LẤY SỰ DỐI TRÁ TRÙM LÊN SỰ
THẬT
Nguyễn Văn Thịnh
Bản
tin BBC tiếng Việt đang có bài: “Lê Văn Tám tác động tới trẻ thơ” của bạn Hoàng
Xuân – TPHCM với nội dung lặp lại lời “tiết lộ” của người đầu ngành sử học Phan
Huy Lê rằng: “Nhân vật lịch sử anh hùng Lê Văn Tám hoàn toàn không có thật”.
Với lòng mong mỏi hãy để tâm hồn trẻ thơ khỏi bị đầu độc bằng những sự dối trá,
ông Hoàng Xuân đề nghị thành phố hãy tìm những cái tên có ý nghĩa khuyến học
hoặc ca ngợi cuộc sống thanh bình thay vào cái tên Lê Văn Tám và tượng đài
“Đuốc Sống” nghe quá dữ dội mà không có thật!
Hãy
khoan! Trước hết xin thưa: Vụ một thiếu niên đốt kho xăng Thị Nghè vào những
ngày đầu Nam
bộ kháng chiến là một sự thật hiển nhiên nhưng nó đã bị người ta nhân danh sử
học lấy sự dối trá trùm lên sự thật! Đó là sự kiện anh hùng đã thành biểu tượng
cho truyền thống kiên cường bất khuất chống ngoại xâm của người Nam bộ trước hành
động thực dân Pháp tái xâm lược nước ta.
Xin giới thiệu để quý bạn tìm xem
một số tư liệu, bài báo với những dẫn chứng thuyết phục và lời xác thực của nhiều
chứng nhân lịch sử có uy tín lớn. Tóm lược như sau:
- Báo Cứu quốc số 74 ra ngày 23/10/1945
(bảy ngày sau sự kiện xảy ra) đưa tin trong cuộc họp báo tại Hà Nội, Hồ Chủ
tịch nói: “Sự hy sinh của đồng bào ta trong cuộc chiến đấu oanh liệt trong Nam
bộ bây giờ, cái cử chỉ phi thường của một chiến sỹ tự tẩm dầu xăng vào mình để
vào đốt một kho dầu của bên địch, tỏ ra rằng một dân tộc đã có tinh thần cao
đến bực ấy thì không sức mạnh nào có thể đè bẹp được”.
- Lịch sử Đảng bộ TPHCM xác nhận sự
việc thiếu niên Lê Văn Tám đốt cháy kho xăng vào những ngày đầu Nam bộ kháng
chiến và còn ghi rõ người tổ chức là đồng chí Lê Văn Châu, sau này hy sinh ở
mặt trận Thị Nghè năm 1947.
- Nhà cách mạng Trần Văn Giàu –
người ra “Lời kêu gọi của UBKCNB” phát lệnh nổ súng vào sáng ngày 23/9/1945 mở
đầu cho cuộc KC chống Pháp xâm lược lần thứ hai khẳng định vào thời điểm đó “có
sự kiện kho xăng địch ở Thị Nghè bị đốt cháy và trong tình hình lúc đó là do ta
đốt, nhưng không biết do ai tổ chức và người nào thực hiện”.
- Hồi ký của các vị lãnh đạo kỳ cựu
của thành phố Sài Gòn như Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc), Mai Chí Thọ (Năm Xuân)…
đều nhắc tới gương hy sinh của liệt sỹ thiếu niên Lê Văn Tám với lòng xúc động,
tự hào.
- Hồi ký “Đứng lên đáp lời sông núi
– tập II” (NXB Thanh niên – 1995) của Trần Thắng Minh (nguyên UVTƯ Đoàn TNCSVN)
cho biết Lê Văn Tám là bạn với ông trong đội thiếu niên ở Đa Kao. Cần lưu ý bạn
đọc là cuốn sách được viết ra mười năm trước khi ông Phan Huy Lê đặt điều xằng
bậy!
