Thứ Ba, 8 tháng 7, 2014

HỌA VÔ ĐƠN CHÍ (truyện ngắn)

HỌA VÔ ĐƠN CHÍ
(truyện ngắn)
     Xem tấm ảnh người chiến sĩ hy sinh trong vụ máy bay rơi và lời tâm sự dưới đây tôi đã chảy nước mắt:
        Tôi nhớ đến cái truyện ngắn tôi viết đã lâu về cái chết của mẹ con cô bạn, vợ anh bạn học của tôi. Một lần có một anh bạn là đại tá công an vì thích đọc blog của tôi, nói có viết báo và từng gặp tôi rồi, mời tôi đi ăn để chuyện trò. Không ngờ trái đất tròn, ông đại tá cũng quen biết và có gặp gỡ cô bạn xấu số trong câu chuyện dưới đây, có điều người ta đã mất 17 năm rồi mà vẫn chưa biết! Tôi hứa với ông đại tá là sẽ đăng cái truyện ngắn này. Vậy mà hôm nay mới đăng được, vì là chuyện buồn tôi cũng không muốn nhắc lại.

“Tôi lững thững đi trên con đường nghĩa địa, xung quanh là mênh mông mộ, thành phố của cõi âm. Tôi nhìn những vũng nước lấp xấp mà thấy như những vũng nước mắt; nước mắt của hàng vạn, hàng vạn người đã tới đây khóc vĩnh biệt những người thân, biết bao đời đã đọng lại”. (ĐL)

Cùng là cái chết, nhưng những cái chết khác nhau để lại trong lòng người ta những tình cảm, tâm trạng khác nhau. Những cái chết trong hòa bình gây nên nỗi đau lớn hơn trong chiến tranh; những cái chết trẻ gây thương tiếc hơn cái chết già; những cái chết của người quen tác động vào ta mạnh hơn cái chết của người xa lạ… và, cái chết của những người cùng lứa với ta, từng quen biết, thân thiết với ta, sẽ làm xao động tâm tư ta nhiều hơn cả.

 Mới bắt đầu ở lứa tuổi 40, nhưng tôi đã chứng kiến những cái chết của bạn bè, của vợ con bạn bè. Đó là những cái chết bất thường, ở giai đoạn người ta không còn quá trẻ để chưa làm cái gì, mà họ đã có được những kết quả nhất định: công danh, sự nghiệp, gia đình, con cái… nhưng tất cả còn dở dang, còn nhiều hứa hẹn ở phía trước. Những cái chết cứ mãi day đi, dứt lại trong tâm trí tôi.
Lớp học đại học của chúng tôi gồm một nửa những người lính còn lại sau chiến tranh, rời cây súng, họ đã vượt qua được kỳ thi tuyển đầu tiên sau 30- 4-75. Bạn bè tôi là những người có nghị lực, thông minh, ra trường, đa số họ thành công. Có đứa thành tiến sĩ; có đứa thành nhà doanh nghiệp; thậm chí có đứa thành lãnh đạo cấp tỉnh, cấp thành phố… Họ hoàn toàn không giống anh chàng cựu binh “văn sĩ” như bị tâm thần, tuyệt diệt niềm vui sống trong một cuốn tiểu thuyết thời thượng từng được một số người (hay một thế lực?) tán tụng, trong công cuộc “đổi mới” văn chương hay vì “đổi mới” chính trị hay cái gì đó tôi cũng không rõ lắm. Tại sao người ta đã chịu đau khổ nhiều trong chiến tranh lại không thấy giá trị của những ngày hòa bình? Cuộc sống luôn chuyển động, chỉ có những người bệnh hoạn mới dừng lại, mới tỏ ra cao đạo, gặm nhấm mãi nỗi đau. Dù cuộc sống hôm nay còn nhiều cái xấu, cái yếu kém, nhưng giá trị của hòa bình mãi mãi là thiêng liêng! Những người có năng lực thực sự sẽ đứng vững. Chỉ có những kẻ bất tài, yếm thế mới quỵ ngã, thành những kẻ bất đắc chí.
Bạn bè tôi cũng có người bị quỵ ngã, nhưng họ không chịu quỵ ngã trước cuộc đời mà chỉ chịu quỵ ngã trước “mệnh trời”.
                   ***
- Ba ơi, có chú Mạnh đến chơi.
Tôi đang loay hoay điều khiển các ngón tay trên phím chiếc máy tính mới mua, vốn đã quen với máy chữ, thì thằng con vào báo. Mạnh là bạn cùng lớp. Tôi ra vội phòng khách và được Mạnh cho biết:
- Mày có biết vợ con thằng T chết rồi không?
