng đã không đạo mà còn là
Việt Cộng, ông lập tức kêu ông anh từng làm chủ nhà máy xay lúa ở Mỹ Tho, sau
giải phóng phải về quê trồng khoai mì, lên “làm việc”.
Ông bắt chúng tôi phải
cưới lại trong nhà thờ, xong ông khuyên tôi theo đạo. Tôi trả lời: “Con bận
lắm”. Ông bảo: “Thôi thì tùy, ráng sống tốt cũng được lên Thiên Đàng”. Có
điều lạ, đi tù khổ vậy, nhưng ông rất quý mấy người quản giáo, những ông “cai
ngục” người Bắc, và còn lạ hơn là ông rất quý tôi. Những bữa tiệc gia đình,
ông thường bắt kêu tôi đến bằng được, còn mấy “ông” cháu ruột thì ông
mặc kệ. Là linh mục, ông quả đúng là rất nhạy cảm và tâm lý, ông luôn nhìn
xuyên qua vỏ bọc để thấy tâm hồn con người. Ông bảo tôi bướng nhưng tốt và
ông cũng phải công nhận là tôi có tài, từ hai bàn tay trắng, sau bao tai
ương, hơn 40 tuổi tôi đã xây một cái nhà bề ngang 8,5m, và làm cho cuộc sống
đứa cháu yêu của ông “sướng nhất nhà”.
Ông quý 2 đứa con tôi ra mặt, không sợ
đứa khác ganh tỵ. Nhà vợ tôi còn có một ông chú 10, em út cha vợ tôi, cũng là một sĩ quan ngụy, vợ con đã đi Mỹ, đợi lâu rốt ruột, một lần đã rủ cô em ruột vợ tôi có bồ bên Mỹ vượt biên, bị công an bắt giam mấy tháng. Rồi sau đó cũng đến lượt, hai chú cháu đã được đoàn tụ gia đình. Cô em vì chỉ có 2 chị em là gái, mẹ mất sớm, nên rất thương vợ tôi, cứ đòi bảo lãnh cả nhà tôi. Tôi vì còn "căm thù Đế Quốc Mỹ" nên không chịu nhưng mặc kệ vợ tôi muốn làm gì thì làm. Cuối cùng, đồng ý cho thằng con, đang học năm thứ 2 khoa Công nghệ Thông tin ĐH Bách Khoa, sang ở nhà dì nó, du học. Còn ông chú linh mục, ông thuộc diện được ưu tiên đi Mỹ nhưng ông không đi mà ở lại để "xây dựng đất nước", cụ thể là ông sửa sang rất nhiều và rất đẹp nhà thờ Chí Hòa, khi ông được bổ nhiệm làm cha sở. Ông đã đúng vì nhiều linh mục bạn ông sang Mỹ nói rằng họ thua xa ông. Tiếc là ở tuổi 70 , khi đang làm lễ, ông gục xuống, rồi
mất ít ngày sau đó. Con chiên xứ đạo ông cai quản thương ông vô cùng, coi ông
là một Cha tốt nhất. Đám ma ông có hàng trăm linh mục mặc áo tím đồng tế dưới
sự chủ tế của Hồng Y Phạm Minh Mẫn; và có lãnh đạo quận Tân Bình tham dự.
Ngày 20-5, do có sắp đặt từ trước, thằng
con tôi cùng toàn gia đình tham dự đám cưới đứa chị con cậu 2 nó. Cô bé này,
nhờ sự “đô hộ của cộng sản” và “sự phân chia thành phần có liên quan đến Mỹ
ngụy”, nó học xuất chúng, thi đậu thủ khoa ngành Công nghệ Sinh học, học xong
“bị” giữ lại trường, rồi lại bị “đẩy” sang Đức làm Thạc sĩ, rồi Tiến sĩ. Giờ
đang làm TS có tiền nên nó chọn chỗ làm đám cưới là Adora, mới xây ở đường Nguyễn
kiệm, có lẽ đẹp nhất SG. Thằng con tôi bảo: “Ở Mỹ cũng chỉ như vậy. Nhưng mắc
lắm. Dân thường đừng có mơ”.
Ngày 26, cả nhà tôi ra sân bay về Bắc,
ông anh ở quê đã thuê xe 7 chỗ, đợi sẵn ở Nội Bài. Sau vài tiếng, thú vị ở
chỗ, nhà tôi ở rìa làng, vậy mà xe chở được đến tận cổng, vì đường làng tôi
đã đổ bê tông hết. Hai đứa con tôi, hai bên nội ngoại đều rất quý, lũ em
chúng nó cả Nam
lẫn Bắc đều coi 2 đứa là thần tượng, nên sau 7 năm gặp lại, chú bác, cô cậu,
anh em gặp nhau vui mừng khôn xiết. Việc đầu tiên trở về ngôi nhà của tuổi
thơ tôi là việc hai bố con thắp nhang trước bàn thờ: ông nội tôi chết đã 40
năm, bà nội 70 năm, cha tôi 20 năm, và mẹ tôi gần 4 giỗ. Rồi tiệc tùng, gà,
vịt, thỏ,… bia, rượu tràn ngập; tiếng cười nói rổn rảng, kể cả la hét ầm ĩ.