- Tại mặt trận Thị Nghè lúc ấy có
hai trận đánh vang dội xảy ra ở thời điểm khá gần nhau và vì đã quá lâu rồi nên
dễ nhầm lẫn:
+ Một là trận đánh kho xăng Thị
Nghè đêm 17/10/1945. Đại tá Võ Thành Khiết mô tả khá là chi tiết: Tôi sinh năm
1929, quê ở xã Tân Bửu, Trung Huyện, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc địa bàn huyện Bình
Chánh và Bến Lức). Năm 1940 tôi lên học ở Trường Pétrus Ký (nay là trường Lê
Hồng Phong) Sài Gòn. Vì trường bị quân Nhật chiếm làm trại lính nên chuyển về
học tại trường Trưng Vương ngày nay, sát ngay Sở thú, kế bên Thị Nghè. Đám học
sinh nội trú chúng tôi thường ra đó chơi, đá banh rồi nhảy xuống tắm ở cái hồ
kế đó, nước trong và mát. Bởi thế vùng này tôi rành lắm. Kho xăng Thị Nghè thực
ra chỉ là một đại lý bán sỷ của hãng dầu Shell, nằm trên con rạch Văn Thánh,
sát đầu cầu, gần chợ, thuyền ghe, xe tải đều ra vô được. Tôi còn nhớ rõ đó là
một căn nhà thấp, nền đất, không rộng lắm, mái tôn xập xệ, vách là những tấm gỗ
mảnh đóng thưa, bên trong chứa đầy chật những phuy xăng dầu dung lượng 200 lít,
tới nơi sặc hơi dầu. Bên kia Sở Thú là kho đạn thuộc Trung đoàn thuộc địa số 11
(11è Ric) là một doanh trại (điểm Pyrotechnique cũ) lại gần Tổng hành dinh của
tướng Le Clerc, toàn lính lê dương canh gác. Sau ngày Nhật đảo chánh Pháp
9/3/1945, tôi về quê, tham gia Thanh niên tiền phong. Ngày 24/8/1945, tham gia
cướp chính quyền ở tòa Bố tỉnh Chợ Lớn. Sau ngày 23/9 làm liên lạc cho báo “Kèn
gọi lính”. Khi Ủy ban kháng chiến Sài gòn rút ra đóng tại xã, điều tôi qua làm
liên lạc cho Ủy ban, thường xuyên ra vào thành phố lấy tin tức. Trận đánh kho
xăng lửa khói ngất trời. Trận đánh kho đạn tiếng nổ điếc tai nhức óc. Thành phố
náo loạn cả lên. Hôm sau đồn rầm những tin truyền khẩu rồi mới là báo chí. Trận
nào cũng nói là bị Việt Minh đánh. Do đơn vị nào đánh thì không biết nhưng thiệt
hại của nó và tâm lý địch ta thì biết. Bên kho đạn nó bố phòng cẩn mật lắm,
phải có tổ chức chu đáo và nhiều người phối hợp mới tiến hành được. Chung quanh
trạm xăng chỉ có một hai lớp rào kẽm gai sơ sài, muốn đột nhập vào không mấy khó.
Tin tức nội bộ nói là do một thiếu niên tên Tám xung phong đánh. Em Tám chứ
không nêu đủ họ danh Lê Văn Tám như sau này đâu. Lòng người lúc đó phấn chấn
lắm bởi đang rất căm thù giặc với phong trào tiêu thổ kháng chiến rất cao. Báo
chí hai phía đưa tin rần rần. Khi thùng xăng phật lửa phụt ra cháy khắp người
khác chi là “ngọn đuốc sống” đâu? Gương anh dũng hy sinh của bạn Tám lúc bấy
giờ động viên lớp trẻ chúng tôi rất nhiều trong chiến đấu. Đó là chuyện có thật
100%, không phải hư cấu như người ta nói.
+ Hai là trận đánh đêm 8/4/1946 phá
hủy kho đạn lớn bên Sở thú nằm trên đường Docteur Angier (nay là Nguyễn Bỉnh
Khiêm – Bình Thạnh): hàng trăm tấn bom đạn và thuốc nổ rung trời chuyển đất,
hàng chục lính Pháp tan thây, Đài phát thanh, trụ sở Bộ chỉ huy của tướng Le
Clerc và nhiều phố xá kế bên bị sập. Hồi ký của cụ Dương Quang Đông kể ba chiến
sỹ Kakim, Kỷ và Ni bị mắc kẹt do nước thủy triều lên ngập cống làm cho chiếc
ghe chở chất nổ sau khi đã cài đặt vào kho đạn, không thoát ra ngoài được.
