Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

MỚI "KHAI QUẬT" ĐƯỢC MỘT BÀI "TRÊN GIỜI" Văn chương trước những bài toán lớn cần phải giải



Lang thang trên mạng tìm hiểu cụ thể hơn một chút về cuộc tranh luận vĩ đại giữa Einstein và Bohr thì thấy cái bài này có vẻ quen quen: Văn chương trước những bài toán lớn cần phải giải - VCOMTech (vcomtech.net/.../vanchuongtruocnhungbaitoan loncanphaigiai‎), phải vượt tường lửa mới thấy thì hóa ra lại chính là một bài của mình, từng “tung hoành” trên talawas 10 năm về trước, mà vì viết nhiều quá chính mình cũng đã quên luôn rồi. Thời này thì hoàn hoàn còn chưa có phong trào “dư luận viên” dư luân viếc gì. Thì ra tư duy của mình mình đúng là trước sau như một, đọc lại thấy cũng thú vị. Xin giới thiệu với bạn đọc:



Đông La

Văn chương trước những bài toán lớn 
cần phải giải


Xin cảm ơn Vũ Ngọc Tiến đã hoàn toàn đồng ý với tôi, một điều hiếm trong lĩnh vực phê bình, cái lĩnh vực của cái Tôi, lĩnh vực của “những ông Giời con”, những “cái rốn vũ trụ”. Tôi cũng xin cảm ơn Cố Nhân về những suy nghĩ cũng như tình cảm rất tốt của anh về tôi; còn cái phần mà bạn chưa đồng ý thì đúng hay sai sẽ bàn thêm đôi điều dưới đây, tôi đọc cũng rất thích thú vì thái độ tôn trọng cũng như sự trung thực thẳng thắn trong tranh luận.

Trước hết quan điểm của tôi về những vấn đề lớn của khoa học và xã hội nói chung, cũng như về những điều cụ thể mà Đỗ Hoàng Diệu đã đặt ra, như tôi đã viết, là: “không biết đúng hay sai”, thái độ của một người ba phải. Tính ba phải là tính xấu trong ứng xử, nhưng trong khoa học hiện đại, những người có hiểu biết sẽ thấy, “ba phải” lại là bản chất sâu sắc và có tính quy luật bao trùm nhất. Có lẽ tôi phải chứng minh một ít, nếu không rất dễ bị cho là tâm thần. Từ phát minh của Einstein ở đầu thế kỷ trước, khi dùng thuyết lượng tử của Planck giải thích bản chất ánh sáng trong hiện tượng quang điện, ông cho rằng ánh sáng, vốn là sóng (vì có tính giao thoa), cũng là chùm hạt photon; trái lại, theo giả thuyết của De Brogli được Davisson và Germer kiểm chứng, cho rằng điện tử, vốn là những viên bi trong thuyết cấu tạo nguyên tử của Rutherford và Bohr, cũng lại là sóng vì cũng có thể giao thoa. Tức bản chất những hạt vi mô tạo nên vạn vật và cả chính con người chúng ta là “ba phải”, vừa thế này lại vừa thế kia. Rồi một loạt những phát minh lớn cơ bản khác nữa, không chỉ tìm ra những quy luật mới, những tính chất mới của tự nhiên mà còn tác động và làm thay đổi nhận thức mọi mặt của cuộc sống, từ chính trị, kinh tế đến triết học, văn hóa, văn học nghệ thuật... như: Thuyết tương đối, Cơ học luợng tử, Nguyên lý bất định, Toán mờ, Hiệu ứng cánh bướm... Bao trùm lên tất cả, những phát minh cơ bản đó đã chỉ cho loài người thấy rằng: Mọi đối tượng hoặc hiện tượng trong cuộc sống luôn có tính nhiều mặt; trong các hệ cực lớn và cực nhỏ, các đại lượng không phụ thuộc nhau một cách tuyến tính; mọi tính chất, mọi ý nghĩa của chúng không có tính xác định, cứng nhắc, bất biến, theo tư duy quyết định luận cũ.

Bài trước tôi đã tự nhận mình vốn thận trọng vì từng làm công tác nghiên cứu (không chỉ thế mà cả nhà tôi còn phải sống bằng chính những kết quả nghiên cứu ấy) nên khi đồng ý với những ý kiến của Phúc Linh và Nguyễn Chí Hoan, rồi cho Đỗ Hoàng Diệu còn yếu về trình độ, có cách nhìn không đúng với thực tế... là xuất phát từ những tri thức trên, chứ hoàn toàn không phải như Cố Nhân nói tôi “kết luận... một cách vội vã”, “kiêu ngạo”. Mà quả thực, nếu kiêu ngạo tôi sẽ viết là Đỗ Hoàng Diệu, ngoài chút khiếu văn chương, trình độ cô mới chỉ là người mới biết chữ mà thôi. Tất nhiên tôi không bao giờ viết vậy.

