ĐÔNG LA
NHỮNG CON ĐƯỜNG PHẢN BỘI
Nguyễn Trung trong bài: Đừng
xuyên tạc lịch sử để đưa những điều sai trái vào Dự thảo Hiến pháp
[đăng trên “Bọ xít” (boxit)] đã cho “dư
luận viên” của “lề phải” là “xuyên tạc lịch sử”. Bởi theo ông khi
Hiến pháp LX còn nguyên, điều lệ Đảng còn nguyên mà họ lại cho sự tan rã của
Liên Xô là “phản bội chủ nghĩa Mác –Lên
nin”! Tôi không ngờ một người ở tầm Nguyễn Trung lại có sự quy kết người
khác vô lý như thế. Bởi không phải cứ Hiến pháp còn, Điều lệ còn thì không có sự
phản bội. Viết vậy dường như ông không biết đến cặp phạm trù Bản chất, Hiện
tượng. Để xem có phản bội hay không cần phải phân tích giữa lý luận và hành
động trong thực tiễn có ngược nhau hay không?
Việc Liên Xô tan rã vào thời điểm
không có sự sửa đổi Hiến Pháp là đúng, điều lệ Đảng còn nguyên vẹn là đúng,
nhưng sự phản bội thực tế đã diễn ra trước đó trong cả một quá trình rất dài cả
về lý luận, thực tiễn và sự thay đổi Điều lệ Đảng, Hiến pháp.
Sự phản bội đã được trình bầy rất
rõ trong loạt bài Những
bài học từ sự sụp đổ của Đảng CS Liên Xô từng in trên báo Nhandan.online. Trong đó điều quan trọng
nhất là sự xoá bỏ nguyên tắc tập trung
dân chủ trong sinh hoạt của Đảng.
Lê Nin, tháng 4-1906, trong Đại hội
lần thứ 4 Đảng Bolshevik đã đề nghị thông qua điều lệ: Mọi tổ chức của Đảng đều được xây dựng trên nguyên tắc tập trung dân
chủ. Nhưng sau Cách mạng Tháng Mười, các thế lực thù địch phá hoại điên
cuồng, Lê Nin đã tăng cường tính tập trung để giúp cho chính quyền Xô Viết non
trẻ đứng vững. Nhưng điều này lại vi phạm dân chủ, dẫn đến khuynh hướng chuyên
quyền, độc đoán. Vì thế Lê Nin đã cho thành lập Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban Giám sát Trung ương. Đến thời Stalin, tệ sùng bái làm cho
Stalin trở thành độc đoán. Ủy ban Giám sát chỉ giới hạn trong việc kiểm tra hoạt
động của tổ chức cấp dưới và những người bất đồng ý kiến. Đến thời Brê-zơ-nev
đã vứt hẳn giám sát trong Đảng. Thời Gooc-ba-chov, trong Đại hội 28,
Gooc-ba-chov đã công khai phê phán và cho thông qua Điều lệ Đảng xóa bỏ luôn
nguyên tắc tập trung dân chủ.
Từ việc vi phạm nguyên tắc tập
trung dân chủ đã dẫn đến một chuỗi sai
lầm trong công tác cán bộ. Khi lựa chọn cán bộ, tiêu chuẩn tài - đức bị
thay thế bởi sự chạy chọt, quen thân, dẫn tới hiện tượng kéo bè, kéo cánh.
Khơ-rút-shov từng thông qua vợ của
Stalin, bạn học của ông ta ở đại học, để thể hiện “sự trung thành của mình”. Mấy chục năm sau, Gooc-ba-chov cũng có
một hồi ức tương tự: “Khi giữ chức Bí thư
Trung ương Đảng, Chernenko bảo tôi, “Bre-zơ-nev biết đồng chí đứng về
phía đồng chí ấy, trung thành với đồng chí ấy. Đồng chí ấy rất coi trọng điều
này”. Dưới thời Bre-zơ-nev, khi
cân nhắc, đề bạt một ai đó, vấn đề quan trọng hàng đầu là xem người đó có quan
hệ tốt với phe của Bre-zơ-nev hay
không? Tikhonov, một người bình thường,
nhưng do là đồng hương kiêm bạn học của Bre-zơ-nev nên đã được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô.
