Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2015

CHUYẾN THĂM MỸ CỦA TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG THẬT THÚ VỊ!

ĐÔNG LA
CHUYẾN THĂM MỸ CỦA TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG THẬT THÚ VỊ!

Với tôi chuyến thăm Mỹ của TBT Nguyễn Phú Trọng lần này đã tạo cho tôi một cảm giác thật thú vị. Một bài hát hay làm ta thú vị khi nghe là điều bình thường vì nghệ thuật là giải trí. Còn chuyện bang giao giữa các nước là chuyện chính trị vì lợi ích song phương, không đạt thì buồn, đạt yêu cầu thì mừng, nhưng nói thú vị nữa là khó. Vậy muốn tạo được cảm giác thú vị thì nó không chỉ đạt được mục đích chính trị mà còn phải đạt tới một tầm văn hóa. Cái tầm văn hóa ấy trong chuyến đi lần này được tạo bởi từ chính con người ông TBT, nó được kết tinh từ những bản tính, phong tục và văn hóa Việt. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo nên ông có nét hiền lành chất phác, nhưng vùng quê ông không phải hẻo lánh mà là ngoại thành nên vẫn được chiếu bởi ánh sáng của vùng đất kinh kỳ. Là cử nhân văn chương đồng thời là một GS TS về lý luận chính trị, là một nhà báo đồng thời là nhà chính trị, tất cả những điều đó đã tạo nên cái phong thái của ông. Đó chính là thái độ tự tin, ung dung nhưng cởi mở, hòa nhã; ý tứ sâu sắc nhưng lại rất chi tiết, thực tế. Và trên hết, nói theo dân dã, ông đã mang đến Mỹ một tấm chân tình. Nước Mỹ giàu mạnh tất tự kiêu, chính thái độ với Việt Nam trong quá khứ đã cho họ một bài học, nhưng họ cũng rất thông minh và thực dụng nên dễ dàng nhận ra những điều tốt đẹp từ cá nhân vị khách mà họ mời và cuộc gặp gỡ lịch sử này. Có lẽ nào một vị lãnh đạo hiền hòa, chân tình, tế nhị như ông Nguyễn Phú Trọng lại là một kẻ độc tài, bất nhân?! Hình ảnh dưới đây của hai vị nguyên thủ Quốc gia đã nói lên tất cả:
Như vậy, trong quá khứ, để thực hiện mục tiêu tối thượng là giành lại nền độc lập và cuộc sống thanh bình, Việt Nam chúng ta đã không chỉ một lần vượt qua sự sắp xếp của các nước lớn, kể cả anh em bè bạn; vượt qua những đánh giá sai trái của phương Tây; giờ đây chính thực tế Việt Nam cũng đã buộc Mỹ phải thừa nhận thể chế của VN nên đã mời và đón tiếp lãnh đạo cao nhất VN, TBT ĐCS VN Nguyễn Phú Trọng, với nghi thức đón tiếp một nguyên thủ quốc gia. Không phải hình thức ngoại giao diễn kịch suông mà vì chính lợi ích của Mỹ. Chưa hết, trước TT Obama, ngày 22/1/2013 tại Vatican, Đức Giáo hoàng Benedict XVI cũng đã từng tiếp TBT Nguyễn Phú Trọng mà người phát ngôn của Vatican, Federico Lombardi, nói với các phóng viên rằng TBT của ta đã được đón tiếp bằng nghi thức dành cho nguyên thủ quốc gia:

Sau khi đi Vatican về, vị TBT nói: “Mình phải như thế nào người ta mới mời chứ!” Thật giản dị mà cũng thật chí lý!
Như vậy chủ nghĩa CS không phải là con ngáo ộp bài trừ tôn giáo và độc tài mà nhân loại cần phải nhìn nhận cho đúng, Chủ nghĩa Cộng Sản là một học thuyết phát triển xã hội, lý tưởng của CNCS là xóa bỏ bất công và nô dịch, ai thích thì theo không thích thì thôi. Còn thực tế những gì mà sự chính trị hóa CNCS sai lầm thì vất hết cả đi! Vậy thôi!
