ĐÔNG LA
VÀI TÂM SỰ
SAU “THƯ NGỎ”
Viết
“thư ngỏ”, gởi xong, tôi không quan tâm đến nữa, bởi đã theo lời Phật dạy, còn
chấp cái gì đó ta sẽ khổ, mà cuộc đời còn bao niềm vui, tội gì phải khổ. Khổ
nỗi, sau khi lethieunhon.com đăng, điện thoại cứ tít tít, anh em bè bạn cứ tíu
tít bảo vào đọc đi, mấy bậc đàn anh thân thiết thì mắng: “Mày tiếng là thông
minh mà ngu thế, với thằng đó người ta thì chạy hết còn mày lại dây vào”. Đúng là như anh Vũ
Ngọc Tiến nói, tất cả chỉ vì cái tính cả nể. Nghĩ sâu xa, quả là cái tính cả nể
tiểu nông tai hại thật, nó tạo nên vô vàn màn kịch ứng xử trong xã hội, tạo nên
bao giá trị giả, bao nhân cách giả, bao tài năng giả. Phải chăng chính nó tiếp
tay nhiều tệ nạn khác làm đất nước mình thụt lùi! Tôi định sẽ không đọc lại bài
của mình nếu được đăng và cả bài “phản đòn” của Triệu Xuân nếu có, dù biết chắc
TX sẽ chối phắt. Từng viết ra hàng chục cuốn sách, làm gì không bịa ra được một
bài để cứu vớt danh dự. Tôi lấy một ví dụ. Khi làm xong báo, TX muốn chiêu đãi
tôi. Trước nay, vì thấy cả nhà TX từng đông gần gấp 2 nhà tôi mà chỉ ở trong
một căn hộ chỉ rộng hơn phòng khách nhà tôi một tí thôi, nên từng nói: “Đi nhậu
tôi sẽ trả tiền đến khi nào ông xây được nhà riêng thì thôi”. Lần này cũng vậy,
tôi hỏi tiền công biên tập của tôi 1 cuốn sách, TX bảo chưa có, nhưng khi thấy ý tôi muốn
lấy tiền đó để chiêu đãi, TX đã tạm ứng. Cái việc như vậy mà TX đã coi y như
một chiến công của lòng tốt, một sự hy sinh cho bạn bè, cứ kể công hoài và còn dám
nói với người thân của tôi là đã trả tiền công làm NS Văn chương Hồn Việt sòng phẳng. Thật buồn quá! Thực tế, chỉ khi đã
xung khắc, TX đưa tôi 1 triệu đồng nói là tiền công. Tiền nói chung là rất quý,
nhưng nếu nó bị nhuộm bẩn bởi toan tính thì tôi rất ghê nên đã không nhận.
Nghe
mọi người, tôi mở lethieunhơn.com coi lướt, rất vui vì thấy nhiều người đồng
tình. Còn bài TX tôi chỉ đọc cái đầu đề, TX bảo tôi tráo trở là rất đúng đấy, vì
hôm qua còn cụng ly, còn tay trong tay rưng rưng, còn thề non nguyện biển cho
sự truyền bá vẻ đẹp tuyệt vời của văn chương, thì nay đã quay ra chửi nhau như hàng
tôm hàng cá. Có điều sự tráo trở chỉ đúng ở hình thức thôi, nếu TX hiểu thực
chất tôi không bao giờ tin và trọng TX cả, thì thái độ của tôi hôm nay vẫn là thủy
chung như nhất. Tôi liếc qua, thấy hình như TX có bảo tôi uy hiếp gì đó thì cũng
rất đúng, nhưng TX không hiểu đó chính là lòng tốt cuối cùng của tôi đối với
TX, tôi muốn TX sợ để mà “nhường” tôi, để tôi không phải "đánh TX", làm cái
việc không muốn làm. Tiếc là lần này TX không thể vượt qua được lòng tham danh,
tham quyền, tham tiền nên đã thách thức tôi. Cung Mệnh trong lá số Tử Vi của
tôi có ngôi sao Kình Dương thì làm sao tôi có thể chịu khuất phục. Tôi buộc
phải viết ra sự thật. Vì viết về nhân cách con người, lương tâm tôi không cho phép
tôi viết sai, nên mỗi một sự việc tôi đều đưa ra chứng cứ và tên người cụ thể như
những nhân chứng. Thật tiếc cho TX, rất khôn ngoan mà chuyện này lại không khôn
tẹo nào. Tôi nói với vợ: “Tôi đã ra một bài toán cho thằng cha TX, buộc nó phải
chọn giữa lòng tham và danh dự, và nó đã sai khi chọn lòng tham”. Bởi vì khi
tôi đã viết ra mọi chuyện thì cái danh dự cả đời che đậy sơn phết sẽ không còn
mà lòng tham liệu có bảo toàn được không, bởi sau vụ này thì một người bình
thường chẳng ai còn dám vác mặt đi đâu chứ nói gì đến chuyện tiếp tục làm báo! Nhưng
với TX cần phải chờ xem vì tôi từng nói, TX có khả năng nhẫn nhục một cách “vĩ
đại”, sẵn sàng chịu đựng tất cả, miễn được việc cho mình.
Viết
xong “thư”, thực lòng tôi vẫn không muốn gởi đến các cơ quan chức năng. Trong
quan hệ với TX, không phải tôi chỉ có mất, TX từng ủng hộ tôi in cuốn Biên độ của trí tưởng tượng, giới thiệu
phát hành sách, in tác phẩm của tôi trên trang web cá nhân, và khi làm VCHV, tôi
được in những tác phẩm tâm đắc; tôi cũng giới thiệu và in được thơ cho anh em
bạn bè ở chỗ TX. Vì thế, tôi đã gởi cho những người lớn tuổi, trình độ cao, có
người là bạn của TX và chỉ là người quen của tôi thôi, tôi mong mọi người khuyên
TX và can ngăn tôi một cách có lý để tôi không gởi “thư” đi, vì đấm người một
quả còn đau tay huống hồ đấm một cú chữ nghĩa như thế làm gì tim tôi không đau!
