Báo Văn Nghệ TPHCM, số mới nhất 285, ra ngày hôm nay lại đăng bài về
Nguyên Ngọc của tôi. Dưới đây là nguyên bản bài viết. Ai đọc báo viết hiểu
vật lý sẽ thấy báo in sai tần số góc ω là W. Xin được thông cảm.
ĐÔNG
LA
|
ĐÔNG LA
NGUYÊN
NGỌC – NHÀ TƯ TƯỞNG?
Phạm
Xuân Nguyên trong dịp Nguyên Ngọc tròn 80 xuân đã viết bài Chính
ủy Nguyên Ngọc chào mừng trên Tuanvietnam.net (20/09/2012), cho Nguyên
Ngọc là “một nhà tư tưởng”!
Trên trang boxitvn.net cũng
đăng bài Nguyên
Ngọc - Một nhà văn hóa, một tài năng, một nhân cách lớn đưa tin về buổi gặp mặt do tạp
chí Tia sáng tổ chức mừng sinh nhật ông:
Trong đám người tụ tập đó có nhiều
trí thức “cấp tiến”. Tôi để trong ngoặc vì họ là những người luôn nhân danh đấu
tranh cho dân chủ, tiến bộ nhưng những hành động của họ có đưa đất nước tiến
lên hay rơi xuống vực thì phải coi lại.
Nhìn gương mặt Nguyên Ngọc trong
vòng tay “đồng chí” của phe mình thấy rạng rỡ lắm. Ngược với chuyện buồn cười
khi nhiều báo “lề trái” đưa tin Nguyên Ngọc từng “phản ứng gay gắt” khi bị báo
Quân đội Nhân dân ca ngợi
mình! Dường như bây giờ, với tất cả những gì thuộc thể chế này ông đều bị dị
ứng nên đã quay lưng lại?
***
“Nguyên Ngọc ngày càng
nhận thức sâu hơn, khác hơn về thực tại… Quá trình nhận thức này sẽ kết tinh
lại trong bản Đề dẫn ông viết và đọc với tư cách bí thư đảng đoàn Hội Nhà văn
Việt Nam
tại hội nghị đảng viên bàn về sáng tác văn học (11-13/6/1979). …từ đó
"Chính ủy" Nguyên Ngọc trở thành nhà tư tưởng Nguyên Ngọc, hơn thế,
nhà tư tưởng hành động”.
Huệ Chi từng gọi Cao
Xuân Huy là “người hiền”. Nguyên Ngọc cũng gọi Lê Đạt là “người hiền”. Còn ở
đây Phạm Xuân Nguyên cũng lại cho Nguyên Ngọc là một “nhà tư tưởng”! Các nhà
nghiên cứu lý luận khi viết về các lãnh tụ thiên tài của Việt Nam còn e ngại
khi dùng chữ “nhà tư tưởng”. Bởi Việt Nam ta vốn không phải là cái nôi của
lý luận và những phát minh khoa học. Nếu Việt Nam ta có nhiều bậc kỳ tài như thế
thì đã không còn là một nước đang phát triển như hiện nay. Việc bốc thơm nhau
văng mạng tùng tùng beng beng không chỉ chứng tỏ tính chất cánh hẩu mà còn thể
hiện sự dốt nát.
Tư tưởng nói chung là những suy nghĩ về những vấn đề lớn, có
ý nghĩa lớn, sâu sắc. Nếu có tính quy luật thì nói tư tưởng có tính triết lý, có thể hệ thống
hóa thành học thuyết nữa thì thành triết học. Vậy Phạm Xuân Nguyên cho Nguyên
Ngọc là “nhà tư tưởng” thì Nguyên Ngọc có tư tưởng gì?
***
Có thể tạm cho những ý của Nguyên Ngọc là “tư tưởng” về văn
học trong cuộc gặp với TBT Nguyễn Văn Linh bàn về văn hóa, văn nghệ ngày nào,
dù chúng chỉ là những điều đã trở thành nguyên lý, ai cũng biết:
“Cái cốt yếu của văn chương là tính nhân đạo” và “Văn chương
giúp cho con người không sa xuống thành con vật”.
