Thân
gởi Nhà văn Đông La.
Xem
trên Web, tôi đồng cảm với nhiều bài viết của anh và làm quen để cùng trao
đổi. Tự giới thiệu tôi sinh năm 1940, làm nghề thầy thuốc, có viết văn viết
báo. Tôi gửi tới anh bài viết này nếu có thể thì anh đưa lên mạng chia sẻ với
nhiều bạn đọc. Thân mến.
|
VÀI LỜI
VỚI ÔNG LÊ HIẾU ĐẰNG
Nguyễn Văn
Thịnh
Việc
ông Đằng phát biểu chính kiến về nhiều vấn đề xã hội bức xúc không phải mới
đây. Nhưng lần này trong “Bức thư viết trên giường bệnh” của ông gây xôn xao dư
luận. Tôi cũng có nhiều điểm tương đồng như ông: cùng xuất thân từ giới học
sinh sinh viên thành phố, cùng lứa tuổi, cùng sống trong hoàn cảnh chiến tranh,
cùng tự nguyện thoát ly gia đình gia nhập đội ngũ những người yêu nước chiến
đấu cho lý tưởng cao đẹp và lãng mạn, cùng trải qua những thăng trầm của xã
hội, cùng chia sẻ những niềm vui chiến thắng và những đau thương mất mát với
đồng bào, đồng đội và nay đang bước vào phần còn lại ngắn ngủi của đời người
với nhiều băn khoăn day dứt buồn phiền và lo lắng về tương lai đất nước. Phải
nói thật lòng là trước thực trạng xã hội trì trệ bùng nhùng, các “nhóm lợi ích”
đang thao túng từ thượng tầng kiến trúc tới hạ tầng cơ sở, đạo đức xã hội xuống
cấp trầm trọng kể cả người có chức quyền, người “chữ nghĩa” bậc thầy tới những
người bình dân và lớp trẻ đang làm cho xã hội rối ren trong khi bộ máy lãnh đạo
nhiều tầng ít hiệu quả lại chỉ vào cái bóng “tập thể” chịu trách nhiệm chung có
nghĩa chẳng là ai mà nói rằng lạc quan tin tưởng thì khó thuyết phục lòng
người! Nguyễn Trãi từng cảm khái: “Cổ lai thức tự đa ưu hoạn” (Xưa nay biết lắm
họa nhiều), biết vậy mà vẫn cứ dấn thân, phải chăng đó là nghiệp chướng của kẻ
sỹ mọi thời?!
Trong
tình cảnh một người cao niên, bệnh trọng mà lòng nặng những ưu tư thì việc diễn
đạt tư tưởng lộn xộn là điều dễ hiểu. Được biết “khuôn mặt ông vẫn rất linh
lợi” và “ánh mắt sáng láng vẫn ngời lên khát vọng thiết tha” mà sao để những nỗi
bất bình chuyển thành những suy nghĩ và hành động cực đoan là ông Đằng đang tự
cô lập mình và sẽ chẳng thể làm gì nên chuyện! Tôi xin trao đổi dông dài theo
mạch suy nghĩ của ông.
Một
là theo ông nói “lòng yêu nước, lòng tự trọng dân tộc đã thúc đẩy mọi người (trong
đó có ông) tham gia cách mạng tháng Tám và sau đó đi kháng chiến”. Điều đó rất
đúng trong một thời gian lịch sử đấu tranh lâu dài giành độc lập dân tộc và
thống nhất đất nước. “Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách”. Thế hệ cha ông ta
chống Pháp và thế hệ ta chống Mỹ. Mới đây một phóng viên dẫn lời cụ bà Trịnh
Văn Bô (Hoàng thị Minh Hồ) người Hà thành ai cũng biết danh, nay vào tuổi tròn
trăm. Khi cách mạng tháng Tám mới thành công nhà bà là nơi Cụ Hồ ngồi suy nghĩ
viết “Tuyên ngôn độc lập”. Nghe ông Cụ khen: “Cô còn trẻ mà giàu có thế này!”
thì bà nói thật lòng mình: “Cháu mang trong lòng một nỗi nhục mất nước!”. Đó là
câu nói tiêu biểu cho tất cả những người Việt Nam chân chính lúc bấy giờ và là
cơ sở vững chắc để Cụ Hồ khẳng định với toàn dân: “Cuộc kháng chiến của chúng
ta nhất định thắng lợi hoàn toàn vì là chính nghĩa” trong khi không ít người
yếu bóng vía nghĩ rằng cuộc kháng chiến này thua ngay từ đầu là cái chắc! Cuộc
kháng chiến kết thúc thắng lợi, hoàn thành sự nghiệp độc lập dân tộc và thống
nhất giang sơn. Đó là sự thật hiển nhiên. Tất cả những người Việt Nam yêu nước
đều có quyền tự hào và chia sẻ hạnh phúc to lớn ấy. Khổng Tử nói: “Người quân
tử có thể bị lừa bởi những lời có lý chứ chẳng thể bị lừa bởi những điều xằng
bậy”. Ông Lê Hiếu Đằng là luật gia, là giảng viên triết học, là người từ đội
ngũ đấu tranh trên đường phố Sài Gòn lên chiến khu miền Đông sát cánh với những
bạn cùng trang lứa như dòng nước vô tận từ nguồn hậu phương lớn chảy vào chiến
đấu đến ngày thắng lợi hoàn toàn, lại đã cao niên, chẳng lẽ dễ bị lừa bởi một
lời nói hàm hồ: “Thật sự miền Nam đã giải phóng cho miền Bắc trên tất cả các
lĩnh vực”?! Ông còn trích ra ý của một nhà thơ: “Trong bất cứ cuộc chiến tranh
nào người thất bại đều là nhân dân”. Ông
có biết đó là “chế ý” của một nhà văn phương tây cách nay đã hai thế kỷ: “Không
có cuộc chiến tranh nào gọi là chiến thắng với các bà mẹ mất con!”? Tuy nhiên
trong chiều dài lịch sử nhân loại những cuộc chiến tranh phi nghĩa và chính
nghĩa vẫn diễn ra và sự xả thân cao thượng vì chính nghĩa vẫn sáng ngời lên
càng làm vững nền tảng đạo đức con người để không thành con vật!
