VÀI TÂM TƯ CỦA NHÀ VĂN ĐÔNG LA TRƯỚC THỀM NĂM MỚI
Theo nghĩa thực dụng, chuyện viết lách của tôi chẳng để làm gì nhưng lại làm tôi hao tâm, tổn trí, mất thời gian không ít. Nhưng tôi lại không thể không viết. Theo tâm linh phương Đông có thể là do “cái số”, còn nói một cách văn vẻ thì theo Paux-tov-xki, trong cuốn Bông hồng vàng, ông đã viết:
“Nghề văn không phải là một nghề thủ công và cũng không phải là một thứ công việc. Nghề văn là sứ mệnh… Từ "sứ mệnh" có chung một gốc với từ "tiếng gọi". Không ai hô hào con người đi làm chuyện vặt. Người ta chỉ kêu gọi con người làm tròn bổn phận và thực hiện những nhiệm vụ khó khăn. Vậy thì cái gì thôi thúc nhà văn đến với cái lao động tuyệt mỹ nhưng đôi khi cay cực kia? Trước tiên là tiếng gọi của trái tim. Tiếng gọi của lương tâm và lòng tin ở tương lai không cho phép nhà văn đích thực sống trên trái đất như một bông hoa điếc và không truyền đạt hết mình cho đồng loại tất cả cái phong phú của tư tưởng và tình cảm đang tràn ngập chính tâm hồn nhà văn”.
***
Những năm vừa qua, Đất nước chúng ta đã đạt được những thành tựu quý giá: kinh tế tăng trưởng cao; xã hội ổn định. Nhưng nhìn sâu vào bản chất tăng trưởng và sự ổn định, chúng ta vẫn phải e ngại khi thấy sự phát triển đó còn nhiều yếu kém.
Tin tức nóng nhất vừa qua chính là: “Trong cuộc họp bất thường ngày 30-12, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét và cho ý kiến về công tác cán bộ, trong đó thống nhất để ông Phạm Bình Minh thôi giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng; ông Vũ Đức Đam thôi giữ chức vụ Ủy viên Trung ương Đảng”. Như vậy, sự sai phạm của đảng viên cán bộ cao cấp không còn là cá biệt mà là cả chùm, cả chuỗi, thể hiện công tác cán bộ yếu kém của thể chế không phải cục bộ, nhất thời mà đã có tính hệ thống. Vì lĩnh vực chính trị là đầu tầu yếu kém tất sẽ kéo theo tất cả các lĩnh vực sai phạm. Như về lĩnh vực lịch sử, đầu têu là Phan Huy Lê, đã và đang có khuynh hướng lật sử, khiến cho chính-tà lẫn lộn, thiện- ác bất minh; với lĩnh vực văn chương còn tệ hơn. Theo tố cáo, Nguyễn Quang Thiều bỏ sinh hoạt đảng, duyệt in sách độc hại, có nhiều quan điểm trong sáng tác và thẩm định văn chương phản chân-thiện-mỹ, nhưng lại được trúng cử với số phiếu rất cao làm Chủ tịch Hội Nhà Văn VN. Nguyễn Đăng Điệp bất tài, dốt nát, thất đức lại leo lên được tới chức Viện trưởng Viện Văn học VN, còn được Nguyễn Quang Thiều chọn làm Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình thuộc HNV VN; vừa rồi khi Nguyễn Đăng Điệp luồn lách được Giải thưởng Nhà nước lại lộ thêm bản chất lưu manh, đã khiến dư luận nổi giận bởi Điệp đã đạo văn. Tôi đều đã lên tiếng, nhiều độc giả bức xúc, thấy tôi viết hay và đúng thế sao “trên” không giải quyết? Tôi hơi buồn cười ở chỗ, “trên” cụ thể phụ trách ở các lĩnh vực tôi viết chính là ông PTT Vũ Đức Đam, đồng hương Thanh Miện Hải Dương của tôi; ổng đang lo giữ ghế không xong thì còn tâm trí đâu mà “giải quyết”!
***
Trong một bài tôi đã viết: “Thời chiến tranh, trước vấn đề còn mất, sống chết, tất cả mọi mặt của cuộc sống đều trở thành nhỏ bé, người ta rất dễ quên mình vì nghĩa lớn, nhiều lãnh tụ có phẩm chất thánh nhân, nhiều chiến sĩ có phẩm chất anh hùng là điều hoàn toàn có thực. Cuộc sống trong hòa bình ngược lại. Trước cái chết con người mạnh mẽ bao nhiêu thì trước sức mạnh vật chất, danh vọng con người lại yếu đuối bấy nhiêu! Ranh giới giữa những việc làm chính đáng và bất chính vô cùng mong manh. Có lẽ lại phải đọc lại Mác thôi, con người ta vật chất không đầy đủ thì ý thức sao tốt được. Vậy phải có biện pháp sao đó để biến tất cả những đồng tiền “đen” thành đồng lương chân chính, phân chia theo đúng nguyên lý “không sợ hàng thiếu chỉ sợ phân phối không công bằng”. Như thế đồng lương sẽ có thể đủ cho mọi người yên tâm làm tốt những trách nhiệm. Phải xây dựng thiết chế xã hội dựa trên cái phần yếu kém, tham lam, xấu xa của con người để ngăn chặn; phải thấy ai cũng vì mình trước mới vì mọi người; quan chức phải có đặc quyền đặc lợi gắn liền với trọng trách. Cần phải phân biệt đạo đức xã hội khác với đạo đức trong đạo giáo và sách luân lý, cán bộ đảng viên không cần phải là thánh nhân mà chỉ đơn giản là làm tròn trách nhiệm và giữ được phẩm chất, thực thi đúng pháp luật. Với một cơ chế hợp lý, bộ khung pháp luật công minh và nghiêm minh, đất nước sẽ đủ sức băng qua mọi phong ba bão táp của cuộc sống, tiến thẳng đến đích “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; ngược lại điều đó mãi mãi chỉ là cái khẩu hiệu suông mà thôi!”
