ĐÔNG LA
NHÂN VỤ “QUẢNG TRƯỜNG 1.400
TỶ”,
BÀN VỀ VĂN HÓA VÀ PHẢN VĂN
HÓA
Văn hóa nghĩa chung nhất là tất cả những gì của đời
sống “hóa thành văn”. “Văn” ở đây là tất cả những sản phẩm cả vật chất lẫn tinh
thần có giá trị. Chính các công trình xây dựng mang tính văn hóa và đạt tầm văn
hóa sẽ trở thành diện mạo của các thành phố, các trung tâm và của cả quốc gia. Với
nước ta, thật kỳ lạ, những công trình đại diện ấy lại phụ thuộc vào tính độc
đáo chứ không chỉ ở kích thước. Như nhớ về Thủ đô Hà Nội, người ta có thể nhớ
về Quảng trường Ba Đình lịch sử rộng lớn nhưng cũng có thể nhớ về Tháp Rùa Hồ
Gươm, Chùa Một Cột, Gác Khuê Văn, những công trình đúng là bé tí. Với TP HCM,
dù bây giờ có xây dựng nhiều công trình hiện đại, cao đẹp, đạt tầm văn hóa,
nhưng những người xa xứ nhớ về thành phố quê hương không thể không nhớ về hình
ảnh của Chợ Bến Thành, Chùa Vĩnh Nghiêm, Nhà thờ Đức Bà và Dinh Thống Nhất.
Như
vậy, để các công trình trở thành văn hóa, cái trước hết phải độc đáo và phải
đẹp, rồi mới nói đến chuyện to hay nhỏ, tùy theo tính chất sử dụng. Nếu to mà
đẹp thì quá tốt, ngược lại to mà xấu thì vất đi!
***
Hiện
dư luận đang ồn ào chuyện xây “Tượng đài Bác Hồ” ở Sơn La 1.400 tỷ. Phe “đểu”
thì lại được dịp công kích chế độ thối nát, khoa trương hình thức, không nghĩ
đến đời sống nhân dân lam lũ, bầy việc để dự toán kinh phí khủng chia nhau,
tham nhũng một cách hợp pháp; phe “dư luận viên”, “cờ đỏ” thì phản pháo, cho là
bọn xuyên tạc, 1.400 tỷ dùng làm nhiều công trình trong cả quần thể quảng
trường chứ đâu chỉ có làm Tượng đài Bác Hồ thôi…
Tôi vốn được bọn “đểu” cho không chỉ là “dư luận viên” mà
còn là “dư luận chúa” thì thấy thật e ngại trước cái tình trạng, thái độ người
Việt còn mãi chia phe “tao tốt, mày xấu”. Cái chúng ta cần nhận ra là sự thật
rồi đưa ra giải pháp phù hợp chứ không phải là việc chửi nhau. Còn với tôi, cái
gọi “đểu” chính là cái thái độ, ở chỗ, có những kẻ thường mong, thường mừng rú
lên khi đất nước có chuyện xấu, chúng bu vào, xuyên tạc thêm ra, bịa thêm ra,
chỉ muốn cái đất nước này tan nát, dân chúng lại khốn nạn thôi. Có điều không
phải tất cả những điều bọn chúng nói đều sai cả, có những chuyện chúng nói đúng
vì xã hội chúng ta đúng là còn nhiều cái yếu kém và tệ nạn thật. Nên các “đồng
chí” dư luận viên công kích tất cả là không khách quan, đối phương sẽ không
phục.
“Vụ Sơn La” rõ ràng là “có chuyện” nên Chính phủ mới “hỏi
thăm”, mà làm gì thì người ta cũng phải chuẩn bị lý lẽ sẵn để biện hộ. Tôi đồng
tình với ý nhiều người thấy, với vị trí, tầm vóc của Sơn La, cuộc sống của
người dân Sơn La hiện tại, mà bỏ ra số tiền lớn đến 1.400 tỷ để xây Quảng
trường là không phù hợp. Ví von không chuẩn lắm nhưng cũng có nét giống như chuyện
sửa soạn áo vest và áo dài cho người dân đi cuốc rẫy vậy. Một trong các tính
chất của văn hóa là sự phù hợp, đa phần dân đói lo cuốc rẫy kiếm miếng ăn thì lấy
đâu thời gian mà tụ tập ở quảng trường sinh hoạt văn hóa? Vì vậy, xây dựng một
quảng trường vừa tầm với tỉnh Sơn La mới đúng là văn hóa.
