Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012

Kỷ niệm với anh Nguyễn Thái Sơn

            Đã viết sắp xong bài mới về Trần Mạnh Hảo. Chắc bạn đọc không thể ngờ rằng, mỗi lần viết về TMH, lòng tôi đầy áy náy. Tôi đã từng ước tôi và TMH có mối thâm thù để tôi có thể thoải mái viết về TMH. Ngược lại giữa tôi với TMH lại có kỷ niệm khó quên qua Nhà thơ CLV mà bài viết nhỏ này có nhắc đến!
          Nếu chỉ là chuyện giữa tôi và anh Sơn thôi thì tôi chẳng viết ra làm gì cho mệt cả tôi lẫn mọi người. Nhưng kỷ niệm này là chuyện chung của tôi và anh với nhà thơ lớn Chế Lan Viên.
        Thoắt cái hai mươi năm có lẻ đã trôi qua rồi, khoảng năm 1988, hồi tôi còn ở khu tập thể của Viện Công Nghiệp Dược. Chuyện ăn ở chỉ là chuyện riêng nhưng nhắc đến nó là cả một trời kỷ niệm, nó có chút buồn cười và chút gì đó đăng đắng cay cay. Không phải vì là cán bộ nghiên cứu mà tôi được cấp phòng ở, mà lại được Dũng, một anh công nhân coi máy nước ở Viện, hứng chí nhường cho 1/3 căn phòng gần 60m2 mà anh vì làm trước rất lâu đã được cấp. Có người bảo Dũng sao tốt thế, cũng có người bảo sao ngu thế. Cả hai ý đều đúng, vì quả thật, về vật chất, chỉ khi nào người ta “ngu” quên mình đi thì mới tốt được thôi; nhưng có điều lạ, một người ở hiền như anh lại gặp ác, anh đã bị chết rất trẻ, một hôm tự nhiên lăn quay ra chết! Vậy đó, ở đời, tôi đã thấy không ít người “ở hiền gặp ác”, trái lại có nhiều kẻ “ở ác lại gặp lành”! Có phải vì thế mà loài người còn khổ mãi chăng?
        Khu nhà tôi ở là một viện bào chế cũ được thiết kế kỳ lạ, hành lang rất cao, phòng lại tụt xuống, nên cái mẩu phòng của tôi giống như một cái hố vuông. Ấy vậy mà cái hố tồi tàn đó lại được đón tiếp không ít danh nhân của nền văn chương VN, như nhà thơ Anh Thơ, các nhà thơ khác như Hoài Anh, Thái Thăng Long, Hoàng Hưng, Nguyễn Quốc Chánh, … và nhân vật của bài viết này: Nguyễn Thái Sơn. Đến nay, người già thì đã mất, người chưa già thì đã già, còn chúng tôi đầu xanh tuổi trẻ thì đã sắp hết tuổi trung niên. Có một điều buồn là có những người tôi từng rất yêu quý nhưng vì tính cách, vì “gu” nghịch nhau mà đã mỗi người mỗi ngả. Chỉ một người rất ít gặp, nhưng vì tôi hay nhớ tới CLV, mà đã nhớ tới CLV là phải nhớ đến anh, đó chính là Nguyễn Thái Sơn, đơn giản là vì giai đoạn cuối đời ông, tôi và anh cùng ở sát bên.
       Chuyện bắt đầu từ một hôm, khi nghe tiếng gõ cửa, tôi mở ra thì thấy một người đàn ông cao lớn thái độ rất trịnh trọng như hỏi về một người lớn tuổi hơn mình: “Xin anh cho hỏi thăm anh Đông La, tôi được Nhà thơ Chế Lan Viên giới thiệu”. Tôi hơi buồn cười vì nghĩ ông này chắc tưởng mình không phải là người cần gặp. Tôi tự giới thiệu rồi mời anh vào nhà. Lúc này tôi chưa biết anh là ai, nhưng là dân nghiên cứu tò mò nên sau đó tôi điều tra ngay, thì ra anh từng làm thơ và được giải ở báo VN từ khi tôi còn là trẻ con, tuổi thì hơn đến 7 tuổi, ngoài xã hội thì già hơn thế “không là cái đinh gì” nhưng trong phạm vi một gia đình thì vai “anh Hai” rồi; mà anh hai của tôi đúng bằng tuổi anh thật, nhưng đã hy sinh từ 1968.  Tôi đã từng vài lần dùng bút danh Nguyễn Huy Sơn mong tên người anh liệt sĩ thành bất tử, nhưng nhận ra cái bút danh chính, mượn cả tên làng quê còn chưa thấy đâu thì làm sao tôi làm tên anh tôi bất tử được, nên thôi. Và đúng đến cái giây viết đến chữ này đây tôi mới nhận ra sự trùng tên kỳ lạ, anh trai tôi cũng tên là Sơn; và kỳ lạ hơn nữa, một người xa tít ngoài HN cũng tên là Sơn kém tôi 4 tuổi, đầu những năm 90 thế kỷ trước cũng như anh NTS đã lần mò đến tận nhà tìm tôi, nơi ở thứ hai, trong một con hẻm ngoằn ngoèo, hun hút, cũng chỉ từ mấy bài viết, rồi coi nhau như anh em, nay đã trở thành Nhà Nghiên cứu Phê bình Văn học PGS TS Nguyễn Hữu Sơn rồi! Phải chăng cuộc đời đúng là có một sự xếp đặt huyền nhiệm? Như vậy, tôi có đến 3 người anh em tên Sơn! Ngoài đời và thơ thì NTS là “đại ca” nhưng trong quan hệ với CLV, tôi là “vai anh” vì tôi đến trước.