Giờ hiểu Đạo Phật, tôi thật e ngại chuyện sát sinh. Tôi nhớ ngày xưa ông nội
cắt tiết gà thường nói “Hóa kiếp cho mày”. Nhưng từng trải qua thời kỳ đói
khổ, giờ có cái ăn, làm tiệc vui mừng xum họp mà lại kiêng cữ thì cũng không
phải. Thôi, chuyện giữ giới trọn vẹn là để dành cho các nhà tu, khi chết linh
hồn họ sẽ được ở cõi sung sướng hơn cõi người; còn tôi và gia đình cố gắng
làm người tốt, vẫn ăn mặn, cũng chỉ mong kiếp sau sẽ lại được làm người. Sáng
hôm sau, ông anh tôi dẫn đường, nhà tôi cùng mấy đứa cháu ra nghĩa trang thắp
nhang cho ông bà, đặc biệt thằng con tôi thắp nhang cho bà nội, người đã vào
SG bế nó 8 tháng, khi chia tay nó đi Mỹ, bà đã khóc mấy tháng.
Quê tôi, chỉ cách Hà Nội 60km thôi
nhưng vì không gần đại lộ nên vẫn là xứ xở “u tì quốc” hẻo lánh, không ngờ
nay cũng có khu du lịch là Đảo Cò, ở 1 xã phía Nam, cách nhà tôi 10km . Cả
nhà nhất trí đi thăm khu du lịch tại quê. Nơi đó ngày xưa là một hồ sen mênh
mông, giữa hồ có dải đất mà gia đình cô bạn gái thân nhất cùng học cấp III
với tôi tên là Ê sống trên đó. Cô bạn lớn hơn tôi 2 tuổi rất xinh, da trắng
tóc quăn như lai Tây, 1972, vừa học xong không hiểu sao đã lấy chồng. Tôi đã
di dự đám cưới tại nơi mà nay là Đảo Cò nổi tiếng đó, khi ra về chẳng hiểu
sao cứ khóc như mưa. Nay trở lại, hồ chỉ mênh mông nước, không còn một bông
sen nào, hỏi nhà người xưa thì cũng được biết "đã bị giải tỏa”; chỉ có cái khác xưa là
ven hồ um tùm cây cỏ có tràn ngập cò trắng và đủ các loại chim chóc. Phải tại
cả trái đất này đang biến động, chỉ còn quê tôi là đất lành nên chim chóc đã về
đậu kín hay không?
Ở quê vài ngày, gia đình tôi lên Hà Nội
với 3 việc: thăm người cô ruột 80 tuổi, người anh em duy nhất của cha tôi;
riêng tôi lên gặp bạn văn, tuy khá đông nhưng tôi chỉ gặp 2 người thân nhất
coi nhau như anh em, giờ đều đã làm to cả: Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch
Hội Nhà Văn VN; Nguyễn Hữu Sơn, Phó Viện trưởng kiêm Chủ tịch Hội đồng Khoa
học Viện Văn học; vợ con tôi và 2 đứa con thằng em trốn học đưa bác gái và
anh chị du lịch HN. Thằng con tôi hỏi: “Hà Nội có chỗ nào hay ba?”. Tôi bảo:
“Đi thăm Lăng Bác. Mày cứ yêu Bác Hồ cho tao, không lầm đâu. Càng ở Mỹ thì
càng phải yêu Bác. Mấy ông Tổng thống Mỹ không dốt mà nghe Bác thì nước mình
với Mỹ chơi với nhau từ tận 1920 cơ, đâu phải đánh nhau khốn khổ như vậy”.
Thằng con tôi: “OK!”.
Trước khi thằng con đi chơi, tôi gọi
cho Nguyễn Quang Thiều, Thiều hẹn giờ chiêu đãi nhà tôi, tôi bảo: “Thôi, tôi
dẫn thằng con đến chào ông thôi, rồi để nó về đi thăm Lăng Bác với mẹ nó và
mấy đứa em”. Nói rồi tôi ngồi taxi cùng thằng con đến chỗ NXB Hội Nhà Văn, 65
Nguyễn Du, nơi Thiều đóng đô. Dọc đường tôi nói chuyện vui: “Bọn Nhà văn nó
bảo Hội Nhà văn chuyển từ đường Nguyễn Du sang đường Đặng Trần Côn rồi!”.
