ĐÔNG LA
ĐƯỜNG ĐẾN TÂM LINH
Từ khi viết về thế giới
tâm linh, tôi bị “rơi mất một mảng” thiện cảm của độc giả. Nhiều người
rất thích tôi viết chính luận nhưng lại không thích tôi viết về tâm linh. Ngược
lại, tôi lại thấy viết về thế giới tâm linh là rất cần thiết. Bởi nó là nhận
thức về cả một thế giới huyền bí, nhằm trả lời câu hỏi đã được đặt ra từ muôn
đời, chúng ta từ đâu tới và chúng ta sẽ đi về đâu? Trước thực trạng nền văn
minh vật chất phát triển kéo theo lối sống hưởng thụ, dẫn tới tình trạng đường
đời, đường đạo ngược nhau, làm người ta càng ngày càng quên đi hoặc khó tin lời
dạy của tiền nhân: “Sinh ký tử quy”. Người ta không biết rằng có khi con
đường rộng thênh thang, phẳng lì lại dẫn tới vực thẳm; trái lại, con đường gập
ghềnh, quanh co lại dẫn tới cõi tiên cảnh, bồng lai. Cô Vũ Thị Hòa hay nói với
tôi, mỗi linh hồn khi lộn lại cõi trần làm người là để tu, để rũ bỏ nghiệp nặng
cho linh hồn thanh nhẹ hơn, để khi về với nguồn cội sẽ siêu thoát lên những cõi
thanh cao hơn. Tu ở đây là tu dưỡng, tu sửa, tu luyện. Tu dưỡng là việc bồi đắp
nhân lành; tu sửa là bỏ đi những tham, sân, si; tu luyện là rèn luyện cả thể
xác lẫn tinh thần. Với giới thiền sư, đạo sĩ người ta có những phương pháp
luyện đạo và thiền định cụ thể.
Như vậy, nếu cả xã hội
ai cũng hiểu được điều đó người ta sẽ sống vị tha chứ không phải vị ngã, cuộc
sống sẽ thanh bình và tốt đẹp biết bao! Người ta sẽ biết sợ quả báo mà không
dám làm những việc xấu, việc ác. Khi ấy, những người làm nghề điều tra tội phạm
và xử án sẽ thất nghiệp. Đó chính là lý do đã khiến tôi bỏ ra nhiều tâm sức để
viết về thế giới tâm linh.
Vậy mà đến tận giờ vẫn
còn nhiều người không hiểu, cho là tôi mê mụ, hoang tưởng.
Là một tác giả cũng
giống như làm dâu trăm họ, không ai có thể làm vừa lòng tất cả độc giả. Những
người xấu, người ác tất phải ghét ta viết ra những điều tốt đẹp. Vì vậy tôi
không bao giờ quan tâm đến thái độ của loại người này.
Lúc đầu tôi ngạc nhiên
là không hiểu tại sao lại có những kẻ chống ngoại cảm điên cuồng đến thế, dù
rất biết ngoại cảm cũng như mọi lĩnh vực trong xã hội, chắc chắn có chuyện lừa
đảo. Nhưng với một lĩnh vực huyền bí, nhà nước đã tổ chức nghiên cứu, khảo
nghiệm gần 20 năm, có nhiều thành quả, thì vơ đũa cả nắm, cho tất cả là lừa đảo
là điều không đúng.
Tôi xin khẳng định một
điều rằng, đến nay, khi tôi đã viết rất nhiều về cô Vũ Thị Hòa với đầy đủ lý
lẽ, nhân chứng, vật chứng, việc chứng; những người đã đọc hết mà vẫn còn nghĩ
xấu về cô thì hết nói.
Chỉ buồn là có những
người quen, thậm chí có người từng thân thiết với tôi, họ hoàn toàn cảm tính,
không tin là không tin, bất chấp thực tế thế nào. Trong khi cả triết học Mác
lẫn khoa học, thực tiễn mới là tiêu chuẩn kiểm tra chân lý. Thật buồn! Không
phải cho tôi mà buồn cho họ. Vì với luật nhân quả, mỗi một ý nghĩ, hành động,
lời nói sai, dù nhỏ, cũng cộng thêm nghiệp nặng rồi!