Sau
khi đưa ra bằng chứng một viên chức tốt bụng ở lao Thừa Phủ Huế đã giải quyết
cho ông và người bạn ra thi Tú tài II, ông Đằng đưa ra câu hỏi: “Không biết với
chế độ gọi là ưu việt hiện nay có người tù nào được cho ra đi thi như chúng tôi
hay không?”. Tôi đồng cảm với ông rằng xã hội chúng ta đang sống mà được gọi là
“ưu việt” thì quả là hơi bị ngượng! Nhưng một luật gia khoe đã đọc nhiều sách
triết học kể cả Nietzche và Marx mà không nhìn ra mối liên hệ giữa bản chất và
hiện tượng thì cái sự ngượng ấy phải nhân lên gấp mấy mươi lần! Trong hoàn cảnh
đất nước bị giặc ngoại xâm xâu xé, trừ những kẻ bán rẻ lương tâm theo giặc, còn
đại bộ phận dân chúng rất căm phẫn bất bình nhưng không phải ai cũng dễ dàng
đứng vào hàng ngũ đấu tranh trực diện với quân thù. Mỗi người một hoàn cảnh
nhưng lòng yêu nước vẫn âm ỷ nhen nhóm bên trong chỉ chờ dịp là bùng lên cháy
sáng. Thiện cảm với những người yêu nước luôn thôi thúc họ làm một điều gì đó ích
lợi cho nước cho dân. Ngay như luật sư Trịnh Đình Thảo, Luật sư Nguyễn Văn Huyền,
Luật sư Vũ Văn Mẫu trong cương vị của mình từ khi còn trẻ đã luôn tìm mọi cách
làm nhẹ hoặc gỡ tội cho những người yêu nước kể cả những người cộng sản. Trong
chiến dịch Mậu Thân, không ít chiến sỹ quân giải phóng bị thương, bị truy sát
nhưng được sự che chở bao bọc của đồng bào kể cả những gia đình và sỹ quan binh
lính buộc lòng phải hợp tác với ngoại bang. Ông Đằng có nghĩ rằng nếu như ông
phạm tội ăn cắp, hiếp dâm, cướp của, giết người thì liệu có nhận được sự khoan
dung độ lượng ấy không? Là người từng đứng trên bục giảng của một trường chính
trị, ông hiểu thế nào là tinh thần dân tộc? Là người làm công tác vận động quần
chúng chắc ông phải nhập tâm một điều rằng nếu không hiểu được bản chất lòng
tốt của quần chúng thì rất dễ làm điều vong ân bội nghĩa. Ở giữa lòng thành phố
hôm nay không khó gặp những người tù nam hoặc nữ từng bị giam cầm trong những
nhà tù ở Côn Đảo, Phú Quốc, Chí Hòa, Tân Hiệp… để ông hỏi xem nhà tù thực dân
đế quốc “nhân đạo” thế nào? Hồi ký của giáo sư Trần Thanh Đạm – nhà giáo nhân
dân, nguyên Hiệu trưởng trường ĐHSPTPHCM, viết về buổi đầu nhận lệnh vào tiếp
quản các cơ sở Đại học phía Nam, ông Tố Hữu thay mặt TWĐ dặn kỹ rằng: “Không
được làm cho anh chị em (trí thức) thấy mình nhỏ bé lại mà phải thấy mình cao
cả thêm cùng với dân tộc. Trong chiến thắng chung có phần của tất cả mọi người
yêu nước dù hoàn cảnh của mọi người không phải ai cũng giống ai. Các đồng chí
không được trừ đi mà phải cộng thêm vào trong thành tích của mỗi người”. Tiếc
rằng những sai lầm về quản lý kinh tế và tổ chức xã hội kéo dài quá lâu để
nhiều người dù thiết tha với nước cũng không đủ sức đợi chờ!
Với những vị trí thức lớn tiêu biểu, ông Đằng
rất thiếu sự cẩn trọng và nói những lờì bất kính nhằm dùng tên tuổi họ vào mục
đích riêng. Giáo sư Trần Văn Giàu từng nói: “Tôi chỉ là người dạy triết. Anh Trần
Đức Thảo mới xứng đáng được gọi là triết gia”. Từ giữa những năm 1940, tên tuổi
vị thạc sỹ hạng nhất về triết học của trường Đại học Sư phạm phố Ulm danh giá
Trần Đức Thảo đã vang dội về Việt Nam qua buổi tranh luận bất phân thắng bại về
chủ nghĩa Marx giữa ông với triết gia lừng danh Jean Paul Sartre. Năm 1946, khi
Cụ Hồ qua Pháp, ông tích cực tham gia vào Ban thư ký giúp việc, sau đó xin theo
về nước nhưng Cụ khuyên ông: “Chú về lúc này sẽ không có việc làm đâu”. Năm
1950, trong lúc cuộc kháng chiến ở vào giai đoạn gay go, ông bỏ lại cái ghế
giáo sư Đại học ở Paris, tìm đường bí mật qua
các nước trung gian về chiến khu Việt Bắc. Cho đến nay người Việt Nam mới chỉ có Trần
Đức Thảo được coi là triết gia tầm cỡ thế giới. Ông Đằng chưa tìm hiểu kỹ về
thân thế con người này và hẳn là ông chưa từng đọc một tác phẩm triết nào của
