Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

NGÔ BẢO CHÂU: MỘT CÁI ÁCH QUÁ NẶNG?


ĐÔNG LA
NGÔ BẢO CHÂU: MỘT CÁI ÁCH QUÁ NẶNG?
Hôm qua, tôi có gặp một bạn đọc vốn là một thượng tá về hưu nói bài viết về giáo dục của tôi rất hay, nhưng liệu những người có trọng trách cn đọc thì họ có đọc? Cũng như bữa trước bạn Hòa Bình nói bài viết Góp ý Hiến pháp của tôi rất có giá trị, liệu có đến được nơi cần đến? Thôi thì tùy ông Trời định đoạt. Nay nhân viết về Ngô Bảo Châu nói về giáo dục, xin đăng lại cái bài về giáo dục viết đã khá lâu nhưng vẫn thấy như vừa mới viết xong vậy.
Cần thay máu nền giáo dục
Là con dân nước Việt với 4000 năm văn hiến và một lịch sử oai hùng có ai không đau lòng khi đọc những dòng này: “ theo báo cáo của hai tác giả Thomas J. Vallely và Ben Wilkinson thuộc ĐH Harvard với tựa đề: Giáo dục đại học - cao đẳng Việt Nam: Khủng hoảng và đối phó cho biết: Số bằng sáng chế được cấp năm 2006: Hàn Quốc: 102.633;Trung Quốc: 26.292; Singapore: 995; Thailand: 158; Malaysia:147; Philippines: 76; Việt Nam: 0”.  Và ông đại sứ Nhật Bản phát biểu tại buổi Hội thảo về “phát triển, hợp tác kinh tế Việt- Nhật về sản xuất các thiết bị phụ trợ ” ngày 03-04/4/2009 tại Hà Nội rằng:"Việt Nam các bạn mới sản xuất được thùng carton".
Trong các nguyên nhân thì nguyên nhân đầu tiên và cơ bản nhất là do nền giáo dục của chúng ta yếu kém. Đọc thêm »
Ngô Bảo Châu sau vụ cùng cả cha mẹ ký vào Bản danh sách ủng hộ Phương Uyên, cô sinh viên bị bắt vì rải truyền đơn và âm mưu đặt bom tượng đài Bác Hồ, gần đây nghe nói lại cùng Đàm Thanh Sơn và Nguyễn Anh Tuấn làm trang Cùng viết Hiến pháp . Tôi vẫn chưa vào đọc. Mấy ngày nay thấy Châu nói về giáo dục khá ồn ào, tôi cũng không đọc. Mới gặp một người đọc blog tôi nhiều nói bài tôi viết về giáo dục rất hay còn Ngô Bảo Châu chỉ từ vụ Đồi Ngô mà nói cả nền giáo dục tha hóa thì bậy quá. 
 
(Đánh "rân trủ" thế này có đến Tết cũng chẳng mệt)
Chiều qua, có ông anh ngoài quê vào chơi, kêu Ninh thân như em kết nghĩa đến ăn cơm, người từng chứng kiến mình mắng Triệu Xuân như chó ở quán lẩu bò đường Ngô Thời Nhiệm trước ngày chuẩn bị làm Văn chương Hồn Việt, vậy mà TX vẫn nhịn nhục mời mình về làm bằng được. Ninh hỏi:
- Anh có bài mới nào không?
- Có bài đánh thằng Hoàng Xuân Phú cùng nghề toán với ông đó.
- Tí nữa lão ấy làm thầy em khi làm nghiên cứu sinh đó. Kỳ này thấy Ngô Bảo Châu nói về giáo dục cũng lăng nhăng quá!
Đúng là “cây muốn lặng mà gió chẳng muốn đừng”, vậy là phải coi xem sao.
Tôi vô 2 trang VietNamNetgiaoduc.net.vn thấy tràn ngập “tư tưởng” Ngô Bảo Châu. Nói chung, nói theo giới sáng tác thì Châu có những ý hay nhưng không mới, có những ý mới thì không hay.
