VIỆT NAM TRÊN BÀN CỜ CHÍNH TRỊ,
NGOẠI GIAO CỦA NHỮNG NƯỚC LỚN
Trong những ngày giàn khoan TQ như cái gai đang cắm
vào mắt biển, không người dân yêu nước, có lương tri nào mà không bức xúc,
không căm giận bọn Tầu, không lo lắng cho tương lai phía trước. Để có được
những ngày như hôm nay, từ một nước phong kiến nhược tiểu, như có một phép mầu,
chúng ta đã đánh thắng những đế quốc giầu mạnh nhất. Nhưng không chỉ bằng
ý chí sắt đá, chúng ta đã giành chiến thắng bằng cả sự khôn khéo. Với hai bàn
tay trắng, chúng ta buộc phải nhờ vả thiên hạ, nhưng chúng ta cũng đã vượt qua được
sự toan tính xếp đặt của các nước lớn, giành được nền độc lập quý giá thiêng
liêng.
Qua những trang hồi ký của các
quan chức, không chính thức xuất bản mà thường lan truyền trên mạng, người đọc
cần khách quan vì viết thoải mái dạng này thì ai cũng có những cảm tính chủ
quan. Nhưng nếu biết đãi cát tìm vàng, ta sẽ lại biết được những chuyện rất thú
vị. Chúng ta sẽ thấy quan hệ của Việt Nam với các nước lớn, thực tế chưa
bao giờ có một tình hữu nghị lý tưởng nào cả, mà họ ai cũng vì lợi ích của mình
trước hết. Họ đều từng có những toan tính, có khi mâu thuẫn với chính họ, mâu
thuẫn lẫn nhau và hoàn toàn bất lợi cho sự nghiệp giành độc lập của Việt Nam. Số phận của
Việt Nam
từng bị đặt trên bàn cờ chính trị, ngoại giao trong mối tương quan giữa ba nước
lớn Liên Xô – Trung Quốc – Mỹ.
***
Trước hết là mối quan hệ của ta với Liên Xô và
Trung Quốc. Ngay từ năm 1960, tại Bucarest, trong cuộc gặp mặt các Đảng cộng
sản nhân Đại hội Đảng cộng sản Rumani đã xảy ra tranh cãi gay gắt giữa đoàn của
Trung Quốc do Đặng Tiểu Bình cầm đầu với đoàn của Liên Xô do Tổng bí thư
Khơ-rút-sốp cầm đầu. Khơ-rút-sốp lên án Mao Trạch Đông và Đảng cộng sản Trung
Quốc đi chệch chủ nghĩa Mác Lênin, chống lại phong trào cộng sản và công nhân
quốc tế và yêu cầu các Đảng có mặt khai trừ Đảng cộng sản Trung Quốc ra khỏi
phong trào. Các Đảng có mặt hấu hết tán thành Khơ-rút-sốp. Tiếp theo, tại Đại
hội 20 Đảng cộng sản Liên Xô, Khơ-rút-sốp lại đưa ra chủ trương chống sùng bái
cá nhân, báo cáo công khai sai lầm của Stalin, đồng nghĩa phê phán sự sùng bái Mao
Trạch Đông ở Trung Quốc.
Ngược lại, phía Trung Quốc, trong cuộc đấu tranh
chống Quốc Dân Đảng và Nhật, Trung Quốc cho rằng Stalin đã làm họ thiệt hại lớn.
Trần Độc Tú, do quốc tế cộng sản, thực chất là Stalin, chỉ định làm Tổng bí thư
Đảng cộng sản Trung Quốc và Trương Quốc Đào, Vương Minh, Lý Lập Tam với đường
lối sai lầm do chính Stalin chỉ thị, đã làm cho Đảng cộng sản Trung Quốc mất
sạch căn cứ địa Tỉnh Cương Sơn và phải làm cuộc Vạn Lý Trường Chinh lên Diên
An. Trung Quốc cũng cho Liên Xô mặc nhiên hợp pháp hóa việc Nga hoàng đã xâm chiếm
một phần rất lớn lãnh thổ Trung Quốc.