- Cái gì?!
- Vợ con nó chết rồi! Con nó chết tháng trước. Vợ nó mới chết ở bệnh viện mấy hôm nay chẳng hiểu tại sao, đang quàn ở chùa Vĩnh Nghiêm. Tám rưỡi sáng mai đưa đi chôn ở Bình Hưng Hòa đấy!
Cái gì???... Tôi muốn hỏi một ngàn lần “cái gì?” để cái thông tin ấy không đúng như thế. Nhưng chưa hết, Mạnh tiếp:
- Còn thằng T cũng bị xuất huyết dạ dầy, phải cấp cứu ở Nguyễn Trãi. Hôm nay đỡ rồi, nhưng mai chưa chắc có đưa ma vợ nó được.
Thật là họa vô đơn chí. Nếu có Trời, Phật, có luật quả báo, thì liệu các Ngài có bất công nơi cõi thế này?
Mạnh về ngay vì có việc. Còn tôi thì chưa hết bàng hoàng. Vợ chồng T với vợ chồng tôi có quá nhiều mối liên hệ. Tôi học cùng với T, vợ tôi dạy cùng với vợ T. Qua nhau chúng tôi đã lấy nhau, thành bạn bè của nhau. Chưa hẳn là hợp tính hợp tình, nhưng chúng tôi đã đối với nhau có nét như tình cảm gia đình. Vợ tôi được tin cũng vô cùng kinh hoàng. H (vợ T) mới hơn ba mươi! Đã 9 giờ tối, nhưng tôi vẫn nói vợ con chuẩn bị ngay để ra chùa viếng H. Tôi nói với hai đứa con, một 11, một 8 tuổi:
- Các con có biết cô mới mất là ai không? Cô ấy là cô H, trước đây dạy cùng với mẹ. Chính cô ấy đã làm mai ba với mẹ. Không có cô ấy sẽ không có các con. Các con có hiểu không? Bây giờ tất cả phải ra chùa viếng cô ấy, nghe chưa?
Tôi chở vợ con đến chùa. Phía trước gian quàn quan tài khá đông người. Bên trong, tôi thấy có hai chiếc. H nằm bên phải. Trên nắp quan tài có bát cơm cúng với quả trứng luộc và cắm chiếc đũa vót xơ ở đầu. Nến bập bùng, khói hương nghi ngút. Có rất nhiều vòng hoa, hoa tươi, hoa cườm… Xung quanh các sư thầy đang tụng kinh, gõ mõ.
Chưa được thắp nhang, nhưng tôi vẫn dẫn vợ con đến đứng sau những nhà sư trước quan tài H. Đôi mắt H trong tấm ảnh nhìn chúng tôi đăm đăm. Không có vẻ gì là người đã chết cả, vẫn trẻ trung, thanh thản.
***
Lúc ra trường, khi tôi về viện Dược thì T về một xí nghiệp. T luôn coi tôi là người thông minh, dù rằng tôi không bao giờ có điểm cao nhất lớp. Tôi có máu nghệ sĩ, học tập tài tử, nhưng lại luôn đạt được những kết quả mà nhiều người chăm chỉ cũng không đạt được. Chính T là người đã giới thiệu tôi với nhà thơ nữ, người đã làm biến đổi số mệnh cũng như cuộc sống tinh thần của tôi. T là đồng hương của bà. Còn H chính là cô gái mà bà đã định mai mối cho tôi. Tôi biết H là một cô gái rất tốt, có học thức, hiểu biết, sẽ là một người vợ tuyệt vời cho một mẫu gia đình trí thức trung lưu, ấm êm, cơm ngon, canh ngọt… Nhưng tôi vốn xấu tính, bản thân không ra gì nhưng lại khó tính. Với tôi, một cô gái có học, tốt tính vẫn không đủ; một cuộc sống ấm êm cũng không đủ. Dù rằng, để đạt được những điều ấy không phải là chuyện dễ trong cuộc vật lộn mưu sinh ở một xã hội mà cơ chế vận hành còn nhiều cái lù mù, chưa công minh và chưa nghiêm minh này. H không xấu, nhưng chưa đủ là một nàng thơ để có thể đốt cháy lên trong tôi những cảm hứng văn chương và cái mơ mộng hão huyền.
Có một Tết, tôi sang nhà nhà thơ chơi. Bà nói:
- Cháu cũng kỳ, là con trai mà để đám con H mời sang nhà cũng không sang.