Bre-zơ-nev đã đặc biệt tâm đắc câu
nói của Khơ-rút-shov: "Sự ổn định
của đội ngũ cán bộ là sự bảo đảm cho thành công", đã phát triển thành
chế độ chức vụ suốt đời. Các cán bộ cao cấp của Liên Xô như Bre-zơ-nev đều qua đời khi còn đương chức.
Khi Gooc-ba-chov
lên nắm quyền, ông ta thẳng tay thay thế những cán bộ phản đối “cải tổ”, đề bạt những cán bộ ủng hộ chủ
trương “tây hóa”. Ông ta đã cài người
vào các vị trí trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư, thay thế hơn 20 bộ trưởng và
92,5% bí thư khu ủy, thành ủy, tỉnh ủy, đã tạo ra sự hỗn loạn chưa từng có
trong đội ngũ cán bộ ở Liên Xô, rơi vào tình thế không thể nào cứu vãn nổi.
Như vậy sự phản bội Chủ nghĩa Mác-
Lê Nin ở đây chính là Nhà nước Liên Xô thực chất không phải là Xã hội Chủ nghĩa
mà là một Nhà nước Phong kiến trá hình.
Chính cái nhà nước này đã đẻ ra tầng lớp đặc quyền, đặc lợi, gây ra sự bất mãn
sâu sắc trong xã hội Liên Xô. Dưới thời Gooc-ba-chov, tầng lớp đặc quyền còn
mong muốn chiếm hữu lâu dài mọi đặc quyền hiện có, để lại cho con cháu đời sau.
Vì thế khi đất nước đứng trước nguy cơ tồn vong, tầng lớp đặc quyền đã không
ngần ngại lột bỏ mặt nạ, công khai thúc đẩy vứt bỏ CNXH đi theo con đường của
CNTB để hợp thức hóa tài sản.
Cụ thể hơn, sự phản bội Chủ nghĩa
Mác-Lê Nin còn là việc công kích trực diện Chủ nghĩa Mác-Lê Nin. Thời trẻ, khi
Gooc-ba-chov hình thành thế giới quan cũng chính là vào thời kỳ Khơ-rút-shov
phủ định hoàn toàn Stalin, phủ định lịch sử của ĐCLX. Điều này đã làm sụp đổ
niềm tin vào lý tưởng Cộng sản của Gooc-ba-chov. Gooc-ba-chov từng nói: “Thời trẻ chúng tôi tin theo Đảng, trung
thành gia nhập Đảng, nhưng sau Đại hội 20, tư tưởng của chúng tôi bắt đầu có sự
thay đổi”. Gooc-ba-chov còn cùng nhà hoạt động xã hội Nhật Bản Daisaku
Ikeda xuất bản cuốn sách không chỉ chĩa mũi dùi vào Stalin mà còn chĩa thẳng
vào Lê Nin, vào Chủ nghĩa Mác. Gooc-ba-chov cho Liên Xô cần phải thực hiện một
nền dân chủ không hạn chế, đưa ra phương án xây dựng mô hình “Chủ nghĩa xã hội dân chủ nhân đạo”,
phủ nhận Chủ nghĩa Mác, thực hiện đa đảng, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng
Cộng sản Liên Xô. 1988, Hội nghị đại biểu lần thứ 19 của Đảng đã giải tán
23 ban trực thuộc Trung ương, Bộ Chính trị mấy tháng không họp, Đảng Cộng
sản Liên Xô hoàn toàn mất quyền kiểm soát tình hình. Sakharov, Popov kêu
gọi sửa đổi Điều 6 trong Hiến pháp . Enxin đại diện cho “phe dân chủ” đòi đa đảng và được Gooc-ba-chov hoan nghênh. Ngày
12-3-1990, Đảng Cộng sản Liên Xô tổ chức Đại hội đại biểu bất thường,
thông qua nghị quyết về lập chức tổng thống Liên Xô và luật bổ sung sửa đổi
Hiến pháp Liên Xô. Lời đề tựa, trước hết xóa đi vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng
sản, đồng thời sửa đổi nội dung trong Điều 6 của Hiến pháp. Điều này thực chất
là xóa bỏ cơ sở pháp lý của việc Đảng Cộng sản Liên Xô cầm quyền suốt 73
năm kể từ sau Cách mạng Tháng Mười.
