Thứ Hai, 4 tháng 8, 2014

Gs.Ts. Nguyễn Vân Nam Chính phủ tắc trách, dân kiện được không?

Cách đây đã 10 năm, một hôm tôi có người lạ gọi điện thoại:
-Alô, có phải anh là Nhà văn Đông La không?
-Đúng rồi.
-Có phải anh có người bạn tên là Nam ở bên Đức là giáo sư không? Anh Nam đã về nước và muốn gặp anh.
-Tôi có thằng bạn tên là Nam đi buôn bên Đức chứ không phải GS.
-Vừa là GS vừa đi buôn luôn.
Diễn giải mấy câu thì tôi biết đúng là thằng Nam học cùng đại học với tôi. Nó là con ông cháu cha, từng là học sinh miền Nam. Nó bảo hồi trong rừng mẹ nó còn là “sếp” của ông Nguyễn Minh Triết. Học xong nó từng làm chúng tôi một phen bất ngờ là lấy luôn cô giáo Nga văn của chúng tôi là cô Vân, con ông Nguyễn Hộ, thuộc lớp đàn anh ông Võ Văn Kiệt. Tôi với nó nói là bạn thân, tri kỷ tâm giao thì không phải nhưng có thân hơn mức bình thường vì cả hai thằng đều có tính khác người. Đến giờ thì sự khác người đã thành hiện thực vì cả chúng tôi cũng như trong lớp không ai nghĩ học Hóa mà tôi thì thành nhà văn còn nó lại thành GSTS luật dạy đại học ở Đức. Hồi ấy tôi đăng nhiều bài trên Talawas bên Đức, Nam biết nên khi về nước hẹn gặp tôi ngay. Rồi tôi đã đi gặp Nam. Tôi ngạc nhiên khi thấy Nam rất chú ý chuyện viết lách của tôi và có vẻ quý tôi hơn xưa rất nhiều. Mỗi lần đi Đức về còn mua quà cho tôi nữa! Nam cũng đã quay về sống tại TPHCM trở thành Việt kiều nên kêu tôi nhậu nhẹt, cà phê cà pháo thường xuyên. Một lần Nam tổ chức một bữa tiệc mời tôi và một số bạn bè Nam, đặc biệt là có Lê Công Định và Nguyễn Giang (BBC). Hồi ấy tôi cũng chưa chú ý Định và Giang. Tính tôi cũng rất thoáng, luôn tôn trọng sở thích và tình cảm của người khác nhưng về chuyện đúng sai thì không biết là tốt hay xấu khi tôi rất dứt khoát. Một lần tôi và Nam ăn sáng, Nam bảo năm 1945 không phải cách mạng mà là cuộc đảo chính. Tôi nổi cáu:
-Bạn bè tao toàn người thông minh, tao không ngờ mày lại như thế. Tao đếch chơi với mày nữa!
Tôi đứng dậy bỏ đi luôn. Đến nay đã vài năm chưa gặp lại. Không chỉ Nam mà tôi còn có mấy người từng thân thiết như thế, tôi cũng quý họ nhưng tôi lại dị ứng với những cái mà tôi thấy họ sai. Dù chuyện đúng sai, với ý nghĩa thực dụng, rất có thể họ đúng. Vì cuộc đời không phải cái gì tốt đẹp, cái gì theo đạo lý lúc nào cũng thắng!
Còn bài sau đây, Nam là GS luật thì viết về lý thuyết phải thuộc bài thôi. TT Nguyễn Tấn Dũng, trong thông điệp đầu năm 2014, cũng viết rất hay: “Tập trung nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân”. Có điều nói thì dễ làm mới khó! Với nước Mỹ có lẽ họ đã làm được thế. Hạ viện Mỹ cuối tháng 7 mới đây đã thông qua dự luật bỏ phiếu kiện Tổng thống Obama vi phạm Hiến pháp khi thay đổi luật cải tổ y tế. Chủ tịch Hạ viện John Boehner nói vụ kiện là để “bảo vệ Hiến pháp Mỹ khỏi bị Tổng thống vượt mặt”. Còn nước ta? Thí dụ vụ tôi đã viết đơn giúp ông Cấn Văn Hành kiện ông Nguyễn Văn Trăm Chủ tịch Tỉnh Bình Phước. Từ vật chứng tố cáo có được bằng một vụ ăn cắp, ông Trăm đã cho khai quật mồ liệt sĩ Học, anh ông Hành. Ông Trăm đã phạm pháp bởi ông không hiểu rằng người đứng đầu cơ quan chỉ có quyền giải quyết tố cáo phạm pháp nói chung còn phạm pháp có dấu hiệu tội phạm thì theo Bộ luật Tố tụng Hình sự phải chuyển sang cơ quan điều tra. điều tra theo luật định. Đơn đã được gởi đi khắp nơi. Nhưng liệu các cơ quan có trọng trách có thực hiện nghiêm chỉnh thông điệp của TT Nguyễn Tấn Dũng: “Tập trung nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân” không? Nếu không lại biến Thủ tướng là người thêm một lần hô khẩu hiệu và theo luật thì Thủ tướng chịu trách nhiệm gì? Nhà nước pháp quyền hay thật, mấy đời tổng thống Mỹ gây chiến tại VN, tốn biết bao tiền của và xương máu thì không sao, nhưng ông Nixon chỉ nghe lén điện thoại thôi mà mất chức. Vậy với nhà nước pháp quyền, dân chủ, thông tin mở như ngày nay, có chuyện gì là um lên, lan tràn trên mạng, không tài nào che chắn được, người có quyền khôn là phải hiểu luật để tránh vi phạm, nếu không sẽ bị đối thủ chính trị “đo ván” ngay!
4-8-2014
ĐÔNG LA