Như chuyện “bố mẹ như tấm gương để đứa trẻ soi vào trong hình thành nhân cách” thì có lẽ không cần GS Châu phải giảng giải và "Một nền giáo dục phải biết chơi đẹp ... thể hiện qua việc các kỳ thi phải được nghiêm túc" v.v...
Còn một số câu hỏi rất đơn giản, sinh viên muốn được nghe một người có trí tuệ ngoại hạng, nổi tiếng thế giới như Ngô Bảo Châu trả lời thế nào. 
Như câu hỏi về “học chữ hay học làm người”? Thật tiếc, Châu đã trả lời đúng là theo lối “mơ hồ, tròng tréo, nước đôi”; “khéo léo, lòng vòng, lấp la lấp lửng” mà công dân mạng đã phê phán Châu trong vụ Hà Vũ ngày nào: “Gần đây có nhiều người đặt vấn đề học chữ hay học làm người, hoặc giữa hai vấn đề cái nào trước cái nào sau. Câu hỏi này thực ra tối nghĩa. Học chữ là tiếp thu kiến thức thì đã rõ. Nhưng học làm người là như thế nào? Hẳn có nhiều cách để hiểu khác nhau” (VietNamnet).  
      Tại sao lại "tối nghĩa"? Tại sao lại "nhiều cách hiểu"? Hầu như trong trường nào ở ta cũng có tấm bảng “Tiên học lễ hậu học văn”; Truyện Kiều của Nguyễn Du viết từ lâu cũng có câu: “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”. Ông cha ta sau bao thời gian mới rút ra được cái chân lý ấy. Lẽ nào một người như Châu lại không hiểu? Lẽ ra cần phải giảng giải  thêm chuyện tâm quan trọng hơn tài. Ví dụ như: một người có tâm sáng thì dù có kém họ cũng làm những điều tốt, ít nhiều gì thì cũng đóng góp cho gia đình, cho xã hội. Trái lại người có tâm tối sẽ làm việc xấu, mà càng có tài, hành động của họ càng nguy hiểm hơn.
Tôi rất ngạc nhiên khi đọc trên báo Giáo dục trong Bài nói đặc biệt của GS Ngô Bảo Châu: Học như thế nào?, Châu nói:  “Và quan niệm xã hội cũng không phải cái duy nhất làm hỏng đi sự hướng thượng và hướng thiện, những việc khác như tôn thờ cá nhân (có thể là lãnh tụ, có thể cầu thủ bóng đá hay ca sỹ Hàn Quốc...) là một hình thức tha hóa sự hướng thượng”.
Thứ nhất, việc Châu đồng dạng thần tượng lãnh tụ với các cầu thủ bóng đá, ca sĩ là không đúng, là cá mè một lứa. Tình yêu bóng đá, ca nhạc xuất phát từ sở thích, phần nhiều là tình cảm, còn tôn thờ lãnh tụ mang tính chính trị, lý tưởng, không chỉ là kính phục mà còn tuân theo, hoàn toàn không thể xếp chung như thế được.
Thứ hai, thần tượng bóng đá, ca nhạc có đúng sai, có thái quá, nhưng không phải là tha hóa. Với thần tượng lãnh tụ cũng vậy. Cũng có đúng sai. Dân Đức từng thần tượng Hít-le, tự cho mình là giống thượng đẳng, có quyền giết dân Do Thái và các nước khác lấy mỡ nấu xà bông và lấy tóc dệt thảm; Hồng vệ binh cũng từng thần tượng Mao trạch Đông trói và cắt gân chân Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ, giết các tướng lĩnh, đấu tố trí thức; lính Khơ me đỏ cũng thần tượng Pôn Pốt xây dựng một thứ CNCS bằng cách “tinh chế” diệt chủng dân chúng. Tất cả là do mục đích và sự tuyền truyền. Sự tuyên truyền có thể biến cái ác thành cái đẹp khiến người ta thực hiện nó một cách cuồng tín. Cái ác của nước Đức phát xít được nuôi dưỡng bằng sự tự tôn dân tộc, coi mình có quyền được thống trị, được làm cỏ dân tộc khác. Cái ác của Hồng vệ binh xuất phát từ đức tính trung quân của xã hội phong kiến còn nguyên vẹn ở TQ thời đó, họ đã hành động như công cụ bảo vệ quyền lực của thiên tử nhân danh lý tưởng XHCN mà thực chất họ chẳng hiểu XHCN là gì! Các ác của lính Khơ me đỏ phải được rèn luyện từ bé, để đập đầu người không ghê tay, bọn trẻ con được tập luyện trước bằng cách đập sọ khỉ!