Cố Nhân viết: “Ô hay, thông điệp gì Phúc Linh còn đang hỏi, rồi chưa đưa ra câu trả lời (đúng hơn thì cũng có dấu ba chấm) thì ông ta đã kết luận Đỗ Hoàng Diệu vu cáo hồ đồ độc địa. Vậy mà Đông La lại bảo có lý, thì cái lý ở đây là cái lý gì? Cả Phúc Linh lẫn Đông La hãy nói cho rõ ra xem nào?”; rồi: “Chưa hết, Đông La còn "rất đồng ý" với Nguyễn Chí Hoan khi ông này cho rằng, Đỗ Hoàng Diệu "mới chỉ dừng ở mức độ có tham vọng luận bàn", "phô bày tham vọng nhận thức cái thực tại mà vốn nó (Đỗ Hoàng Diệu) đã không/ chưa hiểu biết cho đến nơi đến chốn". Anh Đông La hãy thử nghĩ kỹ hơn về những lời "hơi bị bề trên" này của ông Hoan xem có thể còn tiếp tục "rất đồng ý" được không?”. 


Nếu đọc kỹ bài tôi đã viết thì những điều Cố Nhân hỏi đã có câu trả lời rồi. Ví dụ như: “Cuộc tình vừa mê đắm vừa sợ hãi và đã bội bạc với người đàn ông Tàu có Thân thể toát ra… mùi đền đài, lăng tẩm và uy quyền, cho em là nô lệ… từ ngàn năm nay, rồi người tôi oằn xuống… phục tùng ông… Không còn chữ S nữa…"; rõ ràng tác giả đã thể hiện cách nhìn của mình về mối quan hệ giữa ta và Trung Quốc trong lịch sử cũng như hiện tại: "Em đã phản bội tôi trong khi tôi giúp em hồi sinh. Em chạy theo ảo ảnh bên kia đường chân trời. Tôi không đuổi em… nhưng tôi không thể cho em những gì em muốn như trước đây nữa… Tôi chỉ cho em ăn khi nào tôi thích. Em phải quỳ gối… (tr. 52)”; rồi: “Mối tình đầy thương xót với anh chàng Việt kiều không thành do ông bố cho là quân bán nước thể hiện quan điểm của Đỗ Hoàng Diệu về cuộc kháng chiến thống nhất đất nước, tác giả cho đó là một cuộc chiến đã gây ra mất mát, ngăn cách, chia lìa Bao nhiêu cạm bẫy,…chông mìn,… kẽm gai dựng lên những thù hằn ngăn cách còn nằm sâu, nắm giữ mảnh đất mẹ của chàng. Có làm ra bao nhiêu tiền để mang về, bức tường đó vẫn không phá bỏ được (tr. 58)”; rồi nữa: “Có lẽ trong văn chương Việt Nam chưa có một tác phẩm nào thể hiện sự phủ nhận ý thức hệ quyết liệt như vậy. Như vậy, theo Đỗ Hoàng Diệu, con đường hiện nước ta đang đi là một sự ép buộc của các nhà lãnh đạo theo một chủ thuyết đã chết” v.v... Đó chính là những thông điệp của Đỗ Hoàng Diệu mà Phúc Linh muốn phê phán, là những kết luận của Đỗ Hoàng Diệu mà Nguyễn Chí Hoan cho rằng còn chưa “hiểu biết đến nơi đến chốn”, những điều tôi đã đồng ý với hai anh, vì cho rằng Đỗ Hoàng Diệu đã nhìn những vấn đề lớn thuộc về lịch sử cũng như hiện tại của đất nước chưa phải bằng con mắt của một nhà tư tưởng có trang bị tri thức hiện đại, mà mới chỉ bằng con mắt của người trần mắt thịt một cách vừa non nớt về trình độ, vừa giản đơn, một chiều, cứng nhắc theo tư duy quyết định luận xưa cũ lạc hậu. Đây là vấn đề rất lớn, nếu chứng minh chi tiết, e rằng phải viết nhiều quyển sách chứ không thể một bài ngắn mà nói cụ thể được. Thực ra khi tôi nói Đỗ Hoàng Diệu đã hồn nhiên “đưa ra lời giải” những bài toán lớn của thời đại là tôi đã rất “thương” và đã thiên vị cô, vì thực chất, truyện Đỗ Hoàng Diệu không hề có những phân tích chứng minh gì cả mà đơn giản chỉ là những kết luận đầy tính võ đoán; có điều, một tác giả trẻ như cô liệu có bao nhiêu vốn sống để dựng lên các hình tượng mà phân tích, rồi cô có bao nhiêu tri thức để chứng minh để đưa ra những kết luận như cô đã viết. Nói cho công bằng, truyện của Đỗ Hoàng Diệu, nếu giới hạn về mặt tình dục là truyện đầy đặn, nhưng nếu cõng thêm tham vọng chuyên chở những tư tưởng lớn thì chưa phải là truyện mà mới chỉ là những nét vẽ phác sơ sài cho những công trình lớn hơn quy mô của truyện ngắn.