H đang ở nhờ nhà một người bạn, cách nhà nhà thơ có mấy chục mét. Đúng lúc ấy T đến. Tôi mừng quá:
- May quá, ông sang đây chơi với tôi. Có mấy đứa con gái ở bên kia làm mứt mời tôi sang ăn mà tôi ngại quá.
T đồng ý, và thế là T đã gặp H, rồi bị “sét đánh”. Tôi cũng không rõ họ đã từng gặp nhau hay chưa nữa? Chỉ một thời gian ngắn sau đó, họ đã nên vợ, nên chồng.
Hôm đám cưới, nhà nhà thơ là tiền trạm. Cô dâu nói nhỏ với tôi: “Trường em có nhiều cô giáo hay lắm, anh chấm ai, em mai mối cho”. Sau đó, vì tôi như là người nhà nên phải đón khách. Tôi bỗng thấy 3 cô gái trên con hẻm nhỏ, nhìn ăn mặc, trang điểm biết là đến dự đám cưới, đang thong thả lại gần nhà nhà thơ. Một mặc áo dài xanh da trời, một mầu vàng, một mầu nước biển. Với tâm hồn thi sĩ, nhìn cô gái mặc áo vàng đi giữa, tôi đã bị choáng, cô có gương mặt như của Đức Mẹ vậy, tóc uốn quăn quăn buộc chùng dưới vai, đôi mắt to có nét  mơ màng gì đó thật khó tả (Sau thì tôi biết là do cận thị không đeo kính). Mọi người tập trung lại, uống nước, ăn chút bánh kẹo, khi đầy đủ thì lên xe đến chỗ làm đám cưới là hội trường của cơ quan T. Còn tôi, cả ngày hôm đó cứ như bị bắt mất hồn, lâng lâng như đi trên mây. Buổi chiều trở về, xe đỗ, nàng (cô áo vàng) xuống trước, còn tôi thì lững thững theo sau. Tôi nghĩ chỉ lát nữa thôi chúng tôi sẽ mỗi người mỗi ngả mà cô thì vẫn chưa biết một tí gì tình ý của mình. Tôi cảm thấy như sắp để vuột mất một cái gì đó rất quý giá, rất thiêng liêng. Về nhà, tôi đã cụ thể hóa cái cảm xúc đó bằng một bài thơ:
Có phải em như một cánh chim
Bất chợt bay vào khu rừng anh ngơ ngác
Rừng chua kịp nghe chim vui hót
Nơi khoảng trời nào cánh chim đã bay đi?

Có phải em như một vì sao khuya
Rải chi chít những hạt vàng óng ánh
Anh là ngọn cỏ dưới gốc cây giá lạnh
Có thấy không sao ở nơi chín tầng trời?

Bỗng muốn đi tìm khắp chốn khắp nơi
Biết em ở đâu giữa mênh mông trời đất
Ơi cánh chim khuất trong chiều tít tắp
Em có quay về hót một khúc yêu?
Rồi đâu có ngờ rằng chính mấy câu thơ thẩn này đã trở thành một nhịp cầu bắc qua bao sự khác biệt về chính kiến, về lối sống, bởi kẻ Nam, người Bắc, đã xe duyên cho chúng tôi nên chồng, nên vợ. Rồi, tuy hiện thực không được như mơ, còn có nước mắt, có đắng cay, nhưng hiện thực cũng có những điều còn đẹp hơn cả mơ nữa. Đó là việc chúng tôi đã sinh ra được hai đứa con xinh xắn và học giỏi, cái điều tưởng là lẽ đương nhiên nhưng không phải vợ chồng nào cũng có được. Tôi thường nói văn chương là nghiệp chướng của đời mình, vì nó làm tôi hao tâm tổn trí rất nhiều mà không mang lại lợi lộc gì, nhưng nó lại làm nên cuộc sống gia đình tôi. Và như vậy, phải chăng hai đứa con của chúng tôi đã được sinh ra dưới ánh sáng của chính thi ca?
          Cái việc vợ chồng tôi và vợ chồng T có nhiều mối liên hệ với nhau là như thế.