Năm 1950, sau khi cách mạng Trung Quốc thắng
lợi, Stalin mời Mao Trạch Đông sang Mat-xcơ-va giảng hòa, bù lại, Liên Xô đã có
sự viện trợ ồ ạt cho Trung Quốc. Nhờ đó Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng công
nghiệp hóa, một loạt công trình công nghiệp nặng ra đời. Quan hệ giữa hai nước tưởng
từ đó sẽ mãi tiến triển tốt đẹp. Nhưng vào những năm cuối của thập kỷ 50, Mao
Trạch Đông khởi xướng công cuộc đại nhảy vọt. Họ tuyên truyền đạt được năng
xuất lúa 40, 50 tấn/héc-ta/vụ bằng phương pháp kỹ thuật cấy thật dày. Mao nói
chẳng bao lâu Trung Quốc sẽ thừa lương thực đến mức đất ruộng sẽ ra làm ba
phần: chỉ cần 1/3 trồng lúa, còn 1/3 trồng rừng và 1/3 làm vườn hoa! Cả nước
thi đua làm sắt thép, nhà nhà làm sắt thép. Không có than thì lấy cả thóc làm
chất đốt. Mao nói kỹ thuật của Liên Xô là kỹ thuật tư bản, kỹ thuật của Trung
Quốc mới chính là kỹ thuật cộng sản. Trung Quốc sẽ tiến vào giai đoạn cộng sản
chủ nghĩa trước Liên Xô. Thấy vậy, Khơ-rút-sốp đã nói cái chủ nghĩa cộng sản mà
Trung Quốc định đi tới trước Liên Xô chính là cái “chủ nghĩa cộng sản mặc quần
đùi” và cho Mao đã già, lẩm cẩm, nên nghỉ đi. Tại Trung Quốc thời ấy, điều đó
là đại húy kỵ. Vì thế mới xảy ra chuyện Trung Quốc đuổi chuyên gia Liên Xô về
nước.
Nước ta không thể tay trắng giành độc lập mà
buộc phải nhờ vả thiên hạ, mà sự giúp đỡ của “anh cả”, “anh hai” đều quan trọng,
thiếu một trong hai đều không được. Trung Quốc là láng giềng, có thể là căn cứ
địa, sân sau cho cách mạng nước ta, nhưng lại không thể có đủ loại vũ khí; còn
Liên xô có vũ khí thì lại ở xa. Vì thế sự hục hặc của hai “ông anh” đã làm ảnh
hưởng rất xấu đến cách mạng Việt Nam. Hơn nữa, cả hai họ đều nghĩ ta
là nước nhỏ, cách mạng nước ta không phải là dòng chính quyết định chiều hướng
phát triển của thế giới. Với chiến thắng Điện Biên Phủ, ta đã làm thay đổi tham
vọng xâm lược của chủ nghĩa thực dân cũ và mở đầu quá trình tan rã của nó.
Nhưng Liên Xô cho ta thắng được là nhờ vũ khí của họ, còn Trung Quốc thì cho
rằng do mưu lược của cô vấn Trung Quốc.
Đến thời kỳ “xét lại”, các văn kiện của Liên Xô bắt
đầu xem nhẹ vai trò của đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa và e
ngại vấn đề chiến tranh hạt nhân với Mỹ. Vì thế thái độ của Liên Xô đối với Mỹ
đã thay đổi. Liên Xô bắt đầu cho rằng các nước có chế độ xã hội khác nhau chỉ
có một con đường là chung sống hòa bình, cho rằng cũng sẽ có xuất hiện và phát
triển những yếu tố CNXH ngay trong lòng các nước tư bản. Vì thế, giữa XHCN và
tư bản, vấn đề ai thắng ai sẽ giải quyết bằng thi đua hòa bình, xây dựng tính
ưu việt chế độ, ai ưu việt hơn, được lòng dân hơn sẽ chiến thắng. Điều này quả
là hay. Có điều vào thời điểm nước ta còn chia cắt, nó đúng là một đòn mạnh
đánh vào cuộc đấu tranh giành lại nền độc lập của ta. Không ai phản đối chung
sống hòa bình, nhưng với nước ta thì lại không thể chấp nhận chung sống hòa
bình với kẻ xâm lược.
