Thứ Ba, 5 tháng 8, 2014

BÙI TÍN LẠI BẤT TÍN RỒI!


BÙI TÍN LẠI BẤT TÍN RỒI!

(Trần Đức Thảo 1917-1993)
Bùi Tín trong bài “Một cuốn sách rất cần tìm đọc” trên VOA ngày 02.07.2014 đã giới thiệu:  “cuốn Trần Đức Thảo - Những lời trăn trối của Tri Vũ Phan Ngọc Khuê, một nhà báo sống ở Pháp được Tổ hợp Xuất bản Miền Đông Hoa Kỳ phát hành … Tôi đã đọc cuốn sách này một mạch trong 2 ngày. Rồi đọc lại 1 lần nữa, để rồi suốt 1 tuần lễ ngẫm nghĩ về nội dung của nó”.
Cụ thể Bùi Tín viết mà tôi lược bớt cho gọn như sau:
 Trần Đức Thảo (1917 – 1993) là một trí thức được đào tạo tại Pháp, là một triết gia trẻ uyên bác từng tranh luận tay đôi với nhà triết học Jean Paul Sartre. Năm 1951, khi 34 tuổi, Trần Đức Thảo tự nguyện về nước với thiện chí “mang hiểu biết của mình về góp phần xây dựng đất nước”. Nhưng tai họa đã sớm đến với ông. Lãnh đạo VN, từ Hồ Chí Minh đến Trường Chinh (Tổng Bí thư Đảng lúc bấy giờ) đều tỏ ý không cần đến “một anh trí thức mọt sách do đế quốc đào tạo”, còn coi ông là một kẻ reo rắc tư tưởng phản động nguy hiểm. Khi Hà Nội được giải phóng, ông viết 2 bài viết trên báo Nhân Văn. Từ đó ông bị giám sát, bỏ rơi trong cuộc sống, mất việc, mất vợ, sống lay lắt, lập dị, đi đôi guốc mộc, nói, khóc và cười một mình, cưỡi chiếc xe đạp trẻ con mang nhãn hiệu nước Nga giữa phố phường Hà Nội.
Năm đầu quay lại đất Pháp, ông sống trong cơ sở của sứ quán đầy công an, an ninh, mật vụ CS, nên vẫn phải mang “mặt nạ”, cả khi họ cho phép ông nói chuyện về triết học, về phép biện chứng duy vật, về chủ nghĩa Mác. Để giữ mạng sống, ông vẫn phải đóng kịch, như một anh trí thức sơ cấp mụ mị, dở hơi, làm cho những anh chị em trí thức chờ đợi ở ông những phản biện sâu sắc đều ngỡ ngàng thất vọng, trong đó “có chính người viết bài này” (Bùi Tín) (vào tháng 6/1992).
Một điều may mắn là anh Tri Vũ Phan Ngọc Khuê đã cùng giáo sư toán học Bùi Doãn Khanh được ông cho biết ý định viết một cuốn sách nhằm trình bày tất cả những suy nghĩ chân thực của ông suốt 40 năm qua để cống hiến cho nhân dân VN đau khổ, lầm than. Khi ông đột ngột qua đời ngày 23 tháng 4 năm 1993 trong nhà khách sứ quán CS, những ghi chép, phác thảo, đã bị an ninh sứ quán thu lượm sạch. Nhưng họ đã bỏ sót một kho tư liệu quan trọng: những cuốn băng ghi âm của ông Thảo. Suốt trong gần 6 tháng, hai ông Tri Vũ và Bùi Doãn Khanh lại lặng lẽ đón ông Thảo đến một quán cà phê kín đáo, đặt ra những câu hỏi và ghi âm những câu trả lời của ông. Ngay sau khi ông Thảo đột ngột từ trần - một cái chết vẫn còn nhiều nghi vấn – hai ông Tri Vũ và Bùi Doãn Khanh đã biên soạn lại thành cuốn sách Trần Đức Thảo - Những lời trăng trối.
Trên http://viet-studies.info, có đăng lại HỒI KÝ TRẦN ĐỨC THẢO từng in trên triethoc.edu.vn, mà ông viết tại TP. HCM, xong ngày 20 tháng 4 năm 1989. Như vậy những dòng hồi ký này mới chính là những tâm sự chân thật nhất vào lúc cuối đời của ông. Đọc Hồi Ký của ông ta thấy tình cảm và nhận thức của ông hoàn toàn ngược với nội dung cuốn sách mà Bùi Tín giới thiệu ở trên. Tư duy triết học của ông hoàn toàn đúng với việc “ông nói chuyện về triết học, về phép biện chứng duy vật, về chủ nghĩa Mác” mà Bùi Tín cho rằng: “Năm đầu quay lại đất Pháp, ông sống trong cơ sở của sứ quán đầy công an, an ninh, mật vụ CS, nên vẫn phải mang “mặt nạ””. Ông buộc phải nói vì “Để giữ mạng sống, ông vẫn phải đóng kịch, như một anh trí thức sơ cấp mụ mị, dở hơi, làm cho những anh chị em trí thức chờ đợi ở ông những phản biện sâu sắc đều ngỡ ngàng thất vọng, trong đó có chính người viết bài này (vào tháng 6/1992)”.