Điều thứ hai Cố Nhân viết về ý nghĩa truyện “Bóng đè”: “Cái bài học lớn nhất và cũng là cần thiết nhất của Đỗ Hoàng Diệu chính là cái bài học thức tỉnh. Giữa cái đêm trường chập chờn mang mang thực ảo, biết bao thế lực từ ma đến người, từ quá khứ đến hiện đại, từ truyền thống đến tương lai, từ già đến trẻ, từ tốt đến xấu, từ nặc danh đến rõ mặt... tất cả đều nhân danh chân lý quyền lực để đè ép con người”. Đoạn này tôi thấy Cố Nhân hơi bị tán. Như tôi đã nói, cảm nhận tác phẩm phải căn cứ trên văn bản. Nội dung “Bóng đè” là chuyện loạn luân giữa hồn ma ông bố chồng với cô con dâu. Toàn bộ truyện, tác giả không dụng công xây dựng theo tinh thần “hiện thực phê phán” mà Cố Nhân tặng cho: “biết bao thế lực từ ma đến người, từ quá khứ đến hiện đại, từ truyền thống đến tương lai, từ già đến trẻ, từ tốt đến xấu, từ nặc danh đến rõ mặt... tất cả đều nhân danh chân lý quyền lực để đè ép con người”. Chuyện cô con dâu về nhà chồng phải tuân theo phong tục chung: lễ nghĩa, giỗ tết, ma chay, là điều bình thường, có gì đâu mà bị mọi người “đè ép”. Còn Đỗ Hoàng Diệu thể hiện tâm trạng nhân vật khi bị cưỡng hiếp rất ít đau đớn, nhục nhã; có đau là đau về cơ học do “bị đâm” cứ không phải đau tinh thần, có nhục nhã là do bị bà mẹ chồng bắt gặp lúc “cởi truồng” chứ không phải do cảm thấy phẩm tiết bị hoen ố. Nhân vật bà mẹ cũng chỉ thể hiện sự ghen tuông giữa hai tình địch chứ không phải “nhân danh chân lý quyền lực để đè ép con người”. Nhân vật chính tuy lúc đầu bị hiếp có kinh ngạc sợ hãi, mà do sợ ma là chính chứ không phải sợ một hành động phi luân, nhưng toàn bộ truyện, Đỗ Hoàng Diệu viết rất nhiều, rất kỹ, rất phong phú về sự đồng lõa, đồng thuận chứ chẳng có gì là bị “đè ép” cả:

“Bình thường như tôi đã bị bị cưỡng hiếp. Nhưng sao tôi không chống cự? Phải chăng tôi đã đồng lõa, phải chăng tôi đã ưỡn người lên chờ đón?”; “Đùi tôi thèm đưọc rát rẫy mồ hôi, bụng thèm cảm giác cứng cáp quệt ngang đâm vào”; “Khát như chờ đợi bóng đen nhịch nhịch, đến gần tưới nước... Mồ hôi rịn rạn da thịt đùi non”; “Tôi biết tôi bị hãm hiếp trước bàn thờ... nhưng tôi lại bồn chồn mong nhớ, thậm chí khát thèm cảm giác ấy”; “Tôi phê cảm giác khát cháy, nhào nhõe mồ hôi. Chiếc bóng đen đúa làm tôi mê hoặc, xô đẩy tôi trong gầm thét cuộn trào”; “Bốc cao, phịch hạ, chèn lấp, tọng đầy, thả hút mê man. Lần đầu tiên tôi hưởng thú đau đớn mà thỏa mãn”; “Tôi đã đồng lõa. Đã kiễng chân lên rên rỉ rồi sau đấy lại nghĩ mình bị hãm hiếp, lại căm oán bóng đen tổ tiên nhà Thụ. Rồi lại mong chờ, lại hứng kháo thèm thuồng”...