***
Nội dung chính của chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư NPT có thể nêu ra mấy điểm như sau: Tổng kết lại quá trình 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ và đề ra biện pháp củng cố và phát triển trong tương lai. Thảo luận vấn đề nóng nhất là về Biển Đông; về vấn đề nhân quyền và tôn giáo tại Việt Nam.
Về Biển Đông, trong cuộc họp báo Tổng thống Obama nói: "Chúng tôi đã thảo luận về tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp hàng hải ở Biển Đông cũng như ở khắp khu vực châu Á-TBD phù hợp với luật pháp quốc tế, đảm bảo thịnh vượng và tự do hàng hải cho sự tăng trưởng kinh tế to lớn ở khu vực tiếp tục trong những thập niên tới". Ông cho biết trong tất cả lĩnh vực "VN đã chứng tỏ là một đối tác rất xây dựng". Ông đã cảm ơn Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vì chuyến thăm:
"Tôi hy vọng ông sẽ cảm nhận được sự nồng ấm và hiếu khách mà người Mỹ cảm nhận đối với mọi người dân VN. Và chắc chắn là tôi mong được đến thăm đất nước xinh đẹp của các bạn trong thời gian tới".
TBT Nguyễn Phú Trọng nói trong cuộc họp báo:
"Ở đây vẫn có những khác biệt trong quan hệ song phương, và chúng tôi đã trao đổi thẳng thẳn một số khác biệt xung quanh vấn đề nhân quyền, ví dụ tự do tôn giáo. Nhưng tôi tin tưởng rằng, đối thoại ngoại giao và những bước đi thực tế song hành với nhau sẽ có lợi cho cả 2 nước và những căng thẳng có thể được giải quyết hiệu quả không chỉ thông qua quan hệ song phương, mà còn qua sự hợp tác của chúng ta ở những tổ chức đa phương như ASEAN hay Thượng đỉnh Đông Á, chúng ta có thể tiếp tục có những bước tiến đáng kể".
Cụ thể hơn, Tổng bí thư đã thẳng thắn trả lời về dân chủ với học giả Mỹ. Với câu hỏi: “Tình hình nhân quyền, tự do ngôn luận ở VN trong tương lai tới đây sẽ như thế nào thưa Tổng bí thư?”, ông nói:
Tôi biết nhân quyền là vấn đề Mỹ rất quan tâm, đây cũng là vấn đề VN rất coi trọng. Bảo đảm và cải thiện quyền của công dân là ưu tiên cơ bản và chiến lược của chúng tôi. Chúng tôi đã nỗ lực hết sức, nếu các bạn đến VN sẽ thấy quyền của các nhóm dân cư dễ bị tổn thương như người nghèo, các dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa, được quan tâm… Nhưng cũng cần thấy rằng quyền của cá nhân phải đặt trong bối cảnh quyền lợi chung của cộng đồng, mỗi người có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ quyền của người khác và của cộng đồng. Tôi nghĩ quốc gia nào cũng phải quản lý đất nước bằng luật pháp. Các vụ việc người bị bắt ở VN không phải do vấn đề dân tộc hay tôn giáo mà là họ vi phạm pháp luật”.
Với vấn đề tôn giáo, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã tiếp các lãnh đạo tôn giáo Hoa Kỳ. Đại sứ tự do tôn giáo đương nhiệm David Saperstein và Đại sứ tự do tôn giáo đầu tiên Robert Seiple đã phát biểu chào mừng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tổng bí thư đã nói VN là đất nước đa dân tộc, đa tôn giáo, nhiều tôn giáo cùng sinh hoạt tại các cộng đồng. Từ năm 1975 đến nay, số tín đồ tôn giáo tăng gấp 2,5 lần, từ khoảng 10 triệu nay là 24 triệu tín đồ; số vị chức sắc tôn giáo cũng tăng 2,7 lần; số cơ sở thờ tự mọc lên rất nhiều. Đó là chưa kể tín ngưỡng, ở VN hầu hết các gia đình, công dân đều có tín ngưỡng, thờ cúng ông bà cha mẹ tổ tiên. Hiến pháp, pháp luật VN quy định tất cả mọi người dân đều có quyền theo hoặc không theo tôn giáo. Ở VN không có xung đột tôn giáo, xung đột dân tộc, tất cả chung sống hòa thuận.