Như vậy, sự phản bội Chủ nghĩa Mác
– Lê Nin là toàn diện và triệt để, từ cơ sở lý luận, thực tiễn cho đến cả các
văn bản pháp lý. Chính nó đã làm tan rã Liên Xô.
Dường như đây chính là bài học cho
nhóm 72 trí thức nước ta áp dụng. Họ gần như đã copy từng bước, từng hành động
của những kẻ đã đập vỡ LX ngày nào. Từ việc nhân danh đấu tranh cho dân chủ,
vin vào mọi cớ để quấy rối, đến việc đưa Kiến nghị thay thế Hiến Pháp, xóa bỏ sự
hiến định quyền lãnh đạo của Đảng, tách quân đội và công an khỏi Đảng, thay đổi
chế độ!
Nguyễn Trung trong bài Hiến
Pháp và những sự bất cập của Dự thảo sửa đổi đăng trên viet-studies.info/
của Trần Hữu Dũng viết:
-
Trong hệ thống nhà nước pháp quyền không thể có “đảng lãnh đạo” như là một bộ
phận cấu thành của hệ thống quyền lực nhà nước.
-
Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân không thừa nhận bất kỳ thứ chủ
nghĩa nào.
-
Mọi công cụ chuyên chính của nhà nước như quân đội, công an, những công cụ
chuyên chính khác không phải là công cụ của bất kỳ đảng phái chính trị nào
ngoài nhà nước pháp quyền và nhân dân.
Trong thực tế “Nhà nước pháp quyền”, “dân
chủ”, “đa nguyên” không phải là những liều thuốc tiên cho tất cả các nước.
Việt Nam với một lịch sử bị xâu xé, xem trên mạng, nơi các suy nghĩ được bộc lộ
tự do, mới thấy còn quá nhiều sự đối kháng về ý thức chính trị và cả các quan
điểm về lịch sử, văn hoá, lối sống. Để bảo vệ cho những ý của mình, trong bài: Đừng
xuyên tạc lịch sử để đưa những điều sai trái vào Dự thảo Hiến pháp Nguyễn
Trung đã cho sự tan rã của Liên Xô “Đơn
giản là họ bị các lực lượng dân chủ của nhân dân nước mình đánh bại”. Nhưng
Nguyễn Trung đã sai bởi như đã phân tích, sự tan rã của Liên Xô là do một loạt
nguyên nhân sâu xa về lý luận và thực tiễn. Để rồi cuối cùng, như giọt nước
tràn ly kết thúc mọi chuyện, đó chính là việc Goóc-ba-chốp đã bị Enxin đánh
bại.