Trong hồi ký “Những năm tháng không thể nào quên” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
do nhà văn Hữu Mai chấp bút có nói đến trận đánh này.
- Cụ Dương Đình Thảo hồi đó làm
Chính trị viên tiểu đoàn 924 thuộc trung đoàn 308 Nguyễn An Ninh, chiến đấu tại
Sài Gòn xác nhận có vụ đánh cháy kho xăng Simon Piétry bên Khánh Hội (Quận IV
ngày nay).
- Người có công tôn vinh Lê Văn Tám
thành “ngọn đuốc sống” sâu rộng vào lòng người là nhà văn Phan Vũ. Ông nói: Tôi
người Hải Phòng, Vệ quốc quân Nam
tiến. Những năm ở chiến trường Nam Bộ tôi có nghe chuyện một thiếu niên Sài Gòn
dũng cảm xông vào đốt cháy một kho xăng. Chuyện chỉ có thế nhưng cái chết của
em cứ lởn vởn trong tâm não tôi. Năm 1954, tập kết ra Bắc, niềm thương nỗi nhớ
miền Nam
làm cho hình ảnh em bé đốt kho xăng sống dậy, tôi dồn tâm sức viết vở kịch “Lửa
cháy lên rồi”. Không ngờ vở kịch thành công lớn quá, được đưa vào Phủ Chủ tịch
diễn Bác Hồ xem. Tôi cùng đi trong đoàn. Bác hỏi tôi chuyện này có thật không?
Tôi thưa thật rằng chỉ được nghe kể như thế rồi sáng tác ra. Bác khen và động
viên tôi. Trong vở kịch này, tôi không để cho em Tám tự thiêu mình rồi chạy vào
đốt kho xăng giặc. Tôi tạo tình huống cho em làm quen tới mức kết thân với một
tên lính coi kho, để được ra vào thường xuyên trước sự mất cảnh giác của giặc.
Cuối cùng thì… lửa cháy lên rồi và bé em không về nữa! Em thành bất tử! Người
chiến sỹ khi lao vào đồn giặc, ai biết được họ ngã xuống thế nào? Chỉ biết đồn giặc
tan tành và ta chiến thắng. Sau năm 1975, vào TPHCM, tổ chức Đoàn thanh niên
bàn với tôi xây dựng hồ sơ truy phong Lê Văn Tám danh hiệu anh hùng lực lượng
vũ trang nhưng tôi không biết gì hơn những điều tôi đã viết. Hỏi ông có biết nhà sử học Trần Huy Liệu ở Hà Nội đã viết
chuyện cậu bé đốt kho xăng trùng tên Lê Văn Tám là sự tình cờ ngẫu nhiên chăng?
Nhà văn trả lời: “Chuyện ấy bây giờ nghe nói tôi mới biết! Theo tôi thì cái tên
không quan trọng mà hành động của nhân vật mới làm nên sự tích anh hùng. Dù rất
kính trọng ông Trần là bậc tiền bối nhưng tôi tin ông không thể viết ra chuyện
ấy trong hoàn cảnh người viết và người làm nên chiến tích ở hai đầu đất nước lúc
bấy giờ”!
- Báo Sài Gòn giải phóng tháng
9/2009, ông Trần Trọng Tân – nguyên phó bí thư thành ủy TPHCM có bài viết xác
minh sự việc này là có thật.
- Tuần báo Văn nghệ TPHCM số 79
ngày 10/9/2009 có bài “Lê Văn Tám anh là ai?”, số 82 ngày 01/10/2009 có bài:
“Ngọn lửa Lê Văn Tám còn sáng mãi”, số 85 ngày 22/10/2009 có bài: “Vụng chèo
khéo chống”, số 184 ngày 10/11/2011 có bài: “Một lời nói dối sám hối cả đời”
vạch trần tính quay quắt của một nhà sử học “bậc thầy” và nêu lên những tác hại
khôn lường của sự phát ngôn tùy tiện mờ ám lắt léo ở một quan chức được nhà
nước tin tưởng giao cho việc cầm đầu giới sử quan!