Trần Đức Thảo hay là có đọc cũng không hiểu nổi? Cho nên ông Đằng liệt vị triết
gia hàng đầu vào số những người “ít hoặc chưa biết chủ nghĩa Marx là gì, CNXH
ra sao”! Trong cương vị Phó chủ tịch UBMTTQTPHCM mời nhà triết học tới nói
chuyện, ông buông lơi một câu: “Buổi nói chuyện đã làm mọi người thất vọng vô
cùng về ông (TĐT)”. Ai cũng biết triết gia Trần Đức Thảo từng một thời bị xử
tệ, hẳn ông Đằng hy vọng mượn dịp này nhà triết học sẽ tuôn ra những lời bất
mãn. Buồn thay là ông không học được ở
đó giá trị của một kẻ sỹ nhân cách lớn! Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường cho đến nay
vẫn là người duy nhất ở tuổi 23 mà chỉ trong một năm (1932) giành liền hai bằng
Tiến sỹ luật khoa và Tiến sỹ văn chương ở trường đại học lâu đời nổi tiếng
Montpellier nước Pháp. Mười năm trước khi Cụ Hồ qua dự hội nghị Fontaine Bleau,
ông đã về nước và dứt khoát từ chối mọi quyền chức mà nhà nước thực dân chèo
kéo. Ông nhận làm giáo sư ở trường trung học bảo hộ (trường Bưởi) đào tạo ra những
tú tài bản xứ. Ông chăm chú cho việc trồng người và bảo vệ những học trò tài
năng tâm huyết. Để giữ cốt cách của người thầy trước áp lực của chính quyền
phát xít Nhật trong việc tuyên truyền cho chủ thuyết Đại Đông Á, ông xin ra
khỏi giáo giới về nhà mở văn phòng luật sư. Cách mạng tháng Tám thành công, Hồ
Chủ tịch mời ông tham gia là một trong 24 thành viên đoàn đàm phán với Pháp ở
Hội nghị Đà Lạt. Với cương vị là Chủ tịch ủy ban văn hóa, vị luật sư đại diện của
nước Việt Nam mới đã khiến không ít đối thủ người Pháp phải rơi vào tình thế
lúng túng và kinh ngạc trước những viện dẫn chính xác của ông về những điều
khoản đã được ghi trong luật quốc tế. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, luật sư
Nguyễn Mạnh Tường từ bỏ mọi phú quý vinh hoa, không sợ gian khổ hy sinh, cùng
gia đình lên chiến khu tham gia xây dựng ngành tư pháp kháng chiến cho dù là làm
việc không lương. Khi hòa bình lập lại trên miền Bắc, luật sư được giao nhiều
trọng trách. Năm 1956, sau khi phát hiện sai lầm trong cải cách ruộng đất, tại hội
nghị của UBTWMTTQVN, ông đọc bài phát biểu rất thẳng thắn phân tích nguyên nhân
dẫn đến sai lầm và yêu cầu bức thiết xây dựng một nhà nước dân chủ pháp quyền.
Vào thời điểm đó ý kiến của ông khó được tiếp thu và ông bị thất sủng! Tuy
nhiên về đời sống vật chất với ông thì khó chứ không khổ như nhà triết học. Một
thời gian dài sau đó, chính kiến của ông dần được sáng ra thì phẩm giá của bậc hiền
sỹ ấy càng được đề cao và kính trọng. Ông qua đời năm 1997, thọ 88 tuổi. Tang
lễ của ông có các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và nhà nước tới viếng và trân
trọng viết trong sổ tang khẳng định: “Luật sư Nguyễn Mạnh Tường là một trí thức
yêu nước, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất tổ
quốc và góp phần xây dựng nền giáo dục Việt Nam”. Nỗi đau lớn của người trí
thức chân chính mọi thời là không được phát huy hết tài năng giúp đời. Luật sư
Lê Hiếu Đằng về tuổi tác vào hàng con cháu, về tài năng không đáng để bậc thầy
đàm đạo, về đức độ không biết được mấy người cảm phục, về tình cảm mới chỉ là
chỗ sơ giao nơi xứ người xa lạ thì làm sao bậc hiền nhân dù là tây học nhưng
thấm sâu tinh thần nho giáo: “Lập chí theo đạo mà còn hổ thẹn vì áo xấu cơm thô
thì chưa đáng gọi là kẻ sỹ” lại dễ than phiền cả những chuyện cỏn con đã qua
không đáng để bận tâm?!
Hai là ông Đằng đem chuyện báo chí, văn chương
nghệ thuật thời quá khứ ra bàn luận dù chỉ là cảm tính để chứng minh cho cái
lập luận của ông rằng dưới chế độ thực dân còn tốt đẹp hơn nhiều! Lứa tuổi U70 sống
vào buổi giao thời giữa hai chế độ xã hội. Ai bảo dưới chế độ thực dân báo chí
và những nhà báo được tự do hành nghề? Những bài báo bị đục bỏ nói lên điều gì?