Ngoài những nguyên nhân chính như
trên, sự tan rã của LX cũng có sự góp sức không nhỏ của Phương Tây. Từ năm
1989, Gooc-ba-chov bắt đầu cải tổ làm tình hình kinh tế ngày càng xấu đi, ông
ta đã phải quỳ gối cầu viện từ phương Tây, mở đường cho Phương Tây thực hiện
mong ước xóa xổ LX bằng mồi nhử kinh tế. 5-1991, Gooc-ba-chov đã cử một nhà
kinh tế đi Mỹ cùng các chuyên gia Mỹ lập kế
hoạch Harvard. Theo đó, mỗi năm phương Tây sẽ viện trợ cho Liên Xô từ 30 tỷ
- 50 tỷ USD, tổng cộng trong 5 năm là 150 -200 tỷ USD, đáp lại Liên Xô phải
thực hiện cải tổ. Nhưng thực chất Tổng thống Nixon đã nói: “Lợi ích chiến lược lúc này không phải là cứu
vớt Moscow về
kinh tế mà là phá hủy chế độ XHCN ở Liên Xô”. Kết quả LX không nhận được một
xu nào. Dù vậy, Gooc-ba-chov đã “đâm lao
thì phải theo lao”, vẫn phải làm theo con đường phương Tây dẫn dụ. Nhờ đó, riêng
Gooc-ba-chov đã được phương Tây trả công bằng giải Nobel hòa bình năm 1990 và
rất nhiều tiền dưới hình thức nhuận bút và hình thức khác. Dù vậy, khi trở
thành kẻ bên lề lang thang, ông ta vẫn không thoát khỏi mặc cảm là tội phạm chủ
chốt làm tan vỡ LX và đã phải thú nhận sự nghiệp chính trị của mình là thất
bại.
Với Enxin, một người có bản chất
chống đối, phương Tây cũng coi là đối tượng vận động trọng điểm để tìm cách
phân hóa Liên Xô. Khi Enxin có được thế lực, đã được mời thăm Hoa Kỳ và được
tiếp đón trọng thị. Enxin đã báo đáp ân huệ mà Hoa Kỳ dành cho mình bằng cách
tháng 12-1991, trước khi mật bàn với lãnh đạo Ukraine về việc giải thể Liên Xô,
ông đã ta thông báo việc này với Hoa Kỳ.
Như vậy, từ sai lầm và tham vọng, Gooc-ba-chov
và Enxin đã làm tay sai cho Phương Tây phá nát chính Tổ Quốc của mình. Mục đích
chính của họ chỉ là phá vỡ đối trọng chủ yếu trên bàn cờ thế giới! Nên xong
việc những nước thuộc LX cũ chỉ như dạng chư hầu vương vãi của họ mà thôi! Cuối
cùng việc LX tan rã chỉ tạo điều kiện cho thế giới trở thành đơn cực nguy hiểm.
Chúng ta đều biết kẻ mạnh thường tham. Trong lịch sử, ta từng thấy quân Nguyên
Mông muốn thống trị thế giới như thế nào, rồi bọn Phát xít từng thực hiện tham
vọng “làm cỏ” thế giới như thế nào!
Tổng thống Nga Putin, người được hưởng lợi nhiều nhất từ sự tan rã của
LX, vẫn phải chua xót nói: “Sự sụp đổ của
Liên bang Xô Viết là một thảm hoạ địa chính trị lớn nhất của thể kỷ 20”. Đến
cả Solzhenitsyn, tác giả đã kịch liệt phủ định Stalin khi suy ngẫm lại cũng
phải thừa nhận “Tôi đã hại Tổ quốc Nga”.
Còn cựu Tổng thống Ukraine Kravchuk, một trong ba nhân vật tham gia ký kết hiệp
định giải thể Liên Xô sau này cũng nói: “Nếu
như năm 1991, tôi biết được cục diện đất nước sẽ phát triển đến như cục diện
như hôm nay thì khi đó tôi đã nhất quyết chặt đứt cánh tay mình chứ không ký
vào Hiệp định”.