Mục sư Bob Roberts - Hội thánh (Tin lành) Northwood, Texas cho biết:
"Hai mươi năm trước, nhà thờ của chúng tôi bắt đầu làm việc với Chính phủ VN về các dự án nhân đạo. Từ đó tới nay, chúng tôi đã có hơn 2.500 người đến VN thực hiện 120 dự án khác nhau với tổng số quyên góp hàng triệu đô la... Trong hai mươi năm qua đến VN, tôi đã thấy những thay đổi đáng kể ở VN về lĩnh vực phát triển kinh tế, gia nhập toàn cầu và xã hội. Tôi cảm ơn cách thức mà chính phủ đã làm để đảm bảo quyền tự do tôn giáo và thể hiện tôn giáo cho tất cả các tôn giáo. Chúng tôi cảm ơn về sự hợp tác của VN với Viện Liên kết Toàn cầu (IGE)".
Đặc biệt trong cuộc gặp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), TBT Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu gây ấn tượng mạnh. Ông không ngại nhắc lại đôi điều về lịch sử gập ghềnh giữa quan hệ hai nước. Ông nói ngài Thomas Jefferson trước khi trở thành Tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ đã từng tìm cách nhập giống lúa tốt của Việt Nam. Cách đây hơn 100 năm, người thanh niên Nguyễn Tất Thành – sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong khi tìm con đường để giải phóng dân tộc đã đến Boston. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, Việt Nam và Hoa Kỳ đã từng là đồng minh. Việt Minh đã cứu giúp những phi công Hoa Kỳ bị Nhật bắn rơi ở Việt Nam. Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam mới được mở đầu bằng trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ. Một trong những quốc gia đầu tiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn thiết lập quan hệ hữu nghị chính là Mỹ. Người đã gửi 14 lá thư cho lãnh đạo Hoa Kỳ, trong đó có Tổng thống Truman, đề nghị thiết lập quan hệ “hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ”. Tuy nhiên, thật đáng tiếc là có những cơ hội lịch sử đã bị bỏ lỡ và chúng ta đã phải trải qua một giai đoạn đầy thăng trầm và đau thương cho đến khi bình thường hóa quan hệ năm 1995.
Ngày nay, tại Hoa Kỳ vẫn còn những ý kiến khác nhau về chiến tranh tại Việt Nam. Đối với nhân dân Việt Nam, đó là cuộc kháng chiến để giành độc lập, tự do cho dân tộc mình, không phải là cuộc chiến nhằm chống lại nước Mỹ. Ngay trong thời kỳ chiến tranh, nhân dân Việt Nam vẫn giữ tình hữu nghị với nhân dân Hoa Kỳ, rất biết ơn nhiều người dân Hoa Kỳ đã phản đối chiến tranh, mục sư Martin Luther King là một trong những người tiêu biểu. Sau khi chiến tranh kết thúc, Việt Nam chủ trương “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai.
Hiện nay, hợp tác trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo đã có hơn 16.500 sinh viên Việt Nam đang du học tại Mỹ. Kim ngạch thương mại hai chiều trong 20 năm qua tăng gấp 90 lần (từ hơn 400 triệu USD năm 1995 lên hơn 36 tỷ USD năm 2014).
Hợp tác quốc phòng-an ninh cũng có những tiến triển quan trọng với Bản Ghi nhớ về hợp tác quốc phòng ký năm 2011 và đặc biệt là Tầm nhìn chung Việt Nam-Hoa Kỳ về quan hệ quốc phòng vừa được ký kết tại Hà Nội tháng 6-2015. Hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ cũng đã phối hợp tốt trên nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, nhất là duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy hợp tác ở châu Á-Thái Bình Dương.