Những tờ báo bị tịch thu nói lên điều gì? Những tòa báo bị đóng cửa nói lên điều
gì? Những nhà báo yêu nước bị điêu đứng trong lúc hành nghề, thậm chí bị tù đày
sát hại nói lên điều gì? Ông Nguyễn Văn Vĩnh là người tiên phong trong làng báo
chí từng bị trùm Sở cẩm Bắc kỳ gọi lên đe dọa: “Ngoài đảo Côn Sơn còn rộng lắm,
chúng tôi dành cho anh một chỗ tha hồ làm báo!”. Giới ký giả Sài thành đều biết
nhà văn nhà báo Thiếu Sơn vào tuổi lục tuần mà đi đâu cũng kè kè cái túi chứa
những vật dụng cá nhân cần thiết đề phòng bị tóm vào bót cảnh sát bất cứ lúc
nào. Nhà văn nhà báo Vũ Hạnh năm lần bị vào tù vì ông có những bài viết thức
tỉnh nhân dân đứng lên “bảo vệ văn hóa dân tộc”. Hãy nghe lời ông tâm sự: “Sự
hiện diện của đội quân viễn chinh Hoa Kỳ dẫn đến nhiều đổ vỡ nghiêm trọng trong
xã hội miền Nam
thời ấy vốn đã chứa đựng quá nhiều tệ nạn. Do sự lừa mị của chính sách “thực
dân mới”, nhiều người sống trong xã hội lúc đó không nhìn những bọn Yankees võ
trang lũ lượt kéo đến xứ này như một đội quân xâm lược, trái lại xem chúng là
bạn “đồng minh” đến “cứu nguy”(!) khiến những nạn nhân nhiều khi mang tính “tự
nguyện” và các thảm kịch thêm nhiều cay đắng và xót xa hơn. Tất cả xáo trộn và
đổ vỡ của một thời kỳ đen tối ấy kéo dài nhiều năm đã không được sử gia nào ghi
lại trung thực dầu chỉ là một mảng của cuộc sống mang tính điển hình”, nên mới có
sự ra đời của “Lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc” tập hợp hàng trăm nhân sỹ,
nghệ sỹ tên tuổi đại diện đủ mọi giới chức nghành nghề chính kiến như: giáo sư
Dương Minh Thới, nhà thơ Á Nam Trần Tuấn Khải, giáo sư Lê Văn Giáp, giáo sư bác
sỹ Ngô Gia Hy, giáo sư Nguyễn Văn Trung, nhà thơ Đông Hồ, nhà văn Thiếu Sơn,
giáo sư Lê Văn Hảo, kỹ sư Trần Kim Thạch, giáo sư Vương Hồng Sển, nhạc sỹ Thẩm
Oánh, nghệ sỹ kịch Thanh Nga…
Sau
ngày thống nhất đất nước, những tàn dư xấu của văn hóa nô dịch tay sai chẳng
mấy ai muốn nhớ nhưng những tinh hoa văn hóa của dân tộc và thế giới đã in sâu
trong tâm thức vẫn còn nguyên đó. Mỗi thời có bối cảnh xã hội đặc trưng và
những sướng vui đau khổ mỗi thời một khác thì cảm nhận của con người không
giống nhau mọi lúc là điều đương nhiên. Ông Đằng hay nói những điều đơm đặt, tỷ
như: Sau năm 1975, nhạc sỹ Văn Cao làm bài “Mùa xuân đầu tiên” với điệu valse
dìu dặt rất hay thế mà bài ca bị cấm đến nỗi khi ông vào chơi với các nhạc sỹ
miền Nam
mới được nghe những bài hát của mình. Xin thưa, lúc này ông Văn Cao đã được xả
hạn lâu rồi và Chủ tịch nước Trường Chinh lúc đó còn gợi ý nhạc sỹ viết quốc ca
mới thì còn ai dám cấm? Đọc “Bên thắng cuộc” ông Đằng chỉ nhớ những điều ba
xạo. Sau ngày 30/4 hầu như các gia đình ở miền Bắc đều có bàn thờ người thân
chết trận, nếu không thì cũng bặt vô âm tín hàng chục năm trời thì có ai lòng
dạ nào nghĩ tới mùa xuân và còn hơi sức đâu mà hát mà nghe khi bụng lúc nào
cũng đói cồn cào! Thế mà có ông lớn giả giọng nhân nghĩa rằng: “Ngày 30 tháng 4
hàng triệu người vui, hàng triệu người buồn” (!) Hỏi có sự tráo trở vô ơn bạc
nghĩa nào hơn với những người từng đùm bọc và đổ xương máu ra cho ai ngồi trên
đỉnh vinh quang quyền lực?
Mấy
năm sau này nhạc sỹ Phạm Duy trở về, dù có công nghệ quảng cáo rầm rộ nhưng sự
say sưa của người nghe với những ca khúc xưa không còn như trước nữa. Chẳng phải
bởi sự kỳ thị hay vận động nào đâu mà vì nhu cầu cảm thụ của lớp người mới lớn
lên đã khác. Sẽ không là điều lạ đến một ngày nào nhạc Trịnh cũng bớt dần “fan”
hâm mộ. Tuy nhiên giai đoạn lịch sử nào cũng để lại những bài ca vượt thời gian
ghi nhận những cảm xúc một thời. Ngoài những bài hát không chỉ ông Đằng đã nhập
tâm thì những bài ca như “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi, “Sông Lô” của Văn
Cao, “Du kích sông Thao” của Đỗ Nhuận, “Lên ngàn” của Hoàng Việt, “Quê hương
anh bộ đội” của Xuân Oanh, “Bài ca hy vọng” của Văn Ký, “Xa khơi” của Nguyễn
Tài Tuệ… vẫn làm rung động lòng người. Tiếc rằng bên cạnh đó về mặt văn chương
học thuật vẫn chỉ là những con chim cánh cụt lạch bạch từng bước há miệng đòi
ăn! Bảo rằng do chế độ kiểm duyệt khắt khe thì hãy tìm xem những tác phẩm bị
thu hồi sau khi phát hành có để lại tiếng vang gì? Hãy cứ cho người ta đọc cũng
chẳng hại chi. Những tác phẩm được tung hô nhất thời ngoài sự được dùng vào mục
đích hạ thấp ý nghĩa của cuộc chiến tranh giải phóng thì còn gì đọng lại trong
lòng người đọc? Trách ai? Những sự kiện lịch sử hừng hực vừa cao thượng vừa đau
thương cả loài người khâm phục và chia sẻ. Những thân phận con người hiến thân tới
mức tuyệt vời và cả những thân phận bất hạnh trong cơn biến động xã hội ở đâu
cũng gặp. Viết để con người nhận ra điều ác mà tránh, nhận ra điều thiện mà
làm. Viết để con người yêu nhau hơn, yêu đất nước mình hơn, chung lưng xây dựng
một xã hội hòa bình, nhân ái, bình đẳng, tự do. Vậy chỉ còn trông vào tài năng
và tâm huyết của người viết thôi. Tâm và tài của cá nhân nằm trong truyền thống
văn hóa của một dân tộc. Truyền thống văn hóa thì dân tộc nào cũng có nhưng vấn
đề là ở cái tầm. Làm sao để mỗi con người lớn lên thì tầm văn hóa của dân tộc
mới lớn lên được. Đấy là điều trông đợi ở tương lai. Trước hết ở những người được
gọi là trí thức phải hết lòng vun vén bồi đắp dần nên.