Một người trên 70, sống tại thế giới tự do, tại một đất nước mà ông từng học tập, đỗ đạt, thành danh, như cá về với nước, mà phải “đóng kịch” như trên thì quá phi lý. Có chăng chính là sự xuyên tạc vốn đã thành thương hiệu của ông Bùi (bất) Tín thì có lý hơn mà thôi.
Trên mạng có thời từng tràn ngập tin bịa đặt, cho lâu đài của bà Bhutto là nhà TT Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Trương Tấn Sang đi thi quay cop bị cô giáo bắt thì cho người ám sát, Bác Hồ là người Tầu, v.v… thì hôm nay có thêm một cuốn sách “Nhà Triết học Trần Đức Thảo trăng trối” xạo cũng là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra.
Bùi tín viết:
Trong đọan kết, triết gia Trần Đức Thảo bộc bạch rằng vào lúc cuối đời ông đã nhận rõ chủ nghĩa Mác là một học thuyết sai lầm từ gốc, chứ không phải là nó đúng nhưng đã bị vận dụng sai, và nó sai cả về vũ trụ quan lẫn nhân sinh quan do cổ vũ đấu tranh giai cấp, bạo lực, chiến tranh, sai cả về phương pháp luận lô gích biện chứng duy vật - hiện tượng học. Theo ông, Liên Xô, Đông Âu, Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Bắc Triều Tiên đều là nạn nhân bi thảm của chủ nghĩa Mác. Rất tiếc là ông đang say mê lý giải thì tai họa ập đến. Người ta thoáng biết ý định thâm sâu của ông cùng bè bạn thân thiết, và ông đã bị họ bịt mồm khi đang thổ lộ tâm tình thầm kín nhất”.
Nếu đọc kỹ Hồi ký của Trần Đức Thảo và hiểu triết học ta sẽ thấy Trần Đức Thảo từ một người được đào tạo về Hiện tượng học Husserl, một triết thuyết duy tâm mang màu sắc riêng của Husserl, song hành với con đường trở về đất nước và cách mạng, ông đã đi theo triết học Marx. Những dòng tâm sự triết học cụ thể của Trần Đức Thảo dưới đây đã chứng tỏ Bùi Tín viết như trên hoàn toàn là bịa đặt và xuyên tạc:
 “Trong giai đoạn cuối cùng của tôi ngày xưa ở bên Pháp, tôi đã xác nhận chủ nghĩa Marx trong bài từ giã chủ nghĩa hiện sinh: “Hiện tượng học của tinh thần và nội dung thực tế của nó”. (Les Temps Modernes tháng 9-1948). Trong ấy tôi biện minh cho sự lựa chọn của tôi bằng cách nêu lên những chân trời rộng rãi mà quan điểm duy vật biện chứng và lịch sử xã hội mở ra cho công việc phân tích ý thức sinh thức”;
Đấy là cái mà tôi đã tìm cách giải thích cho Jean-Paul Sartre trong năm buổi trao đổi tiến hành vào mùa đông 1949-1950, theo lời mời của ông ấy. Tuy nhiên buổi nào cũng đi đến kết quả tiêu cực, do sự bất đồng cơ bản ngay từ xuất phát điểm trong thế giới quan của hai bên. Cuối cùng thì chỉ còn có thể ghi nhận rằng không thể nào dung hòa giữa chủ nghĩa hiện sinh với chủ nghĩa Marx”;
Những bài của tôi đăng trong tạp chí La Pensée bắt đầu từ 1965 đã đi tới cuốn Nghiên cứu nguồn gốc của tiếng nói và ý thức (Editions Sociales, 1973-Paris). Trong ấy tôi nghĩ rằng có thể thực hiện cuốn Phénoménologie et Matérialisme Dialectique ngày xưa, bằng cách tiến hành một công trình hoàn toàn duy vật về nguồn gốc của ý thức xuất phát từ lao động và tiếng nói gạt bỏ tất cả mọi di tích của chủ nghĩa chủ quan hiện tượng học”.
