Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

TỐNG ĐI ĐÂU QUAN ĐIỂM CỦA TỐNG VĂN CÔNG?

ĐÔNG LA
TỐNG ĐI ĐÂU QUAN ĐIỂM CỦA TỐNG VĂN CÔNG?
 (Viết đăng báo)
Tống Văn Công vốn là TBT Báo Lao động, trong danh sách 72 người ký tên vào Bản Kiến nghị đòi thay đổi hiến pháp, thay đổi thể chế, Tống Văn Công đứng thứ 6.
Sáng 22/10/2013, Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý đã trình bày Báo cáo trước kỳ họp Quốc hội, theo đó, đa số ý kiến đại biểu và nhân dân đồng ý giữ tên nước là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; giữ nội dung điều 4 về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; quy định rõ nghĩa vụ trung thành của lực lượng vũ trang với Tổ quốc, nhân dân, với Đảng và Nhà nước, v.v…
Như vậy xã hội chúng ta vẫn giữ vững nền tảng cũ, cái nền tảng được xây nên bằng chính lịch sử vinh quang cũng như niềm tự hào của đại đa số nhân dân VN. Nhưng ai cũng nhận thấy sự chỉnh đốn cũng là điều cấp thiết. Đó chính là việc cắt bỏ những lạc hậu sai trái, uốn nắn những lệch lạc, bổ sung những thiếu sót. Còn như theo một số người hãnh tiến muốn đập bỏ tất cả để chạy theo những mô hình này nọ sẽ là ảo tưởng nguy hiểm, chẳng khác gì xây lâu đài trên cát. Sự tan vỡ Liên Xô là bài học cụ thể nhất. Nước Nga từng bị khốn đốn. Nhưng vốn là một trung tâm khoa học, công nghệ và văn hóa, là đất nước của các nhà bác học vĩ đại Lômônôsov, Menđêlêev, Capítxa, Lanđao, Cuốcchatov, v.v…; là đất nước của những Pushkin, Lev Tônxtôi, Đoxtôievxki, v.v…, họ đã nhanh chóng hồi phục, dù còn lâu mới có được vị thế của LX ngày xưa. Còn Việt Nam ta, thật tiếc, nếu đổ vỡ, ngoài lịch sử từng bị nhiều thế lực xâu xé, trình độ mọi mặt còn kém, chắc chắn sẽ đến chỗ thảm họa!
Như vậy, đúng theo tinh thần dân chủ, đa số ý kiến của các đại biểu quốc hội và nhân dân đã bác bỏ thiểu số ý kiến của nhóm 72 vị “lật pháp”. Nhưng lạ ở chỗ những người luôn nhân danh đấu tranh cho dân chủ lại không chịu hiểu những điều tối thiểu về dân chủ, chỉ là ý một dúm người nhưng họ lại không chịu thừa nhận sự sai trái của mình. Không chỉ trong việc kiến nghị sửa đổi hiến pháp mà còn trong rất nhiều vụ việc, họ đã bầy đủ trò, trong đó việc viết và phát tán những quan điểm sai trái trên mạng đã gây ra sự bất ổn không nhỏ.
Cũng như Huệ Chi, GS ngành Hán nôm; Tương Lai, PGS ngành xã hội học; Nguyễn Trung, cựu đại sứ ngành ngoại giao; là một nhà báo nên Tống Văn Công cũng viết khá nhiều. Vì là công chức trong thể thế, biết nhiều chuyện, nên những bài viết của Tống Văn Công rất dễ khiến người ta tin theo. Nhưng có điều nguy hiểm là, có những vấn để quá lớn, quá cao sâu, để đánh giá cho đúng bản chất và đưa ra được những giải pháp giúp cho xã hội ổn định và phát triển thì xem chừng quá tầm tri thức của ông.