Bây
giờ người ta cứ trương lên cái bảng hiệu “dân chủ tự do” để nhằm vào những ý đồ
chính trị. Một ông nào đó không biết đại diện cho ai tung lên mạng rằng quyền
tự do dân chủ của con người dưới thời thực dân thống trị còn hơn gấp nhiều dưới
chính thể gọi là dân chủ cộng hòa! Xin trích ra một đoạn trong bức thư của thạc
sỹ triết học trẻ Trần Đức Thảo lúc bấy giờ từ Paris gửi về Hà Nội sau ngày cách mạng tháng
Tám thành công: “… Khi nhà cầm quyền Pháp cho phép những thanh niên Việt Nam
gia đình khá giả vào theo trung học và đại học là hy vọng rằng họ theo học Pháp
mà quên đi những ý niệm yêu nước của các nhà nho thời xưa và sẽ đứng về phía
người Pháp ở thuộc địa hợp thành một giai cấp thống trị mới Pháp-Nam, có học
vấn như nhau, quyền lợi cũng giống nhau. Nhờ đó người Pháp sẽ có thể đứng vững
ở nước này…”. Tất nhiên tầng lớp trí thức tay sai ấy được bình đẳng trong hệ
thống cai trị thực dân. Nhưng với những người trí thức không chịu cúi đầu vâng
dạ ngoại bang thì chúng thẳng tay trừng trị như Trần Cao Vân, Phan Bội Châu, Huỳnh
Thúc Kháng, Nguyễn Thái Học, Thái Văn Lung, Nguyễn Ngọc Nhựt, Phạm Ngọc Thảo…
Và với quảng đại dân chúng thì sao? Đảng cộng sản không thể một mình làm nên
chiến thắng. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Đảng chỉ là người thức
tỉnh, vận động, đoàn kết, tổ chức và luôn đứng ở hàng đầu đấu tranh quyết liệt
với kẻ thù để giành lại độc lập tự do cho tổ quốc và nhân dân. Tuy nhiên giành
chính quyền thì dễ mà xây dựng một quốc gia dân giàu, nước mạnh, xã hội công
bằng, dân chủ, văn minh, tiến bộ không là chuyện dễ và cần có thời gian để cả
thượng tầng lẫn hạ tầng cùng chuyển. Tôi nêu ra đây một đoạn viết của học giả
Phạm Quỳnh: “Trong bài diễn thuyết nói về “Tiền đồ nước Nam” nhà văn Marquet viết: “Quan trường nước Nam không ra gì
là dân An Nam cũng không ra gì. Dân nào quan ấy thật đáng lắm. Tôi có biết
nhiều ông quan làm việc đứng đắn và cũng muốn hết sức mưu lợi ích cho dân, chỉ
vì dân gian lắm sự lôi thôi, nay tố tụng, mai kiện cáo, kiếm chuyện mà làm hại
nhau, rồi cứ kìn kìn đem lễ đến cửa quan. Thế là dân cũng xấu chứ không phải
chỉ là quan xấu. Nay muốn sửa đổi phải sửa đổi cả dân, vì dân không biết gì.
Nếu cứ đổ tội cho mấy người đầu sở thì chẳng hóa ra tiện quá dư? Vả lại các ông
có muốn tôi nói thực câu này: “Mỗi người An Nam là một ông quan ngầm đó, ai
cũng có hy vọng làm quan hết cả”. Ấy cái thông tật của dân mình là đó. Dân xấu
như thế thì trách chi quan chẳng ra gì. Nhưng mà quan trường đã không biết tự
sửa mà quốc dân cứ giữ mãi cái thói mơ hồ như thế thì vận nước đến thế nào?”. Xin
mọi người hãy suy nghĩ và tự vấn mình!
Thật
tình không ít người nhột lòng khi cứ bị nghe nhiều lần lời nói kinh viện sáo
rỗng: “Dân chủ XHCN gấp vạn lần dân chủ tư bản”! Hỏi tám mươi triệu người Việt Nam đã ai được
sống dưới chế độ tư bản thật sự hoặc là dưới chế độ XHCN thật sự chưa?! Tuy
nhiên chế độ tư bản ở nước này nước nọ với trình độ khác nhau thì số ít bà con
ta cũng được ngó qua như cưỡi ngựa xem hoa, dù sao cũng sơ bộ nhận ra cả những
điều hay dở. Nhưng chế độ XHCN thì dưới gầm trời này chưa ai thấy được hoặc có
lúc ở đâu đó ngụy danh, cuối cùng thì lòi ra cái sự “cáo mượn lông công”! Đến
nay ai cũng biết CNXH nếu có cũng chỉ là mục tiêu định hướng mà trên đường đi
tới đó còn khúc khuỷu quanh co trầy trật gian nan lắm thì làm sao người dân có
thể được hưởng ngay thành quả ấy?! “Chúng ta phải nhận thức lại một số vấn đề
trước đây” là tinh thần nghị quyết của Đảng cầm quyền chớ không phải là phát
hiện của ông Đằng! Từ đâu có “đổi mới tư duy” và công nhận “kinh tế thị
trường”…? Đáng buồn là “đổi” thì có mà chưa thấy “mới” vì những bước đi loanh
quanh luẩn quẩn cứ như là dậm chân tại chỗ! Kinh tế thị trường vừa rút ruột
kinh tế quốc doanh, vừa làm rối loạn thị trường để cái thắt lưng của người dân dần
ngắn lại trong khi cái thắt lưng của các ông quan và bọn gian thương cứ dài ra.
Sinh hoạt xã hội có bước tiến dài hơn về dân chủ tự do dù còn dè dặt là điều
cần thiết. Đó cũng có thể là nguyên nhân khiến ông Đằng ở lúc gần đất xa trời
không còn lòng nào chịu nổi!
