Đây là bài thơ tôi được đăng trên báo Văn nghệ TPHCM, lần
đầu tiên được in kèm ảnh, như giới thiệu chân dung, tác giả, tác phẩm. Hồi ấy
nhà thơ Chế Lan Viên còn sống, ông rất vui khi tôi mang tờ báo đến nhà ông khoe.
Chế Lan Viên cũng là người viết phê bình rất sắc sảo và uyên bác, nhưng ông
chuyên viết về văn chương, văn hóa thôi. Hồi ấy tôi còn trẻ nên chưa viết bài
phê bình nào nên ông chưa đọc một chữ phê bình nào của tôi. Vì vậy bây giờ
tôi hay nghĩ, nếu còn sống, một cái đầu như Chế Lan Viên đọc những bài tôi
viết tranh luận về triết học, khoa học, lý luận văn học và chính trị xã hội,
không biết thái độ của ông sẽ như thế nào?
Còn
cái dấu hỏi trong bài thơ dưới đây tôi đặt ra đã 26 năm, thật tiếc khi nó vẫn
còn nguyên vẹn cho đến tận những ngày hôm nay. Còn lâu lắm chúng ta mới có được
tư duy khoa học, tư duy minh triết cho một nền kinh tế tri thức phát triển, cho
một sự phát triển bền vững của đất nước.
Thật ái ngại khi cái gốc của vấn đề là nằm ở ngành giáo dục. Vì chính
từ ngành giáo dục trí tuệ mới được sản sinh ra. Vậy mà ngay trong những ngày
hôm nay đường hướng giáo dục vẫn quanh quẩn, sai lạc. Như chuyện dư luận đang
ì xèo mà theo tôi là lộn ngược, đó là việc người ta chưa đổi mới việc dậy,
việc học, lại đi tính chuyện đổi mới thi cử. Cái ngành làm nghề dạy dỗ xem
chừng lại là cậu học trò khó dậy nhất trong xã hội. Thử lấy một ví dụ trong ngành sử, một ngành ai
cũng coi là quan trọng của một nền giáo dục. Chúng ta đã tốn biết bao công
của đào tạo, vậy mà lại nảy nòi ra cái “Nhà Sử học” Dương Trung Quốc, không
hiểu từ việc hiểu sai lịch sử hay lệch lạc về tư tưởng, đã rất tai hại khi nói
về lá thư của Cố TT Phạm Văn Đồng liên quan đến chủ quyền biển đảo mà tôi
cũng như mấy người khác đã viết!
Người
thuộc lớp “tinh hoa” còn như vậy thử hỏi trình độ đám đông thì như thế nào? Chính vì vậy mà cái câu hỏi trong bài thơ
của tôi vẫn còn nguyên!
ĐÔNG LA
ƠI ĐẤT NƯỚC MANG HÌNH DẤU HỎI
Như một bác nông dân trở về sau khốc liệt
cuộc chiến tranh
Đã tạnh rồi đạn bom
Đã tan rồi lửa khói
Nhưng vẫn còn vẹn nguyên căn bệnh mãn tính của lịch sử
Cái
nghèo khổ truyền đời
Nên tự bao giờ đất nước đã quặn mình thành dấu hỏi
Chảy dọc theo Người biển mặn mồ hôi
Ta đang ở thời kỳ mà con người có những
dự định táo gan đến
Trời cũng phải nể sợ
Chị Hằng mộng mơ rồi sẽ thành bãi khai hoang
của thế kỷ tương
lai
Sao Hỏa xa xôi sẽ thành nơi chốn dạo chơi
Nhưng nơi quê nhà
Gần 70 mẹ vẫn thì thùm chiếc gàu sòng chống hạn
Cha mẹ sinh con tại một vùng quê
Mầu đất nâu như màu máu bầm
Cả tuổi thơ con lớn lên trong vang vang tiếng cà mùa hạ
Với rau muống chấm tương
Lớn lên con cắp sách tới trường
Con lại gặp tiếng cà vang trong thơ kiêu hãnh
Ôi đất nước có thời sao ai ai cũng sợ sự giàu có
Nên cái nghèo từng là vết son trang điểm
trang lý lịch của con
Bây giờ con đã là kỹ sư
Có lớn khôn hơn
Nhưng con luôn nhớ cả tuổi thơ mình đã
nhúng
trong nước ruộng chua đọng váng màu rỉ sắt
Đi qua cuộc chiến tranh con đến với giảng đường
Con
từng lơ ngơ như chú bé cưỡi trâu đi tìm
thuyết Tương đối của Einstein ở
chín tầng mây
Con mắt từng quen nhìn khoai nướng, ngô bung
thật khó hình dung đâu không gian lồi,
đâu không gian lõm
Nên dù đã gần hai mươi năm xa quê con vẫn
luôn thầm nhắc
Máu giội trong buồng tim mình vẫn là máu nông dân
Ôi giai cấp nông dân, giai cấp của Tổ Tiên
làm sao ta không yêu không
kính!
Nhưng khi đất nước đã ngàn ngàn năm nghèo đói
Khi đất nước đang quặn mình thành dấu hỏi
Cái trí tuệ nông dân lại khó trả lời!
1988
|