         Cái chuyện vai vế liên quan đến CLV cũng lắm chuyện buồn cười. Một lần vợ chồng con cái tôi đến nhà ăn giỗ ông thì chị Thanh (Phan Chấn Thanh, con út người vợ trước của ông) hơn tôi vài tuổi mời: “Mời chú thím vào xơi cơm”. Sau này trong mênh mông biển người, cũng lại có một sự sắp đặt huyền linh nữa, đứa con lớn của tôi học cùng lớp với con chị Thanh, hai đứa từng gặp nhau hồi nhỏ, vậy mà gặp lại nhau không biết, cả hai cùng được chọn vào lớp chuyên 50 đứa từ hơn 1000 học trò đủ điểm vào Trường PTTH khá có tiếng là trường Gia Định ở SG. Thằng con tôi cũng tếu táo nói với bạn nó: “Mày phải gọi tao bằng cậu vì ba tao chơi với ông ngoại mày cơ mà!” Bây giờ hai đứa đã ở hai phương trời khác nhau rồi, một đứa ở Đức, một đứa ở Mỹ! Gần đây đọc Nhà văn Nguyễn Đình Chính trả lời phỏng vấn có phần ngông: “Tôi có cái may mắn là được núp, được nhờ vả tên tuổi của cụ. Tôi sẽ còn tranh thủ và tiếp tục tranh thủ tên tuổi thân phụ của tôi. Có một ông bố như Nguyễn Đình Thi cũng sướng lắm chứ. Tôi là con đẻ của cụ, con đích thực, tôi có quyền đó”. (TT & VH, 13-2-09), tôi lại nhớ đến anh Phan Lai Triều, người con cả của Chế Lan Viên, không biết đời anh có “tranh thủ” được một ít nào cái danh của cha mình không, nhưng tôi biết chắc chắn anh đã hưởng nhiều cái gen hiền từ, giản dị, nhẹ nhàng đến mềm yếu của CLV, còn cái phần sắc sảo, đáo để của ông, anh nhường hết cho những người em; có lần gặp nhau tại nhà tôi, nhắc lại những kỷ niệm về cha, anh đã khóc rất nhiều làm tôi cũng khóc theo anh.
          Hôm nay ngồi nhắc lại chuyện anh NTS, ý chính là tôi muốn viết ra một nét rất quý trong cái phần “hiền từ” của tính cách Chế Lan Viên. Khi ông quý ai, ông còn muốn họ thân nhau để học hỏi lẫn nhau nữa. Vì thế anh đã bảo anh Sơn gặp để giúp tôi chăng? Chính ông cũng một lần bảo tôi: “Ông nên chơi với Trần Mạnh Hảo, cứ nói là tôi giới thiệu, ông nên biết mình đá trong một đội tuyển giỏi thì sẽ lên chân”. Nghe lời ông, một lần tôi đã cùng Ung Ngọc Trí (đã mất khá lâu rồi) đến nhà “đại ca” TMH (hồi đó chưa đổi vợ vẫn còn ở khu tập thể và cũng khổ như mọi người), được tiếp và còn được mời ăn cơm với canh cá nấu chua nữa. Tiếc là vì nhận thức quá khác nhau, tính cách quá khác nhau, tôi và “đại ca” không thể chung đường cũng như những người bạn “nghịch gu” nói trên.
        Còn với NTS, tôi nhớ nhất hôm CLV mổ ở BV Chợ Rẫy, sau khi thăm ông chúng tôi cùng ra về trên đường Nguyễn Chí Thanh, chợt anh bảo: “ĐL còn tiền không, mua cái gì ăn đi, tôi đói quá!” Tôi sờ túi thấy còn rất ít, mà lúc nào chả ít vì hồi ấy mới ra trường và cả xã hội đều khổ, tôi bảo chỉ còn đủ tiền mua hai ly sữa đậu nành thôi. Thế là hai anh em sà vào một quán cóc mua hai ly đậu nành ngồi nhâm nhi. Tôi hơi băn khoăn, ông này đi làm trước mình tất phải có vị trí hơn, sao lại không có tiền? Vài hôm sau thì tôi được biết ngay, Nhà văn Vũ Thị Thường bảo anh có đồng nào đã đưa hết cho bà để phụ vào việc chi cho ca mổ rồi! Tôi xấu hổ, xấu hổ vì không có nhiều tiền, xấu hổ vì tôi không tốt bằng anh Sơn, tôi không góp một xu nào cho ca mổ người mà tôi coi như cha mình, chính vậy mà trong túi tôi còn tiền mua hai ly sữa đậu nành!
