ĐÔNG LA
BÀN THÊM VỀ THƠ SIÊU THỰC
(Đông La hồi viết bài này)
Hôm nay,
sau hơn 3 năm lập trang blog này, số lượt khách truy cập đã đạt con số
1.000.000.
Tôi biết có những trang số lượt truy cập gấp hàng chục,
hàng trăm cái số trên, nhưng cần phải biết đó là những trang đưa tin, có chủ
trang còn chủ ý “câu viu” bằng những tin giật gân; hoặc có những trang chống
đối đưa tin có tính “gãi đúng chỗ ngứa”, kích thích dân chúng vào đọc để gây
rối, làm loạn. Một thời trên facebook có trang của cô gái nhảy Sa Nhi, vô coi
thấy cô chỉ viết: “Các bạn đã ngủ chưa?”
là đã có mấy ngàn cái “like” rồi.
Nên số lượng người đọc, người “like”
là quan trọng, nhưng còn quan trọng hơn, “những
người đó là ai?”!
Trang của
tôi là trang cá nhân, tôi tự viết đến 99,9%. Tôi không viết tin tức mà viết về
các vấn đề phức tạp, bao quát hầu hết các lĩnh vực tri thức và đời sống.
Trong đó tôi phản biện, phản bác và cả phê phán nhiều nhân vật danh tiếng
hàng đầu. Điều này không dễ bởi anh muốn phê phán đúng người ta thì anh phải
giỏi hơn người ta, còn nói bừa rất dễ bị người ta “đập cho vỡ mặt”, thậm chí bị kiện rũ tù nữa! Tôi còn nhớ, có lần
mua tập thơ của Brodsky, nhà thơ gốc Nga được giải Nobel, thấy lượng in có
200 cuốn thôi, nhưng sau đó tôi còn thấy nó nằm rất lâu trên giá của hiệu
sách nữa. Vậy một cái trang “rắc rối” như của tôi, nhiều bài người có trình độ hiểu sẽ thích thú, còn không sẽ thấy dài dòng, mà lại có được 1.000.000 lượt truy
cập, có thể coi như là một chiến công, một hiện tượng lạ rồi!
Nhưng tại
sao tôi lại làm được cái việc mà có dư luận cho là phải có cả một “tập đoàn”? Bản thân tôi thỉnh thoảng
đọc lại những bài viết cũ cũng ngạc nhiên về chính mình. Có bạn hỏi: “Anh viết về những vấn đề rắc rối như thế
thì có bị đau đầu không?”. Tôi hoàn toàn bình thường, nếu có mệt thì cũng
mệt y như làm tất cả các việc khác thôi. Còn hôm nay tôi đã nghiệm ra, cái kích thích tôi để tôi biết nhiều thứ chính là sự tò mò. Như hồi học phổ thông, tôi
không thích học văn, nhưng lại tò mò hỏi: “Tại sao ông Tố Hữu lại đặt
tên tập thơ là “Gió lộng”?”. Tôi tìm hiểu thì thấy trong tập thơ có những
bài có hai chữ “gió lộng”. Như bài
Mẹ Tơm, và vì tò mò như thế, tôi lại nhận ra được trong bài này có những câu
thơ hay:
“Ôi bóng người xưa, đã khuất rồi
Tròn đôi nắm đất trắng chân đồi.
Sống trong cát, chết vùi trong cát
Những trái tim như ngọc sáng ngời!”
Nhớ lại,
tôi viết bài lý luận phê bình văn học đầu tiên chính là do hai ông Trần Mạnh Hảo
và Đỗ Minh Tuấn “cãi nhau” về hai chữ “siêu thực”. Cũng vì tò mò tôi đã đi
tìm hiểu cái khái niệm đó nên đã viết. Tiếp theo, tôi lần lượt tìm hiểu những
khái niệm khác nữa, như “lý tính” của Kant, “hiện tượng học” của Husserl, Chủ
nghĩa Hiện đại, Hậu hiện đại; rồi các phát minh mới của khoa học; các hiện
tượng lạ của thế giới tâm linh; v.v…; cứ thế, hình thành nên chân dung nhận
thức, tư tưởng của tôi.