***
Đặc biệt trên không gian
mạng tôi thấy có những người rất đồng quan điểm với tôi về nhiều chuyện, riêng
về lĩnh vực tâm linh thì không. Như chủ trang Mõ
Làng (tên facebook là Tâm Ngọc Lương). Mới đây khi Hường Thu Nguyễn đăng tấm hình tôi ngủ
trên manh chiếu ở nền nhà cô Hòa trọ để chứng tỏ tôi viết bảo vệ cô Hòa không
vì tiền, chỉ vì lẽ phải, “một cây viết thật đáng quý của Việt Nam”,
không ngờ Mõ Làng lại xông vào tương cho tôi “một củ đậu”, cho đúng là
tôi viết không vì tiền chỉ vì mê mụ thôi! Tôi đã đáp trả là: “Cái thằng Mõ
Làng đánh “rận” thì hay mà về tâm linh thì ngu quá!” Khuya rồi lên lầu ngủ
nhưng không sao ngủ được lại xuống mở máy, tôi thích nằm võng, vừa coi tivi vừa
viết (chắc do nhớ “em” TU?) ở tầng trệt, viết tiếp: “Tu quả là khó, một
thằng trâu, thằng lợn khen hay chê mình thì quan trọng gì mà vẫn cứ bực mình
quá!” Cũng lạ, trên những trang xấu như của thằng Đại tá “Bòng Bưởi”
bọn sâu bọ rắn rết ném đá, chửi tôi “như chó” nhưng tôi hoàn toàn không
thấy gì, nhưng sao thằng Mõ Làng nó viết có một câu mà không sao chịu được. Tôi
nhớ láng máng hình như thằng này cũng có lần comment không hay về tôi trên
trang của thằng Giao. Thằng Giao này có tính xấu là nó không có trình độ và bản
lĩnh để phản bác tôi trực diện, nó cứ đăng lại bài của tôi rồi để cho bọn núp
danh, ném đá giấu mặt, sủa bậy!
Có thái độ với thằng Mõ
làng như vậy phải chăng vì tôi có thiện cảm với nó? Vì người ta chỉ giận người
mà ta quý, khi không phải với mình, chứ có ai lại đi giận tảng đá? Quả thật,
trên “mặt trận” chống bọn quấy rối, hoàn toàn ngẫu nhiên, tôi và một số
trang như Mõ làng, Tre làng, Bần cố nông,…, đã “hợp đồng tác
chiến” rất ăn ý với nhau. Mới đây một “chiến hữu” rất thân với tôi là Võ
Khánh Linh vào SG, tôi bảo mặt trận chống “rận” rơi rụng nhiều rồi, thấy chỉ
còn Tre Làng, Mõ Làng và vài người nữa là còn giữ được phong độ.
Còn việc nói tôi mê tín
cũng hoàn toàn vô lý như nói tôi là văn nô vậy. Tôi không theo đạo, không đi
chùa, không đốt vàng mã… nhưng tôi vẫn viết về đạo Phật, về thế giới tâm linh;
cũng như tôi không đảng viên, không công chức nhưng vẫn viết bảo vệ Đảng, bảo
vệ chế độ. Tất cả, tôi luôn viết vì lẽ phải mà thôi!
***
Tôi được đào tạo về khoa
học tự nhiên, đi làm tại các viện và trung tâm nghiên cứu, rồi sinh sống bằng
chính các kết quả nghiên cứu của chính mình, làm sao tôi có thể là một người mê
tín, hoang tưởng? Mọi người cần phải hiểu tôi nghiên cứu thế giới tâm linh là
cả một hành trình, chứ không phải hứng lên, bênh người này, vực người kia, tôi
mới viết. Tư duy của tôi là tư duy mở, tôi luôn thu nhận tất cả những tri thức
mới. Tôi không bao giờ kết luận những vấn đề mà tôi chưa hiểu cặn kẽ. Không như
những “nhà khoa học” nhìn các vấn đề khuôn theo tri thức hạn hẹp của họ, bất
chấp thực tế thế nào.