Trung Quốc, đang trong tình trạng chiến tranh
với Ần Độ, đang chủ trương giải phóng Đài Loan, cũng lên án quan điểm đó của Liên
Xô. Họ gọi quan điểm của Liên Xô là “chủ
nghĩa xét lại hiện đại”.
Cả hai Đảng cộng sản Liên Xô và Đảng cộng sản
Trung Quốc đều tích cực tuyên truyền quan điểm của mình. Các nước nhỏ buộc phải
hoặc là theo Liên Xô, hoặc là theo Trung Quốc, rất khó ở giữa. Mà ta thì cần cả
hai nên buộc phải giải cái bài toán khó đó.
Quan điểm xét lại của Liên Xô đúng như gáo nước
lạnh dội vào ngọn lửa đấu tranh cách mạng nước ta. Liên Xô không tin ta có thể thắng được Mỹ.
Podgorny, một trong ba lãnh đạo Liên Xô đã nói với ông Lê Duẩn: "Các anh
không thắng nổi Mỹ đâu". Lê Duẩn đã trả lời: "Các đồng chí không tin
à? Chúng tôi sẽ thắng cho các đồng chí xem". Vì
thế ở ta từng có Hội nghị Trung ương 9 chống chủ nghĩa xét lại hiện đại. Nhưng
đúng là “trong cái khó lại ló cái khôn”. Sau Hội nghị, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn
được cử sang góp ý và kiến nghị Liên Xô xem xét lại quan điểm của mình. Nhưng
khi gặp phía Liên Xô, ông Bí thư không nói gì về Nghị quyết 9 mà lại cảm ơn sự
giúp đỡ của Liên Xô đã giúp cho tình hình cách mạng Miền Nam tiến triển rất tốt
đẹp và yêu cầu Liên Xô ủng hộ và giúp đỡ tích cực hơn nữa. Khơ-rút-sốp đang
chuẩn bị đối phó thái độ phê phán của VN, nhưng lại được nghe những lời cảm ơn như
vậy nên rất mừng và đã vui vẻ chấp nhận yêu cầu của ta. Lê Duẩn vốn có tiếng là
một nhà lãnh đạo quyết đoán, cứng rắn, nhưng khi cần ông cũng tỏ ra là một nhà
ngoại giao khôn khéo.
Chính Lê Duẩn cũng là người rất sớm nhận ra chủ
nghĩa bành trướng của Trung Quốc. Theo ông Trần Quỳnh:
“Trong một cuộc gặp gỡ giữa
Bí thư thứ nhất Lê Duẩn với Mao ở Vũ Hán. Mao nói: “Tình hình nông thôn Trung
Quốc sau khi hợp tác hóa nông nghiệp xong thì dần dần giai cấp địa chủ trở lại
thống trị. Vì sao vậy? Vì các chủ nhiệm họp tác xã đều lấy vợ là con của địa
chủ. Con gái của địa chủ đẹp hơn con gái của bần nông, sờ má con gái địa chủ
bóng láng mát tay hơn là sờ má của con gái bần nông mà. Còn ở thành thị cũng
vậy, không phải giai cấp công nhân thống trị, mà giai cấp tư sản thống trị. Vì các
giám đốc Xí nghiệp đều cưới con của tư bản làm vợ. Cho nên chúng tôi đang ngồi
trên miệng núi lửa không biết khi nào thì núi lửa phun. Cuộc đấu tranh giai cấp
đang rất gay go, quyết liệt.
Tôi phải làm lại một
cuộc cách mạng mới. Tôi sẽ đánh đổ giai cấp địa chủ và giai cấp tư sản đang
thống trị. Tôi sẽ đưa giai cấp bần nông và giai cấp công nhân lên nắm chính
quyền trở lại. Tôi sẽ tổ chức một đội quân bần nông năm trăm triệu người. Tôi
sẽ giải phóng cho cả Đông Nam Á, cho cả Việt Nam, các đồng chí không cần đánh”.
