ĐÔNG LA
ĐẠI TÁ NHÀ VĂN HỒNG DIỆU:
“THƠ CHÚ MÀY BẤT TỬ RỒI”
Một hôm, cách đây vài tháng, Đại tá Nhà văn
Hồng Diệu gọi điện thoại, đã nói với tôi như thế. Số là anh đã biên soạn một
cuốn từ điển về thơ Đường, có lấy thơ tôi làm thí dụ. Tôi bảo:
-Anh
ơi, bây giờ người ta ghét thằng Tàu lắm, sao anh mất công làm thế?
-Mình
ghét tư tưởng bá quyền, lấn đất, lấn biển chứ đâu có ghét văn hóa Trung Quốc,
những cái đã thành tinh hoa của nhân loại. Cũng như hồi đánh nhau với Mỹ, mình
làm sao có thể ghét khoa học kỹ thuật của Mỹ, không lẽ những phát minh của Mỹ
thì không học sao?
-Anh
nói đúng quá nhưng với tư tưởng cực đoan thì người ta không nghĩ được như vậy đâu.
Anh Hồng Diệu là một nhà phê bình, nguyên
là trưởng Ban Lý luận Phê bình Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nếu trong cuộc đời
mỗi người có những cuộc gặp gỡ như duyên định để
rồi để lại trong ta những kỷ niệm không quên thì cuộc gặp giữa tôi và anh Hồng
Diệu chính là như thế. Năm 1997, ông Đỗ Minh Tuấn đưa ra quan điểm, như trả lời
của ông về sau: “Ví dụ như về thơ cách
mạng, sau bài tôi viết về thơ Trần Đăng Khoa, gọi đây là văn học dây dẫn với ý
nói rằng khi dòng điện văn hoá thời chiến mất đi thì thơ ca ấy còn trơ lại như
dây dẫn không có điện”(vietbao.vn, 17 - 3 -
2006). Ngoài sáng tác, Đỗ Minh Tuấn hình như có thời làm nghiên cứu ở Viện triết
nên đã đưa ra những khái niệm làm “hoa mắt” giới sáng tác hồi ấy, như “vô định luận”, “nguyên lý bất định”, “vô
thức”, v.v…, mấy “bố” ở Văn nghệ QĐ “cay lắm” nhưng không biết phản pháo ra
sao. Thấy vậy tôi mới “ra tay” viết phản biện, không chỉ về bài viết mà về cả
cuốn “Ngày văn học lên ngôi” của Đỗ
Minh Tuấn. Đúng là thời thế tạo anh hùng, bài tôi lập tức được đăng, người biên
tập chính là Đại tá Trưởng ban Lý luận Phê bình Hồng Diệu. Mối thân tình giữa
tôi và anh cũng bắt đầu từ đấy. Bài của tôi khi xuất hiện đã làm rung rinh cả
giới văn chương Bắc Hà vốn khụng khiệng. Tôi đến TC Văn nghệ QĐ, ông Anh Ngọc
bảo đang ăn cơm đọc “hay quá rơi cả đũa”,
Nhà văn Nam Hà ôm chầm lấy tôi: “Đông La
đây à”, và năm đó bài viết đó cũng đã được tặng thưởng hàng năm về phê bình của Tạp
chí.
(Anh Hồng Diệu)
Anh Hồng Diệu cũng là người thúc giục tôi làm đơn xin vào Hội Nhà Văn VN nhiều nhất. Anh cũng thân
với cả ông Tố Hữu nên có lần đã mang bài của tôi cho ông ấy coi và nói “ông ấy thích lắm!” Mỗi khi tôi trễ nải
chuyện viết lách, anh cũng nói “chú không
viết là phí lắm đấy”, anh nói tôi là của hiếm vì viết được tất cả các lĩnh
vực. Vì thế, anh đã chọn thơ tôi khi biên soạn và bảo, thơ vào từ điển là “bất tử” rồi! Đó chính là cuốn từ điển
dầy cộp này đây:
Bài thơ của tôi anh chọn là bài “Cô đơn”. Cái bài có 4 câu nhưng nó cũng có số mệnh của nó. Số là
tôi làm một bài thơ, thấy không được, tôi đã vo tròn vất vào thùng giấy. Không
ngờ con bé nhà tôi còn nhỏ xíu, mới biết đọc, nó ghé tai tôi:
-Ba ơi ba, “Anh như
con thuyền lênh đênh sóng nước/ Nghiêng bên nào cũng chạm phải cô đơn”.
Tôi giật mình, ngạc nhiên cả về thơ mình lẫn cô con gái nhỏ
của mình. Bài thơ thì dở nhưng hai câu tách riêng ra sao lại hay đến thế, trên
thế giới đã có biết bao nhà thơ viết về nỗi cô đơn, nhưng đã có ai thể hiện
bằng những hình ảnh như thế? Mà sao con bé còn nhỏ xíu, cả bài thơ dài, nó lại
chỉ ấn tượng với hai câu đó thôi?
(Mới hồi nào còn nhỏ)
(Giờ đã là cô dâu như
thế này đây)
Thế rồi một dịp Tết đến, tôi rất ít viết bài dịp Tết vì
người ta thường chia phần cho nhau hết cả, mà tôi thì không thích chen nhau.
Nhưng không hiểu sao Tết đó tôi lại được một báo mời. Tôi nhớ đến hai câu trên,
mà vất đi cũng phí, nên tôi đã làm ngược lên hai câu đầu, thành bài bốn câu để có
thể gởi đăng báo Tết được:
CÔ ĐƠN
Ngày đầu năm
chợt thấy rỗng không
Em
bỏ đi đâu trong ba ngày Tết
Anh
như con thuyền lênh đênh sóng nước
Nghiêng
bên nào cũng chạm phải cô đơn.
1995
Đúng là “sáng tác” vì sự thực không có thế, dù tôi và “em” cũng
cãi nhau không ít. Trong cuốn biên khảo của “ông anh” Đại tá, bài thơ được in ở
trang 912 trong mục từ “Thuyền”, như thế này đây:
4-8-2015
ĐÔNG LA