Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2012

ĐẤU TRANH TRÁNH ĐÂU


ĐÔNG LA

ĐẤU TRANH TRÁNH ĐÂU(*)

(VỀ VIỆC PGS. TS. LÊ TRỌNG ÂN BỊ KỶ LUẬT KHI VIẾT PHÊ BÌNH, 
GÓP Ý SÁCH GIÁO KHOA TRIẾT HỌC)

      Cái chuyện “ĐẤU TRANH TRÁNH ĐÂU” tưởng chỉ có ở thời quan liêu bao cấp, “gọi dạ bảo vâng” xa xưa, vậy mà lại xuất hiện ở những ngày hôm nay, ngay trong môi trường tri thức là ngành Giáo dục. Một ông Phó Giáo sư chỉ vì viết phê bình sách giáo khoa triết học mà bị kỷ luật!


         Trên Tạp chí Triết học số 7 (230) năm 2010 có bài Đổi mới giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin trong các trường đại học, cao đẳng – một vấn đề cần được xem xét cẩn trọng của PGS. TS. LÊ TRỌNG ÂN và TS. TRẦN CHÍ MỸ thuộc Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, phê phán Giáo trình những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngày 2-9-2010, TS. Phạm Văn Sinh, một trong hai người chủ biên, viết đơn gởi từ Trung ương cho đến Bộ Giáo dục, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Cục Báo chí, Viện Triết học, Tạp chí Triết học, tố cáo hai tác giả trên và Tạp chí Triết học có “quá nhiều sai sót về kiến thức... về quy trình biên tập, duyệt đăng bài...” và đã “xuyên tạc” lời nói của ông tại lớp bồi dưỡng giảng viên các môn lý luận chính trị, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức năm 2009 tại TP. Nha Trang; đề nghị “Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Tổng biên tập Tạp chí Triết học… cung cấp bằng chứng (bản ghi âm)” lời ông nói. Ngày 7-9-2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gởi công văn cho Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, đã cho PGS.TS. Lê Trọng Ân và TS. Trần Chí Mỹ “đưa quan điểm cá nhân thiếu thiện chí đối với Giáo trình... hai giảng viên nói trên cũng đã có phản ứng tiêu cực, tự ý bỏ ra ngoài Hội trường trước sự bất bình của nhiều giảng viên tham dự lớp tập huấn... và đưa thông tin xuyên tạc trên diễn đàn báo chí” rồi “đề nghị Trường... chỉ đạo” giảng viên Lê Trọng Ân và TS. Trần Chí Mỹ cung cấp bằng chứng (băng ghi âm), cuối cùng chỉ đạo Trường “tổ chức họp với các cá nhân có liên quan, nghiêm túc xem xét kiểm điểm trách nhiệm về tinh thần tham gia lớp tập huấn và việc đưa thông tin sai lệch”. Ngày 17-9-2010, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã chấp hành ra “Quyết định kỷ luật” PGS. TS. Lê Trọng Ân. Ông Mỹ không bị gì do phân bua được là ông không liên can.

       Trên đây là những nét chính toàn bộ vụ việc. Tôi thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hành động không đúng.

         Thứ nhất, Bộ chỉ nghe một phía ông Phạm Văn Sinh, trong khi còn đợi cung cấp bằng chứng đã quy kết sai phạm ngay.

      Vậy thực tế ông Lê Trọng Ân đã “trích dẫn xuyên tạc” ra sao?

     * Câu 1: “Tiến sĩ Phạm Văn Sinh (Đồng chủ biên) đã long trọng tuyên bố: “Quy trình tổ chức biên soạn giáo trình và quy trình nghiệm thu Giáo trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin… đã được thực hiện rất là nghiêm túc... là một công trình khoa học đặc biệt cả về tính pháp lý... thể hiện ở chỗ, đó là công trình khoa học cấp quốc gia đã được góp ý, sửa chữa năm lần và được nghiệm thu đến hai lần, nay chính thức được phổ biến, giảng dạy thống nhất trong toàn bộ hệ thống các trường đại học, cao đẳng trên phạm vi cả nước; các thầy - cô giáo ở các trường cứ thế mà thực hiện! Còn điểm đặc biệt về chuyên môn là ở chỗ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lựa chọn rất cẩn thận trong số các nhà khoa học có uy tín và các chuyên gia đầu ngành có kinh nghiệm... để biên soạn… với một tinh thần khoa học nghiêm túc và sự nỗ lực rất cao”. 