Trong cuộc gặp gỡ ấy Mao
còn nói: Bom nguyên tử là con hổ giấy. Nếu chiến tranh nguyên tử xảy ra, bất
quá là Trung Quốc chết đi 400 triệu người, cũng còn lại 300 triệu. Còn bọn xâm
lược sẽ bị tiêu diệt. Dân Trung Quốc mắn đẻ lắm. Chẳng bao lâu dân số Trung
Quốc sẽ lên 700 triệu, thậm chí 800 triệu, 1 tỉ. Có gì mà phải sợ chiến tranh
nguyên tử?
Lê Duẩn nói với tôi:
"Cha này (chỉ Mao) lý luận lang bang, lấy vợ địa chủ trở thành giai cấp
địa chủ. Hắn nói giải phóng Đông Nam Á? Còn Việt Nam là của ta, hắn
có quyền gì mà đem quân sang giải phóng Miền Nam ta? chú thấy không? tư tưởng
bành trướng bá quyền đại Hán nó nói trắng trợn trước mặt ta, coi như chuyện dĩ
nhiên. Thật là nguy hiểm hết sức".
Lần khác gặp Mao, Mao nói với ông Lê Duẩn Lào đất rộng mà dân thưa thớt
quá. “Vân Nam diện tích cũng xấp xỉ mà dân số 40 triệu, giá mà đưa 15, 20 triệu
dân Vân Nam vào Lào ở thì có hay không".
Một lần khác nữa Mao hỏi ông Lê Duẩn: "Có phải Việt Nam đã
đánh thắng quân Nguyên và quân Thanh không?" Lê Duẩn đáp: "Vâng, còn
đánh thắng cả quân Minh nữa". Quân Nguyên
là người Mông Cổ, quân Thanh người Mãn Châu, còn quân Minh chính là người Hán. Nói
vậy ông Lê Duẩn tỏ ý Việt Nam
không sợ TQ, Mao đừng hù dọa. Ở Trung Quốc từng trưng bày hai bản đồ của Trung
Quốc. Bản đồ thứ nhất là "Bản đồ của Trung Quốc trước đây khi chưa bị đế
quốc chia nhau". Bản đồ thứ hai là "Bản đồ Trung Quốc sau khi đã bị
đế quốc chia nhau". Bản đồ thứ nhất vẽ Trung Quốc bao gồm phần đất của
Trung Quốc hiện nay thêm phía Bắc và Tây Bắc là một phần rộng lớn của Xibia.
Phía Tây Nam bao gồm một
phần Ần Độ. Phía Nam và Đông
bao gồm cả Việt Nam, Lào,
Campuchia, Thái Lan, Malaysia,
Singapore,
Mianma. Biển thì bao gồm cả một phần biển Nhật Bản, toàn bộ Biển Đông sát
Philippin, chạy xuống đến sát Indonexia. Còn bản đồ thứ hai, thí đại khái như
Trung Quốc hiện nay, nhưng biển thì một nửa Vịnh Bắc Bộ chạy sát Đà Nẵng xuống
phía Nam sát Malaysia, Singapore, Brunây và Sarawak.
Ngay từ kháng chiến chống Mỹ, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đã lo một
ngày nào đó Trung Quốc sẽ nuốt chửng Việt Nam. Đối với cuộc kháng chiến, Trung Quốc chỉ
ủng hộ ta chừng mực, còn lấy ta làm giá trong các cuộc mặc cả giữa Trung Quốc
và Mỹ. Thời kỳ đầu tiến hành bình thường hóa quan hệ giữa Trung và Mỹ, Đại sứ Trung Quốc
và Đại sứ Mỹ đã mỗi tháng gặp nhau một lần ở Ba Lan. Một trong những điều kiện
mà Mỹ đưa ra là Trung Quốc phải dùng ảnh
hưởng của mình để kiềm chế Việt Cộng ở Miền Nam và Trung Quốc đã hứa để đẹp
lòng Mỹ.
Năm 1972, trước khi Nixon sang Trung Quốc, Chu
Ấn Lai sang Hà Nội nói: "Chúng tôi mời Nixon sang Trung Quốc để hai bên
bình thường hóa quan hệ, thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Hai bên
cũng sẽ bàn cả vấn đề Miền Nam.
