Thứ Tư, 8 tháng 7, 2015

VIỆT, MỸ CÙNG CHIẾN THẮNG

ĐÔNG LA
VIỆT, MỸ CÙNG CHIẾN THẮNG

Cả Việt Nam và Mỹ đang là người chiến thắng trong một cuộc chiến không phải chống nhau mà chống lại những thói quen, những nhận thức còn sai trái, chưa phù hợp của chính mình.
Truyền thông trên toàn cầu đang quan tâm và đưa tin nóng nhất về một “chuyện lạ có thật” trong quan hệ Mỹ-Việt, chính quyền Mỹ mời đích danh Tổng Bí thư ĐCS VN sang thăm Mỹ.
Việt Nam với truyền thống nhân ái và hòa hiếu, thường bỏ qua lỗi lầm của những cựu thù để giữ gìn tình hữu nghị từ hàng ngàn năm với các triều đại phong kiến phương Bắc, nên với Mỹ đã dễ dàng khép lại quá khứ, hướng đến tương lai. Cả thế giới từng chứng kiến dân VN nồng nhiệt đón chào cựu TT Bill Clinton, Tỷ phú Bill Gates, những sứ giả đến từ một đất nước từng mang B52 giội bom hủy diệt thủ đô của mình. Cũng như chắc nhiều người còn nhớ chuyện một nữ dân quân khu 4 từng bắt sống 1 phi công Mỹ, nghĩ chắc nó sung sướng quen không ăn kham khổ được, nên nhà có mỗi con gà đã phải làm thịt cho nó ăn!
Chính vậy tôi đã làm câu thơ:
Việt Nam đất nước tôi
Một đất nước đến những người từng là kẻ thù cũng đem lòng yêu mến!
Ngược lại, Mỹ và các nước phương Tây vốn coi thể chế của các nước theo mô hình XHCN, với một hiến pháp hiến định ĐCS là đảng duy nhất lãnh đạo nhà nước đồng thời TBT đảng chính là người lãnh đạo cao nhất, là độc tài, phi dân chủ. Vì vậy việc hôm nay chính quyền Mỹ chứ không phải lãnh đạo một đảng mời TBT của Việt Nam sang thăm Mỹ chứng tỏ Mỹ đã nêu gương bỏ đi thói quen chưa phù hợp với thực tế, đã tôn trọng thể chế của nhà nước 
 Việt Nam. Hình dưới là TBT Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn tùy tùng được nước Mỹ trải thảm đỏ đón chào tại sân bay:


Rồi vào lúc 11h10 sáng 7/7 giờ Washington, Tổng thống Barack Obama và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cùng bước vào phòng Bầu dục, Nhà Trắng hội đàm song phương. Sau đó một cuộc họp báo được diễn ra.
Mở đầu, Tổng thống Obama vui vẻ thông báo ông đã có một lời mời đến VN: "Tôi nghĩ đây là dấu hiệu đáng kể của quá trình phát triển mối quan hệ giữa hai nước chúng ta 20 năm qua". Ông hoan nghênh Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới phòng Bầu Dục trong chuyến thăm Hoa Kỳ đầu tiên của ông nhân dịp hai nước kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
(Hình ảnh tươi cười thân thiện giữa hai nguyên thủ quốc gia)
Tổng thống Obama cho hay đã có một lịch sử khó khăn giữa hai nước trong thế kỷ 20. Và vẫn tiếp tục có sự khác biệt trong triết lý chính trị và hệ thống chính trị nhưng với những nỗ lực của lãnh đạo hai nước trong nhiều năm liên tiếp, những gì hai bên chứng kiến là sự xuất hiện của một mối quan hệ xây dựng dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, và có lợi cho nhân dân hai nước. Còn TBT của ta cũng nói đã có một chương khó khăn trong lịch sử, nhưng chúng ta có thể gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai (Theo VietNamNet).
***
Trong thời khắc lịch sử này chúng ta thử điểm lại đôi nét để thấy bước đi của lịch sử loài người gập ghềnh quanh co như thế nào. Ai cũng thấy chiến tranh là vô lý vì thế lại càng thấy vô lý hơn khi chính những ngày hôm nay trên thế giới vẫn có những nơi chiến tranh đang xảy ra và tương lai vẫn luôn có nguy cơ chiến tranh!
Sau Đại chiến thề giới II, Mỹ và các nước phương Tây đã liên kết với nhau để chống CNCS bằng một cuộc chiến tranh lạnh. Với riêng Việt Nam, 1954, Tổng thống thống Mỹ Dwight D. Eisenhower đã “khai sinh” ra một “Học thuyết đô-mi-nô”, đẩy Mỹ vào và bị sa lầy tại một cuộc chiến cay đắng chống Việt Nam làm gần 60.000 người Mỹ thiệt mạng và làm chết gần 3 triệu người Việt Nam ở cả hai miền Nam Bắc. Một cuộc chiến lẽ ra đã tránh được nếu phía Mỹ hiểu được tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay từ năm 1954, Mỹ đã chi trả 78% chiến phí cho Pháp ở Đông Dương. Tướng Henri Navarre từng viết: "Địa vị của chúng ta đã chuyển thành địa vị của một kẻ đánh thuê đơn thuần cho Mỹ". Rồi khi Pháp thất bại, Mỹ đã dựng lên chế độ VNCH, thế chân Pháp tại VN.
Ngẫm ngợi một chút tôi thấy cuộc chiến giữa Việt Nam và Mỹ có nét tương đồng rất thú vị với vật lý học. Mỹ đã mang tư duy của cơ học cổ điển Newton đánh chiếm Việt Nam. Với thực trạng Việt Nam như vậy, nếu dùng một lực lượng áp đảo, chỉ cần một thời gian ngắn là sẽ chiến thắng. Nhưng rồi thực tế đã diễn ra ngược lại với tính toán theo lẽ thường của Mỹ. Mỹ đã gặp phải một đối thủ Việt Nam có sức mạnh kỳ lạ, một sức mạnh không tuân theo logic 1+1=2 của cơ học Newton. Giống như cơ học lượng tử, một thế giới mà mắt thường không nhìn thấy, bất định, sức mạnh của Việt Nam cũng là những cái không nhìn thấy, bất định. Đó chính là sức mạnh của chính nghĩa, của hồn thiêng sông núi, của lòng yêu nước, của ý chí. Toàn là những điều vô hình, mơ hồ, “không biết đâu mà lần”, nhưng lại chính là những cái giúp Việt Nam chiến thắng. Nhà vật Brian Greene trong cuốn sách về lý thuyết dây của mình, khi diễn tả những điều kỳ lạ của cơ học lượng tử, đã viết, với cơ học cổ điển một viên đạn nhựa không thể bắn xuyên qua tường bê tông dày 10m, nhưng với tính chất của cơ học lượng tử của thế giới vi mô thì vẫn có xác xuất khả năng một hạt có khả năng xuyên qua tường như thế. Người ta gọi cái đó là “Hiệu ứng xuyên hầm”. Thực ra nhà vật lý viết vậy để gây ấn tượng, còn thực tế vì hạt vi mô có tính chất sóng nên có khả năng “lan ra”, đã giúp hạt có xác xuất vượt qua một hàng rào thế năng mà với cơ học cổ điển không thể vượt qua được. Một hạt nhựa xuyên tường có nét gì đó thật giống chuyện tinh thần của Việt Nam đã chiến thắng sắt thép của Mỹ!