Chứng nghiệm về tâm linh
đầu tiên của tôi là từ bé. Xóm tôi có ông Chật, vì gia đình là địa chủ nên có
tiền được đi học, biết tiếng Pháp. Khi ông anh ông Chật bị bệnh sắp chết bảo
ông Chật: “Sau này mày đi gọi hồn tao lên thì nói tiếng Pháp”. Cách quê
tôi mấy cây số có bà “gọi dí” ở làng Chu Quan hay Châu Quan gì đó
rất hay. Sau khi ông anh chết, nhớ lời anh, ông Chật đã đi “gọi dí”. Từ một
người nhà quê hoàn toàn không biết tiếng Pháp, “bà gọi dí” đã nói chuyện
với ông Chật bằng tiếng Pháp. Như vậy chỉ có hồn ông anh ông Chật nhập vào, “bà
gọi dí” mới nói được như vậy mà thôi. Đây là câu chuyện tôi chứng kiến hồi
bé, khi mà hoàn toàn chưa có khái niệm ngoại cảm, tôi nhớ một cách tự nhiên chứ
không phải nhớ để mà hôm nay ngồi viết. Câu chuyện nhỏ nhưng đã tác động vào
tôi một cách vô thức khiến tôi chưa bao giờ phủ nhận thế giới tâm linh. Nhưng
nó cũng không đủ để tôi hiểu biết, tin tưởng như hôm nay.
Trước đây vì học và làm
nghiên cứu khoa học, tôi cũng không quan tâm đạo Phật, tôi không phủ nhận mà
chỉ thấy những ông sư đầu trọc, chân đất, đi khất thực ngồ ngộ thôi. Cũng loáng
thoáng nghĩ là sao họ lại khổ như thế? Chỉ khi viết về cuốn sách của Nguyễn Hữu
Sơn tôi mới nghiên cứu về đạo Phật. Tôi có cái khả năng khiến cho những người
quen biết tôi “sợ khiếp vía” là, có những lĩnh vực rất phức tạp, từ chỗ
hoàn toàn không biết gì, nhưng nếu tôi quan tâm thì chỉ sau một thời gian ngắn,
tôi biết hết ráo. Nhà thơ Anh Thơ, người khởi nguồn dẫn tôi vào con đường văn
chương từng nhiều lần nói với tôi: “Cô chưa gặp ai thông minh như cháu bao
giờ” có lẽ là vì thế. Đến với Đạo Phật tôi mới biết, thì ra chính thiền
định đã giúp Đức Phật Tổ có khả năng thần thông (lục thông), nhìn xuyên không
gian, thời gian, nhìn thấy cả các cõi, các kiếp… Nhưng tôi chưa tập thiền vì
tôi chỉ muốn làm khoa học, chỉ muốn là nhà văn nổi tiếng thôi, tôi không muốn
làm thần thánh. Mãi đến khi gặp lại thằng bạn tôi cùng học khoa Hóa, từ một
thằng “sinh viên cá biệt”, nó đi xuất khẩu lao động bên Đức, không hiểu sao nó
lại thành một GSTS luật. Nhưng điều tôi chú ý là nó kém tôi có một tuổi nhưng
trông rất trẻ. Tôi hỏi bí quyết thì nó bảo là do tập thiền. Nó bảo nó có thể
ngồi mấy tiếng, tay tỏa ra mùi thơm. Còn tôi thấy cơ thể cũng đã đến giai đoạn
xuất hiện các bệnh thoái hóa rồi, mà thoái hóa là bệnh già, thuốc Tây không
chữa được, chỉ có thể hạn chế, khống chế bằng Đông Y và luyện tập mà thôi. Vì
thế mà tôi đã thử tập thiền. Nhưng tôi lại tập theo kiểu của tôi. Để “cho nó
sướng”, không mỏi lưng, tôi khoanh chân đúng theo thế kiết già, mắt cá chân
phải điểm đúng huyệt tam âm giao chân trái, nửa nằm nửa ngồi
trong cái ghế phô-tơi gỗ, xem tivi. Tôi giữ tư thế đó đến khi hai bàn chân tê
đi, máu tụ tím bầm, mới bỏ ra. Lúc đó hai bàn chân máu lưu thông trở lại đỏ
hồng lên như ngâm chân nước nóng vậy.
Cứ ngồi chơi như thế một
thời gian, điều kỳ diệu thứ nhất đã xảy ra, những vết chai ở gót và mé trái bàn
chân trái tôi, từ chỗ rất dầy và có nguy cơ dầy thêm lên, đã dần biến mất. Nó
chuyển sang tụ ở chỗ “gân Asin” rồi bong ra như lớp vảy. Mé trái bàn tay trái
tôi bị tê và cũng bị chai như dưới chân, cũng dần biến mất tiêu. Vậy chỉ do máu
lưu thông tốt hơn, đến nuôi dưỡng tốt hơn nên mới làm mất đi những vết chai.
