Thứ Ba, 1 tháng 9, 2015

“Những ngày tôi sống đây là ngày đẹp hơn tất cả”

ĐÔNG LA
“Những ngày tôi sống đây là ngày đẹp hơn tất cả” 
Lại một ngày Quốc Khánh nữa đến, đất nước còn ngổn ngang trăm mối, nhưng nếu nhìn sâu, nhìn xa một cách khách quan vào lịch sử, nước Việt Nam mới, sau 70 năm, những ngày hôm nay mà chúng ta đang sống vẫn là những ngày rực rỡ, hạnh phúc nhất. Chế Lan Viên trong bài Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng? cũng từng viết:
Những ngày tôi sống đây là ngày đẹp hơn tất cả
Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn! 
"Con cá mất là con cá to", giả sử vì "đổi mới" mà nước ta rơi vào cảnh loạn lạc như Ucraina, Irắc, Lybi, v.v... những ngày hôm nay thì người ta sẽ "trắng mắt ra" mà tiếc nuối những ngày thanh bình, hạnh phúc hôm nay.
            Nhìn lại thấy lịch sử của cả một đất nước nhiều khi lại phụ thuộc vào một cá nhân, vào một gia đình, rồi phúc họa của cả một dân tộc cũng bắt nguồn từ đó. Như thời Trịnh-Nguyễn phân tranh chính là một thí dụ sống động nhất.
Khởi thủy từ Nguyễn Kim (1468-1545), một danh tướng nhà Lê sơ, là ông tổ của chúa Nguyễnchúa Trịnh, rồi cũng là ông tổ của vua Gia Long, người sáng lập nhà Nguyễn.
Năm 1543, Nguyễn Kim dẫn quân đánh chiếm Tây đô (Thanh Hoá) bắt hoạn quan nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đầu hàng. Nhưng rồi năm 1545, Dương Chấp Nhất đã đầu độc Nguyễn Kim chết. Thời Trịnh-Nguyễn phân tranh bắt đầu từ đó.
Nguyễn Kim có hai con trai đều là tướng giỏi được phong chức Quận công: Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng. Khi Nguyễn Kim chết, con rể là Trịnh Kiểm đã giết em vợ là Nguyễn Uông. Nguyễn Hoàng để bảo toàn mạng sống đã tìm cách tiến về phương Nam, trở thành người mở đầu cho sự nghiệp của các chúa Nguyễn ở miền Nam Việt Nam, đồng thời cuộc nội chiến Trịnh-Nguyễn cũng bất đầu từ đó. Đó là thời kỳ "vua Lê chúa Trịnh" ở Đàng Ngoài và chúa Nguyễn cai trị ở Đàng Trong, mở đầu khi Trịnh Tráng đem quân đánh Nguyễn Phúc Nguyên năm 1627 và kết thúc vào cuối thế kỷ 18 khi nhà Tây Sơn dẹp cả chúa Nguyễn lẫn chúa Trịnh. Cụ thể là năm 1787, tướng Nguyễn Hữu Chỉnh đã đánh dẹp Án Đô vương Trịnh Bồng khi phe cánh lập nên, có tham vọng giành lại quyền thế. Như vậy tính từ năm 1545, khi Nguyễn Kim bị đầu độc chết, đến năm 1787 nhà Trịnh hoàn toàn bị tiêu diệt, thời Trịnh-Nguyễn phân tranh đẩy dân ta vào cảnh nồi da xáo thịt dài đến 242 năm!
Rồi nước ta trải qua triều đại Tây Sơn ngắn ngủi từ 1788 đến 1802, đến Nhà Nguyễn từ năm 1802 đến 1945. Nhưng Nhà nguyễn lại có thời kỳ Pháp thuộc 58 năm (1887 - 1945). Thực chất từ năm 1887, khi Pháp lập Liên bang Đông Dương, nước ta khi Vua Hàm Nghi, rồi Vua Duy Tân bị Pháp bắt đi đầy, tên nước cũng bị xóa thì dân ta đã thực sự mất nước. Chế độ mà Pháp dựng lên sau đó để thực hiện sự đô hộ chỉ là bù nhìn mà thôi.
      Khi Pháp xâm lược, những cuộc kháng chiến của quân dân nhà Nguyễn đã nổ ra đều bị thất bại, đến Vua cũng bị Pháp bắt đi đầy, chỉ đến Cách mạng tháng 8-1945 rồi tiếp đó, 2-9-1945, khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh  nước Việt Nam mới, nước ta mới lại có chính thể.
Khi Pháp quay lại, chính quân đội của nhà nước mới ấy đã với cách đánh du kích, cướp súng của địch đánh địch. Rồi chính ông KS Trần Đại Nghĩa đã chế tạo được súng badôca, bắn cháy được xe tăng; rồi SKZ, có thể đánh phá tan tành các lô cốt địch có tường bê tông cốt thép dày hơn 1 mét, làm kinh hồn bạt vía quân Pháp. Từ vị thế của một nhà nước chống thực dân đó chúng ta mới nhận được viện trợ của các nước, đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động Địa Cầu”; rồi đến chiến thắng trận Điện Biên Phủ trên không trên bầu trời Hà Nội cuối 1972, trận chiến đánh bại hoàn toàn tham vọng và danh dự của Mỹ đối với việc gây chiến tại Việt Nam. Bởi đó là một trận chiến không chỉ đối đầu sắt thép, đối đầu tinh thần mà cả đối đầu về trí tuệ, bởi là “một cuộc chiến điện tử”.
