Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2014

GIAI ĐIỆU TỰ HÀO HAY NỖI XẤU HỔ CỦA ĐÀI TRUYỀN HÌNH

GIAI ĐIỆU TỰ HÀO HAY
NỖI XẤU HỔ CỦA ĐÀI TRUYỀN HÌNH
         Cái bài này không hiểu sao đăng lâu rồi mà nhiều người đọc quá cứ đứng đầu bảng hoài. Không biết có phải tại chiến tranh đang rập rình ngoài ngõ thì người ta lại cần lòng yêu nước, mà muốn yêu nước thì phải tự hào về lịch sử, về truyền thống cách mạng. Thật e ngại cách dàn dựng chương trình của VTV, các cụ hết đát thì tự hào quá, còn những người trẻ cần tự hào thì đa phần lại không tự hào tự hiếc gì nữa! Xin đưa lại cái bài này lên trang nhất cho những ai quan tâm đọc cho tiện.
Giai điệu tự hào là một chương trình lớn, dàn dựng công phu, một hình thức giáo dục lịch sử, giáo dục tình yêu con người, quê hương, đất nước tuyệt vời. Những bài hát cũ, nổi tiếng một thời, được dàn dựng mới, người hát mới. Trong số đầu phát vào những ngày Tết vừa qua, khi nghe bài Quảng Bình quê ta ơi do cô bé Kiều Anh hát thật trên cả tuyệt vời.
Tôi đã phải downloads bài này để thỉnh thoảng nghe lại, xem lại. Có một vẻ tươi mới, căng tràn sức trẻ, rạng rỡ sắc xuân trên gương mặt xinh tươi, duyên dáng, ngời sáng của cô gái. Với giọng hát trong vắt, cô cất lên những giai điệu đã trở thành kỷ niệm của biết bao người. Giọng hát của Kiều Anh là chiếc cầu nối tuyệt vời giữa quá khứ-hiện tại và tương lai. Nhìn gương mặt và thần thái của NSND Trung Kiên, PGS Văn Như Cương cười tươi, cuốn theo giọng hát của Kiều Anh thật sảng khoái thú vị.

Cô bé biết người ta chú ý đến mình nên thỉnh thoảng mỉm cười xấu hổ rất duyên dáng, làm cô không nhập tâm vào bài hát lắm nhưng chẳng sao cả, bởi trình diễn còn là sự giao lưu, nhập vai quá lại thành ra quá cứng nhắc. Rất mong Kiều Anh sẽ hát tuyệt vời mãi như thế. Cháu hãy thể hiện hết mình, vì bản thân cháu là tuyệt vời rồi, đừng để mất đi cái hồn nhiên, tự nhiên kỳ diệu ấy.
Thật tiếc Giai điệu tự hào với những ý tưởng cao quý, trình diễn những tác phẩm đã đi vào lịch sử âm nhạc, được những ca sĩ tài năng thể hiện, nhưng lại còn quá nhiều sạn, mà nghệ thuật thì lại có một đòi hỏi khắc nghiệt là phải toàn bích, nếu không sẽ vất, y như một viên ngọc không thể có những vết sẹo được.
Tôi chưa coi trọn vẹn một chương trình Giai điệu tư hào nào cho đến khi đọc những ý kiến phản bác, phê phán rất đúng, nhất là về sự bình luận của một số người được gọi là “trẻ”. Những ý kiến của họ không mang đến sự tươi mới, độc đáo của sức trẻ, của tinh thần trẻ mà chỉ bộc lộ sự hời hợt, hạn hẹp về mọi mặt. Ai cũng muốn chứng tỏ cái cá tính, cái tôi cao nhưng lại bằng cái trí thấp. Chính vì thế tôi đã bỏ thời gian không chỉ coi hết mà còn coi lại vài lần Giai điệu tự hào số 4, tháng 4 năm 2014. Và tôi thấy Giai điệu tự hào quả là nỗi xấu hổ của VTV nếu ông TGĐ Trần Bình Minh và ê-kip dàn dựng còn biết xấu hổ.