Như vậy, như tôi đã viết, Đỗ Hoàng Diệu viết “Bóng đè” là muốn triển khai ý tưởng của Nguyễn Huy Thiệp trong truyện “Vàng lửa”: “Đặc điểm lớn nhất của xứ sở này (chỉ Việt Nam) là nhược tiểu. Đây là cô gái đồng trinh bị nền văn minh Trung Hoa cưỡng hiếp. Cô gái ấy vừa thích thú, vừa nhục nhã, vùa căm thù nó”) là đúng. Và thật khó tìm ra những thực tại tương đồng với những điều Đỗ Hoàng Diệu viết ra. Nhìn trên tivi, Tây có rock thì ta có rock, có jazz thì ta có jazz, M. Carey, W. Houston ư ử thì diva Thanh Lam ta cũng ư ử, giờ mấy bạn nhỏ còn hip hop nữa; ngoài phố, khi diễn viên Hàn trên phim mắt nâu môi trầm, thì thiếu nữ ta cũng mắt nâu môi trầm... Vậy, cái thông điệp ta bị đè nặng bởi quá khứ Tầu mà “Bóng đè” có thể gợi ra được cũng hoàn toàn khập khiễng với thực tại. Nên tôi đã nói truyện “Bóng đè” không vững và Cố Nhân nói như trên hơi bị tán là như thế.

Điều thứ ba Cố Nhân viết: “Thế thì đây là ý kiến của chính anh Đông La: Sau khi kể anh từng "tham gia giải phóng Sài Gòn", nay không nhờ vả gì ai, anh cũng tạo lập được cho mình một cuộc sống khá dễ chịu nhờ công sức của mình, và nhiều bạn bè anh cũng thế. Để qua đó anh kết luận "viết như Đỗ Hoàng Diệu, giống như có người cho rằng 80 triệu dân Việt Nam đang rên xiết dưới ách thống trị thì không đúng với thực tế, rất dễ bị mọi người cho là xuyên tạc, phản động". Vậy đấy, bản thân anh có thấy câu nói này của anh đã phạm vào một sai lầm có tính logic nào đó không? Trường hợp của cá nhân anh (và kể cả nhiều bạn bè anh) thuộc vào bao nhiêu phần trăm của 80 triệu dân Việt Nam? Đã thực sự trong sạch, lương thiện đến độ điển hình, đại diện được cho thân phận của đa số người lao động Việt Nam chưa? Anh ở nhà quê có còn nhiều bà con họ mạc gần xa lăn lưng ra cày sâu cuốc bẫm mà vẫn không đủ ăn, bị khinh rẻ, bị chà đạp không? Rồi anh có thấy bao nhiêu những tiến bộ nhỏ giọt, bất bình đẳng, không bền vững... chẳng qua là do vay tiền ngoại quốc, sẽ có ngày con cháu chúng ta phải trả nợ ốm không hết, chăng?

Sao anh kết luận Đỗ Hoàng Diệu không đúng thực tế một cách vội vã thế? Tôi hiểu là anh cũng không được tự tin cho lắm, nên mới có câu "rất dễ bị mọi người cho là". Vậy thì xin anh Đông La hãy nói cho thật chính xác xem nào, anh thấy Đỗ Hoàng Diệu xuyên tạc hay không xuyên tạc? Phản động hay không phản động? Và kết luận của anh đã dựa trên phân tích, chứng minh, logic nào đích thực chưa?”