          Tôi thấy trên đây đều là những điều tốt đẹp cả, không lẽ ông Sinh lại tố cáo ông Lê Trọng Ân xuyên tạc mình “tốt đẹp” trong khi thực tế mình xấu xa sao?

          * Câu 2: “Tiến sĩ Phạm Văn Sinh đã thản nhiên giải thích bằng lời lẽ kẻ cả, với thái độ miệt thị hết sức rõ ràng đối với các thầy - cô đã nêu các câu hỏi trên rằng: “Thầy - cô giáo ở trường nào mà nêu câu hỏi thắc mắc như thế là tư duy kiểu nông dân. Thế giới quan triết học của chủ nghĩa Mác - Lênin là gì? Phương pháp luận triết học của chủ nghĩa Mác - Lênin là gì ư?... Nó nằm ở 3 chương trong Phần thứ nhất của Giáo trình chứ ở đâu mà tìm không ra…(!)”. 

      Phần này ông Lê Trọng Ân nếu có sai quả là sai ở chỗ đã cho thái độ của ông Sinh là “kẻ cả”, “miệt thị” và cho người hỏi mình có “tư duy kiểu nông dân”. Vậy thì cũng chỉ là chuyện vặt! Vì đã có khoảng thời gian dài Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn toàn không tỏ thái độ gì trước một việc tương tự, khi ông Trần Mạnh Hảo viết một loạt bài phê phán sách giáo khoa, đã từng có thái độ quá khích hơn nhiều khi cho PGS. Nguyễn Lộc: “bịa ra”, “xuyên tạc văn bản”; GS. Hoàng Như Mai: “áp đặt tùy tiện”; PGS. TS. Lê Ngọc Trà: “ấu trĩ”, “sai trái quá ư hệ trọng”; TS. Huỳnh Như Phương: “suy diễn bạt mạng”; PGS. TS. Trần Hữu Tá: “hết sức ấm ớ”… Trên nghị trường một nước nào đó còn có những ông nghị cãi nhau bằng miệng chán đã vật nhau nữa cơ mà!…

         Thứ hai, Bộ đã chấp thuận yêu cầu vô lý của ông Sinh về việc đòi ông Lê Trọng Ân và Tạp chí Triết học “cung cấp bằng chứng” là “băng ghi âm”. Đây thực sự là kiểu “bắt bí” nhau, bởi ông Ân là một học viên đi nghe tập huấn chứ có phải là công an đi điều tra đâu mà có sẵn máy ghi âm để ghi lại lời của ông Sinh! Một người bình thường tất đều nghĩ khi tranh luận về học thuật với một ông Tiến sĩ Triết thì việc đúng sai về tri thức mới là quan trọng chứ có ai nghĩ ông Sinh lại lái sự việc sang lĩnh vực hình sự. Như vậy có sự vu cáo hay không là chuyện riêng của hai ông Lê Trọng Ân và Sinh, ông Lê Trọng Ân có bị tội hay không lại thuộc chuyên môn điều tra của bên công an chứ không thuộc chuyên môn của ngành giáo dục.

       Có điều tôi thấy chuyện này, nếu cũng “bắt bí” theo “võ” của ông Sinh, ông Lê Trọng Ân hoàn toàn có thể kiện lại Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề nghị Bộ cung cấp bằng chứng (băng ghi hình) về việc ông đã “tự ý bỏ ra ngoài Hội trường trước sự bất bình của nhiều giảng viên tham dự lớp tập huấn” như công văn của Bộ đã kết tội, vì thực tế ông đã không có hành động như vậy. Như thế Bộ tất cũng sẽ như ông Lê Trọng Ân không thể đáp ứng được. Ở thời hiện đại này, ở nước người ta, một ông Tổng thống như Bill Clinton đã phải điêu đứng chỉ vì một chuyện rất nhỏ, đó là chuyện những lời của cô thư ký Monica Lewinsky bị ghi âm bí mật bởi Linda Tripp, nói về những kinh nghiệm khẩu dâm với ông; còn ông Nixon phải từ chức khi vụ nghe trộm Watergate bị công bố... Còn ở ta, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo không cung cấp được bằng chứng cho ông Lê Trọng Ân, liệu cấp trên của Bộ có nhanh chóng cách chức ông Bộ trưởng như Trường Đại học KHXH và NV TP Hồ Chí Minh đã làm với ông Lê Trọng Ân không???