Nhưng muốn người ta có sự xấu hổ cũng không đơn giản bởi họ còn phải biết xấu hổ. Nếu đã mặt trơ trán bóng rồi và dốt không hiểu ra cái sai của mình thì sẽ không còn biết xấu hổ.
Nhớ lại câu đề từ trong phim Trần Thủ Độ chiếu trên VTV “Lịch sử tùy thuộc những góc nhìn”, nếu ông Trần Bình Minh hiểu về triết sẽ phải xấu hổ. Bởi câu ấy là duy tâm chủ quan. Thái độ đối với lịch sử đúng là tùy theo góc nhìn. Kẻ bán nước, kẻ phản bội, kẻ lưu manh sẽ nhìn lịch sử khác với những người lương thiện, người yêu nước. Nhưng bản thân lịch sử là hiện thực khách quan không tùy theo góc nhìn chủ quan của ai cả. Như Lịch sử VN là vàng ngọc thì sẽ mãi mãi là vàng ngọc dù người ta có cái nhìn xấu xa như thế nào.
***
Dẫn chương trình số 4 vẫn là ông MC, Đại tá An ninh, Nhà thơ Hồng Thanh Quang, từng không biết an ninh là gì khi “tôn trọng” ông Phạm Xuân Nguyên, người luôn trên tuyến đầu chống đất nước. Điều này chứng tỏ Trần Bình Minh đã đứng vào đội ngũ lãnh đạo của Đảng mà không có “nhạy bén chính trị”. Nếu “nhạy bén”, nếu không có dũng khí đuổi thẳng cổ “thằng” Quang thì cũng nên mời khéo “anh” Quang nghỉ cho em nhờ. Hay vì Hồng Thanh Quang tài năng quá mà Minh châm chước giữ lại. Có lần Nhà thơ quân đội lớp trước là Anh Ngọc giới thiệu trên VTV tập thơ dầy như cục gạch của Hồng Thanh Quang, đã tỏ lòng khâm phục Quang là ngày nào cũng sáng tác được thơ. Những tưởng một người như vậy thì lời lẽ phải chắc chắn, sâu sắc nhưng mào đầu chương trình lần này, ông nhà thơ nói: “Chúng ta đang sống những ngày náo nức kỷ niệm một trong những võ công hiển hách của lịch sử dân tộc, 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ”. Với người thường thì sẽ không thấy gì, nhưng với con mắt của nhà phê bình sẽ thấy ông nhà thơ dốt về ngôn ngữ, ông đại tá dốt về quân sự, dốt về lịch sử. ĐBP không phải là một cuộc đấu võ, cũng không đơn giản là cuộc đấu vũ khí mà là một cuộc chiến. Đó là cuộc chiến giữa chính nghĩa và phi nghĩa, là sự chống ngoại xâm; là cuộc đối đầu giữa một bên là tham vọng xâm lược, là vũ khí hùng mạnh với một bên là lòng yêu nước, khát khao độc lập, sự chịu đựng và vượt qua gian khổ hy sinh, là sức mạnh của cuộc chiến tranh nhân dân, là sự lãnh đạo tài tình của Đảng, Bác và Đại tướng Võ Nguyên Giáp! Vì vậy, chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến công vĩ đại của dân tộc chứ không phải là một võ công. Không phân biệt được “chiến công” với “võ công” là dốt!