Là một nhà báo, Tống Văn Công nắm được rất nhiều tin tức nên đã viết nhiều thứ, từ quan hệ với Trung Quốc, Chủ nghĩa Mác đến chuyện dân chủ, đa nguyên, v.v… Ông ủng hộ quan điểm “có vấn đề” của nhiều người như Trần Xuân Bách, Trần Độ, Bùi Tín, Nguyên Ngọc; ủng hộ trang “lề trái” Bauxite; ủng hộ những người phạm pháp như Cù Huy Hà Vũ, v.v…
Trong một bài viết nên tôi không thể phân tích hết được, bài này chỉ bàn về hai ý của Tống Văn Công về quan hệ với Trung Quốc và Chủ nghĩa Mác.
Trên trang Bauxite (26/09/2009) của Nguyễn Huệ Chi, Tống Văn Công với bút danh Thiện Ý, có bài Đổi mới Đảng, tránh nguy cơ sụp đổ, được Nhà thơ Hoàng Hưng: “lấy làm vinh dự được tác giả Thiện Ý gửi gắm việc giới thiệu công khai danh tính thật cũng như nhân thân của anh”. Tâm Việt trên QĐND, trong bài Phía sau lời “góp ý” đã cho là có “Mưu đồ thâm hiểm”. Riêng tôi, sau khi đọc thì thấy Tống Văn Công chắc muốn thể hiện “thiện ý”. Có điều ý của ông đúng hay sai, lợi hay hại cho dân cho nước, để rồi thành “thiện” hay “ác” ý thì cần phải xem kỹ.
Trong bài, Tống Văn Công viết khá đúng về thực trạng yếu kém của xã hội và những vấn đề nơi biên cương Hải Đảo, nhưng các giải pháp của ông đưa ra thì theo tôi, không phải là “mưu đồ thâm hiểm” mà thực sự là “mối nguy hiểm”. Ông đã phê phán đường lối ngoại giao của nước ta khi coi Trung Quốc là “Đồng minh”, mà theo ông, cần phải coi Trung Quốc là kẻ thù nguy hiểm: “Chúng ta đã từng gọi một cách chính xác “bọn bành trướng bá quyền Bắc Kinh là kẻ thù trực tiếp nguy hiểm”.
Trong xu hướng của thời đại: “đối thoại thay đối đầu”, “khép lại quá khứ hướng tới tương lai”, ý của Tống Văn Công coi “TQ là kẻ thù” đúng là đi ngược! Nó cũng trái với lời dậy tiền nhân trong các cách ứng xử: “bán anh em xa mua láng giềng gần”; “Hận thù nên cởi chứ không nên buộc”.
Chúng ta cũng cần hiểu tham vọng bành trướng bá quyền không chỉ là “đặc sản” của riêng người Tàu mà là bản tính chung của loài người. Kẻ có sức mạnh dễ sinh tham lam. Nhìn vào lịch sử thì TQ còn thua xa người Anh khi mặt Trời từng “không lặn trên Đế quốc Anh”, rồi dân Pháp ở đâu cũng đến tận xứ Đông Dương để “khai hóa” dân “An-nam-mít” chúng ta; rồi dấu chân người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha từng dẫm nát cả Nam Mỹ và người Đức cũng gây ra cả một Đại chiến Thế giới!
Thế rồi, dù Nhật từng bị bom nguyên tử của Mỹ hủy diệt, Đức từng bị quân Liên Xô và Đồng Minh đánh tận sào huyệt, nhưng sau chiến tranh, Nhật, Đức vẫn trở thành đồng minh của Mỹ. Ngay nước Mỹ, sau thất bại 1975, cũng đã bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Với xu thế như vậy, tư tưởng “thêm thù bớt bạn” của Thiện Ý Tống Văn Công bất kể ta là ai, lực ta như thế nào, tuơng lai dẫn ta đến đâu, thực sự là nguy hiểm!     