           Đặc biệt trong vụ việc này, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo coi trọng vấn đề tri thức hơn vấn đề thái độ cá nhân trong các cuộc cãi vã, thì việc xem xét bài viết của ông Lê Trọng Ân đúng hay sai mới là quan trọng, chứ không nên dùng biện pháp hành chính, chỉ đạo cấp dưới xử lý một cách thô bạo công việc phê bình học thuật nghiêm túc, một công việc tối quan trọng cho sự phát triển của một xã hội lành mạnh, hành động thể hiện một cách sâu sắc nhất bản chất dân chủ của chế độ.

        Còn ông Sinh, nếu là người coi trọng học thuật hơn chuyện đấu đá, ông phải viết bài phản bác lại ông Lê Trọng Ân công khai đàng hoàng trên Tạp chí Triết học, chứ không nên dựa thế cấp trên, trong thời buổi xã hội đã quá ngán cái quốc nạn đi ngang về tắt, kéo bè kết cánh, chụp mũ, chơi xấu nhau!

      Vậy bài viết của PGS. TS. Lê Trọng Ân thực ra là thế nào?

      Dựa trên những tiêu chí của một sách giáo khoa, Giáo trình phải là tài liệu chuẩn xác về nội dung cũng như về ngôn ngữ, PGS. TS. Lê Trọng Ân viết:

         “... chúng tôi, dù đã rất kiên nhẫn mấy tháng sau đợt “bồi dưỡng”... nhưng vẫn không sao “tiêu hóa” nổi. Bởi lẽ... từ ba bộ môn khoa học độc lập - ba bộ phận cấu thành Chủ nghĩa Mác - Lênin (Triết học Mác - Lênin, Kinh tế - Chính trị Mác - Lênin, Chủ nghĩa Xã hội Khoa học) đã được các “chuyên gia đầu ngành có kinh nghiệm” cắt bỏ không thương tiếc... một số phần quan trọng của ba bộ phận đó rồi “gom lại”... thành một môn duy nhất... gọi là Giáo trình Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin... đã không những không thể hiện được tinh thần “đổi mới” tư duy lý luận mà trái lại, nó còn quá nhiều sai sót...”.

         Đối với định nghĩa quan trọng nhất: Chủ nghĩa Mác – Lênin là gì? Giáo trình viết: “Chủ nghĩa Mác - Lênin “là hệ thống quan điểm và học thuyết” khoa học của C. Mác, Ph. Ăngghen... Thế nhưng, nếu nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin với tư cách là khoa học ...”.

       PGS. TS. Lê Trọng Ân đã phê phán viết như trên là: “tự mâu thuẫn... khi ở câu trên thì các tác giả khẳng định Chủ nghĩa Mác – Lênin… “là khoa học...” nhưng liền sau đó chuyển ngay sang giả định bằng cách sử dụng từ “nếu”...”.      

       Cũng về việc sử dụng sai từ ngữ, PGS. TS. Lê Trọng Ân đã chỉ ra các tác giả Giáo trình đã lẫn lộn giữa hai cụm từ “đối tượng của việc học” với “đối tượng của môn học”: “đối tượng của việc học”... chính là sinh viên, còn “đối tượng của môn học” là “những quan điểm cơ bản”, vì thế là hai khái niệm có nội dung hoàn toàn khác nhau”…

       Như vậy việc sử dụng ngôn ngữ không đúng dẫn đến những cách hiểu sai là điều không thể chấp nhận được trong một giáo trình, nhất lại là giáo trình triết học có rất nhiều khái niệm, chỉ vài từ thôi lại chứa đựng một lượng tri thức rất lớn.