***
Sự phân hóa giàu nghèo ở ta cũng ngày càng mạnh mà những đại gia giàu lên không phải chủ yếu do tài năng mà do luồn lách, kể cả việc kinh doanh quyền lực. Vụ Việt Á và “Chuyến bay giải cứu” là hai thí dụ điển hình và sống động nhất. Ở những nước tư bản, người ta trở thành tư bản do mồ hôi, tâm sức và tài năng, như Ford, Bill Gates… còn ở ta nhiều người chỉ cần thế và lực; nhiều quan chức không chỉ thiết lập vương triều tại cơ quan mà còn lập ra những công ty gia đình. Dựa vào quyền thế, người ta dễ dàng có vốn và có cửa đầu tư vào những lĩnh vực béo bở nhất. Chúng ta thật e ngại khi có thực trạng đất đai và nền kinh tế bị xẻ ra như những miếng bánh bỏ vào túi riêng. Sự định giá tài sản công rẻ mạt để chia nhau cổ phần, nhưng người lao động được rất ít và cũng không ít người lại không tiền mua. Thị trường chứng khoán là phát minh của nhân loại, nhằm huy động nguồn lực toàn dân, biến mọi người thành chủ, nhưng vốn huy động phải biến thành công việc và hàng hóa. Còn ở ta, thị trường chứng khoán cũng trở thành công cụ, giúp người có chức trách bắt tay doanh nghiệp làm giàu bất chính. Vừa qua nhiều quan chức ngành chứng khoán bị kỷ luật, rồi Trịnh Văn Quyết - chủ tịch Tập đoàn FLC, bị bắt vì thao túng thị trường chứng khoán cũng là những thí dụ sống động và điển hình.
Việc đổi mới trong lĩnh vực kinh tế giúp tự do làm ăn nới thêm một nấc, điều này khiến cho nền kinh tế sẽ giống như chuyện cỗ xe chạy nhanh hơn thì đòi hỏi các biện pháp an toàn cần phải cao hơn. Cụ thể là các công việc thuộc về các ngành thanh tra, kiểm sát, tòa án cần phải hoạt động công minh, nghiêm minh hơn. Tiếc là chúng ta làm không tốt điều này khiến hôm nay quan chức tham nhũng, doanh nhân hối lộ lũ lượt vào tù.
***
Ông Nguyễn Trung, nguyên là trợ lý của TT Võ Văn Kiệt, từng cho là những tệ nạn của đất nước là do tình trạng “Đảng hóa”, một cách gọi khác mà theo những lực lượng chống chế độ ở VN thì gọi là “toàn trị”. Viết vậy, ông đã sai, mà theo tôi chính xác hơn là đã có một “sự phân hóa trong Đảng”. Chính TBT Nguyễn Phú Trọng cũng đã nói ý là: “đã có phân hoá giàu nghèo trong Đảng”. Trong quá trình phân hóa đó đã tạo ra những nhóm tha hóa, nhất là những người trong các lĩnh vực liên quan đến vật chất, tiền bạc, đã tạo nên tầng lớp mà dư luận gọi là “tư bản đỏ”.
Nước ta còn yếu kém mọi mặt, kể cả trình độ chính trị, nghĩa là cái cơ chế đang vận hành, quản trị xã hội còn nhiều yếu kém, nên Đảng không thể “toàn trị” được. Chính vậy mới có tình trạng như ông Trương Tấn Sang nói: “Đụng đâu vướng đó”. Việc tăng quyền tự chủ cho các lĩnh vực kinh tế nhưng lại thiếu các biện pháp giám sát, vô hình chung đã tạo ra những vương quốc nằm ngoài sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy cần phải nhận ra những khiếm khuyết, sai trái để bổ sung, sửa chữa, để Đảng thực hiện được sứ mệnh cao cả, đưa đất nước đến dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Điều này dễ hơn, thực tế hơn, và hiệu quả hơn việc nhiều cán bộ đảng viên hưu rồi, “hết phấn đấu”, đòi thực hiện đa đảng, thay Hiến Pháp, chẳng khác gì giết Đảng của mình, chắc chắn sẽ đưa nước ta đến chỗ xáo trộn, bần hàn, như tấm gương tày liếp: các nước thuộc LX sau tan vỡ, đã hơn 30 năm rồi mà Nga và Ukraina còn đang đánh nhau!
3-1-2023
ĐÔNG LA