Ngược lại, ở nước ta, với mục đích tối thượng là giành lại nền độc lập từ hai bàn tay trắng, việc thần tượng Bác Hồ xuất phát từ thực tế cuộc đời hoạt động cách mạng, tài năng  và đức độ của Người chứ không phải do tuyên truyền. Những trí thức đầu tiên hàng đầu như Trần Đại Nghĩa, Tôn Thất Tùng v.v... đã từ bỏ nhung lụa theo kháng chiến vì lý tưởng độc lập dân tộc, qua những bài báo của Nguyễn Ái Quốc, chứ không phải do tuyên truyền về Hồ Chí Minh. Bởi vì lần đầu gặp Bác, GS Tôn Thất Tùng đã quá ấn tượng về đôi mắt sáng của Bác, yêu kính Bác về cách sống giản dị, lối ứng xử thân tình, mà hoàn toàn không biết Bác chính là thần tượng Nguyễn Ái Quốc của mình. 

(GS Tôn Thất Tùng nói về việc lần đầu gặp Bác Hồ)
Rồi về sau sự thần tượng Bác từ một số người gần cận, những trí thức hiểu biết, đã lan tỏa như một lẽ tự nhiên trong nhân dân. Rồi sự tuyên truyền về hình ảnh của Người qua thơ ca, nhạc, họa chính từ nền tảng đó mới phát huy, đã góp phần quan trọng làm nên sức mạnh thần thánh, giúp chúng ta từ một nước phong kiến nô lệ hai bàn tay trắng giành chiến thắng và đến được những ngày hôm nay.  Ngô Bảo Châu được như hôm nay cũng xuất phát từ nguồn cội đó. Vì vậy “vơ đũa cả nắm” như Châu ở trên chứng tỏ Châu chỉ là anh thợ làm toán giỏi, còn sự hiểu biết về cuộc đời còn nhiều lầm lạc!
Còn chuyện Ngô Bảo Châu cho biết là người thích triết lý sống của nhà Phật. Vậy mà trong bài “Giữ ký ức”, Châu kể: “Tôi đưa bà ngoại về phố Bạch Mai với hy vọng tìm lại được gốc bàng nơi ông ngoại tôi đứng gọi bà ngoại tôi ngày xưa” và thấy:“Một vài người nhìn hai bà cháu tôi với ánh mắt thù địch. Tự nhiên nảy ra trong đầu tôi có một ý nghĩ vu vơ, nhưng là một sự tiếc nuối vô bờ cho một ký ức đẹp đẽ tinh khôi đã bị mất, để đổi lại hình ảnh bạc nhược của một đống máy vi tính vô hồn cũ nát, của những chiếc xe máy gỉ sét trong tiệm cầm đồ. Đành rằng, cầm đồ là một loại hình kinh doanh có lợi”.
Viết vậy chứng tỏ Châu không hiểu tí ti gì Đạo Phật và không có tí ti gì Phật tính. Triết lý Phật giáo là phá chấp, Đức Phật dạy con mình tập thiền là hãy coi mình như mặt đất, dù người ta có phóng uế lên cũng không sao cả, vậy mà về chốn nguồn cội rưng rưng xúc động, lẽ ra Châu phải thông cảm, xót xa cho những cuộc đời bụi bặm, lam lũ thì lại chấp vào “ánh mắt thù địch” và khinh bạc cuộc sống của họ. Tất nhiên cuộc sống của người cầm đồ của một đất nước còn nhiều yếu kém không thể rực rỡ như một vị GS làm thuê cho Pháp, Mỹ được!
