CÔ VÀO THÀNH PHỐ HỒ CHÍ
MINH
(Tác phẩm của Đại tá
Đào Văn Sử trang trí
trong lễ tiệc mừng cô vào SG)
Hôm nay tôi viết vài dòng tâm sự cùng các đệ tử của cô. Khi ta gọi là “cô”
thôi, không cần gọi tên mà mọi người vẫn biết, tức tâm đức của người đó đã làm
sáng danh, trở thành người thân yêu chung của cộng đồng. Cô chính là cô Vũ Thị
Hòa của chúng ta.
Về
cái danh của cô, tôi thấy hay và đúng nhất nên gọi cô là nhà tâm đức. Giới khoa
học gọi những người có giác quan đặc biệt là “nhà ngoại cảm”. Về nghĩa thì từ
này cũng không chính xác, còn trong thực tế cái danh đó đã bị nhiễm ô trược,
không xứng với cô. “Nhà tâm linh” có phần đúng bởi khi giúp người, cô dùng
những khả năng siêu phàm của cõi linh thiêng. Nhưng cái danh đó cũng chưa đủ,
bởi suốt hành trình 3 năm từ ngày cô dứt áo ra đi, cô không chỉ sử dụng khả
năng siêu phàm mà còn sử dụng tình cảm, đạo đức của một người bình thường. Cô
không chỉ khiến người chứng kiến bái phục mà còn thu phục nhân tâm, thanh lọc
nhân tâm, khiến mọi người thiện tâm hơn, không chỉ yêu mến cô mà còn thương yêu
lẫn nhau hơn. Vậy danh xưng phù hợp nhất chính là nhà Tâm Đức Vũ Thị Hòa. Đúng
như cô đặt tên là “Đoàn Tâm Đức Yên Bái”. Sứ mệnh cứu nhân độ thế của cô chính
là con đường tâm đức, cô không chỉ dùng khả năng siêu phàm mà còn dùng tấm lòng
từ bi cao cả của mình.
Từ
khi được tin cô vào Sài Gòn, tôi cứ bị chất vấn liên tục “Bao giờ cô vào?” Mọi
người “sợ” cô, kể cả những đệ tử thân thiết nhất, đơn giản là vì sợ quấy rầy
cô, bởi lúc nào cô cũng bận thiền định, quán chiếu, gia hộ, hoặc trực tiếp cứu
chữa, bảo ban một ai đó. Tôi không dám coi mình thuộc hàng thân thiết nhất của
cô mà chỉ thấy mình như là một vệ sĩ, mà vệ sĩ thì lúc nào cũng cần phải biết
tin về cô nên có thể gọi mà không ngại. Khi cần tôi có thể gọi, nếu bận thì cô
không trả lời, sau đó cô sẽ gọi lại. Còn nếu cô không gọi nghĩa là bận luôn. Có
bữa tôi gọi, cô bảo tôi tắt máy đi để cô gọi, cô mới được công đức mấy triệu
tiền điện thoại, cô sợ tôi tốn tiền.
Vậy mà kỳ này tôi cũng không biết
cô vào lúc nào, đơn giản là vì kế hoạch của cô luôn thay đổi. Người nọ người
kia bất chợt đến nhờ, mà việc nguy cấp thì cô không thể từ chối được. Cô là
người “chúa” thất hẹn là vì thế.
Tôi hỏi:
- Cô ơi, bao giờ cô vào Sào Gòn? Đệ
tử trong này mong cô như mong mẹ về chợ vậy.
- Em biết rồi, bao giờ em vào thì
em báo cho anh biết!
Thế rồi bao ngày mong đợi, cô đã
vào Sài Gòn. Anh Duật, một trong những đệ tử thân thiết nhất gọi cho tôi:
- Trưa nay đến ăn cơm nhá, cô tới
rồi.
Tôi tới ngay, anh Duật bảo:
- Cô mệt, chưa gặp ai đâu, mình
nhậu với anh em trong đoàn thôi.
