ĐÔNG LA
VÀI
SUY NGHĨ VỀ CHỦ NGHĨA HIỆN ĐẠI
Trong lý luận văn học
nghệ thuật, chủ nghĩa Hiện đại là một khái niệm chỉ một loạt những trào
lưu nghệ thuật khác nhau, từ những chủ nghĩa: Ấn tượng, Tượng trưng, Biểu
hiện, Đada, Siêu thực, Lập thể, Trừu tượng, Hiện sinh... đến : tiểu
thuyết Dòng ý thức, tiểu thuyết Mới... Tất cả đều có một khuynh hướng thể
hiện ngược với chủ nghĩa Hiện thực. Cơ sở tư tưởng của chúng đều dựa
trên các trào lưu triết học duy tâm: Chủ
nghĩa Nietzche, thuyết Trực giác, Phân tâm học, Hiện tượng học, chủ nghĩa Hiện
sinh...Tất cả đều đề cao sự chủ quan, chống lại sự duy lý. Các nghệ sĩ
không thể hiện cái quan sát được mà thể hiện cái cảm thấy; không chỉ nhìn mà
chủ yếu là tưởng tượng; không cần theo logic thông thường mà theo logic của cảm xúc, nên (đặc biệt trong hội
họa và thơ ca) không cần đến ý nghĩa theo lẽ thường, không cần sự hiểu.
Trong
văn học và hội họa hơn một thế kỷ qua, các trường phái nối tiếp nhau xuất hiện,
tất cả đều có một lý do, muốn đưa ra được cách thức thể hiện con người và thế
giới sâu sắc toàn diện hơn. Nhưng lại cùng giống nhau ở chỗ là, muốn thể hiện đúng
hơn lại đều bằng cách làm cho hiện thực khác đi. Hiện thực đều bị bóp
méo, đập vỡ, xáo trộn và lắp ghép lại theo chủ quan của người nghệ sĩ .
Từ
khi phát minh ra máy ảnh, người ta cho rằng việc vẽ giống thật chỉ là sự sao
chép tầm thường vì không diễn đạt được sự vận động biến đổi của tình cảm và tâm
trạng. Chủ nghĩa Ấn tượng ra đời. Các họa sĩ cho rằng phải vẽ ngoài trời
mới thu giữ được những biến đổi không ngừng của ánh sáng, mới ghi lại được
những khoảnh khắc thoáng hiện của hiện thực sống động. Nhưng rồi nó lại bị chê
bai. Picasso nói: “Làm sao cái chốc lát đổi thay chập chờn bên ngoài
sự vật lại có thể là sự thật duy nhất mà người nghệ sĩ một đời theo đuổi.
Và, chủ nghĩa Lập thể hình thành. Với ý muốn thể hiện được “cái bên
trong” và cái “nhiều mặt” của sự vật, với một ngôn ngữ hội họa là
những hình khối, những mặt phẳng, trong một không gian ba chiều. Rồi đến lượt chủ
nghĩa Lập thể cũng lại bị chê. Rằng, đã coi thường hình thể hài hòa của tự
nhiên, biến tất cả thành những sơ đồ hình học thô kệch...Có một chủ nghĩa mà
tính “phá phách” của nó có lẽ được xếp đầu bảng, đó chính là chủ
nghĩa Đađa. Nghệ thuật của Đađa chính là nghệ thuật của sự phá vỡ
cái cũ; nghệ thuật chống lại trật tự tự nhiên để tạo ra một trật tự mới,
trật tự của những cái phi lý . Theo Arp : “Định luật của cái ngẫu
nhiên là định luật bao trùm lên tất cả mọi định luật”. Duchamp coi
thường sự sáng tác mang tính sao chép sự vật: “Điều tôi quan tâm là những ý
tưởng, chứ không chỉ có những vật thể nhìn bằng mắt thường”. Chủ nghĩa
Siêu thực thoát thai từ chủ nghĩa Đađa đã trở thành một trào lưu lớn
ảnh hưởng sâu rộng và dài lâu trong các lĩnh vực nghệ thuật.Trong Tuyên ngôn
siêu thực Breton cho “hình ảnh siêu thực” chính là sản phẩm trùng hợp giữa hai thực tế
khác nhau, một thực tế có thực và một thực tế có trong tiềm thức. Nó không phải
được tạo ra do lý trí mà do một tia sáng, một động lực siêu thực. Theo ông,
hình ảnh gợi cảm nhất là hình ảnh cực kỳ phi lý, phải thật khó giải thích
theo ngôn ngữ thông thường...