Trong thời gian qua, phía TQ quả có gây ra nhiều chuyện nơi Biên giới Hải đảo của ta, từ chuyện xâm hại tính mạng và tài sản của ngư dân, đặc biệt là tham vọng qua tuyên bố về “đường lưỡi bò” liếm hết Biển Đông…, ta cần phải dựa vào luật pháp cũng như dư luận quốc tế, tăng cường ngoại giao đa phương để có đối sách thích hợp, kể cả việc nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội, tăng cường phòng thủ. Nhưng kích động thù hận, phát động chiến tranh là điều không nên. Trái lại, trước những hành động ngang ngược và tàn bạo của lính TQ mà ta cứ làm thinh để họ được đà lấn tới cũng là điều không nên. Chúng ta nên mừng khi các nhà lãnh đạo nước ta vừa thăm TQ “thắt chặt quan hệ hai nước”, đồng thời người Phát ngôn Bộ Ngoại giao ta cũng vẫn gởi công hàm phản đối những hành động sai trái của họ. Việt Nam ta nhỏ yếu và kém phát triển, chúng ta không thể xếp đặt mọi thứ theo ý mình, kể cả những cường quốc cũng vậy. Vì vậy cần phải hiểu đấu tranh ngoại giao là khó khăn, cần phải kiên trì khôn khéo để đạt hiệu quả tốt nhất có thể, chứ không thể lập tức đòi mọi thứ như ý. Tiếc là vừa rồi không ít kẻ lợi dụng những rắc rối với Trung Quốc để quấy rối, phát động biểu tình, gây mất ổn định xã hội. Là một nhà báo, lẽ ra phải hướng dẫn dư luận, nhưng Tống Văn Công lại viết bài ủng hộ. Nguyên Ngọc, Huệ Chi, Chu Hảo, Quang A, Xuân Nguyên, v.v… còn trực tiếp xuống đường. Là người hiểu biết, ai cũng thấy biểu tình sẽ không giải quyết được gì, nhưng họ vẫn hành động như vậy, chứng tỏ họ chỉ muốn chống tại đường lối ngoại giao của Nhà nước ta với TQ mà thôi!
          Tiếp theo, Tống Văn Công đã đề nghị một điều động trời, đó là việc nước ta nên: “Bỏ hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa” và “Từ bỏ ý thức hệ cộng sản”!
          Trong bài Liều thuốc đắng cùng ngọn roi Đông La trên Talawas một thời, với bút danh Trần Thiên Ý, Tống Văn Công lại viết khá đúng về tôi: “Đông La không phải là một chiến sĩ của Đảng, một đại diện của thế lực văn hoá chính trị bảo thủ… Có lẽ Đông La chỉ giản dị là một nhà phê bình thấy lý luận cùn chẳng tha, thấy phách lối thì ghét, thấy ai cũng im lặng theo đuôi thì tức, thấy tai hại thì chửi vậy thôi”. Ông cũng rất đồng ý với tôi khi phê phán sự lầm lẫn về tri thức của các vị Hoàng Minh Chính, Hà Sĩ Phu… trong bài Các Mác - một tình yêu bao la, cho họ: “Vẫn là dùng ý chí thay cho lập luận, trừu tượng hoá để giấu lỗ hổng tri thức, lấy mỹ từ thay cho tư duy logic”. Có điều, ông lại tự mâu thuẫn, khi nhận thức của ông về Chủ nghĩa Mác thực chất cũng không khác gì những người mà ông đã phê phán đó:
          “Chủ nghĩa Mácxít-Lêninnít cùng với hàng loạt chủ nghĩa biến tướng hay lợi dụng chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa xã hội khác đã bị nhân loại dứt khoát vứt bỏ”.
Trong một bài khác: Nhân đọc Báo cáo chính trị của Ðảng, nói đôi điều cùng Ðông La (Trên BBC), ông cũng viết:
  Trong khi các đảng cộng sản Ðông Âu có đủ điều kiện để khẳng định niềm tin của mình bất chấp sai lầm của Marx và chủ nghĩa duy vật lịch sử, thì hình như những người cộng sản Việt Nam - và có lẽ không ít trí thức Việt Nam ngày nay - vì một lý do nào đó, vẫn chưa được biết đến những sai lầm này. Họ vẫn tin tưởng tuyệt đối vào sứ mệnh lịch sử lãnh đạo xã hội để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trên cơ sở tin tưởng tuyệt đối vào chủ nghĩa Marx, một niềm tin xây dựng trên sự ngộ nhận”.