Chỉ cần những chứng cớ ấy đã đủ xác
minh sự việc một thiếu niên tên Tám đốt kho xăng vào những ngày đầu Nam bộ kháng
chiến là có thật. Tuy nhiên chiến sỹ họ gì, bao nhiêu tuổi, xuất xứ từ đâu, do đơn
vị nào tổ chức tiến hành thì rất khó xác minh. Địa danh xảy ra ở Thị Nghè được
nhiều người biết hơn là ở bên Khánh Hội. Diễn tiến sự việc qua những lời đồn đại lan truyền hoặc các
phương tiện truyền thông đa chiều trong tình huống chiến đấu đơn phương không
thể tin đâu là chính xác. Trong chiến đấu chuyện đó là bình thường. Chỉ biết
rằng với lòng dũng cảm hy sinh của người chiến sỹ gan dạ anh hùng đã lập nên
một chiến công đáng ghi vào sử sách. Nhân dân ngưỡng vọng tiếc thương ca ngợi
là điều chính đáng. Thực tế có những chiến công rất lớn mà sự hy sinh của chiến
sỹ ta lại âm thầm rồi chìm luôn vào quên lãng. Sự việc thật rõ ràng, lật ngửa
lật nghiêng săm soi bơi móc nhằm mục đích gì?
Chuyện này xảy ra đã mười năm.
Nhiều lời xác minh không xóa nổi một điều đơm đặt! Bởi sự cả tin vào người có
danh có vị đã thành tật cố hữu rồi chăng? Hay bởi sự dối trá tràn lan làm nhiễu
loạn xã hội không phân biệt nổi điều hư thực? Hay bởi thiên kiến phủ định đang
như một xu hướng muốn tìm sự đổi thay? Xin được cùng bạn đọc xem lại sự việc
này từ lúc khởi đầu:
Bản tin Khôi Nguyên/Người Việt:
“HÀ NỘI – Tại cuộc họp của hãng
phim truyền hình Việt Nam vào cuối tháng 2 năm 2005 tại Hà Nội, giáo sư Phan
Huy Lê đã tiết lộ: “Nhân vật lịch sử anh hùng Lê Văn Tám hoàn toàn không có
thật!”. Vậy là sử gia họ Lê thẳng tay xổ toẹt toàn bộ chiến công và con người
Lê Văn Tám. Đúng không?
Ông ta còn tiết lộ: “Anh Trần Huy
Liệu tự viết về nhân vật Lê Văn Tám, một thiếu nhi tự tẩm xăng vào người và
chạy vào đốt kho xăng giặc Pháp ở Thị Nghè”! Được hiểu là ông Trần ngồi ở Hà
Nội “bịa” ra một chú bé Lê Văn Tám ở Sài Gòn với những hành động ngây ngô dại
dột hoang đường. Chớ sao?
Để chứng tỏ cách làm việc rất chi
là khoa học, ông Lê mất công lần mò đi “hỏi một số bác sỹ, và họ cho rằng với
sức nóng của lửa xăng, một em bé không thể chạy xa như vậy (50mét)”! Ai cũng
biết thập niên 1960, để phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của đế quốc Mỹ ở
Việt Nam, cả trong và ngoài nước đã có hàng chục người nam nữ già trẻ tự thiêu,
được đăng tải kèm hình ảnh rất chi là xúc động trên các mặt báo hàng ngày. Ở
miền Nam ta tiêu biểu là hòa
thượng Thích Quảng Đức và ở Washington
tiêu biểu là mục sư Morison. Là người lắm “chữ nghĩa” lại liên quan nhiều tới
báo giới, chẳng lẽ ông Lê không biết rằng cho chú bé “chạy 50mét” là ngón nghề
của người viết báo sao? Có ông bác sỹ nào ngu dám phán cho người đã biến thành
ngọn lửa thiêu chạy thêm được bao nhiêu mét nữa! Hơn nữa ông Trần đã “tự trách
vì thiếu cân nhắc về tính khoa học nên có chỗ chưa hợp lý” thì ông Lê cần xác
minh làm chi nữa?