Lần này, đoàn tùy tùng gồm những đệ
tử thân thiết, ngoài Anh Thu, người đồng hành cùng cô từ phút đầu tiên, các
cháu Lịch, Trường, Lực theo cô từ khi vào Nam, có vợ chồng Tiến- Lan, Huyền,
Phương, Trường “hói”. Tất cả đều là những người chịu ơn cô, tin tưởng yêu
thương cô tuyệt đối. Có người như Tiến cô bắt đi theo để giải đại hạn.
(Đông La, cô, Đào Văn
Sử, Tiến)
Nguyễn
Thúy Huyền, một bạn FB, theo cô để chữa u não. Huyền bảo có lúc phải húc vào
tường để lấy cái đau ngoài lấp đi cái đau không chịu nổi ở bên trong. Huyền theo
cô, cô biết trước cơn đau, sẽ gia hộ cho một trái dừa, uống đỡ ngay. Cơn đau đã
thưa dần. Huyền kể cô bảo: “Chị Huyền ơi, cái bệnh của chị nó hết một nửa bên
rễ rồi. Rồi sẽ hết luôn. Chị phải đi xét nghiệm để có chứng cớ. Cần thì nói cho
người ta hiểu”.
(Huyền, Lực)
Trong bữa ăn vui vẻ, Tiến nói với
tôi cũng là nói với mọi người:
- Hôm nay cô mệt chưa gặp ai, ngày
mai sẽ gặp anh chị để làm thuốc cho chị là việc chính, rồi mọi việc tính sau.
Thế là chưa được gặp cô, lại phải
đợi một ngày nữa. Ngoài việc đợi cô mang thuốc vào cho vợ tôi, cho chính tôi
nữa, tôi mong gặp cô vì những chuyện cô bảo: “Để bao giờ em vào SG em nói với
anh”. Tôi về nhà, bia bốc lâng lâng, chuẩn bị chìm vào giấc ngủ thì cô gọi:
- Anh Đông La à, biết anh đến nhà
anh Duật nhưng em mệt chưa sang được. Chị nhà anh có đi xe được không, sáng mai
em bảo đệ tử đến đón anh chị tới nhà anh Duật để em làm thuốc cho.
(Chồng, cô, vợ)
Không ngờ, chiều tối Tiến đã đánh
xe đến nhà bảo cô lệnh phải chở vợ chồng đến làm thuốc ngay. Hai vợ chồng lên
xe đến gặp cô. Hàng ngày nói chuyện với cô, có khi cả tiếng, nhưng vẫn không
sao bằng tay bắt mặt mừng được. Nghe chuyện cô dùng phép, dùng quyền năng điều
khiển cả súc vật làm thuốc như một huyền thoại, vậy mà khi trực tiếp chứng kiến
vẫn không khỏi kinh ngạc. Cô nói với tôi:
- Kỳ này em vào làm thuốc cho chị,
cho anh, cho mọi người là chính đấy.
(Chia thuốc)
Tôi rất cảm động, hỏi kế hoạch của
cô thế nào để cô dành cho tôi một khoảng thời gian riêng để hỏi chuyện cô cho
công việc.
Thế rồi tiệc tùng liên miên, nhà nọ
tiếp nhà kia, nhà nào cũng xin cô cho tổ chức tiệc xum họp, mừng vui. Tôi chỉ
gặp riêng cô một lần ở nhà Đại tá Sử. Tôi muốn phỏng vấn cô một chuyện, để sau
có thể liên kết các bài viết thành một cuốn sách. Mục đích chính không phải tôn
vinh cô mà mang ý nghĩa nhận thức luận nhiều hơn. Nghĩa là tôi muốn loài người
hiểu đúng về cô, hiểu đúng về thế giới vô hình, linh thiêng, trong cái thời đại
mà con người không chỉ vô minh vì vô học, mà nghịch lý thay, người có học lại
vô minh nhiều hơn. Bởi họ cứ tưởng cái nhìn qua lỗ chân kim khoa học của họ là
chân lý. Cô bảo sẽ sang nhà tôi và dành cho tôi hẳn nửa ngày để nói về chuyện
đó, chứ ở nhà ông Sử sợ thời gian chỉ đủ cho cô khóc thôi, không kể cho tôi
được.
Vậy rồi, cô không sao giữ lời hứa,
bởi hết người này đến người kia nhờ cô đủ thứ việc, mà ấn tượng nhất có mấy
việc.