***
Nhưng rồi nước Mỹ tôi thấy vốn thật kỳ lạ, từng gieo tai ương khắp thế giới, làm khổ đau bao dân tộc và cả chính người dân nước mình, nhưng lại là xứ sở ra đời bản Tuyên ngôn giải phóng nô lệ bởi Tổng thống Abraham Lincoln, ngày 22 tháng 9 năm 1862, y như việc hiện thực hóa một phần nào đó tinh thần của bản Tuyên ngôn đảng Cộng sản của Mác, ra đời trước đó 14 năm, 21 tháng 2 năm 1848. Nước Mỹ từng thả bom nguyên tử hủy diệt Nhật Bản phát xít nhưng rồi lại trở thành đồng minh của cả Nhật, cả Đức và Ý. Vì vậy với Việt Nam, sau một cuộc chiến khốc liệt 20 năm, Ngày 15 tháng 7 năm 1995, TT Clinton tuyên bố thiết lập bang giao đầy đủ với Việt Nam cũng không có gì là lạ. Ông từng nói: “Bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ là thời khắc tuyệt vời trong nhiệm kỳ của tôi”; “Việt Nam là đất nước có vị trí đặc biệt trong trái tim tôi”. Ông từng tâm sự "Hai mươi năm trước, nói chuyện bình thường hóa quan hệ với VN … người ta đã nghĩ chúng tôi điên rồ". Chúng tôi” đó chính là những người đã có công lao lớn như TNS John Kerry, TNS John McCain, cựu Đại sứ Pete Peterson v.v…
(Ông Kerry (phải) cùng ông McCain chứng kiến Tổng thống Bill Clinton
thông báo sẽ bình thường hóa quan hệ với VN năm 1995)
John Kerry từng là chỉ huy đội tuần tra hải quân tại Đồng bằng sông Cửu Long hồi cuối thập niên 1960. 22/4/1971, ông là cựu binh đầu tiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, kiến nghị chấm dứt cuộc chiến tại Việt Nam:
(John Kerry trong cuộc điều trần phản chiến
tại Thượng viện Mỹ ngày 22/4/1971)
Năm 1992, ông đã dẫn đầu phái đoàn đến Việt Nam với tư cách Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại, Thượng nghị viện, kiêm Chủ tịch Uỷ ban đặc biệt đảm trách việc quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam.
***
Trong một bài nhớ về ngày 30-4, tôi đã viết:
      “Nhìn cảnh máu lửa trên ti vi, người Việt giết người Việt mình, tôi thấy cuộc sống loài người sao có những điều vô lý thế, và nhận thấy chính lòng tham của những kẻ mạnh là cội nguồn sâu xa nhất. Chúng ta đã trở thành nạn nhân của cái lòng tham của những nước lớn, rồi dẫn đến chuyện chúng ta lại trở thành nạn nhân của chính chúng ta bởi những cố chấp, những thù hận; bởi sự nô lệ cho những ý thức xơ cứng, mòn cũ, phản tiến bộ và phản nhân văn.
      Vật lý lý thuyết đã chỉ ra, bản chất sâu xa của vật chất mang tính nhị nguyên sóng - hạt; Đức Thích Ca, Lão Tử,  cũng đã cho vạn vật và mọi hiện tượng đều được tạo nên và tồn tại bởi hai cái ngược nhau: sắc và không; vô và hữu.
      Nếu các nhà chính trị hiểu điều này, hiểu xã hội loài người chẳng có gì hoàn toàn đúng, chẳng có gì hoàn toàn sai, chắc thế giới đã không có những cuộc chiến ý thức hệ. Nếu nước Mỹ cũng hiểu điều này, có lẽ sẽ không có cuộc chiến Việt - Mỹ cay đắng, làm đến 3 triệu người Việt Nam và gần 60000 người Mỹ thiệt mạng, và lòng người đến nay vẫn còn ly tán. Và cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton cũng không phải "thú nhận" với Chủ tịch Nguyễn Minh Triết rằng: “Sáu mươi năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Roosevelt đã muốn hai nước Việt - Mỹ thật sự là bạn. Quá trình này đã có những bước gập ghềnh. Tuy nhiên, tôi vô cùng hạnh phúc chứng kiến quan hệ tốt đẹp giữa hai nước mà đáng lẽ phải có từ cách đây 60 năm”.
Hôm nay, việc chính quyền nước Mỹ mời đích danh TBT Nguyễn Phú Trọng sang thăm Mỹ, chứng tỏ, dù đất nước còn ngổn ngang trăm mối, tổng thể chúng ta vẫn đang phát triển, chúng ta đã có sức mạnh và vị thế trên trường quốc tế. Chỉ có mạnh chúng ta mới giữ được tinh thần độc lập, thực hiện được chiến lược ngoại giao tối ưu đa phương, làm bạn với tất cả vì lợi ích của tất cả. Còn yếu chúng ta sẽ lại bị cuốn theo lòng tham của nước lớn, sẽ lại làm làm phên dậu, bia đỡ đạn cho họ, để họ thực hiện tham vọng bá quyền của mình.
8-7-2015

ĐÔNG LA