Sử gia Lê phân bua về lời nhắn gửi
của ông thầy: “Lúc sáng tác ra câu chuyện Lê Văn Tám, anh Liệu có nói với tôi
rằng: Bây giờ vì nhiệm vụ tuyên truyền nên tôi viết tài liệu này, sau này khi
đất nước yên ổn, các anh là nhà sử học, các anh nên nói lại giùm tôi, lỡ khi đó
tôi không còn nữa”. Hãy bình và suy ra từ đoạn văn này: Câu chuyện xảy ra cuối
năm 1945. Nếu ông Trần viết “tài liệu” này vào thời điểm bấy giờ thì thằng bé Phan
Huy Lê 15 tuổi khôn ranh mực nào để được hóng chuyện nhà cách mạng tiếng tăm
Trần Huy Liệu? Còn nếu như sau này ông Trần mới “sáng tác” ra thì đã quá xưa
rồi vì ngay sau khi sự việc xảy ra, khắp trong Nam ngoài Bắc các tờ báo Kèn gọi
lính, Quyết chiến, Thời mới, Cờ giải phóng… đã đăng tải chuyện đó rầm rầm. Ông Trần
còn viết để làm gì trong tình cảnh việc nước như lửa bỏng dầu sôi và việc nhà
quá nhiều chuyện rối?
NGƯỜI VIỆT dẫn lời GS Phan Huy Lê:
“Ông (THL) nói câu chuyện này với tôi rất nhiều lần vào những năm của thập kỷ
1960, vài năm trước khi ông Liệu mất… Theo lời ông Trần Huy Liệu, việc tuyên
truyền hình ảnh nhân vật Lê Văn Tám như một anh hùng có thật (nghĩa là không
thật!) là nhằm động viên tinh thần chiến đấu của quân dân trong những năm đánh
Mỹ (?)”. Những ai đã qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ không
hiểu nổi đoạn viết này do anh phóng viên nói bậy hay là ông Phan Huy Lê mất
trí? Vậy ông Trần viết ra chuyện Lê Văn Tám vào thời điểm cụ thể nào? Chẳng lẽ
ngữ văn của vị sử gia lão luyện lại mù mịt tối tăm đến thế!
Ông Lê nói như đinh đóng cột: “Là
một nhà sử học, tôi đã và đang viết bài để công bố sự thật về nhân vật này một
cách chi tiết và thấu đáo nhất dưới góc nhìn của lịch sử và tôi dự định trong
thời gian ngắn nhất”. Với lời ông hứa
xanh rờn: “Tôi đang chờ đợi một dịp thuận lợi và nhất định là tôi sẽ làm”! Nghe
lời lẽ rùm beng hăm hở như thế, người ta thấp thỏm chờ đợi quan Chánh sử của
nước CHXHCNVN sẽ tung ra một quái chiêu gì?
Phải chờ bốn năm sau, khi công luận
của Đảng bộ và những vị lão thành cùng những chiến sỹ từng chiến đấu ở mặt trận
Nam Bộ – Sài Gòn tỏ thái độ công phẫn bất bình trong các cuộc hội họp và trên
báo chí phản ứng quyết liệt thì đấy mới là “dịp thuận lợi” để sử gia Lê thòi
cái đuôi ra. Trên tạp chí nhà Xưa&Nay số 340, tháng 9/2009, ông công bố bài
viết với những luận điệu nửa nạc nửa mỡ, nửa xuề xòa xí xóa, nửa quanh co bịp
bợm với cái lý luận chuyên ngành lừa thiên hạ. Sau những dẫn chứng lòng thòng
lôi thôi ông lộ dần ra: “Lê Văn Tám không phải là tên của nhân vật lịch sử có
thật nhưng phản ánh một sự kiện lịch sử có thật, một tinh thần hy sinh vì Tổ
quốc có thật”.