Không ngờ chẳng ai can ngăn, tất cả đều đồng tình, kể cả “bạn” TX, có người còn
khen tôi có khí phách! Một ông anh viết thư đọc rất vui, nhưng thâm thúy như
thơ anh vậy: “Tôi đọc thư ngỏ hai lần, rất thông cảm, nhưng không bất ngờ,
không ngạc nhiên, không có gì mới”. Ngay vợ tôi, một tín đồ Thiên Chúa giáo, có
chú ruột và em ruột là linh mục, tưởng tối ngày đi nhà thờ phải dễ tha thứ, nào
ngờ cũng la tôi: “Ông cứ lo nó đau, thế nó làm ông đau thì sao!”. Vì ở gần nên
vợ tôi thấy rõ nỗi đau của tôi, đúng như tôi đã nói với TX, tôi làm Tạp chí như
thực hiện một cuộc tình, TX mà cắt ngang là tôi sẽ rất đau! Tôi còn thiêng
liêng hóa nó nữa, khi in hình và thơ của Chế Lan Viên, tôi đã thầm nói với linh
hồn ông rằng: “Chú CLV ơi, chú có ngờ rằng hôm nay cháu lại ngồi biên tập để in
thơ của chú không?” Khi tạp chí ra, tôi bảo TX là tôi sẽ về mua trái cây, đặt
cuốn tạp chí lên bàn thờ, thắp hương báo với ông bà, cha mẹ tôi, báo với cô Anh
Thơ và chú CLV, hai người đã mở cánh cửa văn chương cho tôi, mong các bậc đã
thành thần tiên phù hộ cho tôi và TX. Vậy khi TX đạp lên tất cả thì tôi còn gì
phải day dứt nữa.
Tôi không
đọc bài TX “phản pháo” vì không muốn đôi co, mà nếu TX có chối, có dựng chuyện,
bôi bẩn, tôi cũng không ngạc nhiên và phải thông cảm thôi. Điều tôi bất ngờ
nhất ở “vụ” này lại chính là về Lê Thiếu Nhơn. Viết xong “thư”, anh em bạn bè bảo,
cái này chỉ nước ngoài may ra mới đăng thôi, nên khi gởi lethieunhon.com tôi cũng
không hy vọng gì, vì thực chất Lê Thiếu Nhơn phải quen thân TX hơn tôi chứ. Tôi
mới chỉ gặp Nhơn duy nhất một lần trong bữa tiệc Nguyễn Quang Thiều vào Sài Gòn
chiêu đãi, lần thứ hai thì chỉ trông thấy Nhơn trong lễ ra mắt NSVCHV. Tôi cứ nghĩ
Nhơn thanh mảnh nhẹ nhàng thế thì sao mà dùng bài gai góc của tôi được; nhưng
khi thấy một ông anh báo Nhơn nó đưa lên rồi, thằng bé này nó giỏi quá, khéo quá.
Tôi thật ngạc nhiên và xúc động. Những ngày này, đêm tôi khó ngủ, lại đúng dịp dư
luận ồn ào về bài viết của Trịnh Cung về Trịnh Công Sơn, tôi “đao” mấy bài thuộc
“ca khúc da vàng”, cắm tai nghe chính giọng TCS hát. Giữa nền đêm tĩnh lặng,
tiếng hát của người nhạc sĩ quá cố như vọng từ thế giới bên kia, ông hát về
chiến tranh, về “tiếng ru” của đại bác, về đủ kiểu chết chóc,… những điều phi
lý nhất của cuộc sống loài người, mà tôi nghĩ chính lòng tham là cội nguồn sâu
xa nhất. Nước mắt tôi đầm đìa, tôi không khóc vì nội dung quá quen thuộc của bài
hát mà khóc vì cái khí phách của người nhạc sĩ tài hoa mình hạc xương mai, đa
sầu đa cảm, cả nghĩ; tôi chợt giật mình nhận ra, cái chú bé Lê Thiếu Nhơn có nét
giông giống TCS cả về hình dáng lẫn khí phách. Khi đăng cái bài bé con con của
tôi, Nhơn đã xé toang cái lưới cả nể nhùng nhằng từng trùm lên quan hệ xã hội ta
từ bao đời, gây ra biết bao điều tệ hại!
Xin
cảm ơn Nhơn, cảm ơn anh Vũ Ngọc Tiến và những anh em đồng tình với bài viết của
tôi. Còn các vị hay tham luận kiểu ném đá giấu tay, tôi chỉ khuyên một câu
rằng, không phải cứ mạnh miệng chê người là mình sẽ thành tài năng; trái lại, chê
bai vô căn cứ sẽ bộc lộ sự đố kỵ nhỏ nhen, sự vô học của chính mình. Còn nói
thực, muốn khen được những bài tôi viết liên quan từ khoa học, triết học đến lý
luận văn học cần phải có tài đấy! Không ít người bạn tôi là PGS, TS (cụ thể là
ở trường KHXH&NV TPHCM) sau khi đọc những bài tôi viết về triết học, về chính
chuyên môn của họ, còn thú nhận rằng, không thể hiểu hết những điều tôi viết. Điều
này hoàn toàn hợp lý thôi, vì trong những bài của tôi có cả những lĩnh vực các
vị không học, nhất là về khoa học tự nhiên, thì làm sao các vị hiểu được, sự không
hiểu là điều bình thường, các vị không dốt.
TPHCM
15-4-09