Tiếp theo, với cương vị Bí thư Đảng Đoàn HNV, Nguyên Ngọc
với bản “Đề dẫn” cũng viết ra được những nhận xét về thực trạng nền văn chương,
dù chỉ là những điều nhiều người thấy, nhưng ông có công trình bầy một cách bài
bản:
“Trong văn học, lồ lộ khá rõ là số phận
chung của cả dân tộc, cả đất nước, nhưng còn số phận riêng của từng
người… thì còn khá sơ lược”.
“Văn học bắt nguồn từ cuộc sống…nó lại phải
sáng tạo ra một cái gì đó khác, mới mẻ… Ăn dâu nó phải nhả ra tơ. Nếu nó lại
nhả ra những cái lá dâu thì bản thân sự có mặt của nó thành vô nghĩa”.
Đặc biệt, một người khí khái như ông nhưng cũng biết dẻo mồm
hứa hẹn lắm:
“Hôm nay, trong hội nghị này, chúng ta… với tư cách là những
người cầm bút của Đảng, tức là những người vừa là những người chiến sĩ của Đảng
trên mặt trận văn học, vừa là bộ phận tham mưu của Đảng trên mặt trận này,
chúng ta nhận rõ hơn trách nhiệm của mình, cố gắng cùng nhau khắc phục những
thiếu sót đó, đưa văn học ta tiến lên ngày càng ngang tầm nhiệm vụ của nó”.
Rõ ràng những quan điểm trên của Nguyên Ngọc không phải hay
mà là quá hay. Có điều như người ta thường nói, nói thì dễ làm mới khó. Tiếc là
khi triển khai vào thực tế, giữa lời nói và việc làm của ông lại ngược nhau.
Nên Nguyên Ngọc đã bị “sa thải” rồi trở thành người bên lề. Nhưng xã hội Việt Nam trên con
đường đổi mới không tránh khỏi sự phân hóa về mọi mặt, kể cả sự phân hóa về
chính trị, tư tưởng. Chính vậy Nguyên Ngọc vẫn có “đất dụng võ”, và với lớp
người hãnh tiến, những ý kiến, quan điểm ngược với chính thống của ông vẫn luôn
được đón đợi, tung hô.
Trong những cái ngược hướng đó, Nguyên Ngọc thể hiện rõ nhất
quan điểm của mình về Lịch sử.
***
Khởi thủy là việc Nguyên Ngọc cho đăng những truyện ngắn của
Nguyễn Huy Thiệp miêu tả Vua Quang Trung như tay du côn và cho “Nguyễn Ánh mới
là nòi vương giả”. Tiếp theo cả nước mừng vui trong ngày toàn thắng thì ông lại
ca ngợi cuốn sách cho đó là “nỗi buồn”. Với cuốn “Bên thắng cuộc” của Huy Đức,
nhân chứng sống của cả hai phía “bên thắng” và “bên thua” đều phản ứng chuyện
Huy Đức xuyên tạc sự thật thì Nguyên Ngọc lại cho là: “rất trung thực”. Gần đây nhất, trên VietNam.net, trong bài Vì sao Phạm
Xuân Ẩn không bị lộ? Nguyên Ngọc lại cho chúng ta trong chiến tranh đã nhìn sai
về sự xâm lược, cho sự căm thù giặc là “không
bình thường”; rồi cho dạy lịch sử không nên “bồi đắp chủ nghĩa yêu nước” nữa vì bị chính trị hóa và cũng không nên
ca ngợi các Bà mẹ VN Anh hùng quá vì sẽ làm đau lòng các bà mẹ lính VNCH. Tôi
đã viết, chỉ có một người tâm thần mới nghĩ như Nguyên Ngọc mà thôi.
Trước tình trạng học
sinh thi môn sử điểm rất kém, trong bài Không thể lẫn lộn lịch sử với chính
trị, cũng trên VietNam.net, Nguyên Ngọc viết:
“Hẳn ai cũng biết trong các môn học
ở trường hiện nay, bị học sinh sinh viên chán nhất, ghét nhất… kết quả tất cũng
tệ nhất là môn sử và môn văn … Vì sao? Rất đơn giản, và chắc cũng không ít
người biết rõ nhưng vì lý do này khác đã không nói ra. Thôi thì cho tôi nói
thật vậy: vì đó là những môn bị chính trị hóa nhiều nhất, nặng nề nhất! …”
Ở đây Nguyên Ngọc thứ nhất đã hiểu sai về thực trạng ngành
giáo dục, thứ hai Nguyên Ngọc cũng rất sai trái khi muốn “phi chính trị hóa” môn
văn, môn sử thành trung tính, tức không còn thiện, ác, chính nghĩa, phi nghĩa
nữa.