          Như vậy, từ năm 1945 với 2 triệu người chết đói, từ một nước không có vị thế gì trên trường quốc tế, đã trở thành một nước VN ngày nay; dù còn nhiều yếu kém, vẫn có thể hiên ngang sánh vai với tất cả các nước trên thế giới, kể cả Pháp và Mỹ.
          Ngược lại, với cái nhìn thiển cận, như trên mạng hiện đang lan truyền câu nói “Việt Nam là nước không chịu phát triển”. Với cái nhìn cục bộ thì nhiều chuyện đúng như thế. Nhưng đối chiếu với thực tế lại không phải vậy, theo thống kê của Anh Quân trong một bài viết:
“Năm 2014 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Việt Nam đạt 186,20 tỷ USD (gấp 3,2 lần so với GDP năm 2006); từ năm 1985 đến năm 2014, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của Việt Nam đạt 6.3%; trong bảng xếp hạng Sức mua tương đương (PPP) Việt Nam xếp sau Ấn Độ. Như ý kiến của nhà báo E.Phin-le-tơn (E.Fingleton) thì đó là sự phát triển ngoài kỳ vọng. Trong bài báo Cán cân tương lai của Việt Nam: tương đồng với Trung Quốc hay Ấn Độ? (Weighing Vietnam’s future: China-style over-achiever or India-style over promiser?) trên forbes.com ngày 30-5-2015, ông viết: “Các số liệu thống kê về tình hình kinh tế Việt Nam cho thấy nước này đã gia tăng giá trị xuất khẩu của họ gấp 150 lần so với cuối những năm 80 của thế kỷ trước. Rõ ràng nó vượt trội hơn Ấn Độ (tăng 30 lần) hay Trung Quốc (39 lần). Dĩ nhiên, Việt Nam có xuất phát điểm thấp hơn so với hai quốc gia trên. Dẫu vậy, con số này cũng vô cùng ấn tượng. Các số liệu về sức mua tương đương trên đầu người (PPP) của Việt Nam cũng đáng chú ý. Số liệu mới nhất cho thấy PPP của Việt Nam là 5.600 USD, nghĩa là bám đuổi gần kịp Ấn Độ với 5.800 USD… Khi so sánh PPP của Việt Nam trong những năm 80 chỉ đạt dưới 200 USD, Ấn Độ là 290 USD và Trung Quốc là 320 USD, sẽ thấy sự khác biệt lớn. Việt Nam đã thu hẹp khoảng cách với Ấn Độ khi PPP nước này tăng hơn 28 lần (Ấn Độ là 26). Dù chưa thể đứng ngang với Ấn Độ, Trung Quốc, nhưng Việt Nam đang cho thấy họ có triển vọng để thoát khỏi diện những quốc gia thuộc thế giới thứ ba”; “Trong khoa học, kỹ thuật và công nghệ cũng vậy. Đây là lĩnh vực Việt Nam còn tụt hậu so với thế giới, nhưng thật khó chấp nhận các ý kiến tiêu cực, phản ánh không đúng sự thật như: “nghịch lý kỹ sư đông, Việt Nam không làm nổi ốc vít”. Viết như thế, chẳng lẽ người ta không cần biết Việt Nam sản xuất thành công chip 24 bit đầu tiên (trước đó là chip SG8V1 được ứng dụng nhiều trong chế tạo máy điều hòa, máy đo huyết áp, điện kế điện tử, thiết bị giám sát hành trình)? (http://www.nhandan.com.vn/)
Đặc biệt ở trong nước các kỹ sư trẻ của VN cũng đã chế tạo và phóng thành công vệ tinhPico Dragon (rồng nhỏ) lên quỹ đạo.
Và không gì sống động bằng “nhìn thực, ảnh thực”. Thủ đô Hà Nội trong tiềm thức luôn là 36 phố phường thấp bé, ngắn ngủi, rêu phong, ai có thể ngờ nhà, đường giao thông ở dưới đây cũng chính là Hà Nội:


          Hình dưới đây thật thú vị, nó chụp được sự tương phản hình ảnh Sài Gòn cả xưa và nay:

            Hình ảnh các cây cầu cũng là những chứng cớ sống động về sự đổi thay trên đất nước chúng ta. Cầu Thị Nại là cây cầu vượt biển dài nhất VN:

          Và Cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu tại thời điểm hoàn thành vào tháng 4/2010 là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất khu vực Đông Nam Á:
          1-9-2015
          ĐÔNG LA