 

Gs.Ts. Nguyễn Vân Nam

Chính phủ tắc trách, dân kiện được không?

 

Taxi bị sụp 'hố tử thần' ở Sài Gòn. Nguồn: VNE

"Tối nay đi uống cà phê nhe?" tôi rủ người bạn luật sư, và bị từ chối ngay:“Chịu thôi, trời mưa đường ngập, lỡ sụp hố là tiêu đời ông ơi.“ "Sụp hố thì đi kiện". "Làm sao tìm ra mấy công ty làm cống để mà kiện!" Bạn tôi nói. "Sao lại kiện công ty?", tôi hỏi và bị hỏi vặn: Chứ kiện ai?

Ai cũng từng nghe "Nhà vua không bao giờ sai". Không phải vì Vua là thiên tài, hiểu biết tất cả, mà chỉ đơn giản vì đó là Vua. Nhà Vua ban hành luật lệ, nhưng không bị ràng buộc hay hạn chế bởi luật lệ. Chế độ quân chủ được thay thế bởi chế độ cộng hòa.
Thoạt đầu, Nhà nước thay thế vị trí của Vua và cũng không bao giờ sai, vì hiển nhiên Nhà nước không thể sai. Chỉ có nhân viên Nhà nước làm sai mà thôi.
Cùng với sự hình thành Nhà nước pháp quyền là sự xuất hiện ý thức, triết lý pháp lý mới. Bản chất Nhà nước pháp quyền là sự ràng buộc Nhà nước và việc sử dụng quyền lực Nhà nước bằng pháp luật. Như vậy Nhà nước có thể sai, có thể vi phạm pháp luật. Theo nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật, Nhà nước phải chịu hoàn toàn trách nhiệm- kể cả trách nhiệm bồi thường thiệt hại-đối với những hành vi vi phạm pháp luật của mình như mọi thành viên khác trong xã hội.
Điều 2 Hiến pháp 1992 của nước Việt Nam (sửa đổi năm 2001), nêu rõ ràng Nhà nước là của dân, do dân, vì dân, toàn bộ quyền lực Nhà nước là của dân. Chính điều này xác định rõ quan hệ giữa Nhà nước với người dân (công dân). Người dân trao quyền lực Nhà nước cho 03 cơ quan hiến định là Quốc hội, Chính phủ và Tư pháp sử dụng. Vì vậy, các cơ quan này phải chịu trách nhiệm trực tiếp với người dân về việc sử dụng quyền lực Nhà nước đúng mục đích vì dân, trên cơ sở và trong khuôn khổ pháp luật.
Cùng với sự phát triển quan niệm về quyền lực Nhà nước, người ta cũng chứng kiến sự thay đổi quan niệm về người phải chịu trách nhiệm khi sử dụng sai quyền lực công.
Trước kia, công chức nào nào làm sai, người đó phải chịu trách nhiệm, vì Nhà nước không thể sai. (Chẳng hạn như Luật nước Phổ- nước Đức xưa- năm 1794 qui định).
Ngày nay, khi quyền lực Nhà nước bị sử dụng sai, người chịu trách nhiệm là người trực tiếp nhận quyền lực ấy từ người dân: 03 cơ quan hiến định. Trên nguyên tắc, ngay cả khi cá nhân công chức làm sai thì Nhà nước cũng phải là người chịu trách nhiệm, vì công chức chỉ là người được Nhà nước ủy quyền thực hiện quyền lực Nhà nước cho những trường hợp cụ thể. Trong ý nghĩa pháp lý, điều đó có nghĩa là người dân có thể và trước tiên cần khởi kiện trực tiếp Chính phủ khi Chính phủ không hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Trong Nhà nước pháp quyền, quyền lực được trao là để hoàn thành những nhiệm vụ xác định. Người dân trao cho 3 cơ quan hiến định (Quốc hội, Chính phủ, Tòa án) quyền lực Nhà nước là để hoàn thành những nhiệm vụ vì dân được qui định trong Hiến pháp (những nhiệm vụ cơ bản chung), trong đó có nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự công cộng, bảo đảm các điều kiện sống tối thiểu …Điều 3 Hiến pháp còn qui định nhiệm vụ cao hơn thế cho Nhà nước: Nhà nước phải đảm bảo thực hiện mục tiêu cho "mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện…" Các cơ quan hiến định phải trực tiếp chịu trách nhiệm trước dân khi không hoàn thành những nhiệm vụ cơ bản chung này.