Phần này Cố Nhân cho tôi là người “cả tin và dễ bằng lòng” cũng không đúng, vì nếu thế tôi còn trăn trở và đặt ra bao câu hỏi làm gì. Khi tôi bảo tạo được cuộc sống khá thoải mái theo kiểu “tay không bắt giặc” thực ra có ngụ ý, cái nghèo khó của một người một phần do chính người đó chứ không nên đổ lỗi tất cả cho đất nước. Xem chừng Cố Nhân cho số tôi là may mắn không như đại đa số dân lao động Việt bất hạnh, khi tôi nói về thực trạng đất nước không gay gắt như một số người, thì Cố Nhân cũng lầm. Đơn giản là khi viết, tôi luôn cố nhìn bằng con mắt khách quan nhất và khoa học nhất có thể được, chứ không xuất phát từ thiên kiến cá nhân hạn hẹp, từ vị trí, cảnh ngộ, số phận đơn lẻ của bản thân mình. Nếu vậy, tôi sẽ phải viết ngược lại, khi bản thân thì tham gia giải phóng Sài Gòn, bố thì giải phóng Điện Biên, anh thì hy sinh năm 68, sau này đi học thì khá, đi làm thì từng làm chủ nhiệm đề tài chiết thành công được mấy gam chất chống ung thư giá hàng triệu đô một ký, từng có công trình tặng giải A sáng tạo KHKT, vậy mà tôi đã bị dứt ra khỏi công việc, bị vất ra ngoài lề cuộc sống; ngay lĩnh vực văn chương cũng vậy, cả ba lĩnh vực văn, thơ và phê bình, tôi từng được không ít người đánh giá cao, kể cả những người có uy tín và nổi tiếng nhất, nhưng tôi luôn thấy mình ở ngoài cuộc, chẳng phe bảo thủ cũng chẳng phe đổi mới. Khi bị dồn đến chân tường, bằng sức mạnh bản thân tôi đã vượt qua được. Nhưng không vì thế mà tôi oán chế độ, bởi chả có chế độ nào chủ trương sự bất công như thế, mà tôi chỉ là nạn nhân của một cơ quan, một nhóm người. Về điều này, tôi thấy một số người chế độ cũ hay nói xã hội mình còn phân biệt đối xử cũ mới, nhưng là người trong cuộc, tôi thấy người ta phân biệt Bắc-Nam còn mạnh hơn là ta-địch.

Xã hội ta có thể còn có những chuyện cục bộ, đơn lẻ chưa tốt về tôn giáo, về nhân quyền,... nhưng không thể là phổ biến, và cấp độ cũng không đến nỗi “dân ta bị rên xiết dưới ách thống trị” và như Cố Nhân nói đa phần dân ta vẫn còn “không đủ ăn, bị khinh rẻ, bị chà đạp”. Trong quảng cáo sản phẩm có thể nói quá lên, nhưng trong lĩnh vực tư tưởng liên quan đến vận mệnh của cả một đất nước cũng bốc như vậy thì không khoa học và không được mọi người đồng tình. Ngụ ý của Đỗ Hoàng Diệu trong “Vu quy” cho nước ta đang theo một chủ thuyết đã chết cũng vậy. Một thời chúng ta đã nói chủ nghĩa tư bản sẽ chết, nhưng giờ nó không chết mà lại phát triển. Một thời trên giảng đường chúng ta học triết, nói chủ nghĩa xã hội là đồng nghĩa với công hữu hóa, kế hoạch hóa... nhưng giờ những điều ấy lại chết. Vậy giờ CNXH có chết theo ý Đỗ Hoàng Diệu không? Tôi đã thận trọng nói không biết Đỗ Hoàng Diệu đúng hay sai, còn giờ thì tôi nói là chưa chắc. Bởi mọi cái đều tự biến đổi để thích ứng. Để tồn tại và phát triển, chính chủ nghĩa tư bản cũng vậy, nó đâu còn hoàn toàn như xưa, là chủ nghĩa của thực dân, của xâm lược, của thống trị, nô dịch; ngưòi bị áp bức là con vật; làm sao có chuyện ngưòi da đen lại có thể là quan chức hàng đầu của một nước siêu cường như giờ. Chính chủ nghĩa xã hội cũng đã thay đổi, hiện tượng Trung Quốc phát triển mọi mặt đang làm Mỹ lo ngại. Có người cho Trung Quốc thế đâu còn là chủ nghĩa xã hội nữa, nhưng theo con mắt của tư duy hiện đại đã nói ở trên, nhìn một cách “bất định” và “nhòe”, thì thế mới chính là chủ nghĩa xã hội đích thực, khoa học.

Còn điều khiến tôi lo ngại nhất không phải là nước ta đang theo một lý thuyết đã chết, dân ta đang rên xiết dưới ách thống trị,... mà nếu chúng ta không giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa sự lãnh đạo và pháp luật, không thiết lập cũng như tôn trọng quyền lực của pháp luật, khi quyền lực chính trị có thể dẫn đến sự độc quyền kinh tế, thì đã và sẽ giúp cho một ít người chỉ trong chớp mắt trở thành các nhà tư bản, và như thế, chúng ta sẽ không theo một chủ nghĩa nào cả mà là thứ chủ nghĩa đục nước béo cò, chủ nghĩa tham lam, tất dẫn đến sự xáo trộn, đổ vỡ, bần hàn! Có thể đó là một trong những bài toán lớn cần phải giải đầu tiên đấy Cố Nhân ạ!

TPHCM, 16-12-2005