***
Ê kíp dàn dựng nên hiểu đây là chương trình giáo dục truyền thống bằng âm nhạc trên tuyền hình quốc gia chứ không phải là chương trình của truyền hình tư nhân với mục đích giải trí đơn thuần và nó cũng không phải là chương trình thăm dò ý kiến. Như ý riêng tôi nếu để nghe giải trí lúc trà dư, tửu hậu, lúc lòng chùng xuống giữa đêm thanh vắng thì tôi cũng sẽ không thích chọn những bài hát mà chương trình đã trình diễn như “Hò kéo pháo”, “Giải phòng Điện Biên”, mà tôi chọn những tác phẩm tình cảm, sâu lắng, mềm mại. Nhưng phải hiểu những bài hát đó là những trang sử bằng âm nhạc, chúng sẽ bất tử như lịch sử đất nước, nên chúng sẽ thật tuyệt vời nếu được trình diễn trong những chương trình có tính giáo dục truyền thống, nhất là vào dịp những ngày lễ, chúng sẽ gợi nhớ về cả một quá khứ hào hùng của dân tộc. Tất cả những ai có lương tri, có tình người và lòng yêu nước tất sẽ phải thích nghe trong một không gian như thế.  Như trong chương trình Giai điệu tự hào chiếu trên VTV chẳng hạn. Vì vậy, những người được chọn để bình luận trong chương trình dù già hay trẻ cần phải có thái độ ứng xử hiểu biết, lịch thiệp, phù hợp. Cần phải lựa chọn kỹ lưỡng, khắt khe, chứ không phải tùy tiện vì là chương trình chiếu trên Truyền hình Quốc gia chứ không phải ở chỗ quán xá mua vui. Mỗi lời góp ý cần phải biên tập cho phù hợp với bài hát và mục đích của chương trình chứ không phải tự do nêu sở thích cá nhân. Cần phải lựa chọn người góp ý đàng hoàng và hiểu biết.
Tiếc là chương trình lại đi chọn những người “trẻ” vừa dốt vừa vô cảm, trơ lỳ, mặt lại nhâng nhâng, trông rất ghét.
***
Với chương trình số 1, sau khi Quang Thọ hát bài “Tôi là người thợ lò”, NSND Trung Kiên phấn khích ca ngợi bài hát là “đỉnh cao” của nền âm nhạc VN thì ông “trẻ” BS Tăng Hà Nam Anh nói: “Tôi xin kéo quý vị trở lại mặt đất… ca khúc này đối với tôi nó chỉ là một ca khúc cổ động… mà tôi thì dị ứng với ca khúc cổ động… trong số hội đồng trẻ nhiều người người không thích bài này đâu nhưng ngồi đây không lẽ lại nói không thích”. Đúng là một nhận xét vô văn hóa dù rằng anh chàng này có nói thật lòng mình. Nếu anh chàng bác sĩ này thông minh một chút nên từ chối lời mời đến một nơi không phù hợp với mình. Cảm nhận nghệ thuật cần sự nhạy cảm của một tâm hồn bay bổng, nếu bạn ở mặt đất thì hãy cứ ở mặt đất của bạn, không nên kéo người khác xuống giống mình. Bạn nên hiểu, nếu bạn dị ứng với những giá trị đã được nhiều người đón nhận, nâng niu thì chính bạn là vật dị ứng với mọi người!
Với số 4, sau chùm bài “Hò dân cày…” của Nhạc sĩ Văn Chung, Như Huy, được giới thiệu là “Nhà phê bình nghệ thuật”, y như ông bác sĩ trên, cũng đã tương ngay “một củ đậu”: “Ba bài này tôi nghe rất nhạt rất chán”. Sau đó với bài “Bộ đội về làng”, bình về tình quân dân, Như Huy nói: “Quân ngày xưa chỉ là bộ binh thôi, dân là nông dân thôi, có tình cảm như vậy vì giống nhau. Thời buổi bây giờ tôi nghĩ là quan hệ đó phải thay đổi… giờ có tầu ngầm… còn dân biết check internet, biết google thì quan hệ đó còn lưu giữ không?”; Khi MC giới thiệu vật chứng lịch sử là súng không giật SKZ, Như Huy nói: “Tôi thì tôi nghe lâu rồi bây giờ tôi nhìn tôi không coi nó là vũ khí”.