Có một điều khập khễnh, tiền đề dẫn tới việc Châu thể hiện sự nuối tiếc trên là việc Châu viết về nước Đức: “dân tộc Đức là một dân tộc đã trưởng thành” “tài sản tâm hồn là ký ức cả vinh quang và nhục nhã”; “Tại sao không lờ những gì nhục nhã, chỉ lưu lại lại những gì vinh quang, ngọt ngào? Người Đức có lẽ hiểu rất rõ rằng thức ăn cho tâm hồn con người chính là sự thật. Những dân tộc quen nấu sự dối trá cho mình ăn, sẽ dần dần quen với sự bạc nhược, sự đớn hèn của chính mình. Thế nhưng người ta vẫn thích nấu sự dối trá cho mình ăn. Vì sự thật nhiều khi không có lợi, hoặc là cứng quá, không tốt cho lợi”.
Vậy theo ý Châu những dân tộc nào quen “nấu sự dối trá cho mình ăn”? Nếu không ám chỉ dân tộc Việt thì Châu dẫn ra làm gì? Còn nếu đúng Châu ám chỉ dân tộc Việt như vậy thì Châu đúng là người không biết gì, là một tài năng nhưng là cái tài của một con rô-bốt, vô cảm!
Tâm hồn là thế giới tình cảm của con người. Thức ăn cho tâm hồn con người đúng là sự thật, nhưng chỉ có thể là sự thật về những tấm gương cao cả của sự hy sinh, về tính thiện, về sự cống hiến và những bài học rút ra từ những cái xấu. Còn những “sự thật” như cướp giật, ma túy, đĩ điếm, lật lọng, xảo trá, cơ hội, v.v… thì vỗ béo được loại tâm hồn gì? Phải chăng đó chính là "thức ăn của tâm hồn Châu"? Châu thực sự lảm nhảm khi viết: “Chức năng của nhân văn không phải là ngợi ca cái thiện, phê bình cái ác, mà giúp cho con người tìm thấy sự chân thực và biết cảnh giác với sự dối trá của người khác và của chính mình, cảnh giác với sự lười nhác, ích kỷ, hèn nhát”. Chức năng của nhân văn phải là ca ngợi cái thiện, phê bình cái ác, để làm được vậy người ta cũng cần phải phân biệt được thực, giả trước đã; còn chỉ để phân biệt được thực giả thôi thì loài vật không cần "nhân văn" nhưng nhiều cái vẫn giỏi hơn loài người, như về khả năng nhận thực âm thanh, Châu sẽ thua loài dơi, về khả năng đánh hơi, Châu chắc chắn sẽ thua loài chó!
***
Còn về một số điều cụ thể thuộc thực trạng ngành giáo dục, cách nghĩ của Châu đúng là “lăng nhăng” thật!
     Về chuyện “học thêm”, Châu cho: “vấn đề không nằm ở chương trình mà do tâm lý của phụ huynh học sinh, ai cũng muốn cho con mình học”; về chuyện “quá tải”, Châu cho “cần giảm tải nhưng phải có mức độ, sẽ là rất sai lầm nếu "giảm tải" để chương trình thành quá dễ, quá tầm thường. “Nhiều khi chính cái khó, hóc búa lại làm cho trẻ con thích học hơn, vì lúc đó mới có điều kiện để chứng tỏ mình”, v.v…
Đặc biệt, về vụ Đồi Ngô, Châu nói: “Đây là một sự kiện vô cùng đặc biệt. Thí sinh quay phim giám thị vi phạm quy chế thi là chưa có tiền lệ trong lịch sử loài người. Nó là liều thuốc cảnh tỉnh về mức độ tha hóa của hệ thống”.