Muốn thanh minh vì lỡ bôi xấu ông
thầy bịa chuyện (tự viết), ông Lê cứ nói quẩn quanh: “Trên cơ sở sự kiện có
thật và cả dư luận về hình ảnh người chiến sỹ tẩm xăng thời đó, Gs Trần Huy
Liệu tạo dựng nên biểu tượng Ngọn đuốc sống gắn với tên tuổi thiếu niên Lê Văn
Tám”… “Tôi nhấn mạnh là giáo sư Trần Huy Liệu không hề hư cấu kho xăng địch ở
Thị Nghè bị đốt cháy mà trên cơ sở sự kiện có thật chỉ dựng lên theo cách nói
của giáo sư chuyện thiếu niên Lê Văn Tám tẩm xăng đốt cháy kho xăng địch”! Vậy
thì ông Trần Huy Liệu hành sử đúng với nghề làm báo của ông ta là phản ảnh một
sự thật bi hùng chớ không phải làm một nhà văn “sáng tác” hư cấu ra một câu
chuyện huyễn hoặc để làm cái việc gọi là “tuyên truyền hình ảnh nhân vật Lê Văn
Tám như một anh hùng có thật (nghĩa là không thật) là nhằm động viên tinh thần
chiến đấu của quân dân trong những năm đánh Mỹ (?!)” để lòng cứ băn khoăn ân
hận giải thích với học trò: “Dựng chuyện thiếu niên Lê Văn Tám là nghĩ đến biểu
tượng cậu bé anh hùng làng Gióng (Phù Đổng Thiên Vương)… Sau này khi đất nước
yên ổn, các anh là nhà sử học, các anh nên nói lại giùm tôi, lỡ khi đó tôi
không còn nữa… GS còn tiên lượng là biết đâu sau này có người đi tìm tung tích
nhân vật Lê Văn Tám hay có người lại tự nhận là hậu duệ của gia đình, họ hàng
người anh hùng”. Ô hay! Nếu sự việc đó là thật thì trách nhiệm của người sống là
phải tìm ra gốc tích của liệt sỹ như những việc “đền ơn đáp nghĩa” toàn xã hội
đang làm. Tưởng là ông trò thanh minh cho ông thầy được giải thoát nhưng ngược
lại thì ông Trần chết rồi mà mắt không nhắm được bởi ai đọc qua những lời lẽ ấy
chỉ có thể hiểu đúng là ông Trần bịa chuyện! Sao không thấy những người bạn
đồng tuế, đồng môn, đồng liêu, đồng nghiệp Nguyễn Đình Thanh, Nguyễn Công Bình
cùng được nghe lời thầy dăng dối lên tiếng đỡ ông bạn vàng họ Phan?
Song còn câu nói như cái đinh trong
bài phỏng vấn: “Nhân vật lịch sử anh hùng Lê Văn Tám hoàn toàn không có thật”
thì ông trùm sử lờ tịt đi! Người ta cứ bám riết vào câu nói đó để phủ nhận sự
tích anh hùng Lê Văn Tám. Nếu như ông Lê biết tự trọng thì ông phải công khai
cải chính minh bạch rõ ràng bởi lời nói của ông nặng ký lắm mà cũng tai hại lắm.
Những lời biện hộ của ông chỉ là sự chối quanh. Ông lý sự vòng vo làm đầu óc người
đọc rối lên tối tăm mù mịt: “Đối với sử học, tôn trọng sự thật, xác minh sự
thật là một nguyên tắc cao cả thuộc về phẩm chất và chức năng của nhà sử học”. “Mọi
biểu tượng hay tượng đài lịch sử chỉ có sức sống bền bỉ trong lịch sử và trong
lòng dân khi được xây dựng trên cơ sở khoa học, khách quan, chân thực”. Khách
quan chân thực mà ông đòi hỏi tức là nhân vật phải có hồ sơ lý lịch rõ ràng và
hành động phải được xác minh! Thưa ngài giáo sư sử học: Hồ sơ lý lịch cậu bé
Gióng thế nào để cả nước dựng tượng tôn thờ là Phù Đổng Thiên vương? Hồ sơ lý
lịch cô gái Jeanne d’Arc thế nào để từ một kẻ dị giáo bị thiêu sống rồi người
ta lại tôn thánh và dựng tượng?