          Nói theo ngôn ngữ triết học, nếu như căn cứ ở cấp độ hiện tượng thì quá dễ dàng khi lấy những ví dụ chứng tỏ Chủ nghĩa Mác đã sai đúng như ý Tống Văn Công và không ít người, trong đó có cả những người từng có chức vụ và chức danh rất cao như Trần Độ, Nguyễn Hộ, Hoàng Minh Chính, Bùi Tín, Nguyễn Huệ Chi, v.v…
Nhưng nhìn sâu vào bản chất và với cái nhìn biện chứng ta sẽ thấy, nền tảng cơ bản của học thuyết Mác cho sự bất công trong hưởng thụ thành quả lao động sự nô dịch hóa người lao động chính là những nguyên nhân gây ra mâu thuẫn dẫn đến cách mạng xã hội, sẽ là mãi mãi đúng. Nếu cmãi bất công cực đoan, giai cấp bóc lột tất sẽ sản sinh ra những người đào huyệt chôn chính nó. Thế nhưng lịch sử thế giới khoảng 100 năm qua đã diễn ra lại không khớp với từng con chữ của Mác. Nhiều người chống Mác vẫn thường hả hê đặt câu hỏi một cách diễu cợt, nếu Mác đúng tại sao CNTB giãy mãi mà chưa chết? Còn chính Liên Xô, thành trì của XHCN thì lại chết nhăn răng?
Ta hãy điểm qua vài nét lịch sử.
Đầu tiên, dưới sự lãnh đạo sáng tạo của Lê-nin, cho cách mạng XHCN có thể trước hết giành được thắng lợi ở một nước hoặc một số nước, lần đầu tiên trong lịch sử, một nhà nước vô sản đã ra đời. Sau đó Lê-nin áp dụng “Chính sách kinh tế mới” để có thể thành công trong việc “xây dựng chủ nghĩa xã hội trong một nước tiểu nông”. Đến thời Stalin, ông từng nói: “Chúng ta lạc hậu hơn các nước tiên tiến 50 năm đến 100 năm, chúng ta phải chạy hết khoảng cách này trong 10 năm, hoặc chúng ta làm được điều này, hoặc chúng ta bị người ta đánh ngã”. Stalin đã làm được, ông đã lãnh đạo thành công việc làm cho chế độ XHCN cơ bản được xác lập ở Liên Xô, và còn hơn thế, đã có sức mạnh chiến thắng bọn phát-xít. Sau đó, LX phát triển mạnh công nghiệp hóa, chế tạo được cả bom nguyên tử, bom hạt nhân, có lúc đã vượt Mỹ về công nghệ vũ trụ, trở thành siêu cường, đối trọng được với Mỹ!
Như vậy, ta thấy nếu chủ nghĩa Mác – Lê-nin được áp dụng đúng sẽ đạt được kết quả kỳ diệu đến thế nào. Tiếc là LX đã sai lầm. Từ việc xóa bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ dẫn đến việc sùng bái cá nhân, dẫn đến sai lầm trong công tác tổ chức, cán bộ, đã sinh ra tầng lớp đặc quyền, đặc lợi, biến nhà nước Xô-viết thành nhà nước phong kiến trá hình. Cuối cùng là sự phản bội của Goocbachov, xóa bỏ Chủ nghĩa Mác – Lê-nin, loại bỏ vị trí hạt nhân của Đảng Cộng sản LX trong thể chế chính trị, chuyển quyền lực sang Xô Viết, thực hiện đa nguyên, đa đảng. Kusov, Phó Chủ tịch Đảng Cộng sản Nga từng cho biết: “Sửa đổi Hiến pháp chỉ vẻn vẹn một năm, đã có khoảng 20 chính đảng cấp Liên bang, có hơn 500 chính đảng cấp nước cộng hòa. Hầu hết trong đó trở thành lực lượng chính trị cuối cùng thúc đẩy Đảng Cộng sản Liên Xô bị hạ bệ và giải tán”.
Theo Báo Nhandan.online, dưới thời Goobachov, tầng lớp đặc quyền khi Đảng CS Liên Xô và đất nước đang đứng trước nguy cơ tồn vong, chúng đã không ngần ngại lột bỏ mặt nạ, công khai thúc đẩy vứt bỏ CNXH đi theo con đường của CNTB để hợp thức hóa tài sản hiện có! Nhà kinh tế học nổi tiếng người Mỹ David Code có một câu nói nổi tiếng: Đảng CS Liên Xô là chính đảng duy nhất làm giàu trong tang lễ của chính mình.