        PGS. TS. Lê Trọng Ân còn phê phán Giáo trình nhiều chi tiết khác nữa nhưng phần quan trọng nhất chính là phần này:

         “Phần thứ hai của Giáo trình chỉ đề cập đến “Học thuyết Kinh tế của Chủ nghĩa Mác - Lênin về Phương thức sản xuất Tư bản Chủ nghĩa” và loại bỏ hẳn, loại bỏ hoàn toàn những tư tưởng, quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề kinh tế trong Chủ nghĩa Xã hội và Chủ nghĩa Cộng sản... làm cho học thuyết của Chủ nghĩa Mác - Lênin trở nên khập khiễng”…

       Theo tôi, phần viết về kinh tế này chính là phần quan trọng nhất và nhạy cảm nhất.

         Quan trọng vì Chủ nghĩa Mác - Lênin coi vật chất quyết định ý thức, tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội, cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng, lực lượng sản xuất quyết định quan hệ sản xuất.

        Nhạy cảm nhất là vì đến thời điểm hiện nay, giữa thực tiễn cuộc sống và cở sở lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin còn “vênh” nhau.

        Chính vậy, để soạn sách giáo khoa phần này đòi hỏi bản lĩnh tri thức của những nhà biên soạn có chuyên môn cao nhất. Trước thực tế các nước có nền kinh tế theo phương thức XHCN bị tụt hậu so với các nước có nền kinh tế theo phương thức TBCN, có lẽ ở đây phải cần tư duy của bậc “thầy”, không phải “thầy giáo” mà là “thầy tư tưởng”, mới đủ sức phân tích, giải thích thỏa đáng sự “vênh” nhau đó, và chỉ ra được giá trị vĩnh cửu của Học thuyết Mác - Lênin; để sinh viên có thể hiểu rằng, tại sao hiện nay ngay trong các nước Tư bản mà Mác vẫn được coi là nhà tư tưởng số một.

           Ở Giáo trình đang bàn, các vị đã không rút gọn mà là cắt gọt, tất sản phẩm làm ra khiếm khuyết và Chủ nghĩa Mác - Lênin trong đó không còn nguyên vẹn nữa. Việc này giống như việc họa sĩ vẽ chân dung một người, hoặc vẽ chi tiết hoặc vẽ ký họa. Người họa sĩ có tài khi ký họa, chỉ cần ít đường nét thôi, chân dung nhân vật vẫn hiện ra sống động. Còn các vị biên soạn Giáo trình không phải ký họa mà là cắt gọt hình ảnh, vậy làm sao nhận ra gương mặt khi đã mất một góc hay mất mắt, mũi gì đó?

        Thay cho việc cắt gọt trên, các nhà biên soạn viết hẳn một Chương IX: Chủ nghĩa Xã hội hiện thực và triển vọng (tr.467-491). PGS. TS. Lê Trọng Ân đã đề nghị bỏ hẳn chương này vì chỉ là “những ý kiến nhận định vu vơ... không đáng tin cậy”.

        TS Trần Chí Mỹ, trong một bài trên Tạp chí Triết học cũng cho Chương IX là “không cần thiết” vì “chỉ là ý kiến chủ quan, những nhận định, những kết luận vội vàng của một cuốn Giáo trình không đáng tin cậy, không thuyết phục”.

       Riêng tôi, lại thích nhất cái Chương IX này. Đã từ lâu tôi luôn tự hỏi, trước thực tế đời sống như vậy, không biết mấy ông dạy triết Mác - Lênin ra sao? Ở phần trên các vị biên soạn đã dở khi cắt gọt làm khiếm khuyết tri thức thì phần này tôi lại thấy các vị thật dũng cảm khi đã dám đối mặt và phân tích những vấn đề nhạy cảm, cái phần mà giữa lý luận và thực tiễn còn chưa khớp nhau; dù rằng, mới chỉ là những nét sơ lược, nhiều câu hỏi thực tiễn đặt ra còn phải rất lâu mới có người và có kết quả cụ thể trả lời. Mặt khác, đối tượng học triết là sinh viên, họ rất thông minh, tiếp thu tri thức một cách chủ động có suy xét chứ không bị động, nhất là tri thức triết học lại gắn liền với cuộc sống xung quanh họ.