Các đồng chí Việt Nam đừng
ngại, chúng tôi sẽ tăng cường viện trợ cho Việt Nam". Lê Duẩn nói: "Các
anh mời Nixon sang thăm Trung Quốc chẳng khác nào các anh đâm một nhát dao vào
lưng chúng tôi. Việc giữa Trung Quốc và Mỹ các anh bàn gì chúng tôi không có ý
kiến. Nhưng vấn đề Việt Nam
là của chúng tôi, các anh không có quyền bàn. Giải quyết vấn đề Việt Nam như thế nào
là do chúng tôi tự quyết định lấy. Còn vấn đề có viện trợ hay không cái đó tùy
các anh. Các anh viện trợ, chúng tôi sẽ thắng Mỹ. Các anh không viện trợ chúng
tôi phải hy sinh nhiều hơn nhưng cũng sẽ thắng Mỹ".
Sau Hiệp định Paris 1973, Trung Quốc muốn duy
trì nguyên trạng ở Ðông Dương, nhất là việc Việt Nam chia cắt thành hai miền
dưới hai chế độ chính trị khác nhau là phù hợp với ý đồ lâu dài của họ ở Ðông
Nam á. Sau khi đi thăm Trung Quốc về, thượng nghị sĩ Mỹ K.Mansfield báo cáo
trước Quốc hội Mỹ: "Trung Quốc tán thành để hai nước Việt Nam tiếp tục
tồn tại. Trung Quốc cho rằng một nước Campuchia thống nhất, trung lập là điều
chủ yếu trong một Ðông Dương ổn định". Sau khi Nixon từ Trung Quốc trở về chúng ta mở
nhiều chiến dịch, đánh mạnh, đánh lớn, ở Lộc Ninh có cả xe tăng, Trung Quốc rất
giận ta.
Ngay từ 1973 đã xảy ra những va chạm ở biên giới
Việt - Trung. Rồi năm 1974, Trung Quốc đã chiếm nốt phần còn lại ở quần đảo
Hoàng Sa.
Vì vậy, không thể ngờ được rằng, kế hoạch tổng tấn công giải phóng miền
Nam,
thống nhất đất nước, chúng ta không chỉ giữ bí mật tuyệt đối với Mỹ,
VNCH mà cả đối với Liên Xô và Trung Quốc.
Và cuối cùng, chúng ta đã vượt qua được tất cả sự toan tính vụ lợi ích
kỷ của các nước lớn, đã giành toàn thắng, đất nước đã hòa bình, độc lập, thống
nhất!
***
Với Mỹ, hơn một tháng sau khi giải phóng miền Nam, ta đã nhờ
Liên Xô chuyển cho Mỹ một thông điệp muốn có “quan hệ tốt với Mỹ trên cơ sở
tôn trọng lẫn nhau”. Ðại sứ Mỹ tại LHQ, Andrew Young, đã nói: "Chúng tôi coi Việt Nam như
một Nam
Tư ở châu á. Không phải là bộ phận của Trung Quốc hay của Liên Xô, mà là một
nước độc lập. Một nước Việt Nam
mạnh và độc lập là phù hợp với lợi ích quốc gia của Mỹ". Năm 1977, chính quyền Carter thực sự
muốn bình thường hoá quan hệ với Việt Nam. Ngoại trưởng Mỹ C. Vance, ngày
10.1.77 tuyên bố: "Việc tiến tới
bình thường hoá quan hệ Mỹ - Việt nam
phù hợp với lợi ích của hai nước". Trong khi đó, theo sự xúi
dục của Bắc Kinh, chính quyền Polpot bắt đầu chiến tranh biên giới chống ta từ
ngày 30.4.77 và đơn phương cắt đứt quan hệ ngoại giao với ta ngày 31.12.77.
Từ đầu năm 1978, Mỹ - Trung cấu kết chống Liên
Xô. Liên Xô nhân thế yếu của Mỹ sau thảm bại ở Việt Nam đã ra sức tăng cường
ảnh hưởng ở á - Phi và Mỹ Latinh bằng học thuyết "chủ quyền hạn
chế" của Brejnev”. Tại
châu Á, Liên Xô đưa quân vào Afghanistan
(1979), đồng thời thực hiện chính sách bao vây Trung Quốc. Việt Nam bị
coi là một mắt xích của vòng vây đó.