Thực chất việc học sinh chán học văn, sử, kể cả các môn xã
hội khác đơn giản là vì học những môn đó ra trường khó kiếm việc làm, có kiếm
được thì thu nhập cũng thấp. Vì vậy gần như hầu hết những học sinh khá, giỏi
thường chú tâm học các môn tự nhiên để thi vào các trường khoa học kỹ thuật để
lo cho tương lai. Không biết có phải vì vậy mà nhà văn, nhà báo bây giờ có
nhiều người dốt quá không?
Tiếp theo, vì chương trình giáo dục ở ta nặng nề, học sinh
phải học tủ, học lệch để đối phó với kỳ thi vào đại học hắc búa. Nên văn, sử và
các môn xã hội trở thành môn thừa, vô tích sự đối với đa số học sinh, chúng
buộc phải học để đối phó với quy chế giáo dục mà thôi.
Tôi đã vài lần viết về giáo dục, thấy cần phải thay đổi
phương pháp truyền đạt tri thức và cách đánh giá khả năng của học sinh. Cần
phải trao cho các em phương pháp khám phá tri thức để sau này ra đời vận dụng
chứ không phải học thuộc để thi. Nếu học thuộc, người ta chỉ có thể thuộc được
một lượng nhỏ, còn nắm được cách khám phá, người ta sẽ hiểu biết nhiều lần hơn.
Về cách đánh giá, cần phải ra đề thi sao đó để đánh giá sự hiểu biết, phương
pháp giải quyết những vấn đề chứ không phải kiểm tra sự thuộc bài. Làm sao mỗi
đề thi như một công trình nhỏ, các em hoàn toàn có thể mang tài liệu vào thực
hiện công trình ấy y như sau này các em bước vào đời làm việc vậy. Tại sao
người lớn chúng ta cần “phao” khi làm việc, chúng ta không cần phải bỏ sức một
cách vô lý để học thuộc những điều mà chỉ cần tra tài liệu và bấm chuột máy
tính là có thể biết tất cả.
Kiểu ra đề thi ở ta thường không nhắm vào sự hiểu biết bản
chất tri thức mà chủ yếu nhắm vào những kỹ xảo tính toán (với các môn tự
nhiên), khả năng học thuộc lòng (với các môn xã hội). Có bài toán rất phức tạp
nhưng chỉ để hiểu những điều rất đơn giản. Như một đề thi vào đại học, để tìm
được tần số góc w
trong bài toán mạch điện xoay chiều, người ta buộc phải đưa ra 3 phương
trình hóc búa, liên quan đến những tri thức phức tạp; mà với một vấn đề mới có
độ khó tương đương thì chính những người ra đề đó cũng khó mà làm được. Còn với
môn văn, có người chở con đi thi, đứa con hỏi: “Ba ơi, Xuân Diệu sinh năm nào?”/ “Xuân Diệu sinh năm nào thì kệ ông
ấy, con hỏi làm gì?”/ “Ba chả biết gì cả, con đi thi mà không thuộc là rớt đó”!
Lối thi cử đó thực sự là phi lý và phản khoa học. Phi lý bởi
chỉ cần tra tài liệu là biết cần gì phải thuộc; phản khoa học bởi để giải quyết
một vấn đề có hiệu quả cần phải hiểu biết sâu sộng chứ không cần phải thuộc, mà
để thuộc tất không thể có thời gian để hiểu biết sâu rộng.
Như vậy Nguyên Ngọc chưa hiểu thực chất ngành giáo dục. Việc
ông cho học sinh chán học văn, sử do “bị chính trị hóa” là sai, là chính ông đã
vu cáo chính trị!
***
Nếu không có tư tưởng thì việc học hỏi tư tưởng bên ngoài để
truyền bá cũng là việc đáng quý. Phạm Xuân Nguyên viết về điều này của Nguyên
Ngọc:
“…khác với những người làm tư tưởng
từ chính trị. Ông đã từ văn hóa nghệ thuật đến văn hóa tư tưởng… khi đất nước
mở cửa hội nhập đòi hỏi phải có những trang bị hiểu biết về nhân loại, của nhân
loại… Ông có một cơ bản tiếng Pháp vững, và trên hết là một lòng say mê đọc và
truyền bá tri thức nhân loại cho đồng bào mình”.