Ông cho rằng châu Á-Thái Bình Dương có đủ cơ hội cho tất cả các nước trong và ngoài khu vực, trong đó có Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga và các nước EU.
Và một nước Việt Nam giàu mạnh, ổn định, độc lập tự chủ, hội nhập và đóng góp có trách nhiệm cho cộng đồng quốc tế là phù hợp với lợi ích của hòa bình, an ninh, hợp tác, phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương và thế giới, là phù hợp với lợi ích của Hoa Kỳ cũng như các nước trong và ngoài khu vực.
Trong thời gian tới, chúng ta có rất nhiều việc cần làm để đưa quan hệ song phương không ngừng tiến lên phía trước. Đó là việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa lãnh đạo, chính giới và nhân dân hai nước. Nên cần tăng cường trao đổi, tiếp xúc cấp cao, giữa các kênh nghị viện, giữa các chính đảng, mở rộng các cơ chế tham vấn, đối thoại trên các lĩnh vực cùng quan tâm. Đó cũng chính là một trong những mục đích của chuyến thăm Hoa Kỳ lần này của ông và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam. Giao lưu nhân dân là lĩnh vực rất quan trọng để tăng cường hơn nữa hiểu biết lẫn nhau và hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Ông biết nhiều định kiến về Việt Nam tại Hoa Kỳ còn khá phổ biến. Nhưng hầu hết người Hoa Kỳ sau khi đến Việt Nam đều có cách nhìn tích cực và khách quan hơn về Việt Nam, đều có ấn tượng sâu sắc về một xã hội năng động, không kỳ thị, giàu tính nhân văn, về người dân thân thiện, lạc quan, cởi mở.
Cuối cùng TBT Nguyễn Phú Trọng nói:
“Chúng tôi cũng mong sớm được đón Tổng thống Barack Obama sang thăm chính thức Việt Nam trong thời gian tới.
Tôi muốn nhắc đến một câu nói của Tổng thống Hoa Kỳ Theodore Roosevelt “Khi tin là có thể, thì bạn đã đạt được một nửa thành công””.
***
Là một người Việt, không cần phải yêu nước mà chỉ cần yêu mình và gia đình thôi, ai cũng phải mừng trước tất cả những gì sẽ mang lại lợi ích cho nơi mà mình và gia đình sinh sống trên đó. Chuyến thăm Mỹ của nhà lãnh đạo cao nhất VN nhằm mục đích đó và có cơ sở để đạt được. Vậy có ai mà không vui mừng? Nhưng thực tế vẫn có. Đó là những người thuộc chế độ cũ còn mang mặc cảm “mất nước”, ta có phần thông cảm được. Còn những kẻ như những con bò vẫn bú cái bầu sữa nhà nước nhưng lại luôn kiếm cớ “cắn vú mẹ”. Bởi dù có thay đổi và phát triển rất nhiều nhưng cả do chủ quan lẫn khách quan, đất nước ta còn nhiều điều chưa tốt, chúng như những ung nhọt trên cơ thể tổ quốc. Những người chân chính thì muốn dùng thuốc chữa lành đi còn bọn “ruồi” thì chúng lại muốn lở loét thêm ra để chúng có thể bu lại kiếm chác. Những kẻ đó sẽ cay cú lắm trước sự thành công tốt đẹp của chuyến thăm Mỹ của TBT Nguyễn Phú Trọng!
Còn với riêng ông TBT Nguyễn Phú Trọng hiền lành, tôi xin kết bài này bằng mấy câu thơ của cô giáo già Đặng Thị Phúc - giáo viên đã từng dạy ông TBT 50 năm về trước, khi ông học lớp 4:
"Ngờ đâu trò nhỏ năm nào
Nay thành cán bộ cấp cao giúp đời
Nhìn em như ngắm hoa tươi
Bõ công chăm sóc từ thời ấu thơ"
(Người trò nhỏ năm xưa)
 11-7-2015
ĐÔNG LA