 Theo TT Nga Pu-tin, sự tan vỡ LX đã gây ra một “đại thảm họa địa chính trị”! Xã hội Nga sau đó đã rơi vào hỗn loạn mà chính Yeltsin từng thừa nhận: “Nước Nga hiện nay đã vượt Italia, trở thành vương quốc băng đảng mafia lớn nhất thế giới”! Còn cựu Tổng thống Ukraine Kravchuk, một trong ba nhân vật tham gia ký kết hiệp định giải thể Liên Xô sau này cũng nói: “Nếu như năm 1991, tôi biết được cục diện đất nước sẽ phát triển đến như cục diện như hôm nay thì khi đó tôi đã nhất quyết chặt đứt cánh tay mình chứ không ký vào Hiệp định”!
Chúng ta nên nhớ ngày 17-3-1991, Liên Xô đã tiến hành trưng cầu ý kiến nhân dân toàn Liên bang. Trong đó, số phiếu bảo lưu Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết chiếm 76,4%. Như vậy, sự tan rã LX không phải là do “ý dân” không muốn sống dưới chế độ XHCN nữa, không muốn đi theo Chủ nghĩa Mác - Lê-nin nữa mà chính là do sự phản bội của Khơrutsov và cuối cùng là Goócbachov và Enxin!
Còn việc những người cho CNTB sao “giãy mãi mà chưa chết”? Theo tôi, vì họ nhìn xã hội theo chủ nghĩa duy danh nên đã không thấy thực tế cái CNTB theo định nghĩa của Mác là “bóc lột” và “nô dịch hóa người lao động” đã chết nhăn răng từ lâu rồi còn gì!
Thực tế CNTB ác hơn và tham lam hơn Mác nghĩ, đã trở thành Chủ nghĩa Đế quốc, mà theo định nghĩa của Lê-nin, là “giai đoạn tột cùng của Chủ nghĩa Tư bản”, nó không chỉ bóc lột công nhân bản xứ mà còn đi xâm lược để bóc lột được nhiều hơn. Chính sự chiến thắng ngoại xâm trong hai cuộc đại chiến đã làm thay đổi tính chất của Chủ nghĩa Tư bản. Sau thế chiến, trong cuộc “chiến tranh lạnh”, để “thích nghi để tồn tại” nhiều tính chất của cái chủ nghĩa tư bản xấu xa theo định nghĩa của Mác đã chết. Theo Wikipedia: “Lý tưởng của Chủ nghĩa Cộng sản là đối trọng để chủ nghĩa tư bản trở nên tốt đẹp hơn để được xã hội loài người chấp nhận. Từ chủ nghĩa tư bản với sự tự do bóc lột - "Người với người là chó sói" (Lenin) - và đầy rẫy bất công tạo ra mầm mống của bạo động và cách mạng, thế giới cũ đã tìm các cách thích nghi và triển khai một xã hội công dân mà trong đó mọi thành phần xã hội đều có thể phát triển, các mâu thuẫn xã hội không thể đã hết nhưng đã có những cơ chế thỏa hiệp để giải quyết trên cơ sở hợp lý cho các giai tầng xã hội. Đây là một đóng góp gián tiếp rất lớn của chủ nghĩa xã hội”.