Ba
là vấn đề độc lập dân tộc, cụ thể là mối quan hệ với ông bạn lớn láng giềng. Tình
cảm giữa hai bên có truyền thống sâu xa lâu đời thế nào ai cũng biết. Một thời
kỳ hai quốc gia đều bị ngoại bang xâu xé nên phải dựa vào nhau mà nước nhỏ có nhẹ
dạ cả tin. Bài học lịch sử thì nhiều, đến người bình dân ít học cũng thuộc làu
truyền qua nhiều đời con cháu. Chuyện vua Thục Phán cầu an cho con gái Mỵ Nương
gá nghĩa châu trần với Trọng Thủy con vua Triệu Đà là sập cái bẫy “diễn biến
hòa bình” để đến nỗi nước mất, nhà tan! Chuyện nhân lúc triều chính nhà Trần
suy thoái, phản thần Hồ Quý Ly cướp ngôi vua gây “chính sự phiền hà”, tưởng cậy
tài tổ chức quân sự mạnh và chế được súng thần công mà “lòng dân oán hận” thì
khi “quân cuồng Minh thừa cơ gây hấn” cha con nhà Hồ đều bị giặc bắt lưu đày
biệt xứ, bỏ xác quê người! Cha ông ta để lại nhiều tấm gương ứng xử uyển chuyển
khiêm nhường trong nhiều tình huống. Năm 1946, giữa lúc tình hình trong nước
rối ren, Cụ Hồ qua Pháp đàm phán hòa bình chỉ dặn lại một câu với cụ Quyền Chủ
tịch nước Huỳnh Thúc Kháng: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, ý rằng mọi chuyện đều
có thể nhân nhượng nhưng “độc lập chủ quyền” là điều “bất biến”. Những bậc lão
niên, những nhà trí thức biết làm gì cho lớp trẻ nhận chân sự thực. Đành rằng
cần phải có cách ứng xử đúng mức vừa giữ thể diện quốc gia, vừa để thức tỉnh
những người thờ ơ tới vận nước, vừa tạo thời dựng thế trong việc phòng thủ quốc
gia. Đó là việc của toàn dân nhưng trước hết là trách nhiệm của những nhà lãnh
đạo quốc gia. Lão Tử nói: “Những gì có lợi cho nước chẳng thể phơi bày cùng
dân”.
Bốn
là ông Đằng nói rằng đã qua “những trải nghiệm cay đắng” và đến lúc phải “tính
sổ”, “thanh toán” với Đảng CSVN. Là người có học và đã bước qua cái ngưỡng tuổi
“thất thập” rồi mà ông nói nhiều điều ngược ngạo! Ở thành phố này còn rất nhiều
người biết rõ quá trình hoạt động của ông. Thời điểm Mậu Thân, trước nhu cầu mở
rộng mặt trận nhân dân chống Mỹ, ĐCS chủ trương thành lập mặt trận thứ hai là
“Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam”. Ngoài
những nhân vật tiếng tăm uy tín xã hội lớn cũng cần có đại diện của giới thanh
niên trí thức mà lúc đó ông đã là đảng viên mặc dù không phải là người đứng mũi
chịu sào, ảnh hưởng không lớn trong phong trào học sinh sinh viên thành phố.
Nhờ có uy tín của ĐCS mà ông Đằng mới được ngồi chung chiếu với những vị trưởng
thượng bậc thầy danh vọng hàng đầu xã hội như Trịnh Đình Thảo, Lâm Văn Tết, Thích
Đôn Hậu, Tôn Thất Dương Kỵ, Nguyễn Văn Kiết, Dương Quỳnh Hoa, Thanh Nghị… Cũng
như lớp thanh niên yêu nước thời đó đi vào kháng chiến, mỗi người một việc và
nhiều người đã hy sinh như nhà thơ Lê Anh Xuân, nhà văn Nguyễn Thi, nhạc sỹ Hoàng
Việt… trong khi ông Đằng được trong số những người hạnh phúc trở về thành phố
với tư thế người chiến thắng. Ngay giữa thành phố hôm nay, bao nhiêu bạn bè
đồng đội không được may mắn như ông, vẫn sống bình lặng trong tuổi già hoặc còn
vật lộn trong cuộc mưu sinh. Vậy thì ai mang nợ ai? Tại sao mọi người vẫn vui
vẻ chia sẻ cùng ông mà không nghĩ tới chuyện “tính sổ”, “thanh toán” với ông?
Tôi luôn nhớ lời hát ru của mẹ từ thuở thiếu thời: “Giọt nước chảy vào muôn
giọt khác/ Sẽ biến thành biển nước mênh mông/ Nếu là chỉ một giọt trong/ Sẽ tan
thành chút hơi không còn gì/ Chân con mà thẳng bước đi/ Thì đường sẽ rộng thêm
vì người đông/ Chân con mà bước đi cong/ Thì đường rậm cỏ vì không chân người/ Một
cành hoa đẹp chơ vơ/ Đừng ra giữa lối dại khờ khoe tươi/ Một tia lửa trước gió
trời/ Đừng khoe mình sáng trên đời bay cao…”. Mẹ tôi giờ đã cách xa mà lời ca vẫn
còn vang động thiết tha bên lòng! Ông Đằng nói: “Tôi ngày càng hiểu
sâu sắc từ “GIẢI PHÓNG” là sự thoát xác thật sự làm người tự do dù cho sự cai
trị là người da vàng hay da trắng (!). Thậm chí điều đau khổ bi thảm nhất là hệ
thống cai trị chính là người của dân tộc đó (!)”. Không hiểu lúc viết những
dòng này trạng thái tinh thần của ông Đằng có là sáng láng? Lịch sử quá xa xếp
lại, hãy nhìn gần hai thế kỷ qua, nhân dân ta từng dưới sự cai trị của cả người
da trắng, da vàng. Nửa thập kỷ rên xiết lầm than dưới ách “phát xít” Nhật. Thời
gian hơn thế kỷ dưới sự cai trị của “đế quốc sài lang” Pháp, Mỹ với “biết bao
nhiêu nhục hình”. Không chịu được thì toàn thể đồng bào mới “tuốt gươm vùng
lên” cùng nhau “trả mối thù chung” để xây dựng “nền dân chủ cộng hòa”. Nhà văn
đáng kính Thiếu Sơn tâm sự: “Bọn xâm lăng không nhằm cá nhân tôi mà xúc phạm.