Đây đúng là những lời bình luận của một cái đầu vô cảm, dốt, điển hình của loại người mà tôi từng phê phán nhiều là “tôi cao trí thấp”! Trong giới văn chương nghệ thuật, có những người khát khao thành công nhưng bất tài, không theo nổi chính đạo nên phải theo tà đạo. Theo chính đạo là ta phải hòa mình vào đám đông cuồn cuộn rồi bứt phá lên, nên không dễ chút nào; cũng như các bác học phải tìm ra những phát minh trên cả một nền khoa học vậy. Còn với tà đạo, với một dúm người lộn đầu xuống đất đi riêng một đường, tự tán dương nhau, tôn vinh nhau, thì dễ nổi danh hơn, nhưng là ô danh chứ không phải danh thơm. Nghe cái tên Như Huy tôi thấy quen quen. Nhớ lại thì ra tôi đã từng tham khảo Art of the Post Modern Era của Irving Salder do chính Như Huy dịch. Với tri thức thì phải khách quan thôi. Khi tìm hiểu vấn đề gì đó phức tạp thì tôi thường tham khảo rất nhiều người để hiểu cho đúng bản chất của vấn đề đó, vì với những vấn đề mù mờ, rắc rối,  thì cách hiểu của một người thường không toàn diện và thiếu chính xác. Tìm hiểu thêm về Như Huy thì thấy được “tổ con chuồn chuồn”, đó là một bài Như Huy ca ngợi Bùi Chát: “Nói tóm lại, thông qua bài thơ này (bài Vô địch), giọng thơ này, dạng thơ này, chúng ta đã có thể thấy rõ một lịch sử khác… với thế giới quan của những "cái khác" (the Other) đối lập với mọi cấu trúc quyền lực”. Như vậy Như Huy cũng đã tán đồng cái quan điểm phản thẩm mỹ và tinh thần lật đổ của Bùi Chát, thành viên của nhóm Mở Miệng, đối tượng nghiên cứu của cô Nhã Thuyên trong cái luận văn bị dư luận chính thống phê phán, gần như trường ĐHSPHN đã buộc phải thu hồi vừa qua.
Là một người như vậy, Như Huy tất có những nhận xét như vậy. Với vật chứng lịch sử là khẩu SKZ được sáng chế dưới sự lãnh đạo của KS Trần Đại Nghĩa đã trở thành một huyền thoại. Từ thành công này ông đã trở thành một Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học LX, thành danh nhân lịch sử, bởi SKZ có thể đánh phá tan tành các lô cốt địch có tường bê tông cốt thép dày hơn 1 mét, từng làm kinh hồn bạt vía quân Pháp. Vậy mà một thằng chọi con mù điếc mang danh nghệ sĩ đã nói “tôi không coi nó là vũ khí”! Một nhận xét hoàn toàn vô cảm và dốt nát!
Cái lạ lùng là những người dàn dựng chương trình cũng đã mù điếc khi lựa chọn Như Huy và không biên tập, để nguyên những lời nhận xét bậy bạ như vậy!
MC cũng giới thiệu trong “Hội đồng trẻ” có nhà báo “sắc sảo” Quỳnh Hương. Độc thấy cái cách trang điểm của cô này đã thấy không ổn rồi! Môi đã cong lại tô đỏ chót làm cho nó càng cong cớn hơn. Cô này cũng cũng có nhiều nhận xét ngược, muốn chứng tỏ cái tôi, nhưng tôi chú ý nhất, cũng bằng sự vô cảm, gần như cô ta đã độp vào mặt Hồ Quỳnh Hương sau khi Hương hát bài Lên ngàn của Hoàng Việt: “Cô hát bị vô cảm quá!” Nhận xét này đã bị chính Nhạc sĩ Nguyễn Cường phản bác ngay.
Qua chương trình này, thật thú vị, tôi hiểu được Nhạc sĩ Nguyễn Cường hơn. Anh đúng là trường hợp điển hình của “cái khác”, nhưng là cái độc đáo, cái quý giá, cái phong phú, chứ không phải là cái lộn ngược, lập dị, phản luân thường đạo lý. Chính vậy anh nhận xét rất tinh, rất chính xác, rất nghề nghiệp, rất nhân hậu về tác phẩm của những nhạc sĩ đi trước, dù họ viết với phong cách rất khác anh. Chính anh Nguyễn Cường đã phê phán cách dàn dựng về chuyên môn âm nhạc kém, không hợp, đã làm hỏng giọng hát của Hồ Quỳnh Hương. Anh và vài người khác cũng phê phán rất hợp ý tôi là cách dàn dựng không hay bài Hò kéo pháo với tinh thần rock. Nhạc rock là nhạc mạnh, gằn, bung phá, bùng nổ, còn Hò kéo pháo là bài hát mạnh nhưng lại phải tập trung. Sự đồng nhịp mới tạo ra đồng lực, đồng lực phải đồng hướng mới tạo ra được sức mạnh kéo được pháo lên đèo. Nên dựng theo phong cách rock quậy lung tung là sai.