Văn
hóa là quý giá, mà cái gì hiếm mới quý. Sự lặp lại là cái tối kỵ đối với chuyện
sáng tác. Ngay chuyện thời trang của mấy cô, bây giờ “sao” nào mà mặc đồ nhái
là có đàm tiếu ngay thôi. Vậy có gì đó thật buồn cười nếu cả nước tỉnh nào cũng
có quảng trường, xây dựng với motif giống nhau, đều có hình Bác Hồ đứng, thậm
chí giơ tay giống nhau luôn:
Rồi một
số nơi cũng xây tượng đài các vị lãnh đạo khác, cũng lại đứng như Bác Hồ:
Riêng
về chuyện sáng tạo, trong đó có ngành điêu khắc, để làm ra các tác phẩm có giá
trị, muốn thành “văn”, các tác giả buộc phải có tài năng. Vì vậy những công
trình văn hóa được xây dựng theo kế hoạch nhưng lại sử dụng những tác phẩm
không đạt yêu cầu sẽ biến văn hóa thành phản văn hóa. Ta hãy xem hai công trình,
một của quốc gia, một của địa phương, xem chừng giống nhau ở chỗ cả hai đều
không đẹp:
Điêu
khắc khó nhất ở chỗ thể hiện sự mềm mại của vải. Ở trên, cả hai công trình tạo
lá cờ đều không đạt, cứng quèo, làm hai lá cờ trông như hai miếng thép cong
queo với hình dạng kỳ dị. Ta thử so sánh với các tác phẩm ở nước ngoài cũng có
tạc lá cờ sẽ thấy khác nhau một trời một vực. Như Ngọn lửa vĩnh cửu ở Maxcova:
Và tượng các chiến sĩ cầm cờ ở Saint Petersburg :
Các nếp gấp quần áo, nhất là
các tác phẩm tạc các thiếu nữ cũng chính là “đất dụng võ” để các điêu khắc gia
thể hiện tài năng của mình. Sau đây là tượng Juliet ở Verona (Ý), một biểu tượng của tình yêu bất
tử:
Tượng ở sân lâu đài nằm trong con hẻm nhỏ của gia
đình Juliet. Người
ta tin rằng nếu chạm tay vào ngực phải bức tượng sẽ có được tình yêu
vĩnh cửu và mắn đường con cái, nên vì thế, do thiên hạ “âu yếm” nhiều, ngực
phải của bức tượng luôn sáng hơn.
***
Vừa rồi ở Tam Kỳ, Quảng Nam, sau gần 7
năm thi công, Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng (với nguyên mẫu là mẹ Thứ) đã hoàn
thành và người ta hy vọng có thể trở thành tượng đài lớn nhất Đông Nam Á, với
kinh phí xây dựng lên đến 411 tỷ đồng. Nếu cần thì tôi cũng có thể tán là tuyệt
vời được. Bức tượng dựng theo phong cách hiện đại chứ không tả thực, đường nét
được tạo nên từ các mảng khối nên tạo ra được vẻ hoành tráng, vững chãi. Bà mẹ anh
hùng cùng các anh hùng liệt sĩ như hóa thân thành núi non, đất nước. Nhưng nếu cho
tôi nói cảm giác thật thì tôi thấy là xấu. Trung tâm bức tượng chính là tượng bà
mẹ lại có cùng cái “tông” nhấp nhô với hình nền nên không tách ra, nhìn thoáng thấy
(xin lỗi mẹ Thứ), bà mẹ anh hùng của chúng ta như một bà phù thủy đang dang
cánh bay:
(Tượng Mẹ Việt
Nam anh hùng, Tam Kỳ, Quảng Nam)
Có thể tác giả công trình trên học tập theo nhóm tượng
khổng lồ tạc những tổng thống Mỹ trên núi Rushmore ở Black Hills , Nam
Dakota. Phải mất 14 năm với sự góp sức của 400 công nhân để tạc nên những khuôn
mặt vào đá granite.
(Từ trái qua phải: George
Washington, Thomas Jefferson,
Abraham Lincoln và Theodore Roosevelt)
Cái khác giữa tác phẩm vĩ
đại của Mỹ với bức tượng ở Quảng Nam là gương mặt các tổng thống Mỹ
được tạc chính xác như đổ khuôn, nổi hẳn trên nền tự nhiên nguyên sơ của dãy
núi hùng vĩ, vì thế mà nó tuyệt đẹp!
Nước Mỹ cũng có một tượng đài phụ nữ
tuyệt đẹp, đó chính là Tượng Nữ thần Tự
do đặt trên Đảo Liberty tại cảng New York. Tác phẩm này do kiến trúc sư Frédéric Bartholdi thiết kế và được
khánh thành vào ngày 28 tháng 10 năm 1886, là quà tặng của nước
Pháp dành cho Mỹ:
Nước Mỹ thật kỳ lạ, tính thực dụng có cả ở trong
nghệ thuật làm tượng đài. Có những tượng đài thật đơn giản nhưng lại tuyệt đẹp.