Hôm nay,
chào mừng sự kiện 1 triệu lượt người ghé thăm trang Đông La blog, tôi đăng lại
một trong những bài phê bình lý luận đầu tiên của tôi về Chủ nghĩa Siêu thực,
những bài mà đến ông GS Trần Đình Sử, chuyên viết về thi pháp cũng phải sưu
tập, có bài ông bị mất còn điện thoại xin tôi gởi cho ông.
3-8-2015
ĐÔNG LA
|
Gần đây tôi có đăng bài “Biên độ của trí
tưởng” tham gia diễn đàn thảo luận về thơ Trẻ của báo Văn Nghệ Trẻ. Sau đó
có vài người phê phán tôi hiểu sai về thơ siêu thực. Tôi muốn viết thêm
đôi điều.
Thực tế, trên diễn đàn văn chương đã
có khá nhiều người viết hoặc nhắc tới thơ siêu thực. Nhưng hiểu về nó
không phải đã nhất quán. Riêng anh Trần Mạnh Hảo cũng đã dấy lên những cuộc
tranh luận: “thơ muốn siêu trước hết phải thực đã, đi tới tận cùng cái thực
sẽ đạt được cái siêu”. Hàn Vũ Hùng phản đối: “Nếu tôn trọng cái logic
của sự thực thì siêu thực thế quái nào được”; anh Đỗ Minh Tuấn cũng tham
gia: “Chúng tôi chỉ muốn trao đổi vắn tắt với nhà thơ Trần Mạnh Hảo rằng,
không nên quan niệm “muốn siêu thực, thơ phải đi tới tận cùng, tới đầu mút của
hiện thực cái đã”. Chủ nghĩa Siêu thực và chủ nghĩa Hiện thực là hai phương
pháp sáng tác xây dựng trên những nền tảng triết học và mỹ học hoàn toàn khác
nhau... không nên nghĩ rằng muốn bay như chim phải bò thật giỏi như bò sát đã”.
Riêng tôi cũng đã có viết một số bài có đôi nét nói đến thơ siêu thực.
Với tôi, sự quy kết đúng sai của người
này người nọ khi chưa hiểu thấu đáo những ý tưởng của mình, tôi không bận tâm
lắm; mà sự hiểu biết lơ mơ, mỗi người một kiểu về những tri thức có tính nền
tảng, khiến tôi thực sự e ngại. Bởi chỉ có thể định giá đúng khi dựa trên một
nền tảng tri thức sâu rộng và đúng đắn. Và, chỉ có định giá đúng mới thúc đẩy
được sự phát triển mà thôi.
Vì vậy, tôi buộc lòng phải viết lại
đôi điều về chủ nghĩa Siêu thực
và cũng để xem lại một số ý kiến đã phê phán tôi.
Trước hết, tại sao có sự hiểu biết
khác nhau về thơ siêu thực khi người
ta đã bàn nhiều về nó? Người thì cho siêu thực nghĩa là cái gì đó cao
siêu, người thì cho là những gì hư ảo, ma quái… Có lẽ bởi chính nó là một vấn đề
trừu tượng và phức tạp. Ta đã có những giáo trình, nhưng hình như mới chỉ dừng
lại ở mức độ liệt kê có tính văn học sử trong dòng văn chương suy đồi.
Người ta bàn luận, tranh luận về nó nhiều, nhưng hình như ở ta chưa có bài phê
bình thơ siêu thực thuần tuý nào,
ngay cả về thơ của những người sáng lập ra trường phái này, để có thể chỉ ra
những đặc tính siêu thực và bình giá chúng. Chế Lan Viên viết về Hàn Mặc
Tử có nhắc tới, nhưng cũng mới chỉ nói phớt qua về “yếu tố siêu thực”. Nói
chung, người biết thì nhiều, nhưng người hiểu được tường tận thường ít. Ngay
như khái niệm “chủ nghĩa lãng mạn”, theo Trần Đình Sử, cũng có tới 28
cách hiểu!