Dù vậy, kinh tế Tư bản vẫn chứa đựng những bất công lớn, nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng và suy thoái trong những ngày hôm nay. GS Triết học Mỹ Phil Gasper đã viết: “Năm 1998, 10% dân số giàu nhất Mỹ chiếm hữu hơn 85% của cải” (Tuổi trẻ). M. Yunus, Nobel Hòa bình, cho: “Chủ nghĩa tư bản đã thành sòng bạc. Nước Mỹ, một đất nước có những cá nhân giàu bằng cả những quốc gia nhưng hiện nay: “Cục điều tra dân số Mỹ hôm 20/10 cho biết, họ ước tính có 47,4 triệu người Mỹ hiện sống trong bần cùng”(VietNam.net). Bản thân Bill Gate, người giầu nhất nhì thế giới, đã nói: “Phúc lợi không giành cho tất cả mọi người. Có 1 tỉ người trên hành tinh của chúng ta sống ở mức dưới 1 đô la mỗi ngày”. Và ông đã đưa ra một hình mẫu mới mà ông gọi là “CNTB sáng tạo” có những mục tiêu giống với CNXH. gần đây, phong trào biểu tình “Chiếm Phố Wall” của những người “đại diện cho 99%” dân lao động chống lại 1% giới tư bản tài chính và các chính trị gia, chống lại cái cơ chế xã hội “của 1%, do 1% và vì 1%” của Mỹ và thế giới tư bản nói chung. Nhà làm phim Michael Moore đã nói: “Đó là hệ thống tàn ác... hệ thống được dựng lên để 1% những người giàu nhất nhận 40% chiếc bánh”.
  Vũ Quang Việt cũng viết về khủng hoảng ở Mỹ: “Cuộc khủng hoảng tài chính ngày nay là kết quả của một cuộc chạy đua làm tiền một cách cực kỳ tham lam của chế độ tư bản coi mọi định chế kiểm soát là kềm kẹp kiểu xã hội chủ nghĩa (Diendan.org).
Như vậy,Tống Văn Công, với tư duy báo chí đã phản ánh đúng được hiện tượng nhưng lại không có cái nhìn sâu vào bản chất của một nhà khoa học và cách nhìn biện chứng của một nhà tư tưởng, nên trước những vấn đề rất lớn và phức tạp đã đưa ra những giải pháp thật thô thiển và sai lầm như sau:
          “Tôi cho rằng … bỏ hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa sẽ đem lại rất nhiều điều thần kỳ cho Đảng và cho Đất nước”!
Tống Văn Công cũng là một “fan” của Trần Độ. Cũng như một số người từng cho Chủ nghĩa Mác là mặt trời chân lý sáng soi, khi thất sủng lại cho là “cái bánh vẽ khổng lồ”! Đó chỉ là cái nhìn ấu trĩ. Bởi đã coi Chủ nghĩa Mác như một phép tiên, tưởng cứ tuyên bố theo Chủ nghĩa Mác là xã hội sẽ tiến vù vù. Cần phải hiểu Chủ nghĩa Mác như một khoa học về sự phát triển. Cũng như  khoa học công nghệ, người ta cần phải hiểu đúng, áp dụng đúng thì mới có kết quả. Chủ nghĩa Mác đã dạy “lượng đổi chất đổi”, vậy cần phải làm cho lượng tiến bộ của xã hội ta tăng dần lên, chỉ có vậy thì đến một lúc nào đó xã hội ta sẽ thay đổi vế chất. Nếu nhìn bằng con mắt “cận thị” tri thức sẽ thấy Chủ nghĩa Mác đúng là “cái bánh vẽ”. Nhưng nếu hiểu khoa học sẽ thấy có những sự biến đổi còn hơn cả phép thần thông nữa, sự tiên đoán của Mác “chẳng là cái đinh gì”! Như từ Big Bang, một điểm siêu kỳ dị về tỷ trọng và nhiệt độ, còn có thể hình thành nên cả vũ trụ, cả muôn loài, trong đó có loài người chúng ta! Cũng như nếu không hiểu Sinh học và nguồn gốc loài người, sẽ không hiểu tại sao thủy tổ loài người là da đen ở Châu Phi, nhưng sao lại thành bao chủng tộc khác nhau như ngày nay? Cũng như một người sống ở thời ăn lông ở lỗ sao có thề hình dung chuyện có ngày con người lại có thể bay lên tận Sao Hỏa, thám hiểm cả Mặt Trời? Vì vậy cái gì hợp quy luật cũng sẽ xảy ra, và sự tiên tri của Mác hoàn toàn không phải là một điều không tưởng: “Thay cho xã hội tư bản cũ, với giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hiệp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người” (Tuyên ngôn ĐCS).
TPHCM
24-10-2013
ĐÔNG LA