Thế mà giờ đây, cả vợ, cả đứa con đầu của T đã chết. Mới hơn 10 năm đã có những kết thúc. Ai có thể lường trước được những bất trắc? Như những cơn bão, chúng ào tới, thản nhiên qua, mặc kệ những gì xảy ra…
***
Trong số bạn bè cùng lớp, về mặt “công danh sự nghiệp”, có lẽ T là người rất may mắn. T học bình thường, các mặt khác không có gì nổi trội, nhưng T lại là người đầu tiên đạt được chức vị “phó tổng giám đốc”. Hàng năm, khoa chúng tôi thường tập trung, gặp gỡ nhau vào ngày mồng một Tết Dương lịch. Mỗi người đều mang tới đó những niềm hãnh diện riêng về những thành công trên đường đời của mình. Tôi cũng có một niềm hãnh diện vì đã làm được những việc mà người khác không làm được. Nhưng nó quá khác biệt, quá xa những giá trị thông thường, nên chỉ đến năm tôi cũng có tiền như ai, bạn bè mới nhìn tôi khác đi. Còn T, ông bạn hồi đi học được bạn bè phong cho là “tổng kho Long Bình” vì hay tích trữ ốc, vít xe đạp, đã mang đến những cuộc gặp gỡ cái chức “phó tổng giám đốc” một công ty quốc gia; một tài xế và một chiếc xe hơi công vụ sang trọng (đến thầy hiệu trưởng còn lâu mới có); chiếc điện thoại di động luôn “tít tít” trên tay. T là người hiền từ, cá tính không mạnh, nên đối xử với bạn bè vẫn chân tình, không khác trước, nhưng đứa nào cũng nể, kể cả thầy cô. Còn tôi thuộc diện “hâm”, tôi quý T mừng cho T, nhưng không coi địa vị là ghê gớm, vì còn bận quan tâm đến những cuộc đua trở thành tên tuổi trong làng văn, cái cuộc đua rất mù mờ, cả cái đích đến cùng những tiêu chí của nó. Tôi thấy đã có những tên tuổi được hình thành từ tài năng và ngược lại. Có những danh vọng gắn bó với quyền lực, với tiền bạc và ngược lại… Tôi nghĩ đến sự khác nhau giữa nghệ thuật và khoa học. Trước một tác phẩm, hoàn toàn có chuyện người này thì phỉ báng người kia thì xuýt xoa, nhưng với khoa học thì không. Người ta không thể thực hiện được một phản ứng hóa học nếu chuẩn bị các điều kiện sai. Nó không ra sản phẩm.
Một lần, được T cho địa chỉ, tôi chở vợ con đến nhà chơi. Tôi ngạc nhiên. Không thể nói gia đình T sung túc được. Không nghèo nhưng không xứng với địa vị T. Thì ra, không phải chức tước nào cũng có thể đẻ ra tiền bạc. Xã hội ta đồng lương công chức như tượng trưng, nếu không có “lậu”, xem chừng quan to cũng có nguy cơ bị đói! Gia đình T ở một căn hộ, có một phòng rộng thì H cho một người thuê bán sinh tố và giày dép. Nên vợ chồng, con cái sinh hoạt ở cả trên gác xép, cái trần lúc nào cũng lù lù trên đầu. H gầy, dáng bận rộn. Tất nhiên không phải do quá thiếu thốn như cái thời ăn bo bo; T cũng không thuộc loại đam mê, trác táng để H phải lo toan. Có lẽ H không có tướng mệnh phụ, không có số được hưởng sang. Có người bạn nói H hay ăn cơm với nước dưa mà H tự muối, không phải do thiếu mà là thích, một sở thích bình dân, không phải của người sang. Còn vợ tôi thì ngược lại, lúc nào cũng có dáng nhàn, kể cả những lúc khó khăn nhất. Tôi thì thầy bói bảo là, tôi có khả năng mà người chỉ huy cũng sợ, cũng ganh tỵ, nên chỉ có thể là “quan không ghế” thôi. Vì thế, vợ tôi là một “bà quan không ghế”, không có thực quyền nhưng có thực chất.
Vì thế H yếu, mà yếu là cơ hội của bệnh tật, của những không ngờ. Tôi đã hỏi thăm một người cậu của H. Đứa con H đã bị viêm não Nhật Bản. H không chịu nổi, bị sốc, rồi bị tâm thần, cuối cùng mất ở bệnh viện tâm thần. Chỉ một tháng thôi mà có hai đám tang. Đó là quà tặng của Định mệnh cho một người chồng, một người cha đang nằm viện cấp cứu vì bị chảy máu dạ dầy!