        Ở Chương IX của Giáo trình, các tác giả đã trình bày khá toàn diện giúp người đọc nắm được những nét chủ yếu quá trình ra đời, phát triển, những thành tựu, sự khủng khoảng, cuối cùng là sự tan rã của một loạt nước XHCN. Các tác giả cũng đã khẳng định sự sụp đổ chỉ là sự sụp đổ của những mô hình cụ thể trong quá trình vươn tới mục tiêu XHCN chứ không phải là sự sụp đổ của Hình thái Kinh tế - Xã hội XHCN lý thuyết.

        Tuy nhiên sẽ thấy sự phân tích còn quá sơ lược và chưa thỏa đáng nếu so với loạt bài trên báo Nhân dân online: Những bài học từ sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô (http://www.nhandan.com. vn/tinbai/? top=45 & su b=84&artic le= 181537).

          Riêng tôi cũng thấy trong thực tế chưa có mô hình nào thực sự là XHCN cả, ví dụ Liên Xô thời Brezhnev, Trung Quốc thời Mao Trạch Đông, nguyên thủ quốc gia như một ông hoàng, vậy chế độ xã hội là nửa phong kiến nửa XHCN chứ chưa phải là XHCN.

        Theo báo Nhân dân online (http://nhandan. com.vn/tinbai/?top =45&sub =84&Article=181002), Brezhnev từ câu nói của Khrushchev: “Sự ổn định của đội ngũ cán bộ là sự bảo đảm cho thành công” đã phát triển thành chế độ chức vụ suốt đời, giúp cho tầng lớp đặc quyền sinh sôi. Đến thời “cải tổ” của Gorbachev, tầng lớp đặc quyền biến thành giai cấp tư sản mới. Khi đất nước trước nguy cơ tồn vong, họ đã công khai thúc đẩy vứt bỏ CNXH, theo CNTB, để hợp pháp hóa tài sản tham nhũng. Nhà kinh tế học nổi tiếng người Mỹ David Code có một câu nói chí lý: “Đảng Cộng sản Liên Xô là chính đảng duy nhất làm giàu trong tang lễ của chính mình”.

        Còn Trung Quốc? Có thứ CNXH nào lại có thể đẻ ra một cuộc cách mạng như Cách mạng Văn hóa?

         Như vậy, một quy trình thực hiện sai dẫn đến sản phẩm kém hoặc không ra sản phẩm thì cũng không thể nói được quy trình đó là kém. Có lẽ trong thực tiễn vẫn còn chưa có một kết quả cụ thể nào trả lời cho câu hỏi về tính ưu việt của chế độ xã hội. Phải chăng chỉ khi có một xã hội xây dựng đúng theo lý luận của CNXH với một cơ chế đảm bảo được tính công bằng và tính công minh thì có thể hy vọng một lúc nào đó sẽ có được câu trả lời cụ thể chăng?

         Còn việc các tác giả cho các nước Mỹ - La tinh đang là điểm sáng chứng minh xu hướng phát triển của CNXH thì chưa thỏa đáng, vẫn mang tư tưởng phe phái thời chiến trạnh lạnh. Những phân tích về thành tựu của CNXH hôm nay cũng chưa chứng minh được tính ưu việt của phương thức sản xuất XHCN so với TBCN. Tôi thấy các tác giả hay hơn khi viết rằng có những yếu tố XHCN xuất hiện trong lòng xã hội Tư bản. Điều này rất thú vị bởi nó càng chứng minh lý luận về Chủ nghĩa xã hội là khoa học, mang tính khách quan, vượt qua những áp đặt chủ quan của con người. Thực tiễn cũng đã chỉ rõ không phải cứ nhân danh XHCN là thành XHCN tốt đẹp và áp đặt TBCN là thành xấu xa! Các tác giả cũng rất đúng khi cho rằng xã hội Tư bản dù đã có nhiều mặt tốt phát triển, bản chất của CNTB vẫn không thay đổi.