Việc làm của ông Phan Huy Lê chẳng
những tác hại không nhỏ tới xã hội mà còn mang tội với thế hệ trẻ bởi sự thâm
sâu đầu độc bằng chính nghề cao quý của mình. Trước hết nó xúc phạm tới một biểu
tượng thiêng liêng về lòng yêu nước của một giai đoạn lịch sử oanh liệt nhất chống
ngoại xâm của dân tộc ta. Từ đó nhiều tấm gương quên mình vì nước của bao anh
hùng liệt sỹ bị tầm thường hóa và như liều ma túy đá nó kích động những lời nói
việc làm vong ân bội nghĩa! Thực tế ở thành phố Hồ Chí Minh, trên đường Võ Thị
Sáu, đối diện với công viên Lê Văn Tám trước kia có một trường học mang tên “Đuốc
Sống” nay đã đổi tên thành trường Trần Quang Khải! Bởi tác động từ đâu? Liệu
rồi cái tên Lê Văn Tám sẽ không còn để thay vào đó những cái tên Phan Thanh
Giản hoặc là Pétrus Ký?! Có phải vì nó “dữ dội quá” chăng? Khi Trần Bình Trọng
thét lên “Ta thà làm quỷ nước Nam
còn hơn làm vương đất Bắc” để chịu rơi đầu dưới lưỡi đao của bày ác quỷ Nguyên-Mông,
có “dữ dội quá” chăng? Khi bước ra đoạn đầu đài, người trí thức trẻ 23 tuổi đời
Phó Đức Chính giật tung chiếc khăn đen bịt mắt đòi nằm ngửa nhìn thẳng lên lưỡi
đao khổng lồ của cỗ máy chém thực dân lao xuống, có “dữ dội quá” chăng? Khi lũ
lính Pháp lăm lăm súng lớn súng nhỏ ngồi trên xe tăng xích sắt hùng hổ ủi vào
những chiến lũy dựng lên bằng tủ, giường, bàn ghế, nệm gối chăn bông… hung hăng
đè nghiến những con người chỉ có dao bầu, mã tấu thì phải có người ôm bom ba
càng lao thẳng vào xe, chấp nhận cùng cháy rụi! Khi hàng đàn máy bay phản lực Mỹ
như ruồi lao xuống trút hàng tấn bom đạn hủy diệt xóm làng, phá băng con đê bên
dòng sông nước ngập mông mênh thì phải có Nguyễn Viết Xuân hiên ngang đứng bên
nòng pháo “nhằm thẳng quân thù mà bắn”, chấp nhận cùng tan xác! Người nữ chiến
sỹ tưởng rằng chân yếu tay mềm nhưng trong cuộc chiến đấu không cân sức vào lúc
giáp mặt quân thù đã cho trái nổ tung cùng banh xác! Khi lũ tội phạm chiến
tranh hè nhau đẩy nước ta trở lại “thời kỳ đồ đá” thì phải có những chiến sỹ
“cảm tử cho tổ quốc quyết sinh” bằng mọi giá! Quân cướp nước nào cũng không
chút động lòng “nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, vùi con đỏ dưới hầm tai
vạ” thì có lòng dân nào chịu được? Dĩ độc trị độc. Trước sự hung tàn man rợ phải
đáp trả bằng sự đề kháng dữ dội và quyết liệt. Dưới hình thức này hay hình thức
khác, mỗi sự hy sinh cao cả cho tổ quốc tồn lưu đều là những “ngọn đuốc sống”
thiêu rụi ý chí mọi đội quân xâm lược. Có thế mới giữ được non sông nòi giống
vẹn toàn. Đó là việc làm tâm huyết công phu bền bỉ của người dạy sử đầy tinh
thần trách nhiệm và lòng bác ái. Lớp trẻ hôm nay quá chán với những người thầy
dạy sử kiểu như ngài là điều nhân quả!
Quốc gia nào cũng đề cao “Lòng yêu
nước là đức tính cao quý nhất của con người”. Nhà chí sỹ Lương Văn Can – tấm gương sáng của mọi người thầy để lại lời
nhắn nhủ cho đời: “Bảo quốc túy – Tuyết quốc sỷ”. Rửa sạch nỗi nhục mất nước, thế
hệ hôm nay đang được hưởng. Công lao của lớp lớp những người yêu nước phải được
trân trọng và những tấm gương hy sinh tiêu biểu phải được mãi mãi tôn vinh. Cái
tinh túy là hồn của quốc gia dân tộc muốn được bảo tồn thì mỗi con người trước
hết phải biết trọng điều liêm-sỷ. Liêm là biết sống ngay thẳng và trong sạch.
Sỷ là biết nhục trước mình và trước người – Làm sai phải biết sửa thành ngay thì người mới
trọng. Phải biết hổ ngươi khi thấy thua người thì mới vươn lên được.
Làm thầy trước hết là phải biết
trọng điều liêm-sỷ.
TPHCM ngày 10 tháng 4 năm 2014
NGUYỄN VĂN THỊNH