Việc thứ nhất khiến cô không đến
nhà tôi được là cô phải gia hộ, cấp cứu một đứa cháu họ nhà anh Duật bị tai
nạn. Bác sĩ ở tuyến dưới đã bó tay chuyển lên Sài Gòn. Cô bảo 99% là không cứu
được, nhưng còn nước còn tát. 3 giờ đêm nó đã tắt thở, cô ngồi thiền từ xa, đã
làm cho nó tỉnh lại, nhưng rồi cũng chỉ kéo dài cuộc sống nó một khoảng thời
gian tính bằng ngày mà thôi.
Việc thứ hai cô chữa cho một đứa bé
mà gia đình cho là tự kỷ. Nhưng cô bảo không phải. Lúc đầu thằng bé mặt lầm lì,
tối tăm, sau thời gian giảng giải, khai trí, kể cả làm phép giúp nó tập thiền,
v.v…, kỳ diệu thay thằng bé cười tươi, mặt bừng sáng, lễ phép như vừa được uống
thuốc tiên.
Việc thứ ba cô khám chữa cho một
thanh niên mắc bệnh ung thư máu, mặt tái bệch, môi xám bợt. Cô bảo anh chàng
xoay lưng lại, làm động tác tay như khi cô tìm mộ mà cô nói với tôi là “em mở
đất đấy”. Cô gọi cả cô vợ của anh chàng lại bảo, anh chàng đó có duyên nên mới
gặp được cô và cô sẽ chữa được. Nhưng với điều kiện là phải tin và làm theo cô,
trong đó có việc cô hơi ngượng ngùng nói ra là hai vợ chồng phải “kiêng” nhau 1
tháng.
Việc thứ 4 cũng là việc rất ấn
tượng. Đó là trước ngày cô về Bắc (hôm qua 10-4-2014), anh Duật có sáng kiến
làm một lễ tiệc trang trọng tại nhà hàng, mời tất cả đại diện đệ tử ở phía Nam
của cô, từ SG, Bà Rịa-Vũng Tầu, Đồng Nai, v.v… lên chung vui, nhân 3 năm cô ra
đi làm tâm đức, và vài ngày nữa cũng chính là sinh nhật của cô. Một Ban tổ chức
được thành lập để bàn bạc: Anh Duật, hai đại tá về hưu là Anh Sử và anh Nhương,
và tôi. Tôi bảo cứ làm cái gì cho cô vui thì cứ làm thôi. Khi bàn bạc đã có mâu
thuẫn nhỏ, tôi không đồng ý lắm với các vị, ngoài việc tôn vinh cô còn phải
tính đến người này người kia. Tôi bảo cần làm trang trọng nhưng cái chính là
tập trung đông vui, để tin tưởng cô hơn, hiểu cô hơn mà tu tỉnh, tu sửa, để
sống tốt hơn là điều cô mừng nhất, đừng có phàm tục hóa, làm lễ theo kiểu như
tổng kết cơ quan, mừng công, vinh danh vậy, có thể làm hại con đường tâm đức
của cô và đường tu của những người xuất gia cùng cô đấy.
Cuối cùng, một lễ tiệc diễn ra theo
lẽ thường còn thành công hơn cả thành công. Có cả anh cả của cô, cụ Lại Văn
Bỉnh là hàng xóm anh Duật, là cha ca sĩ hát chèo Lại Thị Đông là đệ tử ruột,
gần như hàng xóm của cô ngoài Yên Bái. Ngoài đệ tử các nơi, có anh Sơn, anh
Vịnh là hai Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Tìm kiếm HCLS mà Tướng Nguyễn Ngọc
Doanh làm Giám đốc.
Cô đến, một đời lam lũ vất vả, nay
đi làm tâm đức lại chồng chất oan khiên, thấy quá trang trọng, cô khóc, khóc
hoài, không sao kìm nén được, chỉ khi mấy cháu bé đến vây quanh thì cô mới cười
một lúc, rồi lại khóc.