Với khoa học công nghệ việc học hỏi tri thức nhân loại là
tất yếu và bắt buộc, đơn giản là vì nếu không vậy thì nước ta có gì? Nhưng về
khoa học xã hội và văn học nghệ thuật thì lại không như thế. Thế giới còn lâu
mới là bình đẳng, vẫn còn ở đâu đó chân lý thuộc về kẻ mạnh. Các nước lớn vẫn
muốn áp đặt khuôn mẫu của mình cho các nước nhỏ, vẫn muốn các nước nhỏ làm phên
giậu cho mình. Với văn hóa nghệ thuật, quan niệm về cái hay, cái đẹp, cái tốt
có những cái giống nhưng cũng có cái khác do thuần phong mỹ tục, môi trường
sống và lịch sử mỗi nước mỗi khác nhau. Vì vậy người ta thường nói phải gạn đục
khơi trong, chọn lựa những gì phù hợp, chọn những tinh hoa của thế giới là vì
thế. Từ đó, cái quan trọng nhất là phải truyền đạt cho đúng. Mà cái công cụ chủ
yếu là khả năng dịch thuật. Phạm Xuân Nguyên viết tiếp: “Các sách dịch này dưới
bút hiệu Nguyên Ngọc đều có chất lượng cao, có thể nói là bảo đảm được yêu cầu
"tín, đạt, nhã" của một bản dịch”.
Nếu hiểu láng máng một cách cảm tính người ta rất dễ đồng
tình với Phạm Xuân Nguyên. Nhưng nếu đủ khả năng để phân tích chi tiết thì sẽ
thấy không phải thế. Như tôi đã viết, với tiếng Pháp có thể Nguyên Ngọc chỉ
giỏi ngôn ngữ giao tiếp, nhưng trước những vấn đề học thuật thì như vậy là chưa
đủ; người ta còn cần một thứ quan trọng hơn, đó là nền tảng tri thức để hiểu,
để dịch cho đúng. Nay bàn về việc truyền bá tư tưởng của Nguyên Ngọc, xin phân
tích kỹ thêm một chút.
Khi dịch cuốn Le Degré
zéro de l'écriture suivi de Nouveaux essais critiques của Barthes là Độ không của lối viết, Nguyên Ngọc đã
dịch nhầm l'écriture thành lối viết, trong khi Barthes quan niệm
l'écriture chính là chiều cao sâu của tác phẩm, thể hiện sự dấn thân của nhà
văn. Vì thế nên dịch Le Degré zéro de
l'écriture suivi de Nouveaux essais critiques là “Độ không của chữ nghĩa theo phê bình tiểu luận mới” sẽ là đúng
hơn. Tôi dịch l'écriture là “chữ nghĩa” bởi bản thân l'écriture cũng có nghĩa là “chữ viết”, còn thêm chữ “nghĩa” là “nghĩa lý” vào thành “nghĩa lý
của câu chữ”, sẽ nói lên được sự dấn thân của nhà văn, đúng như sự định nghĩa
l'écriture của Barthes.
Có điều, tôi đã tự hỏi Nguyên Ngọc mất công dịch tác phẩm đó
làm gì? Hải Triều từ mấy chục năm trước đã quyết bảo vệ quan điểm “Nghệ thuật vị nhân sinh”; trước nữa từ
ngàn xưa, các cụ cũng đã dạy “Văn dĩ tải
đạo” còn thâm thúy hơn quan niệm của Barthes nhiều. Nhà văn cần phải dấn
thân thì đúng rồi, nhưng dấn thân theo hướng nào mới là quan trọng; dấn thân
vào hũ nút, vào cái ác, vào cái băng hoại, phản đạo lý, phản lịch sử v.v… thì
dấn thân làm gỉ?
Nguyên Ngọc cũng dịch câu của Kundera la sagesse de l’ambigui là sự
hiền minh của tính nước đôi. Sagesse
nghĩa Việt là trí tuệ, Nguyên Ngọc
dịch là “sự hiền minh” thì không hợp,
có vẻ “làm văn” quá. Sự hiền minh nói về khả năng nhận thức của các nhà
hiền triết, đó là sự thấu suốt mang tính đạo lý, thiện đức vì trong cuộc sống
có những sự thông thái mang tính ác. L’ambigui
theo từ điển là sự mơ hồ. Mà sự mơ hồ
thì hoàn toàn không phải là nước đôi.