Vấn đề chính là giám thị vi phạm quy chế thi thực ra chả có gì đặc biệt cả, nó vẫn thường xảy ra từ trước, là một vấn nạn của ngành giáo dục chưa giải quyết được. Nó chỉ buồn cười vì công nghệ thế giới phát triển, người ta có điều kiện áp dụng để "bắt sống" thôi.
Còn cần phải đánh giá đúng thực trạng nền Giáo dục Việt nam. Nói chung nó vẫn đang phát triển, nếu không chúng ta không thể có nhân lực tự xây dựng được Thủy điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á, không thể tự xây cầu dây văng Cần Thơ, không thể đóng được tầu trọng tải lớn xuất khẩu, ngành nông nghiệp không thể xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới, ngành Y không thể tiếp cận những kỹ thuật tiên tiến nhất, không thể ghép được gan, v.v…
Tóm lại nó vẫn đang phát triển nhưng là theo cái nhịp phát triển hơi lộn xộn chung của đất nước chứ hoàn toàn không phải tha hóa như ý Ngô Bảo Châu.
Vấn đề chính của nền giáo dục của chúng ta là ở chỗ khác. Thậm chí còn trầm trọng hơn và khó giải quyết hơn cả tỉ lần cái chuyện vặt Đồi Ngô, lẽ ra cái đầu được giải Field như Châu phải nhìn ra được mới đúng.
Theo tôi, nền giáo dục của chúng ta đã sai từ nền tảng cơ bản nhất, từ triết lý giáo dục cho đến những hành động cụ thể. Chính vì có nhiều cái sai nên nền giáo dục chưa đáp ứng được nhu cầu của một xã hội đang phát triển, đang tiệm cận nền văn minh của thế giới. Cũng chính vì sai nên đã sinh ra đủ thứ vấn nạn, trong đó có chuyện vi phạm ở Đồi Ngô.
Tất cả những điều Châu nói và những cái sai đó, tôi đều đã viết trong bài CẦN THAY MÁU NGÀNH GIÁO DỤC mà một bạn đọc đã nhắc tới ở trên. Ai quan tâm xin vô coi.
***
Ngô Bảo Châu, người Việt Nam đoạt được giải thưởng quốc tế cao nhất từ trước tới nay.
Chương trình Langlands là một tập hợp nhiều giả thuyết do nhà toán học người Canada Robert Langlands phát minh năm 1967, đã mang lại những kết quả cực kỳ quan trọng trong toán học và nhiều lĩnh vực khác. Chính Ngô Bảo Châu cho: “Cá nhân tôi xếp ngang hàng các giả thuyết của Langlands với hình học phẳng của Euclid hay phát minh ra nhóm Galois trong việc giải phương trình đại số”. Tất cả cơ sở cho các giả thuyết trong Chương trình Langlands lại đều dựa trên một giả thuyết nền tảng chưa được chứng minh, mặc nhiên được xem là đúng, đó chính là Bổ đề cơ bản. Nếu ví  Chương trình Langlands như một công trình thì công trình này chắc chắn, nhiều công dụng. Có điều cái trụ chống đỡ là gì và gắn kết thế nào thì người ta chưa biết. Ngô Bảo Châu đã chỉ ra được điều đó. Giống như Planck khi phát minh ra lượng tử, với hằng số mang tên ông, nó đã được làm tiền đề mở ra cả một chân trời mới của vật lý hiện đại, nhưng ông không chứng thực được. Sau một phần tư thế kỷ, Compton đã làm thí nghiệm chứng tỏ được ánh sáng đã thể hiện tính chất như một hạt khi va chạm đàn hồi với điện tử thì mới làm Planck an lòng. Như vậy, có thể nói Ngô Bảo Châu với Langlands cũng như Compton với Planck vậy. Vì vậy cần phải hiểu thực chất công trình của Ngô Bảo châu là công trình thứ cấp, bổ trợ cho Chương trình Langlands. Không có sự chứng minh của Ngô Bảo Châu thì Chương trình Langlands vẫn được sử dụng hiệu quả. Ngô Bảo Châu nói nếu Bổ đề cơ bản sai thì toàn bộ Chương trình Langlands sẽ sụp đổ. Đó là một giả sử sai vì không có chữ “nếu” đó. Logic toán học nói riêng và khoa học nói chung là thể thống nhất kỳ diệu, nếu cái này đúng thì cái kia cũng đúng, dù cái kia tại sao nó đúng người ta chưa biết. Logic khoa học là khách quan, có những cái còn vượt ra khỏi sự tưởng tượng của chính nhà phát minh, như kết quả vũ trụ giãn nở từ phương trình của Einstein, như chuyện Dirac giải ra “nghiệm phản vật chất” chẳng hạn. Còn sự chưa thống nhất giữa Thuyết Tương đối và Cơ học lượng tử thì chính là bài toán vĩ đại mà cả nền khoa học hiện đại chưa giải được.