“Mãi đến năm 1985-1986 tôi mới vượt qua được những giới hạn hẹp hòi như thế, nhờ phong trào cải tổ, đổi mới trong các nước xã hội chủ nghĩa sinh ra một thời đại Phục hưng mới, khôi phục và phát triển tư tưởng nhân bản chân chính của các nhà kinh điển Marx-Lenin, sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học”;
Đến năm 1983, khi có bài của Andropov kỷ niệm 100 năm ngày mất của Marx, thì tôi tự cảm thấy được giải phóng khỏi những điều kiêng cấm của triết học của thời sùng bái cá nhân và thời đình đốn. Do đấy mà tôi đã vận dụng được một cách nhất quán những lời tuyên bố của các nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học về vấn đề xoay lại phép biện chứng của Hegel, đặt cho nó đầu lên trên, chân xuống dưới, nhờ thế mà chủ nghĩa Marx đã lấy lại “cái hạt nhân hợp lý’ của Hegel, và tạo nên phép biện chứng duy vật hiện đại. Tôi đã trình bày một cố gắng đầu tiên theo hướng ấy trong bài “Phép biện chứng lôgich trong sự phát sinh ‘Tư bản’” (La Pensée, số 240, tháng 7/1984)”;
Lúc bấy giờ tôi lại cảm thấy cái nhiệt tình của những năm cuối cùng của tôi ngày xưa ở bên Pháp. Sự tấn công bất ngờ của kế hoạch Marshall làm cho các bộ trưởng cộng sản bị gạt ra khỏi các chính phủ Tây Âu, đã đặt giới trí thức bấy giờ trước một sự lựa chọn giữa chủ nghĩa Marx với sự phục hồi hoàn toàn của giai cấp tư sản quốc tế. Trước sự tiến lên của chủ nghĩa đế quốc thực dân, tôi chỉ có thể chọn chủ nghĩa Marx, và tôi đã thực hiện điều ấy trong bài “Hiện tượng học của tinh thần và nội dung thực tế của nó”. Jean-Paul Sartre đã coi như một vấn đề thể diện là cho in bài trong tạp chí Les Temps Modernes (tháng 9/1948).
Đấy là bài bình luận cuốn sách mới xuất bản của Kojève về Hegel, mà Maurice Merleau-Ponty đã đề nghị tôi viết, để giảm bớt quan điểm hiện sinh quá trắng trợn của Kojève bằng cách hướng sự giải thích của Hegel về phía Marx.
Xu hướng về phía Marx là tất yếu, vài [nước] châu Âu đương bị phát xít chiếm đóng, và hy vọng được giải phóng từ một chiến thắng trong ấy quân đội Liên Xô sẽ có vai trò chủ yếu”;
Trong năm 1945, là năm đầu thời kỳ giải phóng châu Âu, tôi đã làm phát ngôn viên cho những đòi hỏi dân chủ dân tộc của 25.000 Việt kiều, hầu hết là chiến binh và công binh do chính phủ Pháp gọi sang vào đầu chiến tranh. Khi tôi bị giam ở nhà tù La Santé, vì đã kiên quyết ủng hộ Việt Minh và Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi đã dùng thời gian rỗi trong xà lim để trầm tư mặc tưởng theo lối hiện tượng học. Tôi đã viết bài “Sur l’Indochine” [Bàn về Đông Dương], còn đứng trong giới hạn chủ nghĩa hiện sinh, nhưng đã biểu hiện một xu hướng mác-xít rõ ràng hơn nhiều so với những bài khác của tạp chí Les Temps Modernes (xem số 5 tháng 2/1946)”;
Khi xuất hiện kế hoạch Marshall, tôi cảm thấy sâu sắc cái bản chất đế quốc thực dân của nó, và tôi thấy khó thông cảm với nhóm người xung quanh tạp chí của Sartre, vì họ đã thích nghi với thời cuộc mới. Và như thế là tôi đã dứt khoát từ giã chủ nghĩa hiện sinh bằng cách viết một bài duy vật kiên quyết phê phán quan điểm hiện sinh của Kojève giải thích Hegel”.
Do tôi đã trải qua tiếp thu phương pháp hiện tượng học, nên sự lựa chọn chủ nghĩa Marx tạo nên cho tôi cái đòi hỏi phải cải tạo cả hai hiện tượng luận Hegel và Husserl, xóa bỏ hình thái và những yếu tố duy tâm của họ để lấy lại cái “hạt nhân hợp lý” tức là những yếu tố duy vật, nhằm vận dụng những yếu tố ấy trên cơ sở duy vật biện chứng và duy vật lịch sử để xây dựng một giải pháp khoa học cho vấn đề về tính chủ quan của cái sinh thức”.
5-8-2014
ĐÔNG LA