"Kỳ quan thiên nhiên" - tranh René Magritte (1953).
Nhưng đến lượt chủ nghĩa Siêu thực cũng
lại bị chê bởi một trong những chủ soái của một chủ nghĩa khác: chủ nghĩa Hiện
sinh, Camus viết : “Thật là một cuộc nổi loạn thực sự... Sự phủ nhân của nó với mọi cái là rõ
nét, sắc bén và đầy tính khiêu khích...”.
Tất
cả các trào lưu dù kỳ dị đến đâu cũng đều là sản phẩm của trí tuệ con người,
đều xuất phát từ những điều có thật của tâm lý, của tâm trạng, của cách nhìn và
cách biểu đạt của ngôn ngữ về thế giới. Chưa có thơ tượng trưng người ta
đã có cách nói xa xôi, nói gợi; chưa có thơ siêu thực người thi sĩ đã có
tính mơ mộng, cách nhìn liên tưởng chủ quan và thường có những trạng thái “xuất
thần”, cái lúc mà họ có được những câu thơ bất ngờ, trời cho. Ngay mỗi văn
bản thơ cũng được tạo nên bởi rất nhiều hình ảnh, được đặt cạnh nhau, nối tiếp nhau một cách ngắt quãng và bất
ngờ. Chúng không phải là hình ảnh siêu
thực, nhưng nếu xếp tất cả lại thì sự xuất hiện của chúng lại giống với cách
thức lắp ghép của mỗi hình ảnh siêu thực. Để diễn đạt một tình cảm, tâm trạng, dù siêu thực hay không, mỗi thi sĩ đều dùng một loạt hình ảnh khác nhau, nếu
để độc lập, không liên quan gì đến nhau. Vì vậy, tất cả những điều kỳ lạ trong
sáng tạo thực ra không có gì xa lạ. Thế nhưng, đối với sự thưởng ngoạn, mỗi một
trường phái của chủ nghĩa Hiện đại khi ra đời, bên cạnh sự đề cao luôn luôn có
sự chê bai, phỉ báng. Có lẽ, do khi tìm kiếm và đưa ra được phương thức biểu
đạt của mình, những nhà cách tân thường tuyệt đối hóa một cách cực đoan, thường
đẩy đến cùng tận, dẫn đến những áp đặt khiên cưỡng, cuối cùng biến sự sáng tạo
thành một sự sắp xếp cố ý, thành trò chơi. Họ đả phá những khuôn mẫu cũ, chê
bai sự cũ mòn, nhưng lại tạo ra một khuôn mẫu mới, một sự cũ mòn mới. Người ta
luôn tìm ra những giới hạn của những cái hiện có để rồi những người đi sau lại
tìm ra những giới hạn của chính họ. Trong quá trình diễn đạt cái cảm thấy, khi
cực đoan, người ta không diễn đạt cái cảm thấy từ cuộc sống mà là cái cảm thấy
từ sự tùy tiện, từ sự hư vô, bằng một ngôn ngữ riêng, hoàn toàn võ đoán một
cách chủ quan. Khi ấy, người ta sẽ đạt
được một tác phẩm hoàn toàn vô nghĩa và “một độ không của cách viết”.
Lúc đó nó rất dễ được đánh giá, hoặc là kiệt tác, hoặc là nhố nhăng !