Chúng đã xúc phạm tới cả một dân tộc! Tôi thấy tôi không thể tách rời khỏi dân
tộc mà có được sự kính nể của ngoại bang”. Vì tổ quốc, vì dân tộc ông đã dấn
thân. Vậy vì sao sinh viên Lê Hiếu Đằng lại tự nguyện đứng vào hàng ngũ những
người yêu nước và rời bỏ gia đình lên chiến khu tham gia kháng chiến khi ông
đang sống “dưới sự cai trị của những người da trắng”(?) để nhận vào nỗi “đau
khổ bi thảm” vì sống dưới sự cai trị của “chính những người là dân tộc của mình”!
Giận quá mất khôn hay là sám hối? Hình như ông giáo dạy triết lẫn lộn giữa
những “mâu thuẫn nội bộ” với những “mâu thuẫn đối kháng” nên đã không tìm được giải
pháp nào thích hợp? Trong quá trình đấu tranh lâu dài, vào lúc gay go quyết
liệt nhất đều có những cánh chim rơi rụng lìa đàn. Như sau Tết Mậu Thân, tiếp
đến Bác Hồ qua đời, tình hình thật bi đát và đen tối, không ít người kháng
chiến từ du kích địa phương tới cán bộ thoát ly lâu năm hoang mang giao động bi
quan chạy ra “chiêu hồi” về với cái gọi là “chính nghĩa quốc gia”. Thực ra là giữa
cái sống và cái chết họ chỉ đi tìm con đường sống thôi! Nhưng sau cơn mưa trời
sáng lại. Cách mạng vẫn đi lên. Bối cảnh xã hội bây giờ khác nhiều, tạo nên
tình thế mới: Sự sụp đổ của hệ thống XHCN kéo theo sự đổ vỡ niềm tin lý tưởng. Sự
cạnh tranh để tồn tại giữa các quốc gia rất quyết liệt khiến các mối liên kết
trở nên lỏng lẻo. Kinh tế thị trường đã thành con dao hai lưỡi để các quốc gia
có những chính sách hai mặt thất thường. Trong khi nước ta dù có hòa bình nhưng
không vững chắc. Quá trình đổi mới diễn ra chậm chạp với nhiều lực cản. Tổ chức
chính quyền các cấp non yếu và thụ động. Luật pháp chưa hoàn chỉnh lại thiếu
nghiêm minh. Khoảng gian cách giữa giàu nghèo càng rộng. Hệ thống thông tin đa
chiều nhiễu loạn. Nội tình phân hóa… Tất cả tác động liên tục từng ngày tới mỗi
cộng đồng và tới từng người. Lại có một lớp người hoang mang bối rối “chiêu hồi”
kiểu mới – Chiêu hồi để thoái thác trách nhiệm đảng viên hy vọng tìm chân trời
mới dưới danh xưng là đi đòi dân chủ, tự do, đa nguyên, đa đảng. Những người bất
đồng, bất bình, bất mãn cùng với những phần tử cơ hội hợp thành phe đối lập
được sự cổ vũ về nhiều phương diện của những thế lực quốc tế đa dạng rất giàu
và mạnh về công nghệ thông tin nhằm những mục đích sâu xa. Hiển nhiên đang là
thử thách khắc nghiệt với Đảng cầm quyền. Thật
ra vấn đề đa nguyên đa đảng không có gì là mới ngay ở nước ta. Từ đầu thế kỷ
XX, các tổ chức đảng kiểu mới manh nha hình thành. Đảng “Việt Nam quốc dân”
của Nguyễn Thái Học là đảng cách mạng thực sự đầu tiên dám đương đầu với cường
quyền nhưng sớm bị đàn áp, tan rã, thoái hóa và biến chất. Sau đó cả nước đều
có đa đảng, đa nguyên nhưng không đảng nào qua mặt được “đảng thực dân” và không
“nguyên” nào trụ được nếu trái ý ông chủ ngoại bang. Duy chỉ có ĐCSVN đã vượt
lên tất cả, nhấn chìm tất cả mọi thế lực cản đường đi tới mục tiêu thống nhất,
độc lập và hòa bình ổn định. Trên thế giới này không chỉ một Việt Nam độc đảng! Hiến
pháp là cần thiết nhưng phải trên cơ sở hòa bình ổn định – trước hết là ổn định
chính trị. Nhãn tiền, hiến pháp LiBi, Ai Cập, Xyri có phải là hiến pháp cộng
sản đâu mà vẫn bị xé toạc đi với sự ủng hộ nhiệt tình của các nước “dân chủ”
hàng đầu! Dân chủ tự do vừa là mục tiêu vừa là khát vọng của mọi dân tộc và mỗi
con người. Mỗi quốc gia tùy theo nền tảng văn hóa và hoàn cảnh lịch sử cụ thể mà
có những bước tiến dài ngắn trong sự ban bố những quyền tự do dân chủ. Nhưng nó
mãi như đường chân trời để nhân loại hướng tới. Điều cần nhận rõ là: Người dân
có quyền công khai phát biểu chính kiến của mình nhưng quyết định cuối cùng là
quyền Quốc hội. Quốc hội chịu trách nhiệm trước lịch sử dân tộc mà không chịu
trách nhiệm trước bất kỳ ai. Người đứng trong một tổ chức phải chịu trách nhiệm
về hành vi và lời nói của mình trước tổ chức ấy. Cổ nhân dạy: “Vua lấy dân làm
trời. Dân lấy ăn làm trời”. Điều cần thiết nhất với một dân tộc vừa thoát khỏi
chiến tranh là cơm no, áo ấm, độc lập, chủ quyền mà điều kiện tiên quyết phải
là hòa bình ổn định. Còn như những sự bình đẳng, dân chủ, tự do, bác ái, văn
minh… là những mục tiêu tiến bộ nhân loại phấn đấu không ngừng và sẽ không bao
giờ thỏa mãn.