Con người luôn có phần con và phần
người vì vậy các nhà tư tưởng, các nhà khoa học xã hội đã đặt ra các biện pháp
để phát huy phần người và khống chế phần con, như nhà nước thì có luật pháp còn
Chủ nghĩa Mác Lê Nin có nguyên tắc tập trung dân chủ. Hai vế của nguyên lý này
luôn phải cân bằng và tùy thuộc vào thực tế, nếu không đều dẫn đến tai họa. Bài
học từ sự tan rã Liên Xô thật đau đớn. Chỉ có con người xây dựng nhưng sự đập
phá cũng chính từ bàn tay con người. Những kẻ dốt, ác nhưng lại tham vọng chính
là những kẻ phá hoại. Những kẽ hở, những sai lầm của công tác cán bộ giúp chúng
có vị trí và dần tạo được thế lực để rồi gây họa. Thật e ngại trước tình trạng
ở ta cũng có không ít công chức cao cấp vào Đảng chỉ để cầu quyền lợi, hưu rồi
không cần nữa thì trở mặt chống Đảng. Kỳ lạ hơn nữa là có cả một số còn đương
chức. Như trường hợp Phạm Xuân Nguyên chẳng hạn, là một trưởng phòng của Viện
Văn, một Chủ tịch Hội Nhà Văn Thủ đô HN, nhưng một tay nhận Huy hiệu 30 năm
tuổi Đảng còn một tay lại ký tên trong Danh sách đòi từ bỏ sự hiến định quyền
lãnh đạo của Đảng! Tất nhiên không phải họ ngu dốt không phân biệt được tốt
xấu, đúng sai, mà chính là họ đã bất chấp tất cả để trục lợi. Phải chăng vì nhu
nhược, vì cả nể, hay xã hội ta không còn chuẩn mực của đạo lý nữa nên mới có
tình trạng trắng đen lẫn lộn, thiện ác bất minh như vậy? Sự tan rã LX chính là
vì người ta nhu nhược không dám bắt giam Gooc-ba-chov, còn chuyện Gooc-ba-chov
thua Enxin cũng chính là vì Gooc-ba-chov không dám bắt giam Enxin! Cũng thật e
ngại khi “Nhà nước pháp quyền”; “dân chủ” đang trở thành “mốt” của ngôn
ngữ chính trị. Cả chuyện phúc quyết toàn dân Dự thảo Hiện pháp cũng vậy. Từ
“nghị” Quốc, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đến cựu Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn
Văn An đều cho rằng Dự thảo Hiến pháp cần phải được phúc quyết toàn dân. Nhưng
nhìn một cách thực tế, nếu như vậy, lá phiếu của các vị cũng chỉ có giá trị
ngang với bà bán cá, bán rau không hiểu chữ Hiến pháp là gì. Như vậy liệu kết
quả phúc quyết toàn dân sẽ là tốt và đúng đắn hơn chăng? Cạnh đó, việc nhân
danh đấu tranh cho dân chủ để viết bậy, nói bậy, làm càn cũng diễn ra tùm lum.
Đỉnh điểm là vụ “nhóm 72” ngang
nhiên đưa Kiến nghị đòi “lật pháp”, thay đổi thể chế. Có điều khó hiểu là tại
sao có nhiều người có trình độ chuyên môn rất cao nhưng lại rất hăm hở muốn
nước ta đi theo vết xe đổ của LX như vậy? Các vị cần phải biết Liên Xô là một
nước hùng mạnh, khoa học Kỹ thuật tiên tiến. Hồi Đại chiến Thế giới, LX tự mình
sản xuất xe tăng, máy bay, đạn dược, đánh tận sào huyệt Phát xít Đức, khiến Hít
Le phải tự sát. Nước Nga cũng giàu tài nguyên khoáng sản, ý thức dân chúng
thuần nhất không bị ngoại bang đô hộ nên không phức tạp như nước ta, nên sau sự
tan rã của LX nước Nga đã phần nào hồi phục. Còn Việt Nam ta nếu sụp đổ, như
lịch sử đã nhiều lần lặp lại, sẽ là hỗn loạn, là giành giật cấu xé, là sự can
thiệp của ngoại bang, là nồi da xáo thịt, sẽ là bản sao dạng Pakistan,
Apganistan, Irac, Lybi hôm qua, hoặc như Ai Cập, Xyri trong những ngày hôm nay,
chứ còn lâu mới được như nước Nga.
TPHCM
9-9-2013
ĐÔNG LA