        Nhà văn VTT than với tôi: “Cái cậu Sơn ấy tốt quá cơ, tốt đến mức không cho mình đáp lại một chút nào!” Bà kể những lần đưa cho anh ít trái xoài trong vườn hoặc quà bánh gì đó nhưng anh nhất quyết không nhận, còn tôi thì nhận tuốt. Tôi nhớ lần thằng con tôi 3 tuổi dẫn lên chơi khi Chế Lan Viên còn sống, nó đi trong vườn bị ngã lấm đất, ông đã múc nước rửa cho nó, rồi ông bắt anh chàng con rể tương lai lấy cái sào mà đầu đập dập ra như cái rọ để hái xoài, chính tay ông đã nhặt vào một cái túi cho thằng con tôi. Với NTS, tôi cũng ít đọc thơ anh, có lần tôi hỏi cô VTT về anh, cô bảo: “NTS làm thơ được thì nhà tôi mới quý, chứ ai cũng thân thì đâu có thì giờ”. Gần đây, sau khi công bố lại bài “CLV-Trong hồi quang của ký ức” trên Vanchươngviet, tôi có nhắc đến việc CLV quý NTS với tư cách người làm thơ, không biết anh có đọc không mà sau đó tôi ngạc nhiên thấy xuất hiện bài Xuôi chiều của anh. Tôi an tâm quá vì bài thơ hay ở chỗ sâu sắc và có tính khái quát cao, có nét trí tuệ; nhắc đến anh mà thơ anh dở thì đúng là trò khá phổ biến ở văn đàn ta, vì thân mà bốc thơm nhau nhí nhố. Sau đó lại thấy bài “Chim… chuột” của anh trên Vanchuongviet nữa thì tôi khoái chí hơn nữa, vừa đọc vừa buồn cười, rồi giật mình ngạc nhiên, sao chúng tôi lại có những bài có cách viết giống nhau, nhất là thao tác cấu tứ, dù hình thức thơ, câu chữ, chi tiết hoàn toàn khác nhau và cũng hoàn toàn không có trao đổi gì với nhau, chỉ đăng lên mới biết (xin xem bài Ngôi nhà của tôi và bài Chim sâu và chuột nhà của NTS cùng trên Vanchuongviet, tôi viết về con mọt thì anh viết về con chuột). Tôi viết nhiều thể loại, quan tâm nhiều lĩnh vực, viết nhiều kiểu thơ, nhưng tôi dành khá nhiều tâm sức cho sự đổi mới, bứt phá, phát huy tối đa cái đặc tính quý báu của thơ là “ý tại ngôn ngoại”, và tôi xin mạo muội gọi đó là “thơ hiện đại”, với ý nghĩa thông tục chứ không theo ý “chủ nghĩa” của lý luận văn học. Theo tôi, nếu độc giả ngày càng có văn hóa hơn thì thi sĩ cũng phải có kỹ thuật viết cao hơn. Nếu như sản phẩm công nghệ càng ngày càng gọn nhẹ, tiện dụng và đa dụng thì thơ ca cũng có nét tương đồng, cũng phải gọn nhưng lại phải đa nghĩa hơn. Tôi đã muốn dựng lên những bài thơ như những bức chân dung của tư tưởng và tình cảm, muốn làm sao đó có thể thể hiện được một cách súc tích nhất sự phức hợp của tâm hồn con người cũng như thế giới ngổn ngang ta đang sống. Những bài Những nhịp cầu, Những cái xác, Ngôi nhà, Con đường đã đăng trên Vanchuongviet là những ví dụ. Khi công bố những bài thuộc dạng này tôi đã được một số tác giả có trình độ cao về tri thức cũng như về nghề tâm đắc, chia sẻ, còn chúng có đến được rộng rãi với mọi người không thì thật khó, vì trình độ số đông ở ta còn chưa cao.
       Những bài của NTS mới đăng trên Vanchuongviet như Xuôi chiều, Chim sâu và chuột nhà có thể nói cùng chung một ngả đường với những bài trên của tôi. Hai bài của NTS đó, dưới lớp vỏ chữ đơn sơ, nhưng lại chứa đựng tầng tầng lớp lớp ý tứ.
          Trong mênh mông biển đời này, vì có duyên chúng tôi đã gặp, hay vì có những “tần số tâm trí” giống nhau như vậy, nên chúng tôi đã cùng tìm đến CLV và đã gặp nhau ở nơi ông? Tôi đã viết nhiều, có cả những bài nhăng nhít, không hiểu sao cái kỷ niệm đầy tình người, đầy tình văn chương cao quý như thế mà đến tận hôm nay tôi mới viết ra. Nếu mọi người đều đến với nhau vì tình nghĩa, vì học thuật như tôi và anh Sơn đến với CLV ngày ấy thì cuộc đời này đẹp đẽ biết bao! 
                                                                  
Bình Thạnh , 16-2-09
Đông La
Ngày đăng: 18.02.2009