Chữ suréalisme (chủ nghĩa siêu thực) do G.Apollinaire đề
xuất năm 1917 cũng có tính quy ước, bởi trước đó ông đã đề nghị chữ surnaturalisme, nhưng không dùng vì chữ này các nhà triết học đã
dùng rồi. Cơ sở lý luận của chủ nghĩa Siêu thực,
như đã nói nhiều, được xây dựng trên một nền tảng có “thế chân vạc” dựa trên những phát hiện kỳ lạ: Phân tâm học của S.Freud; thuyết trực giác của H.Bergson;
thuyết tương đối của A.Einstein. Đầu thế kỷ, Freud đã phát minh ra vô thức, một tầng tâm lý chìm sâu chi phối mọi chuyện mà ý thức con người
không nhận biết được; một trong những biểu hiện của nó chính là những giấc mơ.
Thuyết Trực
giác coi việc nhận thức bằng trực
giác để đối lập với nhận thức lý tính, tư duy logic. Những điều này đã
khiến Breton
cho rằng, thơ ca đích thực chính là sản phẩm của quá trình tâm lý này, đó chính
là những hình ảnh giống như trong mơ, xuất hiện một cách tự động, ngẫu nhiên,
phi logic, không qua sự kiểm soát của lý
trí. Sau đó các nhà cách mạng siêu thực còn tìm thấy
ở những cuộc cách mạng lớn của khoa học
xảy ra đồng thời một cơ sở khoa học cho quan điểm nghệ thuật của mình. Khi Einstein chứng minh được rằng, khả năng nhận thức thế giới
của các giác quan con người vô cùng hạn hẹp và đầy định kiến sai lầm, tất cả
không có gì là tuyệt đối như chúng ta vẫn tưởng; mà cả không gian, thời gian,
kích thước mọi vật thể đều bị biến đổi theo chuyển động và không gian quanh các thiên thể đều bị uốn cong, ông
từng viết: “Bản
chất của cái thế giới đích thực không phải như ta tưởng”. Thêm nữa Cơ học lượng tử cũng cho thấy rằng, sự chuyển động của các hạt vi mô cấu tạo nên muôn
loài muôn vật của thế giới chúng ta lại là quá trình có tính bất định. Vì thế,
các nhà siêu
thực cho rằng: Định luật ngẫu nhiên mới
chính là định luật bao trùm mọi định luật.
Câu thơ của Lautréamont được coi là một trong tính chất chủ yếu của chủ
nghĩa Siêu
thực: Đẹp như một cuộc gặp gỡ tình
cờ của một cái máy may với một cây dù trên bàn mổ.
Từ những cơ sở
lý luận đó, nhiều tác phẩm kỳ dị của chủ nghĩa Siêu thực ra đời. Dali
vẽ những hình ảnh không có trong tự
nhiên. Delvaux vẽ những cô gái chân là gốc cây, Magritte vẽ con cá mà thân dưới
là người đàn bà…
Tranh của Rafal Olbinski
Tương tự, Breton làm những bài thơ với những hình ảnh
không hề có trong đời thực. Bài “Tự do kết hợp” (L’Union libre)
như một tuyên ngôn bằng thơ về thơ siêu thực của ông, trong
đó ta thấy rất rõ tính gán ghép kỳ lạ, sự liên tưởng đa chiều và tất nhiên là không
thể có trong đời thực. Ông tả cái
lưỡi: vừa bằng hổ phách và
thủy tinh, lại cũng có thể bằng bánh thánh. Hình dáng người
đàn bà: vừa như đồng hồ cát, lại cũng như con rái cá ...
Vợ tôi có mớ tóc của lửa gỗ...
Có vóc hình của đồng hồ cát
...có vóc hình con rái cá trong hàm răng con
hổ.