Người
xưa dạy: “Quân tử cốt ở cái gốc. Gốc có vững thì đạo mới nảy sinh”. Những người
đã tự bứng cái gốc của mình đi thì chẳng thể lôi kéo được ai! Chẳng dấu nổi người
khi nhiều vị đầu trò phất cờ đối lập hiện nay từng được hưởng quá nhiều dân chủ
tự do thậm chí còn được nhà nước ưu ái ngơ đi những điều quá đáng để quý vị “hạ
cánh” an toàn trong khi nhân dân còn gian truân vất vả; đến lúc hết thời rồi
thì quý vị kích động xã hội dưới cái chiêu bài đòi “dân chủ tự do” cứ như là
người thương dân yêu nước lắm! Không ai phủ nhận trong quá trình điều hành xây
dựng đất nước, Đảng cầm quyền mắc nhiều sai lầm nghiêm trọng để đất nước lâm
vào trì trệ không xứng tầm với các nước bầu bạn chung quanh mà sự sửa chữa điều
chỉnh quả là chậm chạm, đặc biệt không ít người cầm quyền các cấp tỏ ra vô cảm trước
những yêu cầu chính đáng của nhân dân, lại thiếu gương mẫu trong lối sống, tự
tung tự tác thao túng thu vén cá nhân, khi bị phanh phui thì trên che cho dưới,
dưới bịt cho trên, “nghiêm trị” với hình thức gọi là “xử lý nội bộ” (!) để lòng
dân công phẫn! Nhìn lại lịch sử hơn một ngàn năm tự chủ của nước nhà, trải tám
chính triều từ Ngô đến Nguyễn, triều Đinh ngắn nhất được 12 năm, triều hậu Lê (do
Lê Lợi khởi nghiệp) dài nhất được 360 năm nhưng chỉ 100 năm đầu có thể gọi là
thịnh trị. Về sau bởi không chú trọng đào tạo những minh quân hiền thần, lại dung
dưỡng lũ u vương gian thần, giao sự nghiệp cơ đồ vào tay bầy mọt dân hại nước,
để triều chính đổ nát, xã hội nhiễu nhương, người trong nước xâu xé lẫn nhau gây
họa chia rẽ Bắc-Nam, thừa cơ lũ người hướng ngoại mở cửa rước giặc vào nhà làm
cho nước non nghiêng ngả. Đấy là nỗi đau hằn sâu trong tim óc mỗi người dân Việt.
Bởi thế đã thành truyền thống, các bậc lão niên gia trưởng chú trọng việc dạy
cho con cháu thông hiểu lịch sử nước ta mới có lòng thương nước yêu nhà, mới
biết xiêng học xiêng làm để vun đắp thêm vào cái nền xã hội tổ tiên đã gây dựng
nên mà bảo tồn xã tắc giống nòi.
Điều
cuối cùng muốn nói với ông Lê Hiếu Đằng là không ai trói cột được ai vào một tổ
chức. Tin thì yêu, không tin thì bỏ là quyền của mỗi người. Dân gian có câu
“giữ kẻ ở chứ không giữ được người về”, chẳng ai ràng buộc được ông. Tính trung
thực lúc nào cũng cần. Nhưng lúc khó khăn chao đảo mới cần đến lòng trung
thành. Ông nói rằng có 45 năm tuổi Đảng, lại từng dạy trường Đảng mà ông “phủ
định sạch trơn” mọi thành tích của Đảng dựng nên bằng bao nhiêu máu xương của
đồng chí đồng bào! Ông nắm vững nguyên tắc xây dựng Đảng sao lại xui nhau, hè
nhau bỏ Đảng? “Có nhiều người đến gặp tôi và chán nản đòi ra khỏi đảng”! Đòi ra
khỏi đảng sao lại đến gặp ông Đằng? Giá như ông đứng ngoài tổ chức mà gào lên
điều đó chỉ như tiếng nói lẻ loi. Nhưng ông đứng giữa hàng quân trong lúc đang
chỉnh đốn mà tung hô “giải tán đi” đồng nghĩa là “phá rối” gây náo loạn! Tác
dụng hiển nhiên, ông nhà báo lão làng Hồ Ngọc Nhuận tuổi hơn ông cả con giáp, cười
khà khà hứng lấy: “Tôi thấy ông Lê Hiếu Đằng có 45 tuổi Đảng mà kêu gọi thành
lập đảng Dân chủ xã hội thì tôi hưởng ứng” và liền ra tuyên ngôn kêu gọi “phá
xiềng”! Một người bình thường cũng biết thế nào là tự trọng. Cố tình gây rối
nội bộ là ác tâm ác ý, còn nói chi tới lòng tự trọng? Với người trí thức lòng
tự trọng là biểu hiện tối thiểu của nhân cách. Nhân cách là điều cốt lõi của
liêm sỉ. Bằng những việc làm như thế, ông Đằng đã tự bôi lem danh dự của mình. Vậy
mà ông Hồ Ngọc Nhuận là người đa tài, đa tình và rất đa thê lại đã ở độ “lực
bất tòng tâm” rồi mà ôm thêm vào lòng một ả “ca ve” đứng đường liệu sẽ được
gì?!
Giữa
một đảng bộ lớn nhất nhì cả nước mà để xảy ra điều đó với một đảng viên trong
sự quản lý của mình thì không thể nói để chờ thời gian cảnh tỉnh. Diễn biến tư
tưởng ở con người này đã bộc lộ ra từ lâu, ngày càng bất trị. Phải nói thẳng ra
rằng không ít cơ sở đảng hiện nay tỏ ra vô hiệu. Vậy thì những Ban Văn hóa tư
tưởng, Ban Tổ chức, Ban Kiểm tra đã làm gì? Đấy là căn nguyên tạo ra sự suy yếu
của tổ chức Đảng hiện nay. Cụ Hồ nói: “Một người tốt không thể tốt mãi nếu
không luôn biết sửa mình. Một tổ chức mạnh chưa hẳn mạnh mãi nếu không còn được
lòng dân”.
Giáo dục–Thử thách–Kiểm tra–Chỉnh đốn–Xử lý
(biểu dương hay kỷ luật) là một quá trình liên hoàn chặt chẽ để xây dựng cá
nhân cũng như tập thể mà được thực thi nghiêm nhặt, thường xuyên, không nặng
nhẹ ở khâu nào thì một con người không thể thoái hóa, một đoàn thể không thể tan
rã được.
TPHCM ngày 2 tháng 9 năm 2013