(Anh cả, cô, anh Thu)
Đại tá Sử làm MC, Anh Duật lên đọc
diễn văn, rồi tặng hoa, tặng quà, cắt bánh sinh nhật. Mọi người thay nhau nói
lời chúc mừng, tâm sự. Tôi cũng được giới thiệu. Tôi nói mấy câu về cái ý mà
tôi thấy rằng trường hợp cô là người duy nhất trong toàn bộ lịch sử nhân loại.
Tôi không nói về chuyện hơn kém mà nói về sự lạ lùng. Rồi đọc bài thơ đã làm
tặng cô. Vì không muốn làm mất thời gian nên tôi không giải thích. Hôm nay viết
thì tha hồ. Ngay Đức Phật, hồi ngài tu theo lối kham khổ, ngày ăn mấy hạt đậu,
uống vài giọt nước, tay đặt lên da bụng thì chạm tận đốt sống, rung cánh tay thì
lông rụng, ngài nghĩ mình đã tu sai đường rồi, vì kham khổ quá chết rồi thì sao
giác ngộ? Nên ngài đã uống cốc sữa bò của một thôn nữ cúng dường. Rồi ngài thấy
chính ngồi thiền mới là con đường đúng để đi tới giác ngộ. Như vậy, tôi không
dám nói cô Hòa hơn Đức Phật, mấy kẻ xấu không được suy diễn sai để công kích
bậy bạ, nhưng về chuyện ăn uống thì đúng là cả lịch sử loài người, cô là người có một
không hai. Ba năm nay cô không ăn gì, chỉ uống một chút nước dừa và nước Lavie,
mà không có luôn thì cũng chẳng sao. Cô nói dinh dưỡng chính của cô là năng
lượng vũ trụ mà cô nhận được qua thiền định. Cô nói thiền ở hang động, rừng
núi là tốt nhất. Sau đó là hương hoa huệ rồi mới đến nước dừa! Nên cô chỉ ngồi
nhìn, mừng theo mọi người ăn uống thỏa thuê, trò truyện, tay bắt mặt mừng.
Rồi còn hát hò nữa, thật mừng vui
không sao kể xiết. Đặc biệt, chính cô cũng hát, giọng ca của cô cũng là giọng
ca có hạng.
Hôm sau, tức hôm qua (10-4-20140),
mọi người lại tập trung tại nhà anh Duật tiễn cô và đoàn về Bắc. Lại có chuyện
ấn tượng còn hơn cả ấn tượng. Đã trưa gần giờ xuất hành, mọi người thấy cô trên
lầu xuống giận dữ mà tôi chưa từng thấy. Cô nói đại ý có người không chịu nghe
cô, bây giờ bầy ra lại bắt cô dọn à. Số là có chuyện, một người cô khuyên năm
nay không được làm nhà, nếu không sẽ chết người, không chỉ chết một mà chết cả
con trai, con dâu và cháu nội. Người này đã không nghe, sự việc mới xảy ra, lại
gọi điện cầu cứu cô, đứa con trai và cháu nội đã chết 4 ngày. Qua việc này, cô
cũng “mắng” luôn mấy người, nhất là mấy bà còn mê tín, coi tử vi, tướng số, đi
chùa cầu xin điều này, điều kia. Cô nói cái chính là phải làm việc thiện, gieo
nhân lành, dù có quả lành rồi, không gieo tiếp thì cũng hết, chứ không phải là
đi bói toán, cầu xin.
Rồi cũng phải đến giờ xuất hành,
một cảnh tượng chia ly bịn rịn, mà một người nói giống y như phim Hàn Quốc,
nhưng không phải phim mà là sự thật. Cô hứa rồi sẽ sớm gặp lại.
Tôi ra về, tâm trạng bâng khuâng,
cuộc đời như một giấc mơ. Từ việc người ta nói sai về cô thì viết, như bản tính
tôi vốn vậy, chứ không nghĩ có ngày gặp cô. Không ngờ qua anh Sử được gặp cô,
lại được cô giúp nhiều việc, có việc chỉ có thần thánh mới giúp được, còn được
khai trí nhiều điều mới lạ, mà dù có đọc hết sách ở đường trần cũng không biết
được.