Thực ra tôi mới chỉ ngồi thế kiết già thôi chưa thiền định gì cả mà đã có tác dụng
như vậy rồi thì quả là kỳ diệu. Từ kết quả đó tôi thiền nghiêm túc hơn, nhắm
mắt, tĩnh tâm. Một thời gian sau thì xuất hiện điều kỳ diệu thứ hai. Có lần tôi
ngồi ở ghế phô-tơi, bắc chân chữ ngũ, thư giãn xem tivi, tôi thấy lòng bàn chân
mình dần nóng lên (chỗ huyệt dũng tuyền), như có luồng xung điện
chạy vào. Rồi thư giãn hơn nữa, tôi thấy xung điện vào khắp cơ thể, làm người
mình căng lên như quả bóng, tôi như hòa tan vào thế giới xung quanh. Từ đó, tôi
tập trung ý nghĩ ở đâu là ở đó nóng lên, lúc đó tôi mới hiểu, thì ra bên khí
công người ta nói “ý ở đâu khí ở đó” là như thế. Khi xem sơ đồ kinh mạch
trên cơ thể, tôi cũng có thể dùng ý nghĩ vẽ ra trên cơ thể mình, nó như một dây
cao su nối bằng xung năng lượng làm cả đường kinh nóng lên. Chưa hết, điều kỳ
diệu thứ ba còn tuyệt hơn. Một hôm nhắm mắt thiền, tôi thấy vị trí phía trên
huyệt Ấn đường (giữa hai lông mày), tôi thấy có những chấm sao
rất nhỏ, lúc lan ra, lúc xoay vòng, tỏa ra một thứ ánh sáng mầu xanh phớt tím
rất đẹp, như mầu lửa bếp ga vậy. Có tài liệu gọi đó là khí quang.
Đọc kinh của cô Vũ Thị
Hòa viết ở trạng thái cô thiền, xưng danh là Phật Bà, có viết về Huyền
Quan Khiếu. Huyền là huyền diệu, quan là cửa khẩu, khiếu là lỗ nhỏ, chính
là nơi cư ngụ của linh hồn. Linh hồn cũng chính là chân ngã, là bản tính do
Thiên phú, nơi Phật gọi Phật tính. Linh hồn đó cũng chính là điểm linh quang.
Điểm linh quang là một điểm sáng. Thái cực là một khối đại linh quang đã chia
ra ban cho mỗi chân ngã một điểm tiểu linh quang, khi đầu thai sẽ thành người.
Gần đây tôi có xuống ăn
cơm nhà anh Duật, tiễn đoàn của Lịch về Bắc với cô, sau chuyến về SG dự một đám
cưới. Lịch là một trong mấy người luôn đồng hành cùng cô đi làm tâm đức mấy năm
nay. Tôi đã bỏ tập thiền, gần đây tôi lại tập luyện trở lại và thấy cần phải
tập luyện một cách bài bản, nghiêm túc hơn. Cả phép luyện tinh hóa khí, luyện
khí hóa thần của đạo và tĩnh tâm của thiền. Đọc tài liệu về luân xa thì
thấy Luân xa 6 chính là vị trí phía trên huyệt Ấn
đường, liên quan đến tuyến tùng của bộ não. Người ta cho
rằng, người tu luyện đắc đạo thì con mắt thứ ba mà nhà Phật gọi là huệ nhãn sẽ
được khai mở. Nó chính là Huyền Quan Khiếu theo kinh sách của
cô Hòa viết. Lịch kể cho tôi biết, hồi cô mới “phát sáng”, trên chỗ hai
lông mày của cô giao nhau có hiện lên một vết đỏ, ảnh cô chụp đây:
(Mắt
Phật)
Cô ngại mọi người
biết nên thường lấy miếng vải quấn che đi. Như vậy theo kinh sách thì vết đỏ đó
chính là hiện hình con mắt Phật của cô. Cô cũng nói cho mọi người biết hình
dáng của cô rồi cũng sẽ dần khác đi. Quả thật, tôi vốn biết cô với hình dáng
như cô thanh niên xung phong, nhìn ảnh cô sau này thấy khác quá, tôi phải hỏi
ông Sử thì ông ấy bảo hai người chính là một. Nhiều người bảo nhìn cô có lúc
thấy thần sắc cô đúng như Quán Thế Âm Bồ Tát thị hiện vậy. Chính vì thế người
ta từ già chí trẻ đã gọi cô là “cô” xưng “con”. Bản thân tôi đây cũng đã chuyển
cách xưng hô, đã gọi cô là “cô” và xưng “em” cho phải phép là vì thế.