Sự mơ hồ chỉ cái chưa rõ ràng, còn nước đôi chỉ sự lưỡng lự giữa hai cái. Trong
vật lý lượng tử, bản chất nhị nguyên sóng hạt của các hạt lượng tử
cũng có thể gọi là tính nước đôi. Câu trên Kundera muốn nói về phẩm chất quan
trọng nhất của tiểu thuyết, nhà văn phải thấy được cái mà người thường không
thấy, tức những gì còn mơ hồ. Vì vậy la
sagesse de l’ambigui nên dịch là sự hiểu
biết về những điều mơ hồ thì đúng hơn.
Nhan đề cuốn L'Insoutenable
légèreté de l'être cũng của Kundera, Nguyên Ngọc đã dịch là Nhẹ bồng cái kiếp nhân sinh.
Trong cuốn Nghệ thuật
tiểu thuyết của Milan Kundera chính Nguyên Ngọc dịch có đoạn:
“Gombrowicz từng có một ý tưởng kỳ
cục mà thiên tài. Ông bảo trọng lượng cái tôi của chúng ta tùy thuộc vào số
lượng dân số thế giới. Như vậy Démocrite là bằng một phần bốn trăm triệu nhân
loại; Brahms một phần tỷ; chính Gombrowicz một phần hai tỷ. Theo quan điểm của
khoa số học đó, trọng lượng cõi vô tận của Proust, trọng lượng của cái tôi, của
đời sống nội tâm của một cái tôi, ngày càng nhẹ đi. Và trên đường lao tới cái
nhẹ tênh đó, chúng ta đã vượt qua một ranh giới trí mạng”.
Như vậy, cái “sự nhẹ
không thể chịu nổi” (L'Insoutenable légèreté) chính là sự e ngại của
Kundera về sự biến mất cái tôi trong thế giới hiện đại mà con người ngày một
sống chen chúc hơn. Nên Nguyên Ngọc dịch là Nhẹ
bồng (bồng trong phiêu bồng) xem ra cũng sai, bởi nó chỉ sự phiêu du nhẹ
nhàng, ngược với cái sự nhẹ không chịu nổi nói trên. Theo tôi để dịch thoát ý
và Việt hóa nên dịch là Nhẹ bẫng phận
người. Bởi nó chỉ số phận con người bị coi nhẹ như không có, rất sát với ý
tứ của Kundera.
***
Hiện tượng học không chỉ là “mốt” của nhóm “văn sĩ chuộng
lạ” ở nước ta, mà ngay cả Kundera cũng từng lấy nó làm cơ sở triết lý cho văn
chương của mình. Trong cuộc trò truyện với Christian Salmon, Kundera nói: “Tiểu thuyết … thực hành hiện tượng học …
trước các nhà hiện tượng luận”. Vậy Hiện tượng học là gì? Husserl, người
sáng lập ra Hiện tượng học, cho rằng hệ thống triết học cả duy tâm lẫn duy vật
đã bỏ quên con người, vì thế ông muốn sáng lập một trường phái triết học mới
mang ý nghĩa nhân sinh: “nhiệm vụ của nó là làm rõ cảm giác của con người
về thế giới này”. Đặc thù của Hiện tượng học là mô tả sự tự sinh của ý thức,
luôn hướng về đối tượng nào đó (ý hướng tính), rồi sẽ ban bố cho nó ý nghĩa. Sẽ
không có duy tâm hay duy vật theo lý thuyết cũ mà chỉ có trạng thái nối liền liên khách chủ thể (Relation
sujet-objet), đó chính là cái trạng thái mà Husserl gọi là sự suy tư về chính
chủ thể suy tư. Nếu Descartes cho sự tồn tại của con người là sự suy tư "Cogito, ergo sum" thì Hiện
tượng học của Husserl còn đi xa hơn: “Cogito,
ergo cogito cogitatum”. Nghĩa là suy
tư về cái tôi khi nó suy tư về sự suy tư. Hiện tượng học có thể có ý nghĩa
khi ta khuôn nó trong một phạm vi nghiên cứu riêng về phân tích tâm lý: trước
cùng một sự vật hoặc sự việc, tùy theo từng người, sẽ “tự sinh” các cảm nhận