***
Sáng sớm, vợ chồng tôi gửi hai đứa nhỏ bên bà ngoại, rồi đến chùa. Các sư thầy đang làm lễ. Đúng tám rưỡi sẽ động quan. Vợ chồng tôi gặp T. T nắm chặt tay tôi. Vẫn mập, nhưng bủng bợt, phù nề. T chỉ được phép đưa H một đoạn, rồi phải quay về viện. Cũng là thêm một nỗi đau. Ngay việc H bệnh như thế nào, chết như thế nào, T cũng chưa biết, cứ hỏi một người bên cạnh và lẩm bẩm:
- Sao mà nhanh thế?! Sao mà nhanh thế?!...
Đến giờ, quan tài H được chuyển lên chiếc xe tang. Hình ảnh chiếc xe mầu đen chạy trên đường phố có những mảnh giấy phấp phới bay đã vô cùng thân thuộc. Nó là một phần của cuộc sống ở thành phố này. Vợ chồng tôi leo lên một chiếc xe chở khách lớn. Khi những vòng hoa đã được chất hết trên lưng, đoàn xe chuyển bánh hướng đến Bà Quẹo rồi rẽ về khu nghĩa địa Bình Hưng Hòa. Cách đây đúng 7 năm, tôi cũng đã tham dự một cuộc tiễn đưa một nhà thơ về chốn này, nhưng là đến lò thiêu. Khi xe chạy qua ngõ nhà ông, tôi lại nhớ về một thời gian khó và những kỷ niệm.
Đến khu nghĩa địa, tôi không ngờ nó lại lớn đến như thế. Phải chạy một lúc lâu mới tới khu còn đất trống. Xe dừng gần chỗ huyệt mộ đã được đào và xây chắc chắn như một bể nước nhỏ. Cái chết ở thành phố cũng sang trọng hơn cái chết ở quê. Tôi nhớ đến những người dân quê tôi, một đời lam lũ, khi chết thường chỉ được nằm trong chiếc quan tài ọp ẹp, mong manh, rồi được vùi xuống bùn đất. Một đời họ đã lấm láp, và cái chết của họ cũng lấm láp!
Các nhà sư lại đọc kinh, làm những nghi lễ cuối cùng. Một số người lục tục kéo nhau sang ngôi mộ đứa con H gần đó. Tôi cũng theo sang. Ngôi mộ mới xây, còn nồng mùi vôi vữa. Ai đó đã để một hộp bánh sô-cô-la trên mộ, dưới chỗ tấm bia có gắn ảnh một cô bé 12 tuổi đang tươi cười, cổ đeo khăn quàng đỏ. Tôi chợt nhớ đến những đứa bé ở những trung tâm học thêm, trung tâm luyện thi. Những ông bố bà mẹ đang đua nhau cho con học ngoại ngữ, vi tính, văn hóa… Đó là một cuộc đua để đạt được một nghề nghiệp sang trọng cho thế hệ tương lai. Còn cháu bé nằm đây thì không cần gì nữa. Cháu nghĩ gì khi người ta đang chuẩn bị để mẹ về bên cháu?!
Các nghi lễ đã hoàn tất, người ta bắt đầu hạ huyệt. Một người đã bỏ xuống theo một bao đầy quần áo của H và xấp giáo án dựng cẩn thận trong túi bằng nhựa mầu xanh trong suốt. Người ta đã ném theo những xẻng cát lấp huyệt những cánh hoa huệ, hoa cúc, hoa hồng… Tiếng khóc não nùng của những người thân xoáy vào tim óc tôi.
- H ơi…i…i…! Tuổi trẻ em chưa qua, tuổi già em chưa tới, chồng em hiền, con em ngoan, sao em đã vội bỏ đi…i…i… H ơi…i…i… Giời ơi…i…i…
Thôi vĩnh biệt H, vĩnh biệt bạn, vĩnh biệt em, người phụ nữ xấu số!
Chúng tôi ra về. Phải đi bộ ra đường cái vì xe ở đó. Vợ tôi nói:
- H nó đâu có ngờ là sẽ ra nằm ở đây.
Tôi lững thững đi trên con đường nghĩa địa, xung quanh là mênh mông mộ, thành phố của cõi âm. Tôi nhìn những vũng nước lấp xấp mà thấy như những vũng nước mắt; nước mắt của hàng vạn, hàng vạn người đã tới đây khóc vĩnh biệt những người thân, biết bao đời đã đọng lại. Phía sau lưng, tiếng khóc của một người chị vẫn không nguôi:
- H. ơi… H. ơi…
Vợ tôi hỏi:
- Anh T đang nằm viện, đứa con nhỏ của nó bây giờ làm sao?
Tôi im lặng không trả lời vì tôi cũng không biết.

TPHCM 22-6-1996