Mỗi một trào lưu văn học ra đời, luôn có một
nền triết học dọn đường. Nhưng những nguyên lý triết học, dù có thể trái ngược
nhau, lại được xuất hiện và được xây nên từ những ý nghĩa của những phát minh
khoa học tự nhiên. Kandinsky, một họa sĩ trừu tượng lớn, phải thừa nhận
rằng, khoa học hiện đại đã tác động mạnh đến cảm xúc nghệ thuật. Trong các bài
giảng, ông không chỉ giảng về bố cục hội họa mà còn giảng về cấu tạo vật chất,
về nguyên tử, phân tử. Có điều, các nghệ sĩ thường không hiểu được sâu sắc và
bản chất đích thực của những lý thuyết khoa học, nên trong khi nhân danh khoa
học để đưa ra những nguyên lý mỹ học phản ánh thế giới một cách đúng đắn hơn,
họ đều đã không làm được vậy, mà họ thường chỉ đạt được một điều ở cấp độ thấp
hơn là, đã đưa ra được một ngôn ngữ nghệ thuật mới, có khả năng gây ấn tượng
hơn, nhưng có tạo được hiệu quả nghệ thuật hay không thì còn tùy, bởi trong
lĩnh vực tiếp nhận này, cái hay dở cũng hoàn toàn có tính tương đối. Nếu cho
việc phản ánh chính xác thế giới ta đang sống là chuẩn mực cao nhất của nghệ
thuật thì, khi nhìn vào lịch sử phát triển của nghệ thuật ta thấy có hai điều
chủ yếu. Thứ nhất, nếu cho thế giới chỉ tồn tại như mắt ta nhìn thấy và nghệ
thuật phải phản ánh đúng như thế, thì thực chất người ta cũng chỉ mới đạt được
một chủ nghĩa Hiện thực thô thiển. Còn nếu cho thế giới đích thực là cái thế giới bên trong, thế giới của những
sự vận động hỗn loạn tuân theo thuyết vô định luận, và nghệ thuật tương
ứng là các trào lưu nghệ thuật hiện đại đã dẫn, thì người ta cũng không phải đã
thể hiện đúng được bản chất thế giới, mà thực chất chỉ tạo ra được những sản
phẩm của sự chủ quan cực đoan. Thực tế,
hiện thực của tự nhiên và đời sống phong phú và phức tạp đến nỗi, so với nó,
tất cả những “sáng tạo” nghệ thuật của con người chỉ đáng là những trò tưởng
tượng thô lậu giản đơn, và nhiều giáo lý
cũng chỉ như những câu chuyện cổ tích mà thôi! Thế giới luôn vận đông biến đổi,
nhưng là vận động biến đổi trong vô vàn những quy luât, kể cả sự bất định
và sự kỳ dị cũng đều ở trong những quy luật ấy. Như thời gian chỉ co lại
khi vật thể chuyển động với vận tốc vô cùng lớn; và một ngôi sao chỉ trở thành lỗ
đen, trạng thái vật chất bị nghiền nát, khi nó bị tắt và có một khối lượng
đủ lớn. Cuộc sống con người tồn tại trong một thế giới với những điều kiện nhất
định, tất cả đều được tạo dựng lên từ những yếu tố cơ bản trong vô vàn quy
luật, nó hình thành và tồn tại trong một sự cân bằng : Trong mỗi sự tĩnh tại
đều chất chứa sự vận động và mọi vận động cũng lại tuân theo những quy luật bất
di bất dịch. Nếu văn chương nghệ thuật, một sản phẩm của tư tưởng và tình
cảm con người, chỉ được coi là đích thực, tiên tiến, khi thể hiện được đúng đắn
bản chất cuộc sống, thì phải là loại văn chương phản ánh được điều đó. Đó là
loại văn chương tăng cường sự chủ quan, phát huy tối đa cái nhìn độc đáo, riêng
biệt, nhưng không phải xuất phát từ sự
tùy tiện, từ sự hư vô, mà là cái nhìn vừa bao quát vừa sâu sắc từ chính cuộc
sống. Theo tôi, nếu đặt tên thì nó cũng là một chủ nghĩa Hiện thực, nhưng là chủ
nghĩa Hiện thực khoa học, chủ nghĩa Hiện thực hiện đại.
Bình Thạnh
7-5-1999
(Phụ san Văn Nghệ
Quân Đội, số 36, 1999)