Như vậy phải chăng khi
thiền định tôi đã nhìn thấy điểm sáng mầu xanh lan tỏa tuyệt đẹp chính là tôi
đã nhìn thấy điểm linh quang, nhìn thấy linh hồn của chính mình?!
Tôi nói chuyện với thằng
bạn GS, nó bảo tôi như thế là “nhạy” đấy, chứ nó luyện rất nhiều, lại trước tôi
rất lâu, nhưng chưa được như thế. Còn tôi thực ra ngồi thiền chơi chơi thôi,
lúc có lúc không, sao lại được như thế? Cả cô Hòa, cả kinh sách cũng viết, con
người đa phần vô minh, điểm linh quang đắm chìm trong ô trược nên bị che mờ, vì
thế mà ngu muội trong nhận thức, sai lầm trong hành động. Còn tôi phải chăng
tâm hồn tôi trong sáng, điểm linh quang ít bị che chắn, nên tôi thiền sơ sơ
thôi đã thấy nó, và phải chăng vì thế mà tôi sáng dạ hơn người bình thường một
tí chăng? Cụ thể kinh của cô viết:
“Cái điểm linh quang
rất quý báu các con không lo mà ngồi mà luyện cho tinh ba thì rất là uổng! Đời
của các con chỉ là vinh diệu, an vui, đời đang thị đáng khinh mà các con mãi
chôn mình trong vũng tanh hôi, ao nhơ bẩn, các con vì phong trần đưa đẩy, bởi
mang xác thịt nặng nề khó bề xoay trở, điểm linh hồn các con nhập vào xác thịt
bị hậu thiên che lấp, ngũ trược chặn đè, không tu luyện khó mong thoát ra cho
khỏi (bởi mang xác thịt). Mà hễ mang xác thịt nặng nề này, tránh sao khỏi thất
tình lục dục sai khiến! than ôi!”
***
Còn với hiện tượng ngoại
cảm, giữa ngổn ngang tạp pí lù những thông tin khen chê trái ngược nhau, ngay
từ đầu lúc chưa quen cô Hòa, cái tôi chú ý nhất là khả năng ngoại cảm có thật
không? Nếu khả năng ngoại cảm có thật nghĩa là thế giới linh hồn có thật. Và
rồi tôi nhận ra, với mỗi nhà ngoại cảm đều chứng tỏ cho tôi biết hoặc ít, hoặc
nhiều, khả năng giao tiếp với cõi âm, với người chết của họ là có thật. Như ông
Đỗ Bá Hiệp nói với người mẹ một người lính Mỹ đã chết khi tham chiến tại VN,
ông nhìn thấy linh hồn con bà đi tập tễnh, buộc bà phải tin vì sự thật đúng là
như thế. Ông Nguyễn Văn Liên tìm thấy mộ cố TBT Trần Phú tại Công viên Lê Thị
Riêng, người em ruột, từng núp ở bụi cây chứng kiến người ta chôn anh mình, đã
xác nhận ông Liên tìm đúng. Ông Nguyễn Văn Nhã và Phan Thị Bích Hằng, người Nam
kẻ Bắc, đã chỉ cựu PTT Trần Phương tìm đến đúng vườn nhãn ở Hưng Yên chôn em
ông, cô Khang, người nữ du kích trong đội du kích Hoàng Ngân anh hùng. Chi tiết
làm GS Trần Phương tin Bích Hằng và làm tôi tin câu chuyện của ông kể lại chính
là việc ông mang tấm ảnh ông Sơn là anh ông để thử Bích Hằng, nếu đúng linh hồn
cô em ông về thì phải nhận ra người trong ảnh là ai. Nhưng ông chưa kịp thử thì
Bích Hằng đã nói có người tên Sơn về cùng cô Khang rồi. Còn vô vàn chi tiết
khác như thế nữa buộc tôi phải tin là có thế giới tâm linh, và với tôi chỉ cần
như thế. Còn tất cả lĩnh vực ngoại cảm nói chung, đúng sai thế nào, ai tốt, ai
xấu, ai vừa tốt vừa xấu, vừa đúng vừa sai, tham hay không, lừa đảo hay không,
là công việc của công an, của pháp luật. Nhưng có người phạm pháp không có
nghĩa tất cả là lừa đảo, là thế giới tâm linh không có thật; tôi tin cô Hòa là
mê tín!
