Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

KHI TA ĐI ĐẤT ĐÃ HÓA TÂM HỒN


ĐÔNG LA
KHI TA ĐI ĐẤT ĐÃ HÓA TÂM HỒN
(Viết tặng Nguyễn Khắc Kế, để nhớ chúng mình từng có lúc…)


Câu thơ của Chế Lan Viên quả là hay, có tính chất của một thiên tài. Nó thiên tài bởi có chất chứa những điều lớn lao, đó là cái quy luật tâm trí của con người đối với những vùng đất mà ta đã sống. Nó phản ánh một thực trạng của xã hội loài người luôn phải trôi dạt, lìa xa nơi chốn thân yêu của mình vì loạn lạc, vì mưu sinh, đến những vùng đất xa lạ; và rồi khi vùng đất ấy trở thành thân thuộc thì người ta lại rời xa tiếp nữa, và cứ thế, cứ “bèo dạt mây trôi”!
Nhắc tới câu thơ của Chế Lan Viên ý chính của tôi là muốn kể lại đôi chút những kỷ niệm của mình về cái Thành phố Leningat- Saint Petersburg

Nguyên cớ lại là từ đám tang bác ĐT Võ Nguyên Giáp. Số là thấy ảnh vệ tinh vùng Vũng Chùa nơi an táng bác đẹp quá, lọ mọ trên mạng thế nào tôi lại phát hiện ra Google maps. Thật thú vị bởi nó có thể giúp ta du lịch nhiều nơi trên thế giới. Và những nơi chốn cũ chính là chỗ người ta thường muốn quay lại đầu tiên.
 Cuộc đời tôi có hai giai đoạn rất ngắn thôi nhưng chúng lại luôn thường trực trong ký ức, y như câu thơ mà tôi đã viết vậy:
Em đã đóng đinh buổi chiều ấy vào ký ức anh
Đó là hơn một năm ở chiến trường và hơn nửa năm ở Lêningrat. Tôi vẫn luôn ước ao rồi sẽ có ngày rủ anh bạn Kế ở Nha Trang trở lại nơi ấy. Bởi đúng như CLV viết là nó đã “hóa tâm hồn” tôi, nó luôn làm tôi nhớ về giai đoạn đầy sóng gió của cuộc đời. Nhưng như người ta thường nói, ông Trời không lấy hết của ai bao giờ, bởi chính trong cái giai đoạn ấy tôi lại được đến một thành phố rất đẹp:


(Trên Quảng trường Cung điện Mùa Đông, 1990)

Đó chính là cái thành phố mà trong TRUYỆN NGẮN BÀI TOÁN
tôi đã viết một đoạn văn mà bạn Đầu Đất và nhiều người khác nữa cũng đã rất thích thú:
Anh bỗng nhớ đến một thành phố khác cũng tuyệt đẹp, nơi anh từng có gần một năm sinh sống, nơi mà vừa đặt chân tới, người ta đã bảo bọn anh có một vinh dự là được đến một trong những thành phố đẹp nhất thế giới: Leningrat-Saint Perterburg. Lẽ ra anh còn ở nơi ấy nhiều năm và còn có thể kiếm được nhiều tiền nữa. Phải từ biệt nó trong những ngày hè ấm áp rực rỡ của phương Bắc, với những đêm trắng trong vắt, tuyệt vời, anh rất tiếc. Giờ đây, khi ngồi trước dòng sông đầy lăn tăn sóng này, đầy ánh sáng được hắt xuống từ những bảng quảng cáo khổng lồ, đủ sắc mầu rực rỡ kia, anh vẫn còn nhớ như in những lúc đi qua những khoảnh rừng phong, dưới bóng chiều tà, mà thời gian cứ mãi chiều tà như vậy, ngước nhìn những chiếc lá non mỏng manh như làm bằng thủy tinh mầu xanh vàng, ướt đẫm ánh nắng;
 triệu triệu những chấm sáng nhấp nhánh như những hạt kim cương thêu trên dòng Nhê-va,
 
rải trên Cung điện Mùa Đông,
trên vòm vàng Đại Giáo đường Ixaakievxki…:

Hồi ấy “Việt cộng” ta, từ nghiên cứu sinh đến “xuất khẩu lao động”, quan tâm chủ yếu là đi lùng mua hàng để đóng thùng gởi về VN. Tôi cũng vậy nhưng rảnh hơn vì có mấy chục thằng lính để sai phái, chính vậy tôi mới có điều kiện thực hiện được cái ý thích của mình là đi tham quan thành phố. Người dẫn đường không ai khác chính là anh bạn Kế. Kế gần như là một thổ công vì đã từng học ở “Len” 5-6 năm. Tôi “bắt” Kế dẫn đi xem viện bảo tàng nghệ thuật lừng danh Hermitagiơ (Эрмитаж) mà trước kia chính là Cung điện Mùa Đông vĩ đại, bên bờ sông Nê-va:
(Tôi và Kế, 1990)
(Nơi tôi ngồi có lẽ chính là chỗ gần cái cây được trồng về sau)
Từ Cung điện nhìn sang bờ bên kia thấy Pháo đài Petro Pavlovskaya: 
 
 
 Từ bờ bên kia nhìn về Viện Bảo tàng:

Nhưng với tôi hạnh phúc hơn cả là được vào tận trong bảo tàng, rồi được chiêm ngưỡng trực tiếp, nguyên bản những tác phẩm nghệ thuật đã trở thành bất tử như tranh của Rê-pin, Van-gốc, Lê-vi-tan:
(Mùa thu vàng)
Tranh theo trường phái Ấn tượng của Mô-nê:

Và tượng của Ca-nô-va. Ca-nô-va có bức tượng 3 cô gái tuyệt đẹp, in đầy trên mạng, tôi đã cop về dùng trang trí trên tường blog:
(Ảnh trên internet)


Giờ đây thật thú vị, nhờ có Google maps, nằng võng đung đưa mà tôi vẫn có thể theo được những dấu chân của mình từ 20 năm về trước, trên Đại lộ Nevxki, trên phố bờ sông Nê-va, vào tận trong những căn phòng của cái viện bảo tàng vĩ đại, tổng cộng hành lang của nó dài đến trên 20 km, còn có thể chụp các tấm hình trong căn phòng dài như một hành hang rộng, nơi đặt cả một dãy tượng, trong đó có bức tượng bất tử ba cô gái nói trên:
(Chụp bằng công cụ trên computer)
(Chụp màn hình bằng iphone)
Cùng tuyến phố bờ sông cũng có một nơi tuyệt đẹp, mà dãy phố phía sau có Đại giáo đường nổi tiếng Ixaakievxki nói trên:
Có đâu ngờ Tôi và Kế đã vào nhà thờ, còn leo tận lên trên, rồi được đi trên đường vòng tròn dưới vòm vàng của đại giáo đường này:
Không gian phía trước giáo đường là một khoảng công viên cây cối sum suê, râm mát, và đặc biệt phía gần đường bờ sông có đặt bức tượng Pie Đại Đế cưỡi ngựa tuyệt đẹp, nơi du khách thường rất thích chụp hình. Tôi cũng có chụp, tiếc là đã làm mất tiêu rồi!
Tôi ở “Len” chỉ hơn nửa năm. Nhưng cũng đủ hưởng hết các mùa ở đó. Lúc đến là cuối năm trước, từ phòng chờ sân bay Sheremetyevo (Шереме́тьево) nhìn ra bên ngoài tôi thấy mênh mông một bầu trời trắng đục mầu của tuyết. Có người lạnh quá đã chảy cả máu mũi. Cây cối bị giá lạnh tuốt sạch lá, trơ ra đến từng cọng nhỏ trông như cái tăm. Chỉ riêng loài tùng bách là coi cái lạnh không ra gì, vẫn cứ luôn biếc xanh. Có lẽ vì thể mà người ta đã ví người quân tử là tùng bách chăng? Tiếc là ở ta sao giờ lại nhiều cỏ dại đến như thế! Còn lúc tôi về là mùa hè, sau khi đã được hưởng những đêm trắng trong vắt, nắng vàng như mật. Nắng mà vẫn mát lạnh vì mặt trời không bao giờ qua giữa đỉnh đầu mà chỉ vẽ một vòng cung phía chân trời mà thôi.
Chính ở trong những khung cảnh như những bức hình trên, tôi đã luôn nhớ về Sài Gòn. Một hôm thơ thẩn ngoài công viên bên chỗ ở, nhìn mấy cô bé con mặc áo bông tròn như cái kẹo trượt tuyết đọng trên cầu trượt, tôi nhớ hai đứa con nhỏ đau cả tim.
(Đây là tấm hình tôi mang theo sang LX)
Tôi nghĩ nỗi nhớ của mình muốn về đến được SG thì nó phải đi cong theo dáng trái đất, nên đã viết:
Anh xa em gần nửa vòng Trái Đất
Nỗi nhớ cũng cong theo dáng Địa Cầu
Không ngờ hai câu này nhiều cô thích bảo “cho em mượn nhé”, rồi đổi xưng hô để gởi tặng bồ bên Mỹ!
Được ở một thành phố tuyệt đẹp, dễ kiếm tiền hơn, lẽ ra tôi phải ở hết 5,6 năm gì đó, nhưng tôi không quen cảnh chụp giật, xô bồ. Tôi nhớ một lần Kế dẫn đến chơi một người bạn "nghiên cứu sinh", chuyện trò chẳng thấy nghiên cứu gì mà toàn nghiên cứu đánh quả. Ít lâu sau Kế bảo "bị maphia Nga bóp cổ chết rồi!". Không còn một chút lưu luyến nào nữa, tôi đã nhờ Kế: “Ông giúp tôi về thôi!”. Kế đã đi mua ngay mấy chai “Lúa mới” đút lót thằng quản lý mắt xanh thế là thành công. Tôi còn nhớ như in hôm Kế mua vé máy bay đã tặng cô bán vé xinh như hoa hậu một thỏi son: “vam ê tơ” (cái này tặng cô). Mấy cô gái trẻ thành “Len” thì gần như cô nào cũng đẹp cả. Nhưng tôi ngạc nhiên thấy Kế không mua một mà là 2 vé. Kế bảo: “Em về luôn cùng anh”. Tôi rất mừng nhưng thật tiếc cho Kế. Kế giỏi tiếng Nga, ráng ở lại, biết đâu giờ đại gia rồi!
Sau vài năm cả gia đình tôi ra Nha Trang thăm nhà Kế:
Thằng nhỏ nhà Kế (nhỏ nhất) giờ đang vi vu bên Đức rồi. Còn ông bạn từng "trên tầng cây số" với nhau bên LX hơn 20 năm về trước bây giờ “hoành tráng” như thế này đây. Thời gian quả là một nghệ sĩ tạo hình vĩ đại!

TPHCM
20-10-2013
ĐÔNG LA