Nhà nước- cụ thể là Chính phủ- có nhiệm vụ bảo đảm và bảo vệ an toàn giao thông (là một trong những nhiệm vụ công cơ bản dẫn ra từ Điều 3 Hiến pháp). Nhiệm vụ này bao trùm cả trước, trong và sau khi sửa chữa, tu bổ nâng cấp hệ thống giao thông công cộng. Người tham gia lưu thông phải được quyền tin rằng họ đang lưu thông trên những con đường an toàn. Chính phủ phải là người đầu tiên chịu trách nhiệm khi không đảm bảo giữ gìn được các điều kiện bảo đảm an toàn tối thiểu cho hệ thống giao thông. Trời mưa, đường ngập nước làm ách tắc giao thông thông, thậm chí gây tai nạn chết người; lưu thông trên đường bị sụp 'ổ voi', sụp 'hố tử thần', bị cột điện đổ, vướng dây điện thoại khi đang lưu thông gây tai nạn đều là do hệ thống giao thông chưa được đảm bảo an toàn. Chính phủ phải là người chịu trách nhiệm trước tiên do không hoàn thành nhiệm vụ công cơ bản này.
Xây dựng, bảo trì hệ thống thoát nước, bảo vệ môi trường, hệ thống cấp nước, cấp điện cũng là một trong các nhiệm vụ công cơ bản của Nhà nước. Ngoài việc phải chịu trách nhiệm về sự hoạt động thông suốt có hiệu quả của các hệ thống này (nhiệm vụ chung), Chính phủ còn phải chịu trách nhiệm lựa chọn phương án và các nhà thầu phù hợp cho việc xây dựng, bảo trì chúng. Nghĩa là Chính phủ cũng phải chịu trách nhiệm trước dân về sự chậm trễ, về chất lượng công trình của nhà thầu được Chính phủ chọn. Trách nhiệm theo hợp đồng giữa Chính phủ và nhà thầu là chuyện riêng của hai bên. Khi nhà thầu vi phạm hợp đồng mà gây thiệt hại (không mang yếu tố hình sự) cho người dân, thì Chính phủ cũng là một bên liên quan trong tư cách người giao việc thực hiện một nhiệm vụ công ích cho công ty trúng thầu.
Đường dây điện, cáp viễn thông do các công ty nhà nước quản lý, chúng là tài sản của Nhà nước. Chính phủ có nhiệm vụ quản lý tài sản công, bảo đảm sự vận hành an toàn của hệ thống cấp điện, hệ thống viễn thông. Vì vậy cũng phải chịu trách nhiệm nếu đường dây điện công cộng, cột cáp viễn thông gây tai nạn.
Hiến pháp có hiệu lực pháp lý cao nhất và trực tiếp. Nó cũng không cần (không cho phép) bất cứ một nghị định hướng dẫn thực hiện nào. Trên nguyên tắc, Hiến pháp 1992 cho phép người dân khởi kiện Chính phủ khi bị thiệt hại do Chính phủ không hoàn thành nhiệm vụ của mình. Người bị kiện là cơ quan công quyền, chính quyền địa phương được Chính phủ giao quyền quản lý lĩnh vực xẩy ra vụ việc. Nếu người dân không xác định được bị đơn trực tiếp, họ vẫn có thể và cần khởi kiện trực tiếp Chính phủ. Chính phủ có trách nhiệm chỉ ra cơ quan nào là bị đơn trực tiếp. Việc Việt Nam chưa có đủ những qui định bảo đảm quyền của người dân khởi kiện Nhà nước cho những trường hợp nói trên, không thể loại trừ quyền khởi kiện của họ.
Nói một cách nghiêm khắc, ở đây, Chính phủ cũng chưa hoàn thành nhiệm vụ phải tạo đầy đủ điều kiện để người dân kiểm tra, giám sát Chính phủ sử dụng quyền lực công mà họ trao cho như thế nào trong một Nhà nước là của họ, do họ và vì họ.
Gs.Ts. Nguyễn Vân Nam
(Diễn đàn Thế kỷ)