         Như vậy, tôi không tán thành với ý kiến của tập thể cán bộ giảng dạy ở Khoa Triết, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh cho rằng phải bỏ hết Chương IX này, trái lại cần phải viết sâu hơn bởi “Lý thuyết là màu xám cây đời mãi xanh tươi”; và không thể không so sánh giữa lý luận với thực tiễn bởi thực tiễn là tiêu chuẩn kiểm tra chân lý.

      Nhân bàn về Giáo trình triết học Mác - Lênin lần này, không thể không nhắc đến việc cách đây dăm năm, một nhân vật rất “nổi tiếng” là Trần Mạnh Hảo đã viết một loạt bài trên các trang web: Đối thoại, Ý kiến, Vietland, Phong trào Dân chủ Việt Nam, Ánh dương, Phù sa, Cánh én, Lẽ phải, Thông luận, Việt báo, Thông tin Berlin, Mỹ Linh (www.nv 1info. com/ mylinhng.ht m), http:// www.vnn-news.com/, http:// www.vnfa.com/ ...  kết tội Các Mác là “chống lại nhân loại”; “phản động vô cùng tận”... Chưa hết, Trần Mạnh Hảo còn: “Chính vì vậy mà tôi dám thách cả chế độ của ĐCSVN các ông... tranh luận với tôi công khai... xung quanh 11 bài góp ý của tôi trên tất cả các diễn đàn trong nước và hải ngoại”. Liên quan trực tiếp đến việc dạy và học triết, Trần Mạnh Hảo cũng viết: “Đảng còn bắt các thế hệ học sinh suốt 50 năm nay phải học thứ chủ nghĩa ngoại lai phản khoa học này từ trung học tới đại học, gây tổn thất lớn cho đất nước, phá hoại tinh thần nhân bản và truyền thống yêu nước thương nòi của cha ông”.

            Thực ra với triết học thì so với những người hiểu biết, Trần Mạnh Hảo mới biết đánh vần chữ cái, mù khoa học, có điều là nhà văn nên khả năng sử dụng ngôn ngữ của ông ta rất giỏi, từ những hiểu biết nôm na, sai trái nhưng Trần Mạnh Hảo vẫn có thể viết cuốn hút được rất nhiều người đọc, bởi chỉ số ít những học giả mới có thể biết được Trần Mạnh Hảo viết sai trong lĩnh vực mình am tường, chứ đa số người đọc, kể cả cán bộ các cấp, ngoài chuyên môn của mình, cũng không thể biết được. Nên ảnh hưởng của Trần Mạnh Hảo là rất lớn. Hồi còn chiếm được diễn đàn trong nước, Trần Mạnh Hảo từng làm điêu đứng nhiều GS, PGS soạn sách giáo khoa. Chính vì vậy, tôi đã viết hai bài, một phê phán Trần Mạnh Hảo viết phê bình sách giáo khoa Về tư duy phê bình của Trần Mạnh Hảo (in trong Biên độ của trí tưởng tượng) và một phê bình Trần Mạnh Hảo viết triết học Sự sai trái vô giới hạn (in trên trang Web của Hội Nhà văn Việt Nam).

            Có điều từ lâu tôi đã luôn đặt câu hỏi, khi Trần Mạnh Hảo làm mưa làm gió, các nhà triết học Việt Nam núp ở đâu mà không đối thoại với Trần Mạnh Hảo? Và hôm nay, tiện đây tôi cũng xin hỏi các vị, cụ thể như ông TS. Phạm Văn Sinh, người có khả năng Chủ biên, soạn được cả Giáo trình, còn có thể dạy dỗ được các học viên là GS, PGS ở các trường đại học nữa, ông và các vị ngang tài ông trong các hội đồng biên soạn; các vị đã ở đâu mà không lên tiếng phản bác Trần Mạnh Hảo? Dù tôi biết những bài viết của Trần Mạnh Hảo chỉ là rác tri thức nhưng đến như rác đường phố còn có công ty vệ sinh dọn dẹp, còn rác tri thức nguy hiểm hơn triệu lần thì không cần dọn ư?