(Tự do kết hợp,
Quỳnh Thư Hiên dịch)
Nếu trong Tự do kết hợp của A.Breton giàu tính
gán ghép kỳ lạ thì trong Tận thế (La fin du monde) của P.Éluard lại có sự cụ
thể hóa những cái trừu tượng. Ông đã nhân cách hóa ngày tận thế, gọi là nó (elle) :
Những con mắt
thâm quầng theo cách của
những
lâu đài hoang tàn
Một con đường
ngầm sâu và cái nhìn mới
đây của nó
Qua một tiết
trời hoan lạc của mùa xuân
Khi những
bông hoa điểm trang mặt đất
Sự từ bỏ tất cả này.
Tận thế (Quỳnh Thư
Hiên dịch).
Ở đây có một chuyện thú vị về chuyện dịch, nó liên
quan đến chuyện khó hiểu của thơ, mà cũng không ít người coi sự khó hiểu là một tính chất cao siêu. Tôi
thì không quan niệm đơn giản như vậy. Ta không nên lầm lẫn giữa hai điều khó
hiểu: một do chính sự cao siêu (thí dụ
như những tri thức cao cấp, những tư tưởng trừu tượng, cao sâu, độc
đáo...), còn một chỉ do sự “tung hỏa mù”. Tôi tin là, không thể chỉ bằng
những thao tác ngôn ngữ lập dị mà có thể biến được một điều bình thường thành
điều cao siêu. Đoạn thơ trên có câu thứ hai dịch không sát nghĩa khiến
cho cả đoạn hoàn toàn khó hiểu: “Une
bure de ravins entre elle et son dernier regard: Một con đường ngầm sâu và cái nhìn mới đây của nó”. Câu dịch
đã lược bỏ những yếu tố chính nên đã
biến nó thành một sự liệt kê bâng quơ
đơn giản và vô nghĩa, không nói lên cái gì cả : Con đường ngầm và cái
nhìn mới đây. Thực chất ý của tác giả muốn nói con đường ngầm sâu ấy đã ngăn giữa ngày Tận thế
với cái nhìn sau cùng của nó.
Ngày tận thế, với con mắt của lâu đài hoang tàn, với cái nhìn
sau cùng, qua một vực thẳm cách ngăn, về phía mùa xuân, về hoa...
Như vậy, ta thấy ý tưởng của P.Éluard
cũng được thiết kế khá mạch lạc... Phải chăng, sự khó hiểu của
thơ siêu thực nói riêng, thơ dịch nói chung, một phần là do chính cái sự
dịch?
Trở lại bài viết Biên độ của trí
tưởng, tôi đã nhấn mạnh rằng, tôi “không viết về toàn bộ thơ trẻ, không
định giá thơ trẻ, mà chỉ nói đến đôi điều khác biệt rõ nét nhất”, nhưng
cũng là “cái khác có tính biện chứng, trong khác có giống, trong giống có
khác”. Sự khác biệt tôi đã đưa ra
là: sự thiết kế ý tưởng và tính siêu thực cao hơn (so với thơ
giai đoạn trước). Có tác giả phê là: “...Hai đặc tính... có vẻ hấp dẫn
đấy, nhưng khi anh đưa ra dẫn chứng thì chính dẫn chứng đã phản
anh”. Thực tế bài viết của tôi có nhiều dẫn chứng hơn nên rõ ràng hơn, chặt
chẽ hơn. Nhưng anh Nguyễn Quang Thiều bảo phải cắt đi, vì anh ấy làm biên tập
mà tôi lại trích dẫn thơ anh ấy thì kỳ quá. Bàn luận những vấn đề có tính học
thuật nghiêm túc, khó khăn, mà bị câu nệ vào điều này điều nọ thì thật khó cho
người viết, vì sự khác biệt rõ nét trong sáng tạo không nhiều. Tôi đã dẫn bài Bầy
chó của tôi của Nguyễn Quang Thiều
và bài Tấm thảm của tôi. Nguyễn Quang Thiều dựng lên đàn chó cắn xé
tranh giành nhau là nói về sự đấu tranh sinh tồn. Tôi vẽ lên một tấm