khác nhau. Nó có thể rất có ích cho các nhà văn xây dựng chiều sâu tâm trạng,
thế giới tinh thần phong phú của nhân vật. Nhưng coi nó là triết học cao hơn cả
duy tâm, duy vật, coi ý thức của cái tôi là nguyên lý cao nhất của nhận thức
thì không phải. Chủ nghĩa Hiện sinh ra đời sau Hiện tượng học đã chịu ảnh hưởng
nhiều từ nó. Đó là một chủ nghĩa đề cao cái tôi, cái hiện sống, cho con người
không phải chịu ràng buộc bởi tự nhiên cũng như xã hội. Khi cực đoan, một số
người đã đua nhau sống theo bản năng, tự nhiên chủ nghĩa, có thời thanh niên ở
một số nước phương Tây đã đua nhau để nguyên râu tóc, lũ lượt kéo nhau lên rừng
sống bằng rau trái, tự nhiên khỏa thân, tự do chung chạ v.v… Sau nữa, Chủ nghĩa
Thực dụng ra đời cũng dựa trên cái Tôi “Không
có cái gì gọi là chân lý khách quan mà chỉ có chân lý của cái tôi. Chỉ có cái
gì có lợi cho tôi sẽ là chân lý”!
Thật tiếc, trong lĩnh vực tri thức cao sâu, người ta cũng
ham của lạ, cũng chạy theo những khái niệm lấp lánh, kêu beng beng của nước
ngoài, nhưng thực chất chẳng hiểu gì về chúng. Nguyên Ngọc chính là người trong
số đó.
***
Kundera rất “mê” Hiện tượng học, Nguyên Ngọc lại rất mê (mụ)
Kundera, phải chăng vì thế Nguyên Ngọc luôn ủng hộ, ca ngợi những tác giả, tác
phẩm đề cao cái tôi chủ quan, dù rằng là cực đoan, lập dị, lộn ngược, thậm chí
phản động. Trong một bài trả lời phỏng vấn cũng trên VietnamNet Dân chủ không
phải cái đem cho, Nguyên Ngọc viết:
“…GD cũng dân chủ sâu sắc nhất… Dân
chủ, vì giải phóng đích thực bao giờ cũng là tự giải phóng. Dân chủ không phải
là cái đem cho, dân chủ đem cho thì không phải là dân chủ, dân chủ là giúp cho
người ta vùng lên tự giải phóng. Hơn ở đâu hết, trong GD điều ấy càng rõ và
thiết yếu”.
Một người luôn phản bác sự “chính trị hóa” vậy mà ở đây khi
bàn về giáo dục Nguyên Ngọc cũng lại tranh thủ tuyên truyền chính trị cho con
đường “đấu tranh cho dân chủ” của mình, với những ý khiên cưỡng có tính kích
động. Bản thân ông thời gian gần đây luôn ủng hộ những hành động viết bậy, nói
bậy, quấy rối làm càn và cho đó là dân chủ thì với những ý trên, chẳng khác gì
ông ta đã đi gieo mầm phản loạn độc hại, nguy hiểm trong tâm trí trong sáng của
các em học sinh. Thực tế ông đã bênh Nhã Thuyên, một giáo viên ở Trường Đại học
Sư Phạm Hà Nội nhưng lại làm luận văn thạc sĩ ca ngợi thơ của nhóm Mở miệng,
một thứ “thơ mất dậy”! Ông cũng có tên trong danh sách 144 vị trí thức mà tôi
gọi là “trí thức bầy đàn” đã ký tên
ủng hộ cô sinh viên Phương Uyên cùng Nguyên Kha rải truyền đơn chống phá Nhà
nước và cờ VNCH; chế tạo chất nổ dự định sẽ cho nổ tượng đài Hồ Chí Minh ở Cần
Thơ!
Một người như Nguyên Ngọc lại làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị
một trường đại học (Phan Châu Trinh, Quảng Nam) thì sợ thật!
***
Như vậy, cái danh “nhà tư tưởng” mà Phạm Xuân Nguyên phong
cho Nguyên Ngọc thực chất là tư tưởng chống đối, quấy rối, bôi đen, lộn ngược;
nói gọn như ngày xưa là “tư tưởng phản động”!
16-12-2013