Tuy vậy, có chứng minh của Ngô Bảo Châu, cơ sở khoa học của vấn đề được hiểu rõ hơn. Vì thế, thành quả của Ngô Bảo Châu đã được tạp chí danh tiếng Time bình chọn là 1 trong 10 khám phá khoa học tiêu biểu của năm 2009, và đã được trao giải thưởng danh giá Field.
Tiếc rằng thành công trong chuyên môn của Ngô Bảo Châu và hoạt động xã hội lại vênh nhau. Mà thực tế khi nước ta đã bang giao với tất cả thế giới. Với Pháp, tướng Đờ Cát bại trận tại Điện Biên Phủ từng thú nhận rằng: "Tôi cũng thấy làm vinh dự được làm tù binh của một quân đội như quân đội Việt Nam". Với Mỹ, TT Clinton từng tuyên bố: “Việt Nam là đất nước có vị trí đặc biệt trong trái tim tôi”. TT Bush cũng từng nói về VN: "You’ve got a friend in America". Như vậy, Ngô Bảo Châu hoàn toàn có thể ung dung theo “lề phải” mà vẫn giữ nguyên được sự trọng vọng tại Pháp và Mỹ. Tất nhiên không cần Châu phải hòa điệu ngợi ca tầm thường mà cái người ta cần chính là sự phản biện sâu sắc, chính xác, như một bác sĩ giỏi cần cho đất nước đang mang bệnh của chúng ta hôm nay. Ví dụ tôi tin là bài viết về giáo dục của tôi nếu đứng tên Ngô Bảo Châu thì với hiệu ứng đám đông sẽ có tác dụng hơn nhiều, và sẽ không có nỗi e ngại của người bạn đọc của tôi là những người cần đọc sẽ không đọc. Nhưng xem chừng yêu cầu đó là quá cao với một người mới chỉ biết giải toán giỏi. Tuy Châu tuyên bố là người tự do, nhưng thực tế đã có những hành động và suy nghĩ là theo "lề trái", như chuyện ca ngợi Hà Vũ như Kinh Kha, một người đến cha đẻ cũng than là "một đứa con bất trung, bất nghĩa, bất hiếu”, như chuyện ủng hộ cô Phương Uyên rải truyền đơn và âm mưu đặt bom tượng đài Bác Hồ, và rất nhiều phát biểu không đúng trong đó có những phát biểu được bàn trong bài viết này.
 Thật đáng tiếc! Bởi Ngô Bảo Châu làm sao vừa đáp ứng được sự kỳ vọng và ưu ái của một chế độ đồng thời lại vừa chống lại những lối hành xử của chính chế độ đó? Theo logic toán học, Châu chỉ có thể chọn 1. Nhưng chắc Châu lại chẳng muốn thế. Vậy điều đó sẽ thành một nghịch lý, một bài toán không giải nổi, và phải chăng sẽ là một cái ách quá nặng? Như Châu từng bị ném đá, từng phải đóng cửa blog!
TPHCM
20-3-2013
ĐÔNG LA