thảm là nói về những buồn vui của cuộc đời. Tôi nói sự thiết kế ý
tưởng qua cách dựng các hình ảnh tượng trưng là như thế. Nói cụ thể
về một điều gì đấy, ta chỉ nói được một ý ấy, nhưng nếu nói một cách tượng
trưng một điều gì, ý tưởng sẽ được mở ra nhiều chiều. Tất nhiên, làm một
bài thơ ai cũng có ý, có tứ, nhưng ý tứ
trong rất nhiều bài thơ thường được diễn giải, bộc bạch theo mạch cảm xúc một
cách trực tiếp, được trải theo vần điệu, nhiều khi bị chính những vần điệu
khống chế một cách khiên cưỡng. Sự Việt
hóa thơ dịch, mà nhiều dịch giả thường cho là dịch thơ, cũng thường
mắc phải lầm lỗi này, nó đã vô tình tầm
thường hóa các nguyên tác. Tôi từng rất ngạc nhiên khi không tài nào thích được
thơ của những nhà thơ lớn mà cả thế giới ngưỡng mộ. Nhưng đến khi được đọc bản
dịch nghĩa chứ không phải bản dịch thơ thì ngược lại. Thì ra cái sự dịch thơ
kia đã vo tròn, cắt gọt hết phong cách ngôn ngữ, cách biểu đạt ý tưởng của nhà
thơ. Thật tai hại khi đến giờ mà vẫn còn rất nhiều người cho rằng, tính
thơ chính là tính vần điệu, êm êm, đều đều ấy. Thơ đích thực, nhất là
thơ hiện đại, không phụ thuộc vào những hình thức sơ khai ấy. Thời đại ngày
nay, khi ta sống trong một nền văn minh cao hơn, tiếp cận những thành tựu tri
thức cao hơn, thơ ca cũng phải có những thuộc tính cao hơn. Cuộc đời đầy hạnh
phúc êm đềm, nhưng để đạt được cái êm đềm, người ta thường phải vượt qua những
bão tố. Thơ ca chính là những khoảnh khắc tâm trạng, giai điệu của nó không thể
chỉ là êm êm, trong khi cuộc đời sinh ra nó lại đầy sôi động. Nó phải như những
ngọn roi đầy ấn tượng quất vào sự bình thản, vào sự thờ ơ của con người. Sự thiết
kế mà tôi đã nêu trong thơ Trẻ chính là sự thiết kế những ấn
tượng ấy, nó chính là sự “mã hoá” cảm xúc của thơ ca. Trong đó có tăng
cường “tính lãnh đạm thẩm mỹ, có sự “giao nhiệm vụ”cho từng hình
ảnh, từng đối tượng của thơ. Như thế, những tầng ý tưởng sẽ được gợi mở chứ
không bầy sẵn lồ lộ. Như vậy, một người không cần thông minh lắm cũng nhận ra
được những phần khác biệt mà tôi đã phân tích. Mà trong bài viết, tôi cũng chỉ
nói những điều tôi đưa ra là khác, chứ
không hề bảo là cao siêu hơn, hay bảo thơ trước là không hay
đâu! Có tác giả đã hiểu
sai cách nói mềm dẻo của tôi, biến những ý nghĩa tương đối thành tuyệt đối, nên
có những câu phê phán không đúng như: “Những gì khác với thơ trẻ anh bảo là
thơ vịnh”...
Về tính siêu thực của ngôn ngữ
thơ Trẻ, hay dở còn phải bàn, nhưng sự hiện diện của nó đã là hiển nhiên. Nhưng
tác giả nói tôi “đề cao thơ siêu thực” thì không phải. Ngay từ đầu bài viết tôi đã nói đến sự cực đoan
của nó. Tôi cũng còn hiểu, chủ nghĩa Siêu thực chủ trương đứng ngoài
thiên kiến thẩm mỹ và đạo đức, “Đẹp là gì? Xấu là gì? Vĩ đại, hùng mạnh,
yếu đuối là thế nào? Không biết! Không biết! Không biết!” (R.Đê-xê-nhơ, dẫn
theo Phương Lựu, Cơ sở lý luận văn học). Tôi không tán dương điều này.