***
Tôi biết đến cô Hòa đầu
tiên do báo Lao động viết cô lừa đảo. Khi tìm hiểu, xem những băng video mà
Huỳnh Quốc Hồng “pốt” lên trên mạng, tôi thấy thì ra chính “cái cô này” mới
đúng là nhà ngoại cảm giỏi nhất. Khi tìm liệt sĩ cô không cần nhang khói, cúng
bái gì cả, như một cô thanh niên xung phong, mũ tai bèo (sau được biết do Trung
tướng Triệu Xuân Hòa, đương chức Tư lệnh QK7, cấp), hai bàn tay cô ngửa lên như
bắt quyết, hết bãi tranh, nương sắn, cả dưới gốc cây, cô tìm cả chục hài cốt
liệt sĩ một lúc. Là một cựu chiến binh từng bó tăng chôn đồng đội, tôi càng tin
cô hơn. Khi thấy Thu Uyên nói láo về cô trên VTV1, tôi đã viết bảo vệ cô là vì
thế.
Rồi khi gặp cô, gặp
những người chịu ơn cô, tôi đã tìm hiểu, đã được nghe kể, được trực tiếp chứng
kiến. Tôi đã đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, rồi cuối cùng không
ngạc nhiên gì nữa, vì đối chiếu với kinh sách, tôi thấy cô đúng là có khả năng lục thông, nhìn xuyên không gian
thời gian, nhìn thấy cả cõi âm, điều khiển được dã thú, nói chuyện được với cây
cối, v.v… Cô đã
tự nhiên thể hiện những khả năng siêu phàm đó qua hàng mấy trăm vụ việc, đã có
đến hàng ngàn người chứng kiến, từ cựu UVTƯ Đảng, tướng lĩnh, nhà văn, nhà báo,
nhà nghiên cứu ngoại cảm, đến thường dân. Tôi chỉ kể lại vài chuyện mà chính
tôi đây là nhân chứng.
***
Lúc đầu quả thực tôi
chưa có ý muốn gặp cô nhưng bà xã tôi tự dưng đi lại lại khó khăn, bác sĩ
trưởng khoa ở BV Thống Nhất bảo phải mổ ngay, nếu không sẽ bị liệt. Vì thế tôi
mới có ý định gặp và thử hỏi cô xem sao. Không ngờ cô bảo “Anh yên tâm, em
sẽ chữa cho chị khỏi mà”. Đến giờ bà xã tôi không mổ, chỉ uống thuốc của
cô, nhưng không bị liệt như tay bác sĩ nói mà vẫn đi lại bình thường, chỉ có đi
ra ngoài đường thì vẫn ngại.
Còn chuyện cô nhìn xuyên
lòng đất thì tôi có chứng kiếm một lần. Tôi đã trực tiếp phỏng vấn hai ông bà
và cô con cái một gia đình ở Hóc Môn. Cô bảo dưới nền nhà đó có mộ nên gia đình
hay gặp rắc rối. Ông chủ nhà không tin, tự nhiên đào cả cái nền gạch bông lên
thì lại càng không muốn. Nhưng rồi thằng con trai đi vắt sữa bò bị tai nạn suýt
chết, lần khác uống rượu về cầm dao chém em trai đúng như cô cảnh báo. Lúc đó ông
chủ nhà mới sợ quá xin cô đến giúp, đào nền nhà lấy mộ lên. Ông cũng tin cô sái
cổ khi cô nói đúng chuyện vườn nhà ông ngày trước từng chôn hũ vàng, làm thành
nải chuối và con cóc, nhưng không biết để mất vào tay người trong xóm. Trước
khi đào mộ, bà chủ nhà cũng xác nhận bà thường bị hồn ma một cô gái hiện lên
trêu chọc, nhưng bà sợ ảnh hưởng nên vẫn giấu. Cô nói đó là một cô gái người
Tầu, họ Quách, xác bó chiếu chôn hơn một 100 năm nên không còn gì, chỉ còn một
chiếc đĩa nhỏ, khi chôn người ta đã để ở gót chân cô gái theo tục lệ gì đó, đào
đúng 2,7m sẽ thấy. Hôm ấy tôi cùng khoảng vài chục người thức trắng chứng kiến
đào mộ. Đào từ khoảng 5 giờ chiều đến 10 giờ đêm không xong phải dừng lại, đến
giờ đầu ngày sau mới được đào tiếp, nên phải đến khoảng 4 giờ mới xong, lấy lên
cái đĩa ở góc hốc chân tường đúng như hình cô vẽ trước.