Đó là Ðài Kỷ Niệm Washington
với tháp cao kiểu Ai Cập, đầu nhọn trông giống cái bút chì nên còn được gọi là
tháp bút chì:
Cạnh đó là Đài Tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam .
Nó cũng chỉ đơn giản là bức tường bằng đá đen hình chữ V, cũng tuyệt đẹp vì nó
phù hợp, trông như một bia mộ có khắc
tên của hơn 58.000 người lính Mỹ đã chết hoặc mất tích trong chiến tranh Việt Nam ,
mà cả khu đồi phía sau như là một nấm mộ vĩ đại:
Về
hình tượng Mẹ Tổ quốc, Liên Xô (cũ) cũng có hai tác phẩm vĩ đại và tuyệt đẹp:
Bức trên chính là tượng bà mẹ ở nghĩa trang Pikarevskoe, Saint
Petersburg, nơi chôn hơn 600.000 người chết trong Đại chiến Thế giới II, mà hồi
ở Leningrat (Saint Petersburg), tôi cũng đã đến tận nơi thăm viếng và tận mắt chiêm
ngưỡng bức tượng vĩ đại ấy. Còn bức dưới là bức tượng ở đồi Mamaev.
Saint Petersburg là một trong những thành phố đẹp
nhất thế giới, là thành phố duy nhất trên trái đất, năm 1990,
được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hoá thế giới. Ở đó có những
cung điện, giáo đường và các tượng đài tuyệt đẹp. Dưới đây là tượng đài Peter
Đại đế uy dũng, gần sông Nê-va, tôi cũng từng đến đây nhiều lần và có chụp ảnh
lưu niệm. Tiếc là hồi ấy máy ảnh, phim ảnh còn là của hiếm, chụp ít, lại để lạc
mất:
Chỉ
còn giữ được vài tấm mà thôi:
Leningrat cũng là quê hương
của thi hào Pushkin mà tôi cũng đã có diễm phúc tới thăm tận căn nhà của ông:
***
Như
vậy, so với nước người ta, những tượng đài và công trình văn hóa của mình thua
kém quá. Không phải do chúng ta không dám chi mà ngược lại, như dự toán xây Quảng
trường Sơn La đến cả 1.400 tỷ đồng kia mà, mà cái chính là do tài năng của các
tác giả Việt Nam và cả tầm văn hóa của các nhà quản lý văn hóa nữa. Mà đã là khả
năng thì không thể ép và cũng không cố được. Như mọi lĩnh vực khoa học công
nghệ, cả thể thao, chúng ta đều học và thuê chuyên gia nước ngoài, lĩnh vực văn
hóa chúng ta cũng kém thì sao không thuê như vậy?
“Chuyện
nhỏ” xây công trình văn hóa đã thế, hoặc như thể thao, chúng ta xây dựng một
đội bóng đá thắng đội Thái Lan thôi cũng đã quá khó rồi! Vậy xây dựng một nền
kinh tế, và rộng hơn là cả sự nghiệp xây dựng CNXH sẽ khó khăn biết bao nhiêu.
Tất cả phụ thuộc vào trình độ ở tất cả các lĩnh vực, kể cả quản trị xã hội và
trình độ lãnh đạo. Mà trình độ lại do nền giáo dục mà có nhưng ngành giáo dục
của ta vẫn còn quẩn quanh, đổi mới quá nhiều kết quả lại quá ít. Có chuyện đổi
mới chưa thực hiện đã thấy không có lý rồi. Dường như có chuyện chạy theo nước
ngoài mà không tính đến có phù hợp với ta hay không. Như chuyện nâng cao “dân
chủ” cho học sinh có phụ huynh đã phản ánh, con họ kèm cặp còn chưa ăn thua,
giờ cho tự chủ học lại càng kém hơn! Còn chuyện thi chung tốt nghiệp và tuyển
vào đại học, không ngờ các GS hàng đầu như Đào Trọng Thi, Nguyễn Lân Dũng, Ngô
Bảo Châu, Văn Như Cương… đều không đồng tình. Cái cần phân hóa là thi vào đại
học thì không chú trọng mà lại chú trọng chuyện thi tốt nghiệp phổ thông nên đã gộp chung vào; GS Đào
Trọng Thi mới đây nói: “Tốt nghiệp đều gần 100% thì thi làm gì?”
7-8-2015
ĐÔNG LA