Thật tiếc Giám đốc âm nhạc của chương trình là Quốc Trung lại không hiểu nên đã “cãi chầy cãi cối”. Trung nói: “Bảo vệ tổ quốc cần lòng dũng cảm, triệu người một lòng, nhưng âm nhạc cần hàng triệu ý khác nhau mới phát triển”. Điều này Trung nói theo sách vở đúng quá, có điều nó không ăn nhập gì vào sự phê phán ở đây. Sự phê phán ở đây là sự không phù hợp, là sai chứ không ai phê phán sự phong phú, tươi mới. Còn Trung nói thế này: “Bài hát có đời sống cũng như lịch sử của nó. Chẳng hạn bài kéo pháo…đến ngày nay nó không còn phù hợp, bộ đội ngày nay thì không kéo pháo, chỉ cần bấm computer… thì ngôn ngữ âm nhạc cũng vậy. Ngày xưa chỉ cần một cây ghita, thậm chí cô Thanh Hoa hát không có đàn… Nếu ngày nay cũng lại như vậy thì tôi nghĩ là sẽ không thể nào thu hút được giới trẻ. Còn tôi nghĩ bài hát của nhạc sĩ Hoàng Vân nó sống được đến ngày hôm nay không chỉ có lời bài hát. Khi cái tính âm nhạc bao trùm được tất cả… thì người ta không cần lời bài hát, lời bài hát có thể không còn phù hợp… âm nhạc là những nốt nhạc”. Quốc Trung nói có thể phần nào đúng theo sách vở, nhưng sẽ chỉ như học vẹt thôi. Nhạc không lời thì đúng là không cần lời, với những thiên tài thì họ vẫn sáng tác được những tác phẩm lừng danh, bất hủ, như Thư gởi Elise của Beethoven chẳng hạn. Còn thường thì đã là bài hát hay phải là tổng hòa của cả lời và nhạc. Nhất là những bài hát đã thành niềm tự hào thì nó đã như những trang sử bằng âm nhạc. Chính lời bài hát thể hiện những sự kiện hoặc những nhân vật lịch sử. Có lẽ nào người ta cần thay đổi cả lịch sử để chiều theo thị hiếu? Như Trung nói thì những bài ca ngợi Bác Hồ cũng cần phải thay đổi lời cho phù hợp với thị hiếu của “giới trẻ” sao? Nhớ có lần báo đăng tin NSND Trung Kiên nói Quốc Trung không nên làm giám khảo gì đó nữa, thì hôm nay nỗi lo ngại của ông đã thành sự thật, vì bản thân tôi đây cũng không ngờ thằng Trung con ông nó lại phát biểu ngu như thế!
***
Phải nói chương trình Giai điệu tự hào có nhiều cái hay, nhiều lời bình rất hay. Như của Nhạc sĩ Nguyễn Cường, PGS Văn Như Cương, Nhạc sĩ Thế Hiển và của “bà” Minh Thái chẳng hạn. Đặc biệt bạn Thiếu tá Nguyễn Minh Cường đúng là đại diện xứng đáng của thế hệ chiến sĩ hiện đại, bạn đã nói lên những cảm nhận rất tinh tế, rất sâu sắc, đồng thời bạn cũng nghiêm khắc phản bác sắc sảo, chặt chẽ những lời bình sai trái của những người cùng thế hệ mình.
Tiếc là chương trình có quá nhiều sạn và có sai lầm từ định hướng dàn dựng. Nó xuất phát từ trình độ kém không chỉ về âm nhạc mà còn ở các lĩnh vực tri thức khác nữa. Khó là những tri thức cần sự từng trải nhưng những người dàn dựng thì lại không có.
3-5-2014
ĐÔNG LA