Còn chuyện cô nhìn xuyên
không gian thì đó là việc cô từ Hà Nội nhưng lại biết chính xác những việc tôi
làm tại Sài Gòn. Kỳ lạ hơn, thằng con tôi ở nước ngoài phải qua một việc mà
chính tôi cũng chưa biết cụ thể, tôi phải hỏi vợ tôi, thì mấy phút sau, từ Hà
Nội cô gọi vào nói cả đêm qua cô thiền để gia hộ cho thằng con tôi. Thật kỳ lạ
còn hơn cả kỳ lạ! Đây là việc của chính tôi nên không thể sai được, chỉ khi tôi
bịa đặt thì mới sai mà thôi, có điều tôi không bịa chuyện để làm cái gì cả.
***
Nguyễn Thúy Huyền, một
Phật tử thân thiết của cô Hòa ở Lục Yên, Yên Bái, người từng chứng kiến và quay
một số hình ảnh cô thể hiện khả năng siêu phàm đưa lên facebook của mình, mới
điện cho tôi bảo:
- Hoàng Anh Sướng mới
viết một cuốn sách về ông Thích Nhất Hạnh, bảo ông ấy là Phật sống, anh vào xem
sao nhé!
Thiền sư Thích Nhất Hạnh
nổi tiếng tầm thế giới nên tôi cũng biết tên từ lâu, nhưng quả thực chưa đọc
ông viết, chưa nghe ông nói lần nào. Mãi vừa rồi ông BS Thành có nhắc đến tôi
trong một comment dưới bài viết của một ông bác sĩ khác viết về ông Thích Nhất
Hạnh. Tôi mới thử nghe một video Thiền sư Thích Nhất Hạnh giảng, thấy ông giỏi
cả tiếng Hán, tiếng Anh. Với người thường thì nghe ông giảng sẽ rất hay, ông
nói chậm rãi, kỹ càng nên dễ hiểu. Nhưng với tôi thì đều là những điều thông
thường tôi đã biết cả, nếu tóm lại bài ông giảng thì chỉ cần gạch đầu dòng mấy
cái là đủ. Nếu chỉ viết sách và giảng dạy như thế thì dù đức độ của ông có cao
đến mấy thì vẫn là người phàm thôi chứ không thể là Phật được. Còn thực tế ông
có những khả năng siêu phàm khác nữa thì tôi chưa được biết. Cũng như một lần
tôi nói chuyện với Nguyễn Quang Thiều về cô Hòa, Thiều bảo có tin vào thần
thánh, nhưng không tin là thần thánh lại ngự nơi một người như cô Hòa. Rồi
Thiều khoe từng được tiếp và phỏng vấn Phật sống là Đức Pháp vương ở Butan,
từng mấy lần sang thăm nước ta. Tôi tìm hiểu thì biết ngài Pháp vương này cũng
viết sách, giảng đạo, đã kêu gọi và tổ chức, rồi tự mình tham gia luôn việc
nhặt rác, giữ gìn môi trường sống, nghĩa là cũng chỉ làm những công việc phàm
trần thôi. Còn ngài có khả năng siêu phàm gì nữa không thì tôi cũng không được
biết.
Nói chung người đời dễ
tin vào danh xưng của đời phàm nhiều hơn, người càng nổi tiếng thì người ta
càng dễ tin. Nhưng trong thực tế, các quy luật khoa học cao siêu thường ẩn
trong các hiện tượng tự nhiên, cũng như thần thánh có khi lại ẩn trong dáng dấp
người thường. Chỉ có người thông thái, minh triết, mới nhìn xuyên qua được lớp
vỏ bọc, mới phân biệt được đâu là hồng ngọc, đâu là hạt nhựa.
Theo lời Thúy Huyền tôi
tìm hiểu thì ra ông Nhà thơ Trần Đăng Khoa ca ngợi Thiền sư Thích Nhất Hạnh “như Phật sống” chứ không phải “là Phật sống”. Điều này cũng bình thường
thôi vì trong văn chương người ta cũng hay ví von những người có đạo đức cao cả
là thần, là Phật.
4-4-2015
ĐÔNG LA