        Cũng liên quan đến Bộ Giáo dục và Đào tạo  và lĩnh vực triết học, Bộ từng cùng Trung tâm KHXH và NVQG, Tỉnh ủy và Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An đã tổ chức “Lễ kỷ niệm và Hội nghị Khoa học để tưởng nhớ công lao của nhà giáo dục, nhà triết học, nhà nghiên cứu văn học, vị sư biểu của nền Hán học Việt Nam Cao Xuân Huy”, rồi từ thành quả của Hội nghị, tập sách với tên “Giáo sư Cao Xuân Huy: Người thầy - nhà tư tưởng” đã được biên soạn. Có điều rất lạ là cuốn sách này lại có những sai lầm rất hệ trọng và hiển nhiên, đã ca ngợi những tư tưởng thực sự là sai cả về khoa học lẫn triết học (Xin tham khảo bài Đọc Cao Xuân Huy: Người thầy - nhà tư tưởng”, cùng in trong sách này)…

          Nước ta thời Cải cách ruộng đất, Bác Hồ từng sửa sai, còn xin lỗi nhân dân, thời nay văn hóa sửa sai, hối lỗi, từ chức gần như không có ở xã hội ta. Người sai phạm kinh tế đã bị tù, có khi còn bị xử bắn, nhưng sai phạm về tri thức thì chẳng sao cả. Một xã hội như vậy làm sao có thể tới được nền Kinh tế Tri thức? Sự trao nhiều giải thưởng cho những tác phẩm sai trái của Trần Mạnh Hảo đã hơn 10 năm, sự việc về cụ Cao Xuân Huy nói trên cũng đã 15 năm, cuốn sách đã in được 10 năm, với chuyện thường như vậy là đã quá xưa rồi, nhưng với khoa học thì chuyện đúng sai không phụ thuộc thời gian. Như chuyện ở Vatican, nơi sự tôn nghiêm là tuyệt đối, tưởng như không bao giờ có chuyện hối lỗi, sửa sai, vậy mà kỳ diệu thay, tính dân chủ của thời đại đã xâm nhập được vào cả nơi thâm cung đó, ngày 31 tháng 11 năm 1992, Giáo hoàng John Paul II đã thể hiện sự hối tiếc về vụ phán xét Galileo, và sau vụ đó 359 năm, chính thức công nhận Galileo đúng (Pope John Paul II officially declared that Galileo was right), còn vinh danh bằng cách dựng tượng ông bên trong bức tường thành Vatican.

        Như vậy, chuyện “cổ tích” còn có thế xảy ra ở thời hiện đại này, không biết chuyện con con của PGS. TS. Lê Trọng Ân bị vùi dập oan, lẽ ra được tặng giấy khen lại bị kỷ luật, không biết Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể thấy được mình sai và có biết sửa sai không? Chuyện nhỏ còn không giải quyết thỏa đáng sao có thể làm tốt được đại sự?

           Không biết các vị lãnh đạo ngành giáo dục nghĩ gì và có thấy trách nhiệm của mình có liên quan không khi đọc những dòng này: theo báo cáo của hai tác giả Thomas J. Vallely và Ben Wilkinson thuộc Đại học Harvard với tựa đề: Giáo dục đại học - cao đẳng Việt Nam: Khủng hoảng và đối phó cho biết: Số bằng sáng chế được cấp năm 2006: Hàn Quốc: 102.633; Trung Quốc: 26.292; Singapore: 995; Thailand: 158; Malaysia:147; Philippines: 76; Việt Nam: 0… Và ông Đại sứ Nhật Bản phát biểu tại buổi Hội thảo “Phát triển, hợp tác kinh tế Việt - Nhật về sản xuất các thiết bị phụ trợ” ngày 03-04/4/2009 tại Hà Nội rằng: “Việt Nam các bạn mới sản xuất được thùng carton”?!...

            Sài Gòn,

       Chiều 26-9-2010

_______________________________                   

(*) Khi tôi soạn cuốn sách này (cuối năm 2011), được biết, Trường đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TPHCM đã huỷ Quyết định kỷ luật và phục hồi danh dự cho ông Ân.