Nghe xong, một lúc thằng con hiểu ra, nó cười chảy cả nước mắt. Tôi tiếp:
“Thằng cậu 5 mày nó cũng có khiếu nói, bữa trước nhậu nó bảo, mấy ông đừng có
tưởng chống Pháp, chống Mỹ là ghê
ghớm, về nhà vẫn phải thua mấy bà chống
nạnh đó nha!”. Đến NXB, Thiều ra, gặp lại thằng con tôi sau nhiều năm,
khen đẹp trai và chững chạc, hỏi thăm chuyện học hành, nơi ở, rồi khoe “hai
con chú cũng đang học ở Mỹ”…
Rồi thằng con tôi về đi chơi, Thiều rủ
tôi đi ăn phở, ăn xong đi uống cà phê, gọi Nguyễn Hữu Sơn đến, thế rồi cả 3
ngồi truyện trò, bàn bạc “kế hoạch phát triển văn chương VN”…
Rồi chúng tôi về lại SG, thằng con tôi
về lại Mỹ đi làm. Mỹ đang thất nghiệp thế mà nó học xong xin đi làm được ngay.
Có thể tại nó đậu xuất sắc, được thưởng huy chương. Nó khoe: “Học bên Mỹ dễ
lắm, con vừa học vừa ngủ gật vẫn được gần 4 chấm”. Tức điểm tuyệt đối.
Cuối cùng, chuyến về quê sau 7 năm du
học của thằng con tôi hoàn mỹ, và không thể làm gì hơn được nữa. Vợ tôi hỏi:
“Mày làm con ba mày có sướng không?”. Nó trả lời: “Sướng hơn nhiều người
nhưng vẫn thua một ít người”.
Có người comment bảo tôi sung sướng
quá mà không biết đến nhiều người còn rất khổ ở nước ta. Biết làm sao được,
tôi chỉ là một công dân bình thường nên làm sao lo được cho cuộc sống của
thiên hạ. Kể lại chuyện vui của gia đình tôi trên đây thực ra không phải để
tôi khoe giầu sang mà ý tôi muốn nói là, tôi không phải đảng viên, không phải
công chức, không được hưởng một chút xíu nào bổng lộc cũng như sự ưu đãi
của nhà nước, trái lại, còn chịu nhiều sự bất công. Nếu tôi cũng cay cú chuyện thua thiệt về danh lợi trên con đường công chức, có lẽ phải ngay từ 1989, khi bị cướp công, tôi đã dấn thân "đấu tranh cho dân chủ rồi". Nhưng tôi không ngu ngốc thế. Tôi hiểu đất nước mình yếu kém như cha mẹ mình yếu kém vậy. Sự yếu kém có trong tất cả mọi người và trong chính mỗi chúng ta. Không thể so sánh với các nước phát triển được, vì từ mấy trăm năm trước họ đã có những nhà bác học đưa ra những phát minh vĩ đại, đã có công nghệ, còn nước ta chỉ mới cách đây hơn nửa thế kỷ thôi còn chết đói, mất nước và chìm trong đêm dầy u tối lạc hậu của xã hội phong kiến. Từ khi nước ta "đổi mới" rõ ràng xã hội ta thay đổi quá nhanh, cũng chính vì thế mà có nhiều lộn xộn, do cơ chế vận hành xã hội còn khiếm khuyết và nhiều cái không còn phù hợp. Cái cần nhất bây giờ chính là làm sao hoàn thiện được cái cơ chế vận hành xã hội đó chứ không phải là việc gây rối, làm loạn. Còn trong nền kinh tế thị trường này nếu ai có khả năng, biết phấn đấu vươn lên, thì chả có nhà nước nào cấm ta sung sướng cả.
Gia đình
tôi, tuy không phải đại gia, nhưng thực sự đã “làm theo năng lực, hưởng theo
nhu cầu”, cái điều tưởng hoang đường nhưng lại đúng là sự thật. Vì khi có nhà cửa,
công ăn việc làm, sức khỏe tốt, thì nhu cầu thực sự của mỗi người không phải
là điều quá cao siêu. Giờ tôi muốn làm gì thì làm, muốn ăn gì thì ăn, muốn
uống gì thì uống, trong khi tôi thực sự chả là gì cả. Thì ra Chủ nghĩa Cộng
sản “Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” cũng chả phải là điều không
tưởng. Còn những người nghèo khổ, ngoài những người trực tiếp bị đối xử bất
công, bị oan khiên (như bà Ba Sương chẳng hạn) mà vẫn bị nghèo khổ thì nhà
nước đâu có cấm họ làm giàu đâu. Phải chăng họ khổ vì khả năng họ có hạn, và
nói chung họ có số phận không may mắn, như bệnh tật, yếu đau, con đông và theo đạo Phật, họ phải trả nghiệp cho kiếp trước… còn
nói như mấy ông “rân trủ”, tất cả đều do sự đô hộ của Đảng Cộng Sản thì rõ ràng
không đúng!
TPHCM
3-6-2012
ĐÔNG LA
|