Đến chiều, không ngờ cô gọi cho tôi:
- Anh Đông La ơi, người ta đi ăn
cơm em ra đây nói chuyện với anh.
- Bữa lễ tiệc hôm qua cô có vui
không?
- Vui quá anh ạ, em cảm động quá
nên cứ khóc suốt, không sao mà nén lại được. Nhưng em cứ nghĩ làm đông vui đơn
giản thôi không ngờ các anh lại làm quá trang trọng.
- Cô có thấy em cãi nhau với mấy
ông kia không?
- Em biết mà. Ai cũng quý em cả
nhưng người ta không hiểu em như anh đâu. Em biết trong gói quà có gì mà nhưng
giữa chốn đông người trang trọng như thế em làm sao mà từ chối được. Em chỉ
muốn mọi người có tin, có quý em thì tu tỉnh, quý mến nhau thôi anh ạ. Anh viết
lên cho mọi người hiểu anh nhá.
- Cái khó là người ta khó hiểu
nhiều cái giá trị ở đời phàm lại là cái không giá trị cho tâm linh.
- Thì như bao đại gia đầy tiền của
chiều con, muốn gì có nấy thì chỉ hại con thôi đó. Kể cả anh nữa đấy, thằng con
anh nó quá sướng, cứ một đường như thế, không biết khổ là gì, nhưng khi gặp khổ
sẽ thấy khổ hơn rất nhiều đấy. Chúng nó quá sướng sẽ ích kỷ không biết nghĩ đến
người khác. Mấy đứa con em chúng khổ lắm nhưng em luôn dạy dỗ chúng cho chúng
hiểu. Giàu có vật chất chưa hẳn đã sung sướng đâu.
Về cái chuyện con cái này, không
chỉ cô mà nhiều người nói với tôi là cần viết đôi nét về chuyện gia đình anh
Thu, người xuất hành cùng cô từ phút đầu tiên trên con đường tâm đức cho đến
hôm nay. Anh không may có một người vợ không tốt, thậm chí chửi cả chồng, đuổi
cả chồng đi khỏi nhà. Vì vậy hai người đã ly dị. Đi theo cô làm tâm đức, anh
được thân nhân gia đình liệt sĩ, những người hiểu biết rất trọng vọng. Vậy mà,
anh không phải kẻ làm cha lấy tiền đi ăn chơi, bài bạc, hút xách; ngược lại có
thể nói anh là một người cha vĩ đại, đã làm tốt trọng trách của bậc sinh thành,
nuôi dưỡng con cái, lớn lên dựng vợ gả chồng cho các con. Khi ly dị, anh đã bỏ
lại tất cả tài sản lại cho con, không lấy một thứ gì, kể cả sổ hưu. Vậy mà tết
nhất, mấy đứa con biết anh ở đây, ở kia, vậy mà không đứa nào đến thăm. Nên
nhiều người nói và tôi cũng thấy, như vậy thì mấy đứa con anh Thu đúng là những đứa
con đại bất hiếu. Là con, dù bố mình có là kẻ xấu, là kẻ mang tiền nhà đi ăn
chơi, hút xách đi chăng nữa thì bố vẫn là người sinh thành ra mình, vẫn cần
phải thăm nom.
Anh Thu thân mến!
Nhân chuyện cô muốn tôi phải viết
mấy câu trên, mong anh thông cảm. Về đời phàm, mình thấy là chuyện không nặng,
nhưng về đường tâm linh cô lại thấy là điều hệ trọng, tội bất hiếu là tội sẽ
tạo nghiệp rất nặng, rồi sẽ quả báo rất khổ. Cô bảo viết vậy là lo cho anh, lo
cho các con anh, mong anh lựa lời nói cho chúng hiểu. Nhân đây cũng xin cảm ơn
anh, người giúp cô nhiều trên con đường cứu nhân độ thế của cô.
Chúc đoàn về Bắc, dù có thần thánh
chở che, vẫn phải chúc thượng lộ bình an. Mong sớm gặp lại anh em. Xin cảm ơn
cô rất nhiều vì tất cả và vì đã làm thuốc cho vợ chồng em, dù biết sứ mệnh của
cô là làm những việc như thế.
11-4-2014
ĐÔNG LA