Trong vài bài viết tôi đã nói muốn làm được một loại thơ có tính siêu thực
về ngôn ngữ, về hình ảnh, nhưng lại hướng tới thẩm mỹ, tới đạo lý, tức siêu
thực có định hướng, là “tiếp thu có chọn lọc”. Tôi nghĩ vậy bởi tôi
rất chú ý đến tính phong phú, độc đáo của thơ siêu thực. Chỉ có tăng
cường trí tưởng tượng, thả lỏng ý thức, người ta mới tìm được sự độc đáo, tìm
thấy cái của riêng mình, nếu không, chỉ có sự coppi hiện thực giản
đơn thôi, thường chỉ làm ra được những cái na ná nhau.
Vì thế trong bài viết trước tôi chỉ
nói thơ Trẻ, ngoại trừ vài tác giả, giàu
tính siêu thực thôi chứ không hoàn toàn là thơ siêu thực. Nhưng mấy
câu mà tôi đã trích dẫn có tính siêu thực không, hay chỉ là “ngoa
ngôn”, là nhân cách hóa như tác giả nọ đã phê phán? Như tôi đã nói, sự xác
nhận tính siêu thực là dựa vào tính ngẫu nhiên, tính phi logic, không
có thực của những hình ảnh thơ... Rõ ràng những câu thơ của tôi: Khi gặp em/ Anh thấy cơn khát
của cánh đồng/ Cánh đồng bị rang trên cái chảo mùa hạ/ Móng tay của nắng để lại
những vết xước hình mắt lưới/ Những vết bỏng phồng rộp như bánh đa nướng/ Trên
da thịt đất... không thể có thực được. Bởi khao khát tình yêu chỉ là
một trạng thái tâm lý vô hình. Chỉ bằng tưởng tượng, bằng một giấc mơ
trong khi thức, người ta mới dựng được những tầng hình ảnh như
thế. Cũng như P.Éluard diễn tả ngày tận thế : Với con
mắt của lâu đài hoang tàn, nhìn mùa xuân bằng cái nhìn sau cùng, lại qua
một đường hầm ngăn cách... Vậy, thơ có siêu thực hay không không
phải do ngoa ngôn hay không ngoa ngôn mà do toàn bộ tính chất của nó. Tương
tự, những câu thơ của Nguyễn Quyến cũng siêu thực không phải ở chỗ thao tác
nhân cách hóa mà ở toàn bộ phương pháp sáng tác. Như hai câu: Cây đa dứt hết
chùm râu cổ thụ/ Rồi phục sinh râu bằng tiếng hát của bầy trẻ và hương trầm,
thì chúng siêu thực ở chỗ cây đa không thể phục sinh
râu bằng tiếng hát và hương trầm được, nếu có thì chỉ có thể phục
sinh bằng phân bón và thời tiết tốt thôi! Tương tự như thế, Những
chiếc lá của Nguyễn Bình Phương cũng không thể biếc xanh
bởi giấc ngủ tự tin tràn trề của cây được. Tôi biết, còn nhiều người hiểu siêu
thực tức là những gì hư ảo, ma quái. Không phải, siêu thực là tất
cả, nhưng là một hiện thực trong giấc mơ sáng tạo của người nghệ sĩ, nó có dấu vết, có tính chất của hiện
thực, nhưng không tuân theo cái logic của hiện thực vốn có. Chỉ là thế thôi !
Cuối cùng, rất mong các báo, không mở thì thôi, đã mở ra các cuộc tranh
luận thì nên để người ta được tranh luận cởi mở đến tường tận, mới mong có được
những hiệu quả.
Phú Nhuận
trưa 1 -1998
(Tạp chí Sông Hương, 8 - 1998)