Trong tình hình đó, Mỹ đẩy nhanh quá trình bình
thường hoá quan hệ với Trung Quốc. Ý tưởng "chơi lá bài Trung Quốc để ngăn chặn Liên Xô" của cố vấn an
ninh quốc gia Z.Bzrezinski đã lấn lướt chủ trương của ngoại trưởng Cyrus Vance
và R.Holbrooke là "cải thiện quan hệ
với Việt Nam
". Ðặng Tiểu Bình tuyên bố "Trung Quốc là NATO phương Ðông" và
"Việt Nam là Cuba phương
Ðông". Khi Bizezinski đi thăm Trung Quốc thì Mỹ đã chọn con đường bình
thường hoá quan hệ với Trung Quốc và gác lại việc bình thường hoá quan hệ với
Việt Nam. Khi ta đưa quân vào Campuchia
đánh đuổi Polpot, ngày 9.1.79, ngoại trưởng Mý Cyrus Vance nói: "Các cuộc nói chuyện Mỹ - Việt Nam
về bình thường hoá đã tan vỡ do cuộc xâm lược Campuchia của Việt Nam".
Ðặng Tiểu Bình đi thăm Mỹ (29.1 - 4.2.79), tỏ ý sẽ tiến công vào
Việt Nam
và đã không gặp phải phản ứng bất lợi nào từ phía Mỹ.
***
Nhưng rồi như “Trời có mắt”, Việt Nam sau chiến tranh tan
hoang, bị Mỹ cấm vận, chiến tranh hai đầu biên giới, ta vẫn đứng vững. Còn
Trung Quốc, sau sự kiện Thiên An Môn, mục tiêu "4 hiện đại", muốn
tranh thủ Mỹ, Nhật, phương Tây, lại bị đe doạ. Ngược lại quan hệ Mỹ - Xô đã cải
thiện rất nhanh. Sau khi Việt Nam
đã hoàn tất việc rút quân khỏi Campuchia, Mỹ và các nước cải thiện quan hệ với
ta. Tiếp tục đối đầu với Việt Nam
cũng không còn phù hợp với chính sách của Trung Quốc. Vì thế Trung Quốc cũng
nghĩ đến chuyện bình thường hóa với Việt Nam. Và cuối năm 1991, hai nước Việt-Trung
chính thức đưa ra Thông cáo chung về bình thường hoá quan hệ!
***
Như vậy, thực tế “tình hữu nghị” của Việt Nam
với các nước “anh em” không phải hoàn toàn là êm ấm. Trong tình trạng biển Đông
đang dậy sóng, Việt Nam
ta lại cần phải tỉnh táo giải bài toán ngoại giao hắc búa. Lúc này, những bài
học mà nhà ngoại giao Trần Quang Cơ từng rút ra thiết nghĩ cần được xem lại:
“Ta không khôn ngoan duy trì quan hệ cân bằng
với Trung Quốc và Liên Xô, nhân
tố cực kỳ quan trọng đảm bảo thắng lợi của ta trong kháng chiến chống Mỹ.
Bỏ lỡ cơ hội bình thường
hoá quan hệ với Mỹ, năm 1977, khi chính quyền Carter đã chủ động đề nghị hai
bên bình thường hoá quan hệ không điều kiện.
Ðánh giá sai và không
gia nhập khối ASEAN ngay từ 1976 khi cả 6 nước này đều mong muốn ta tham gia vì
lợi ích của mỗi một quốc gia và của chung khu vực”.
Sai lầm trong đối ngoại là dẫn tới thảm họa, bất
kể ai. Nước Đức phát-xít đã gánh chịu, Mỹ cũng nhiều lần lặp lại sa lầy, Trung
Quốc đang khiêu khích với cả thế giới cần tỉnh ngộ. Bởi chính Trời Phật sẽ
trừng trị kẻ ác!
7-7-2014
ĐÔNG
LA